2017 Đề nguồn DHBB K11 văn 11 Nguyễn Trãi Hả Dương

TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN TRÃI – HẢI DƯƠNG

ĐỀ ĐỀ XUẤT KỲ THI DUYÊN HẢI LẦN THỨ VIII – VĂN 11

Câu 1 (8 điểm):

Khi được hỏi “Hạnh phúc của anh là gì?”, giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ:

“Hạnh phúc nhất đối với tôi là cảm giác còn đang sống. Trong cái sống đó có cả cái ngọt ngào và đắng cay. Mình phải biết là ngay cả cái đắng cay đó cũng nằm trong hạnh phúc. Vì đó là cuộc sống.”

(Theo Tiền Phong ngày 17. 2. 2015)

Suy nghĩ của anh / chị về lời chia sẻ của giáo sư Ngô Bảo Châu?

Câu 2 (12 điểm):

Có ý kiến cho rằng: “Nghệ thuật như một dàn nhạc giao hưởng mà trong đó mỗi nhà văn chơi một nhạc cụ riêng, rung lên một âm thanh riêng để tạo thành bản nhạc”.

Lại có ý kiến cho rằng: “Mỗi tác phẩm mà nghệ sĩ tạo nên giống như một âm thanh riêng, khi đặt bên nhau sẽ thành bản nhạc in đậm dấu ấn riêng của nghệ sĩ”.

Anh / chị hiểu thế nào về những ý kiến trên? Bằng kiến thức văn học của mình, hãy làm sáng tỏ vấn đề được đặt ra trong đó.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1:

  1. Cắt nghĩa (2,25 điểm):

– “Hạnh phúc nhất với tôi là cảm  giác còn đang sống” (0,75 điểm):

+ Hạnh phúc: trạng thái vui vẻ, thỏa mãn về tinh thần khi được đáp ứng một nhu cầu nào đó.

+ Cảm giác còn đang sống: ý thức được, cảm nhận được về sự sống của bản thân – sự sống đang diễn ra, đang tiếp nối.

— > Sống, được sống, được cảm nhận về sự sống của chính mình là hạnh phúc.

– “Trong cái sống đó có cả cái ngọt ngào và đắng cay” (0,75 điểm):

+ Ngọt ngào: cảm giác khi đạt được điều mong muốn (thành công trong sự nghiệp, hòa hợp trong một mối quan hệ, sự quan tâm của mọi người, tình cảm của mình được đón nhận, điều lãng mạn của cuộc sống…)

+ Đắng cay: cảm giac skhi không đạt được điều mong muốn.

— > Thái độ bình thản đối mặt với mọi thăng trầm của cuộc sống.

Quan niệm: Sống là phải chấp nhận đối mặt với tất cả; Cuộc sống có vui buồn đắng ngọt là điều bình thường, hãy chấp nhận nó như nó vốn có.

– “Cái đắng cay cũng nằm trong hạnh phúc. Vì đó là cuộc sống” (0,75 điểm): Đắng cay cũng là một phần của cuộc sống, trải nghiệm đắng cay cũng là một trải nghiệm làm mình hiểu hơn về cuộc sống này, là trải nghiệm cho mình cảm giác mình đang sống.

— > Nhìn cuộc sống như nó vốn có chứ không đặt ra một kì vọng, không đòi hỏi một sự hoàn hảo, viên mãn – thái độ sống rất văn minh của một người đầy hiểu biết.

  1. Lý giải (4,5 điểm):
  2. Vì sao sống chính là niềm hạnh phúc? (1,5 điểm)

– Sống – có cơ hội được đón nhận món quà từ cuộc sống – cơ hội tìm kiếm những giá trị, khẳng định bản thân, cơ hội đón nhận những tình cảm của người thân, bạn bè, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, đón nhận những sự kiện bất ngờ, thú vị…

– Sống – được trải nghiệm những cảm giác rất phong phú của đời sống, làm đầy tâm hồn và mài sắc trí tuệ của bản thân.

– Sống – có cơ hội được thể hiện tình cảm, thực hiện bổn phận, trách nhiệm với những gì mà ta yêu quý.

  1. Vì sao sống là phải chấp nhận cả ngọt ngào và đắng cay? (1,5 điểm)

– Cuộc sống luôn vận động, luôn đem đến những điều bất ngờ, điều mong đợi cũng như điều nằm ngoài mong đợi của con người.

– Thế giới con người vốn rất phức tạp – có cả những mối quan hệ tốt đẹp nhưng cũng có vô số những rắc rối có thể nảy sinh, những rắc rối vượt quá khả năng giải quyết của con người.

– Bản thân mỗi người có đời sống riêng độc lập nhưng cũng không thể tách biệt hoàn toàn khỏi những mối quan hệ phức tạp của đời sống, không thể đứng ngoài những vận động của cuộc sống.

  1. Làm thế nào để có thể coi đắng cay cũng là một phần của hạnh phúc? (1,5 điểm)

– Hiểu cuộc sống vốn là như thế: có tốt – xấu, có may mắn – rủi ro, khi ngọt ngào khi cay đắng… để từ đó không kì vọng, ảo tưởng mà nhìn và đón nhận cuộc sống như nó vốn có.

– Có bản lĩnh để bình thản đối mặt, sẵn sàng đón nhận.

– Có tình yêu cuộc sống (như nó vốn có) để thấy mọi cảm giác mà cuộc sống mang lại đều làm giàu lên kho vốn của những trải nghiệm, khiến ta trưởng thành hơn.

  1. Bàn luận đánh giá (1,25 điểm):

– Một quan niệm sống rất tiến bộ, nhân văn xuất phát từ sự hiểu biết và cái nhìn sâu sắc về giá trị của sự sống.

– Một gợi mở về cách sống, thái độ sống. Tuy nhiên, để học theo không dễ, vì nó cần một trình độ sống rất cao.

– Mỗi người, tùy theo nhu cầu, nhận thức và bổn phận mà có thể có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Tuy nhiên, khi có thể chấp nhận cả được và mất, vui và đau, chúng ta có thể sống bình thản và thanh thản hơn, cuộc sống vì thế cũng ý nghĩa hơn.

Câu 2:                                      

  1. “Nghệ thuật như một dàn nhạc giao hưởng mà trong đó mỗi nhà văn chơi một nhạc cụ riêng, rung lên một âm thanh riêng để tạo thành bản nhạc” (3,25 điểm).
  2. Là gì (0,75 điểm)?

Tác giả ý kiến đã sử dụng cách nói đầy hình ảnh để bộc lộ suy nghĩ về mối quan hệ giữa các nhà văn cùng thời, về sự góp mặt của các nhà văn để tạo nên nền nghệ thuật.

– Dàn nhạc giao hưởng: một tập thể nghệ sĩ mà mỗi người trong số đó có khả năng riêng, tiếng nói riêng song lại gắn bó, thống nhất với nhau bởi người chỉ huy dàn nhạc đó.

– Nhạc cụ: phương tiện chứa chở tiếng nói nghệ thuật của người nghệ sĩ, có khả năng tạo ra một loại âm thanh riêng, tiếng nói riêng biệt, độc đáo của mỗi nghệ sĩ.

– Bản nhạc: sự hòa âm của các âm thanh để tạo thành một giai điệu hoàn chỉnh, trọn vẹn, biểu đạt được một nội dung cảm xúc, một ý tưởng, một thông điệp tinh thần nào đó.

Một nền nghệ thuật là sự tập hợp của những cá nhân nghệ sĩ có tiếng nói riêng song cùng hướng tới một mối quan tâm chung để tạo thành âm hưởng chung của thời đại.

