2017 Đề nguồn DHBB K11 văn 11 tỉnh Bắc Ninh Đề thi duyên hải 2016- 2017

SỞ GD&ĐT BẮC NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH

 

(Đề thi đề xuất)

 

 

ĐỀ THI OLYMPIC KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2016 – 2017

Môn: Ngữ văn – lớp 11

(Thời gian: 180 phút – không kể thời gian giao đề)

Câu 1( NLXH- 8 điểm)

Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa đẹp đẽ.

Suy nghĩ của anh/chị gợi lên từ hiện tượng trên.

 

Nhắc nhở:

  • Viết bài văn nghị luận xã hội khoảng 800 chữ.
  • Có thể đặt tên cho bài viết nhưng không bắt buộc.
  • Viết rõ ràng! bất cứ sự tẩy xoá nào cũng cần sạch sẽ.
  • Khuyến khích sáng tạo trong cảm nhận – suy ngẫm và thể thức làm bài.

Câu 2 (NLVH- 12 điểm):

Hình tượng “ Nước mắt” trong các sáng tác của nhà văn Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám.

——————- Hết —————-

(Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

Họ và tên thí sinh……………………………………………..Số báo danh……………………………

Ngô Phương Nga: 0984.821.521

SỞ GD&ĐT BẮC NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH

 

(Đề thi đề xuất)

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI OLYMPIC KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2016 – 2017

Môn: Ngữ văn – lớp 11

 

 

Câu 1 – NLXH (8 điểm):

I.Về kĩ năng.

– Thí sinh cần viết một bài văn NLXH hoàn chỉnh, có bố cục rõ ràng, trình bày ngắn gọn, lập luận sắc sảo, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác nghị luận cơ bản.

–  Diễn đạt trong sáng giàu hình ảnh, giàu cảm xúc. Khuyến khích sự sáng tạo trong cách viết, biết đặt nhan đề ấn tượng, biết xoáy ý đậm nhạt, biết lựa chọn dẫn chứng thuyết phục, có cảm nhận suy ngẫm riêng.

  1. II. Về kiến thức.

Thí sinh có thể đưa ra nhiều ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần hợp lí, chặt chẽ và có sức thuyết phục.

  1. Phân tích hiện tượng:

– Hình ảnh “vùng sỏi đá khô cằn”: gợi liên tưởng, suy nghĩ về môi trường sống khắc nghiệt, đầy gian khó. Nói cách khác, đó là nơi sự sống khó sinh sôi, phát triển.
– Hình ảnh “cây hoa dại”: Loại cây yếu ớt, nhỏ bé, cũng là loại cây bình thường, vô danh, ít người chú ý.
– Hình ảnh “cây hoa dại vẫn mọc lên và nở hoa”: Cây hoa dại sống giữa tự nhiên lặng lẽ mà kiên cường. Nó thích nghi với hoàn cảnh, vượt lên điều kiện khắc nghiệt để sống và nở hoa. Những bông hoa là thành quả đẹp đẽ, kết tinh từ sự chắt chiu, thể hiện sức sống mãnh liệt.
–  Câu nói mượn hiện tượng thiên nhiên mà gợi ra suy nghĩ về thái độ sống của con người. Cho dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu, sự sống vẫn hiện hữu, cái đẹp vẫn tồn tại. Con người phải có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
2. Bàn luận về hiện tượng:

*  Hiện tượng tự nhiên:  “Giữa một vùng đất  khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ.” 
Hiện tượng trên, ta có thể tìm thấy ở nhiều nơi trong thế giới tự nhiên quanh mình. Cây cối, cỏ hoa xung quanh ta luôn ẩn chứa một sức sống mạnh mẽ, bền bĩ. Chúng sẵn sàng thích nghi với mọi điều kiện sống khắc nghiệt:
Nơi sa mạc nóng bỏng, cây xương rồng vẫn mọc lên, vẫn nở hoa, những bông hoa nép mình dưới xù xì gai nhọn.
Ở cánh đồng băng Nam Cực, các nhà khoa học sững sờ khi phát hiện dưới lớp băng dày vẫn có những đám địa y.
* Bài học cuộc đời:  Câu nói miêu tả một hiện tượng thiên nhiên mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, gợi ra nhiều suy tưởng đẹp. Đó là biểu tượng của nghị lực và ý chí vươn lên của con người trong những hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt. Đây là một bài học quý báu, bổ ích về thái độ sống của con người xuất phát từ hiện tượng tự nhiên.

Bài học1 : Những thử thách, những khó khăn của thực tế đời sống luôn đặt ra đối với mỗi con người 
Cuộc sống không bao giờ bằng phẳng, luôn chứa đựng những bất ngờ, biến cố ngoài ý muốn. Vì vậy, quan trọng là cách nhìn, thái độ sống của con người trước thực tế đó.  Trước khó khăn có người đầu hàng hoàn cảnh, buông xuôi phó thác cho số phận, có những người vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên.
Bài học 2: Nghị lực và sức sống của con người mang đến  những điều kì diệu cho cuộc sống
– Nhiều khi sự gian khổ, khắc nghiệt của hoàn cảnh lại chính là môi trường để tôi luyện, thử  thách giúp con người vững vàng hơn trong cuộc sống. Chính trong thách thức của hiện thực cuộc sống, nghị lực và sức sống của con người càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.  Nhiều người chấp nhận đương đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt để sống và vươn lên, thể hiện những ước mơ cao đẹp. Hãy chủ động đối mặt, giữ vững ý chí nghị lực, niềm tin để vươn lên trên mọi khó khăn thử thách, sẽ đem lại thành công trong cuộc sống. Cũng như cây hoa dại kia rễ của nó đã đâm sâu dưới đất sỏi đá khô cằn nhằm tìm nguồn nước dẫu ít ỏi để tiếp tục tồn tại mà nở những chùm hoa đẹp.

– Những bông hoa thật đẹp nở trên sỏi đá là kết quả của những cố gắng phi thường, sự nỗ lực vươn lên không mệt mỏi. Chính vì vậy vẻ đẹp dâng tặng cho cuộc đời lại càng có ý nghĩa hơn, càng rực rỡ hơn
Bài học 3.   Thành công không thể đến với những người thối chí, nản lòng mất niềm tin, không biết tận dụng cơ hội trong cuộc sống.

– Phê phán những kẻ sống trong môi trường, điều kiện sống thuận lợi,  nhưng không  biết tận dụng nó để phát triển tối đa năng lực của mình, đóng góp cho cuộc sống.

– Phê phán những người gặp được khó khan sống chán nản, buông xuôi và dẫn tới thất bại.
4.  Liên hệ nhận thức, hành động của bản thân:
– Con người thật bất hạnh khi gặp phải hoàn cảnh trớ trêu trong cuộc sống, nhưng sẽ bất hạnh hơn nếu như chúng ta thôi không cố gắng.
– Để có thể vượt lên khó khăn mà có những đóng góp, cống hiến trong cuộc sống, con người cần có nghị lực, ý chí, năng lực. Song cũng rất cần sự động viên, khích lệ, tình yêu và niềm tin của những người thân và cả cộng đồng.
–  Cộng đồng nên có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về những đóng góp của những người ở hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời nên có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để họ nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống

III. Biểu điểm.

– Điểm 7-8: Sáng tạo trong cách trình bày, có suy nghĩ cảm nhận riêng, lập luận sắc sảo thuyết phục, diễn đạt giàu chất trí tuệ, chất văn.

– Điểm 5-6: Nêu được những ý cơ bản nhưng lập luận (luận và bác) chưa thuyết phục, trình bày  ngắn gọn, mạch lạc rõ ràng.

– Điểm 3-4: Bài viết nêu được những ý cơ bản nhưng bố cục không khoa học, dẫn chứng chưa phong phú, còn mắc lỗi trong diễn đạt.

– Điểm 1-2: ý nghèo nàn, bố cục rối, hầu như không có dẫn chứng, diễn đạt tối ý quẩn quanh.

Câu 2( NLVH- 12 điểm):

  1. Yêu cầu chung

  – Có kĩ năng làm một bài văn nghị luận văn học. Bố cục bài chặt chẽ, văn giàu cảm xúc.

– Có kiến thức, hiểu biết về tác giả Nam Cao và các tác phẩm của ông trước Cách mạng tháng Tám để trình bày những cảm nhận của mình về hình tượng “nước mắt” của các nhân vật – thể hiện bi kịch của các nhân vật và tấm lòng, tư tưởng của nhà văn Nam Cao.

II.Yêu cầu cụ thể

  1. Giới thiệu khái quát về Nam Cao.
  2. Hình ảnh nước mắt trở đi trở lại nhiều lần – trở thành một hình tượng nghệ thuật ám ảnh trong nhiều tác phẩm của Nam Cao.

– Quan điểm của Nam Cao: “ Nước mắt là giọt châu của loài người”( nhân vật Thứ- Sống mòn)

Lời đề từ truyện “Nước mắt” của Nam Cao “ Con người ta chỉ xấu xa hư hỏng dưới con mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ”, và “nước mắt là tấm kính biến hình của vũ trụ” ( F. G)

– Các nhân vật của Nam Cao thuộc về “phe nước mắt”. Nước mắt trở thành một biểu tượng với hai nét nghĩa chính: hiện thân cho nỗi khổ và hiện thân cho tính người – tình người.

– Nam Cao miêu tả những giọt nước mắt của các nhân vật với nhiều ý nghĩa biểu hiện: tình thương, sự cảm động, nỗi ân hận hay sự đau đớn, xót xa và tủi hờn uất nghẹn …Qua con mắt của những giọt nước mắt, ta thấy được tư tưởng, quan niệm, phong cách nghệ thuật của nhà văn lớn Nam Cao.

  1. Phân tích những giọt nước mắt của các nhân vật :

  – Lão Hạc:  Lão khóc khi kể lại việc bán “cậu Vàng”” đôi mắt lão ầng ậng nước”, “ những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão như con nít. Lão hu hu khóc” : “ Tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn lừa một con chó”. Đó là giọt nước mắt ân hận, đau đớn của người đã vì tình thương (với đứa con) mà phản bội tình thương (với con chó). Lão  khóc như một đứa trẻ – giọt nước mắt thể hiện một tính người thuần khiết.  Khi không giữ được tình thương, lão tự thấy mình không còn tư cách sống nữa, lão đã kết thúc đời mình bằng cách kết thúc dành cho một con chó. Nước mắt là nhân cách trọn vẹn, trong sáng thuần khiết của lão Hạc.

  – Chí Phèo:

Khi mới ra tù “ đôi mắt gườm gườm”- ráo hoảnh, chỉ còn hận thù, không còn yêu thương, không còn tình người, không còn tính người.

Giọt nước mắt Chí Phèo, dấu hiệu của tính người, tình người thức tỉnh:

   + “Hắn thấy mắt hình như ươn ướt” khi được ăn bát cháo của Thị Nở. Đó là những giọt nước mắt cảm động vì hắn cảm nhận được tình người: lần đầu tiên hắn được một người đàn bà quan tâm, được chăm sóc ân cần. Tình người đã cứu vớt tính người.

+“Hắn ôm mặt khóc rưng rức” khi bị Thị Nở từ chối. Đó là những giọt nước mắt đau đớn, xót xa, tủi hờn, uất hận vì bị cự tuyệt quyền làm người.

  • Hộ:

Ban đầu, Hộ thuộc “ phe nước mắt”, sau thuộc phe “ ráo hoảnh”- đôi mắt “ vằn lên” sau những lần uống rượu.

Sự ân hận, sự thức tỉnh của Hộ: trong nước mắt và bằng nước mắt:

   + Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên , mặt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phía , vừa đi vừa nuốt nghẹn”: biểu hiện của tâm trạng bức bối, khổ sở vì bất lực trước hoàn cảnh .

+ “Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh ma người ta bóp mạnh.”, “Chao ôi ! Hắn khóc ! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc”: đó là những giọt nước mắt ân hận, xót xa. Nước mắt đã thanh lọc tâm hồn, nâng cao nhân cách của Hộ, giữ anh lại trước vực thẳm sa ngã, bảo vệ lẽ sống tình thương.

  1. Đánh giá

– Nghệ thuật miêu tả “nước mắt”, miêu tả tâm lí của Nam Cao góp phần khắc hoạ tâm trạng nhân vật.  Nước mắt đã phản ánh bi kịch tinh thần đau đớn của các nhân vật bị rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn, bế tắc, không lối thoát trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Tuy vậy, nước mắt còn là sự thể hiện của khát vọng vươn lên trong lẽ sống nhân đạo.

– Miêu tả nước mắt của các nhân vật, Nam Cao thể hiện tấm lòng cảm thông, yêu thương, tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người, kể cả những con người đã bị tha hoá. Đây chính là giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao.

– Nam Cao cầm bút để giữ gìn sự trong trẻo cho những giọt nước mắt của con người, đấu tranh cho tình người, tính người đang bị các thế lực thống trị( cường quyền, bạo lực, môi trường sống) chà đạp, làm cho con người xứng đáng với con người. Tư tưởng này được thể hiện bằng một giọng điệu riêng đó là giọng của nước mắt đã ráo khô- bề ngoài thì lạnh lùng, bên trong đau xót. “Nước mắt” là một phương diện làm nên gương mặt nghệ thuật của Nam Cao.

III. Biểu điểm:

– Điểm 11-12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, tỏ ra có kiến thức vững vàng, cảm nhận sâu sắc, dẫn chứng phong phú, bố cục chặt chẽ, văn giàu cảm xúc, diễn đạt tốt.

– Điểm 9-10: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu nêu trên, kiến thức về tác phẩm vững vàng, có cảm nhận khá sâu sắc, bố cục chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, mắc vài lỗi diễn đạt không đáng kể.

– Điểm 7-8: Hiểu vấn đề, biết bàn luận đúng trọng tâm nhưng ý chưa thật sâu sắc; bố cục bài hợp lí, diễn đạt ý mạch lạc, còn một số sai sót về dùng từ, chính tả …

– Điểm 5-6: Hiểu bài nhưng lúng túng trong việc triển khai luận điểm, bố cục chưa chặt chẽ, diễn đạt có chỗ chưa trong sáng.

– Điểm 3-4: ý nghèo nàn không đúng trọng tâm; diễn đạt lủng củng, không trong sáng.

–  Điểm 1-2: Bài làm lan man, lệch đề.

– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc bỏ giấy trắng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *