(Đề thi gồm 01 trang) |
KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
LẦN THỨ X, NĂM HỌC 2016 – 2017
ĐỀ THI MÔN: Ngữ văn LỚP: 11 Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)
|
Câu 1 (8 điểm)
“Người bi quan phàn nàn về cơn gió; người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều; người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm.”
(William Arthur Ward )
Suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
Câu 2 (12 điểm)
“Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hổn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là cái hơi thở, sức sống của những tác phẩm vĩ đại.”
(Đặng Thai Mai, Công việc viết văn)
Bằng hiểu biết của anh/chị về văn học hiện thực phê phán 1930-1945, hãy bình luận ý kiến trên.
…………………HẾT…………………
Người ra đề
Nguyễn Thanh Phương 01687 185 456 |
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1. (8 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…
- Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chính xác, hợp lí, rõ ràng, thuyết phục… và nêu được các ý cơ bản sau:
- Giải thích vấn đề:
– Người bi quan phàn nàn về cơn gió: Người có cái nhìn chán nản. tuyệt vọng, tiêu cực, không tin tưởng ở ở tương lai sẽ phàn nàn về những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
– Người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều: Trái với người bi quan, người lạc quan luôn có cách nhìn, thái độ tin tưởng ở tương lai. Họ luôn chờ đợi và hi vọng những điều tốt đẹp sẽ đến.
– Người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm: Người thực tế là những người hiểu rõ và sống với thực tại. Họ không ảo tưởng hão huyền. Bởi vậy, để đến đích, họ không “phàn nàn”, không “chờ đợi” mà chủ động “điều chỉnh”, thay đổi những thứ mình có cho phù hợp hoàn cảnh.
à Để đến với thành công, con người không nên có thái độ bi quan, cũng không nên chờ đợi vào sự may mắn mà cần đối diện với thực tế, dám thay đổi bản thân.
- Phân tích, chứng minh:
– Sống thực tế giúp con người có cái nhìn, sự đánh giá đúng đắn về bản thân cũng như về thế giới khách quan. Từ đó, xác định cho mình những hướng đi, những con đường phù hợp với năng lực và hoàn cảnh.
– Sự nhận thức và tự nhận thức sẽ giúp những người thực tế biết cách tự thay đổi, điều chỉnh mình theo chiều hướng tích cực để vươn lên.
(Dẫn chứng cần cụ thể, tiêu biểu, thực tế)
- Bình luận:
– Phê phán những kẻ bi quan, cũng như những kẻ sống trong ảo tưởng, hão huyền.
– Con người cần có lối sống thực tế, nhưng cần phân biệt thực tế với thực dụng – lối sống quá chú trọng vào vật chất và lợi ích cá nhân.
– Sống thực tế nhưng con người cũng cần có những hi vọng và sự lạc quan. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp con người có thêm sự nỗ lực để vượt lên những khó khăn, thử thách của cuộc đời.
- Thang điểm:
– Điểm 7 – 8: Đáp ứng các yêu cầu trên, phân tích sâu sắc, dẫn chứng chọn lọc, tiêu biểu, phong phú, chính xác, văn viết hấp dẫn, có cảm xúc chân thành, thấm thía.
– Điểm 5 – 6: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên. Dẫn chứng chọn lọc, chính xác, văn viết lưu loát, trôi chảy.
– Điểm 3 – 4: Đáp ứng tương đối đủ các yêu cầu trên. Nắm vững yêu cầu của đề, dẫn chứng chính xác, diễn đạt tương đối tốt.
– Điểm 1 – 2: Nắm vững yêu cầu của đề, có dẫn chứng, phân tích, chứng minh, bình luận chưa sâu sắc, còn mắc lỗi chính tả.
– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc không làm được bài.
Câu 2. (12 điểm):
- Yêu cầu về kĩ năng:
– Thí sinh phải nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, vận dụng tốt các thao tác giải thích, phân tích, bình luận và chứng minh vấn đề qua một hệ thống tác phẩm cụ thể.