  1. Vì sao (2,5 điểm)?

– Cái riêng của mỗi nghệ sĩ (1,25 điểm):

+ Là dấu ấn, phong cách cá nhân của người nghệ sĩ ấy, thẻ hiện qua những sáng tạo nghệ thuật mà nghệ sĩ ấy tạo nên bằng tài năng, tâm huyết của chính mình. Cái riêng ấy có thể là mối quan tâm, những phát hiện độc đáo: Nam Cao quan tâm tới đời sống và khát vọng của những trí thức tiểu tư sản nghèo, những con người mang khát vọng, lý tưởng sống thanh cao đẹp đẽ nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất. Nguyễn Tuân quan tâm đến cốt cách và nhu cầu tinh thần của lớp trí thức “một thời vang bóng” tài hoa tài tử, ngông nghênh kiêu bạc… Cái riêng ấy có thể là ngôn ngữ, giọng điệu: Xuân Diệu táo bạo, mới lạ khi nhập làng Thơ Mới bằng “y phục tối tân” – lối diễn đạt rất Tây, cách dùng từ rất mới mẻ, độc đáo (dẫn chứng), giọng thơ sôi nổi, cuồng nhiệt và vồ vập (dẫn chứng); Huy Cận mang vào Thơ Mới cả một “mùa cổ điển” khi khơi dậy “cái hồn buồn Đông Á, cái mạch sầu ngàn năm trong cõi đất này” bằng giọng thơ ảo não, bằng ngôn ngữ hàm súc, trang trọng với rất nhiều từ Hán Việt, cách vận dụng ý và lời thơ xưa (dẫn chứng). Cái riêng ấy có thể là thế giới nghệ thuật được tạo dựng trong tác phẩm: hình ảnh làng quê trong văn Thạch Lam dù nghèo khó, buồn tẻ vẫn đầy thi vị chứ không ngột ngạt đến rùng rợn như trong văn Nam Cao.

+ Được tạo nên bằng tài năng, bằng công phu lao động nghệ thuật, bằng tích lũy vốn sống, bằng ý thức đào sâu, tìm tòi nên sẽ là những đóng góp của nhà văn để làm phong phú thêm cho nền văn học.

– Nhà văn trong mối liên hệ rộng lớn với đời sống văn học (1,25 điểm):

+ Một nền văn học nghệ thuật vận động, phát triển tự nhiên, đúng quy luật để luôn là sự dung hòa của “những tiếng nói khác” nhằm tạo nên sự thống nhất trong đa dạng, phong phú của những tiếng nói riêng.

+ Mỗi nhà văn sống trong bầu không khí của thời đại mình, hấp thụ nền văn hóa, tiếp nhận những tác động từ đời sống chính trị – xã hội tất yếu sẽ có những gặp gỡ: thế kỉ 18 đầy biến động đã tác động sâu sắc đến cuộc sống, số phận con người – Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều… rất khác nhau ở sự lựa chọn chất liệu, thể loại, ở giọng điệu, bản sắc riêng song lại gặp nhau ở mối quan tâm đến số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến để tạo thành một “thời kì Phục Hưng” trong văn học giai đoạn này; đầu thế kỉ 20, sự tác động của văn minh phương Tây đã tạo thành luồng gió mới thổi tung những khuôn phép, quy phạm để các nhà Thơ Mới tự dó thể hiện phong cách, cá tính riêng “Chưa bao giờ, ở Việt Nam xuất hiện… như Xuân Diệu” (Hoài Thanh). Những cá tính riêng ấy góp mặt làm thành trào lưu chung của thơ ca lãng mạn, gặp nhau ở khát vọng được thành thực và nhu cầu bộc lộ cái tôi cá nhân.

+ Sự gặp gỡ, thống nhất của các phong cách, cá tính sáng tạo sẽ góp phần tạo nên gương mặt chung của từng giai đoạn, từng thời kì văn học – đó chính là phong cách thời đại.

  1. “Mỗi tác phẩm mà nghệ sĩ tạo nên giống như một âm thanh riêng, khi đặt bên nhau sẽ thành bản nhạc in đậm dấu ấn riêng của nghệ sĩ” (3,25 điểm).
  2. Là gì (0,75 điểm)?

Tác giả ý kiến đã chú ý tới mối liên hệ nội tại giữa các sáng tác của cùng một nhà văn để tạo thành phong cách cá nhân của chính nhà văn đó.

– Tác phẩm – đứa con tinh thần của người nghệ sĩ – kết tinh trong nó ý tưởng sáng tạo, thông điệp tinh thần, tiếng nói, giọng điệu riêng của nghệ sĩ.

– Mỗi tác phẩm như một âm thanh, toàn bộ quá trình sáng tác là một bản nhạc: sự thống nhất trong tính đa dạng của phong cách nghệ thuật ở mỗi cá nhân người viết.

Sáng tác của nhà văn phải có sự vận động, đổi mới, sáng tạo song luôn thống nhất ở những giá trị cốt lõi và mang bản sắc rõ nét để tạo thành phong cách nghệ thuật.

  1. Vì sao (2,5 điểm)?

– Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, mà phải là những sáng tạo đạt tới tính thẩm mĩ và giá trị nhân văn mới được công chúng đón nhận, mới thật sự có ích, có ý nghĩa. Nếu chính bản thân nghệ sĩ không “đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”, tất yếu người nghệ sĩ ấy sẽ phải chấp nhận quy luật đào thải khắc nghiệt của nghệ thuật (0,5 điểm).

– Một nhà văn có bản lĩnh nghệ thuật, có tư tưởng sâu sắc, có tài năng lớn sẽ tạo cho mình một lối đi riêng. Lối đi riêng, con đường riêng đó là cái ổn định trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn, tạo thành cái mạch ngầm xuyên suốt quá trình sáng tác: Nguyễn Tuân với niềm say mê cái đẹp, Nam Cao trăn trở, day dứt về tính người, về ý nghĩa cuộc đời với cuộc chiến nhân cách trong mỗi con người, Xuân Diệu tha thiết với tình yêu cuộc sống… (1 điểm)

– Một nhà văn có tự trọng, có trách nhiệm nghệ thuật sẽ không chấp nhận việc lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Nhà văn có thể kế thừa những di sản văn học của dân tộc, của nhân loại, song những di sản ấy phải được vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo để tạo nên, ghi dấu cá tính sáng tạo của nghệ sĩ. Cùng kế thừa si sản văn chương cổ và thơ ca dân gian, song Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương mỗi người một cách. Cùng nói về đề tài người kĩ nữ song nàng Kiều của Nguyễn Du, người kĩ nữ trong thơ Xuân Diệu, cô gái sông Hương trong thơ Tố Hữu đã mang gương mặt riêng, tâm sự riêng, quan niệm, cách nhìn riêng của cá nhân nghệ sĩ. Ngay cả với chính bản thân mình, một nhà văn có phong cách cũng không chấp nhận lặp lại mình. (1 điểm)

  1. Bàn luận, đánh giá (1,5 điểm):

– Phong cách, cá tính sáng tạo là biểu hiện của tài năng, là cơ sở tạo nên tầm vóc và diện mạo của cá nhân nghệ sĩ. Nó là kết quả của quá trình phấn đấu lâu dài, của những nỗ lực không ngừng trong tìm tòi, sáng tạo.

– Phong cách vừa được tạo thành từ những mối liên hệ nội tại để tạo thành bản sắc của một cá nhân, vừa là sự góp mặt vào nền văn học để tạo thành âm hưởng, không khí thời đại.

– Tự vận động để hoàn thiện PCNT và góp mặt trong nền văn học là trách nhiệm của người nghệ sĩ. Tìm hiểu nét riêng phong cách nghệ sĩ và mối liên hệ giữa phong cách cá nhân nghệ sĩ với thời đại sẽ giúp người đọc nhận rõ hơn gương mặt riêng và vai trò của mỗi nhà văn trong nền văn học.

 

Người ra đề và đáp án: Nguyễn Thanh Huyền

Số điện thoại: 0983260475 – Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi – Hải Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *