2017 Đề nguồn DHBB K11 Đề đề xuất DH 2017 – Ngữ văn 11 tỉnh Thái Nguyên

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

 

 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

LẦN THỨ X – 2017

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề này có 02 câu; gồm 01 trang)

 

Câu 1 (8 điểm):

Suy ngẫm của anh/chị về lời nhắn nhủ của nhà thơ, nhà giáo Bùi Nguyễn Trường Kiên trong đoạn thơ sau:

Hãy hân hoan trước điều nhân nghĩa

Đừng lạnh lùng trước chuyện bất nhân

Và hãy tin vào điều có thật:

Con người – sống để yêu thương.

(Gửi con)

Câu 2 (12 điểm):

Trong cuốn “Sổ tay viết văn”, nhà văn Tô Hoài tâm sự: “… Tôi cho rằng ngay trong văn xuôi, cần phải đượm hồn thơ, có như thế văn xuôi mới trong sáng cất cao”.

Anh/chị có suy nghĩ gì về quan niệm trên của nhà văn Tô Hoài? Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua một số tác phẩm văn xuôi được học trong chương trình Ngữ văn lớp 11.

 

————————hết—————————-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

LẦN THỨ X – 2017

Thời gian làm bài: 180 phút

(HDC gồm 03 trang)

HƯỚNG DẪN CHẤM

I/ YÊU CẦU CHUNG

– Học sinh nắm được đặc trưng của kiểu bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học. bài viết không mắc lỗi cơ bản về diễn đạt như chính tả, dung từ, đặt câu.

– HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đạt được kiến thức cơ bản

II/ YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (8 điểm)

  1. Giải thích (2.0đ)

Hân hoanlạnh lùng trong đoạn thơ là những từ chỉ trạng thái tâm lí đối lập. Hân hoan: thái độ vui mừng, hạnh phúc, niềm xúc động; lạnh lùng: sự dửng dưng, vô cảm, “sự im lặng đáng sợ”  của con người.

Điều nhân nghĩa: những điều hợp đạo lí, hợp lẽ phải; những việc thiện, những việc mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc hay mang lại lợi ích cho con người, cho cộng đồng, xã hội. Chuyện bất nhân: cái ác, cái xấu, những chuyện bất công vô lí diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

=> Người cha khẩn thiết và dịu dàng khuyên con: Cần có thái độ yêu – ghét rõ ràng, dứt khoát trước những việc xấu – tốt, thiện – ác ở đời để đừng trở thành những con người sống lãnh đạm, dửng dưng, vô tâm, vô cảm,… trong cuộc sống. Hơn hết, ông muốn con suốt đời ghi nhớ, giữ vững niềm tin và thực hành lẽ sống cao đẹp vĩnh hằng của con người: mỗi chúng ta sống trên đời này là để trao và nhận yêu thương.

  1. Bình luận (4.5đ)

– Cuộc sống đa dạng, lòng người phức tạp, luôn tồn tại hai mặt tốt – xấu, thiện – ác, công bằng – bất công, cái hợp lí – cái phi lí,…

– Thái độ lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm, sự im lặng hèn nhát của con người trước những chuyên bất nhân sẽ tạo cơ hội để cái ác sinh sôi nảy nở, phát triển và hủy hoại xã hội (dẫn chứng, khuyến khích dẫn chứng mang tính thời sự).

– Sự cổ vũ, khích lệ, niềm hân hoan, sự hưởng ứng tích cực của mỗi người trước những nghĩa cử cao đẹp, những “điều nhân nghĩa” mà ta bắt gặp trong cuộc sống sẽ góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp, đẩy lùi cái ác, cái xấu. (dẫn chứng)

– Khi mỗi người đều thấm nhuần chân lí “người với người sống để yêu thương” thì cuộc sống sẽ tốt đẹp. Không còn chiến tranh, thù hận, ghen ghét, đố kị, giả dối, lừa lọc,… Những vấn đề nhức nhối trong XH ta hiện nay sẽ được giải quyết: hàng giả, thực phẩm bẩn, bạo lực,…

  1. Bài học nhận thức và hành động (1.5đ)

– Tăng cường giáo dục, nêu gương, củng cố luật pháp,…

– Hành động của bản thân?

 

Câu 2 (12 điểm)

1/ Giải thích nhận định (2.0 đ)

Văn xuôi: “tổ chức ngôn ngữ như lời nói thường, như một dòng ngôn từ tuôn chảy không ngừng, không bị ràng buộc bởi quy luật số lượng hay vần điệu, nhịp điệu.” (Lại Nguyên Ân)

Khái niệm văn xuôi ở đây chủ yếu chỉ tác phẩm tự sự, thể loại văn học đi sâu phản ánh đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó, qua hệ thống các sự kiện, biến cố, với các tình tiết, chi tiết, các nhân vật cụ thể sống trong không gian và thời gian nhất định.