– Bố cục rõ ràng, chặt chẽ, khoa học, hợp lí. Diễn đạt trôi chảy, lưu loát, văn viết giàu hình ảnh và cảm xúc. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…
- Yêu cầu về kiến thức:
– Học sinh phải biết vận dụng kiến thức lí luận văn học và kiến thức về một hệ thống tác phẩm để giải thích, bình luận và chứng minh vấn đề.
– Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chính xác, hợp lí, rõ ràng, thuyết phục… và nêu được các ý cơ bản sau:
- Giải thích, bình luận:
– Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài: Tài năng và tâm huyết là những yếu tố quan trọng làm nên tầm vóc của một nhà văn chân chính. Nhưng không một nhà văn tài năng nào có thể sáng tạo nên tác phẩm mà thoát li hiện thực đời sống, cội nguồn, gốc rễ và cũng là mảnh đất nuôi dưỡng văn chương. Chính những trải nghiệm từ hiện thực đời sống đã đem đến nguồn tư liệu, vốn sống sâu sắc, cũng như đã nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sĩ.
– Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người: Hiện thực đời sống đã bồi đắp ở nhà văn tấm lòng chan chứa tình yêu thương, biết đồng cảm, xót thương, sẻ chia với những nỗi khổ đau, bi kịch của con người. Nhà văn phải là người “cho máu”; Văn chương xuất phát từ tư tưởng, tình cảm của con người. Bởi thế, tư tưởng tình cảm càng chân thực, sâu sắc, mãnh liệt thì tác phẩm càng có giá trị. Trong nỗi đau, cảm xúc của con người thường dâng lên tận cùng của sự chân thực, sâu sắc, mãnh liệt. Vì thế, có thấu hiểu được những nỗi đau ấy, nhà văn mới tạo nên những sáng tác giá trị.
– những tác phẩm vĩ đại: Là những tác phẩm có giá trị lớn lao, đích thực, thể hiện được những chức năng và sứ mệnh của văn chương với cuộc đời (nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ…)
à Nhận định của Đặng Thai Mai đã đề cao vai trò, vị trí quan trọng của hiện thực đời sống trong việc bồi đắp tư tưởng, tình cảm của những nhà văn thiên tài, trong việc tạo nên hơi thở, sức sống của các tác phẩm vĩ đại…
- Chứng minh:
Học sinh có thể chọn một số tác phẩm văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945 để chứng minh như:
– Chí Phèo, Đời thừa của Nam Cao
– Số đỏ của Vũ Trọng Phụng
– Tắt đèn của Ngô Tất Tố….
– Lưu ý:
+ Học sinh không cần lấy quá nhiều tác phẩm, chỉ có tính hệ thống, lựa chọn được các tác phẩm thực sự tiêu biểu, phù hợp.
+ Khuyến khích các bài có ý so sánh, đối chiếu giữa các tác phẩm để làm rõ thêm nét chung và nét riêng nhưng chỉ cần ở mức độ vừa phải.
- Mở rộng, nâng cao:
– Khẳng định vấn đề
– Bài học với người sáng tạo và người tiếp nhận
- Thang điểm:
– Điểm 11 – 12: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng nêu trên. Có hiểu biết sâu rộng, chắc chắn về kiến thức lí luận và kiến thức tác phẩm. Tư duy rõ ràng, sắc bén, sáng tạo.
– Điểm 9 – 10: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Giải quyết vấn đề một cách chính xác, có một số phát hiện tốt. Tuy duy rõ ràng, mạch lạc, hành văn trôi chảy, có cảm xúc.
– Điểm 7 – 8: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên. Bố cục cân đối, rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt khá tốt. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả.
– Điểm 5 – 6: Đáp ứng một cách cơ bản các yêu cầu trên. Bố cục tương đối rõ, mắc một số lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp…
– Điểm 3 – 4: Hiểu đúng vấn đề nhưng chỉ đáp ứng được một nửa yêu cầu kể trên. Kết cấu, bố cục tương đối rõ. Còn mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp…
– Điểm 1 – 2: Bài làm sơ sài, ý nghèo nàn, có phần lệch đề. Bố cục chưa rõ, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, ngữ pháp…
– Điểm 0: Chưa đáp ứng được yêu cầu của đề bài, hoàn toàn lạc đề hoặc không viết được gì..