– Thơ là thể loại trữ tình, phản ánh trực tiếp thế giới nội tâm con người bằng thứ ngôn ngữ tinh luyện và giàu cảm xúc. Cuộc sống được phản ánh trong thơ luôn được lắng lọc qua tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình, trong mỗi liên hệ với chủ thể trữ tình, bởi vậy nó in đậm dấu ấn chủ quan.

Nếu như hiện thực và ngôn từ văn xuôi phong phú, bề bộn và gai góc thì trong thơ, tất cả phải được tinh lọc, phải được tinh luyện. Thơ cũng là nghệ thuật kì diệu của trí tưởng tượng. Tình cảm và trí tưởng tượng trong thơ luôn gắn với cái đẹp. Cùng một đối tượng phản ánh, nếu nhà văn quan tâm đến tính sự kiện, nhà viết kịch quan tâm đến xung đột và hành động của các tính cách thì nhà thơ chủ yếu quan tâm đến vẻ đẹp của đối tượng.

Hồn thơ hay chất thơ là những yếu tố gần gũi với thơ được thể hiện trong văn xuôi, nó được tạo nên từ tổng hợp nhiều yếu tố như cảm xúc, trí tưởng tượng, nguyên liệu đời sống, tâm hồn con người, ngôn từ nghệ thuật,.. Song nói chung, chất thơ thường gắn liền với cái đẹp. Nó có thể là vẻ đẹp lãng mạn bay bổng toát lên từ đời sống hiện thực được phản ánh trong tác phẩm, từ bức tranh thiên nhiên, vẻ đẹp của ước mơ lí tưởng cao cả, vẻ đẹp trong thế giới tình cảm, cảm xúc của con người, vẻ đẹp nhân văn của những  thông điệp nghệ thuật rút ra từ tác phẩm,… tất cả được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu. Những yếu tố ấy hòa quyện vào nhau không tách rời.

– Nhà văn Tô Hoài quan niệm: “…ngay trong văn xuôi, cần phải đượm hồn thơ, có như thế văn xuôi mới trong sáng cất cao”. Thơ không đối lập mà là phẩm chất cần có trong các sáng tác văn xuôi tự sự. Tác phẩm viết về hiện thực tăm tối khổ đau hay cảnh đời tươi sáng thì cũng đều cần làm hiện lên trong đó lấp lánh vẻ đẹp – vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp trong hồn người, vẻ đẹp của trí tưởng tượng bay bổng lãng mạn, vẻ đẹp ngôn từ,… Có như thế, văn xuôi mới “bỏ được những cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề và khung cảnh đi” (Tô Hoài), tác phẩm mới có thể làm say lòng người bởi vẻ đẹp nghệ thuật và những thông điệp giàu giá trị thẩm mĩ, giá trị nhân văn.  

2/ Bàn luận (2.0 đ)

– Chất thơ là phẩm chất đặc biệt cần có ở văn xuôi bởi văn học phản ánh cuộc sống theo quy luật của cái đẹp.

– Chức năng bao trùm của văn học chính là chức năng thẩm mĩ. Mọi sự nhận thức, giáo dục,… mà văn học mang lại đều chỉ thực sự hiệu quả  trên cơ sở chức năng  thẩm mĩ – sự rung cảm trước cái đẹp. Văn học mang đến cho con người sự hưởng thụ cái đẹp qua việc khám phá, phát hiện, miêu tả và tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp của con người. Văn học còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ, mang lại những khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc bằng việc xây dựng hình tượng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn, bằng trí tưởng tượng sáng tạo và vẻ đẹp của ngôn từ. Người nghệ sĩ tài ba luôn phải là người tìm thấy vẻ đẹp của đời sống, chất thơ của đời sống ngay cả khi phản ánh hiện thực xấu xa, hiện thực tưởng như không có gì là đẹp!

  1. Chứng minh (6.0đ)

HS chọn tác phẩm mình tâm đắc để phân tích làm cơ sở cho lập luận. Ở mỗi tác phẩm cần chỉ ra:

– Chất thơ/ hồn thơ trong tác phẩm: vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, vẻ đẹp trong tâm hồn nhân vật, vẻ đẹp của những thông điệp giàu giá trị nhân văn, vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật,…

– Giá trị của tác phẩm

  1. Bình luận (2.0 đ)

– Bài học sáng tạo: Chất thơ trong tác phẩm văn học nói chung hình thành bởi vẻ đẹp trong tâm hồn nhà văn (ước mơ, lí tưởng, tình yêu cuộc sống), tài năng của nhà văn trong việc quan sát và miêu tả cuộc sống,…

– Bài học tiếp nhận: Bồi dưỡng tâm hồn, trau dồi kĩ năng cảm thụ văn học để có thể cảm nhận được chất thơ tinh tế trong tác phẩm nghệ thuật

 

NGƯỜI RA ĐỀ

 

 

 

Lê Thị Mai Ngân  ĐT: 0982348344

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *