Văn lớp 11 – Đề đề xuất Thi các trường chuyên Duyên Hải tỉnh Bắc Ninh 2018

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH

ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn – Lớp 11

Thời gian làm bài 180 phút (không kể thời gian phát đề)

 

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Đọc câu chuyện sau:

NGƯỜI ĐẦU TIÊN

Trong hai nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, ngoại trừ Neil Alden Armstrong mà ai cũng biết, còn một người nữa là Edwin Eugene Aldrin. Chuyến du hành của hai ông là chuyến đi vĩ đại của lịch sử loài người. “Bước chân nhỏ của riêng tôi nhưng là bước đi lớn của nhân loại”. Câu nói bất hủ này của Armstrong đã trở thành danh ngôn được mọi người truyền tụng.

Trong cuộc họp báo chúc mùng chuyến đổ bộ lên mặt trăng thành công, có nhà báo hỏi Aldrin một câu khá nhạy cảm: “Ông có cảm thấy tiếc nuối không khi để cho Armstrong trở thành người đầu tiên bước chân lên mặt trăng?”

Câu hỏi gây được sự quan tâm đặc biệt cho cả khán phòng. Trước sự chú ý của mọi người, Aldrin đã tỏ ra rất phong độ, đĩnh đạc trả lời: “Thưa quý vị, các vị nên nhớ, khi trở về Trái Đất, chính tôi là người đầu tiên bước ra khoang tàu vũ trụ đấy”. Ai nấy im lặng, lấy làm khó hiểu không biết ông định nói gì. Ông ngừng một lát, nhìn khắp lượt rồi cười xòa, hóm hỉnh tiếp: “vì thế tôi là người đầu tiên từ hành tinh khác bước chân lên Trái Đất chứ còn gì nữa!”

Mọi người cười vang và vỗ tay hoan hô nồng nhiệt.

(Trích từ “Điểm rơi của tâm hồn” – NXB Văn hóa Sài Gòn)

Anh/chị có suy nghĩ gì về “người đầu tiên” trong câu chuyện trên ?

 

Câu 2 (12,0 điểm)

Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay”. (Xuân Diệu)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào ?

Bằng việc phân tích một số bài thơ đã học trong chương trình, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

 

—– Hết —-

(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.)

 

 

Nguyễn Thị Dịu – 0985.348.598

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn – Lớp 11

 

HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HSG KHU VỤC ĐỒNG BẰNG VÀ DHBB

MÔN NGỮ VĂN – NĂM HỌC 2017 – 2018

 

Câu 1. (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội về một hiện tượng xã hội đặt ra trong một câu chuyện.

– Bài viết có bố cục rõ ràng, các luận điểm, luận cứ xác đáng

– Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ…

– Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau:

  1. Phân tích văn bản và rút ra bài học

­- Câu chuyện kể về những nhân vật đã trở thành huyền thoại trong lịch sử nhân loại: hai nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, Neil Alden Armstrong và Edwin Eugene Aldrin. Sự kiện con người đặt chân lên mặt trăng là sự kiện vô cùng quan trọng đánh dấu sự phát triển của thiên văn học và khoa học vũ trụ của thế giới, chứng minh khả năng vô tận của con người trong hành trình chinh phục vũ trụ. Tuy nhiên, lịch sử chỉ ghi tên tuổi một người duy nhất đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, đó là Neil Amstrong. Người đồng hành cùng với ông là Edwin Aldrin thì không được nhắc đến.

– Ai cũng nghĩ rằng đó là một thiệt thòi, một ấm ức với Aldrin, nhưng câu chuyện “Người đầu tiên” đã cho chúng ta một bài học sâu sắc về cách ứng xử thông minh, nhân văn của nhà khoa học này. Câu trả lời tuyệt vời của Aldrin cho chúng ta một bài học về góc nhìn và ứng xử trong cuộc sống: Luôn nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, bằng cái nhìn lạc quan và quảng đại, nhẹ cười với danh tiếng, chúng ta sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống, tránh xa sự ganh ghét, đố kị. Đó cũng là cách cư xử xứng tầm của những con người làm nên sự nghiệp vĩ đại.

  1. Bàn luận

* Bàn luận về vai trò của người đầu tiên:

– “Người đầu tiên”: là người thứ nhất, đi tiên phong trong một lĩnh vực, công việc, hành trình… và ghi dấu ấn của mình ở lĩnh vực, công việc đó.

– Vai trò của người đầu tiên:

+ Là người khai phá, mở đường, phát hiện ra những lĩnh vực mới, ghi những dấu mốc quan trọng góp phần thay đổi lịch sử của bản thân, cộng đồng, dân tộc, nhân loại.

+ Là những người có tầm ảnh hưởng lớn lao, nổi tiếng và được đông đảo công chúng biết đến, họ được lịch sử ghi nhận, được xem như những vĩ nhân, biểu tượng cho cộng đồng.

– Trở thành người đầu tiên là một niềm mơ ước, khao khát của tất cả chúng ta.

* Bàn luận về cách ứng xử của Aldrin:

– Bàn:

+ Trong câu trả lời của mình, Aldrin đã khẳng định, ông cũng là người đầu tiên, tuy không phải là đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, nhưng lại là người đầu tiên từ hành tinh khác bước chân lên trái đất. Người trái đất đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và người ở mặt trăng đầu tiên đặt chân lên trái đất, chẳng phải đều là những điều kì diệu sao?

+ Phải là người có trí tuệ sắc sảo, óc hài hước và quảng đại, mới có thể cho chúng ta một câu trả lời hay đến vậy. Vì thế mà tất cả mọi người đều vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt trước câu trả lời của Aldrin.

– Luận:

+ Ai cũng muốn trở thành người đầu tiên (VD: người đầu tiên chạm tay vào chiếc cúp vô địch, người đầu tiên leo lên đỉnh núi Phan-xi-păng, đỉnh Everest, người đầu tiên thành danh ở lĩnh vực nào đó… ). Nhưng người đầu tiên thường chỉ có một, vì thế, có cơ hội để trở thành người đầu tiên là điều mà ai cũng khao khát. Tuy nhiên, Aldrin đã nhường lại vinh dự ấy cho người bạn đồng hành với mình: Neil Amstrong. Phải chăng, ông không muốn có được danh tiếng ? Chắc hẳn không phải như vậy, chỉ đơn giản, đó là cách ông nhường chỗ ngồi cho bạn mình khi hai người chỉ có duy nhất một chiếc ghế. Cách ứng xử của Aldrin là một cách ứng xử đẹp, dựa trên sự khiêm tốn và tôn trọng người khác, không chỉ vì danh tiếng của bản thân mình.

+ Cách ứng xử của Aldrin nhắc nhở mỗi chúng ta khi muốn vượt lên trên người khác, hãy nghĩ đến họ; nhắc nhở ta về những cách ứng xử hẹp hòi, ích kỉ, so đo, tính toán mà hằng ngày chúng ta vẫn thường bắt gặp, thậm chí là người trong cuộc.

VD:  Những cảnh xô lấn, chen đẩy để được nhận quà khuyến mại trước cửa một cửa hàng, hay thậm chí đổi mũ bảo hiểm cũ lấy mũ bảo hiểm mới, lấy áo mưa ở một số vùng nông thôn, cảnh tranh nhau thanh toán ở quầy thu ngân trong siêu thị nước ta đang trở nên phổ biến, việc chen ngang khi khám bệnh, lạng lách vượt lên trên khi đường phố quá tải, đông đúc… cũng không phải là hiếm gặp.

  1. Bài học nhận thức và hành động

– Từ câu chuyện “Người đầu tiên”, chúng ta cần nhận thức được: danh tiếng là điều cần thiết, nhưng bản lĩnh, nhân cách và lối ứng xử nhân văn của con người trước danh tiếng mới là điều quan trọng.

– Bản thân mỗi chúng ta cần rèn luyện, tu dưỡng để có cơ hội khẳng định bản thân. Tuy nhiên, không nên quá coi trọng danh tiếng mà đánh mất nhân cách, lòng quảng đại, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

–  Hiện nay, nhiều người bằng mọi giá, đánh đổi nhiều thứ quý giá để có được danh tiếng. Điều đó đáng lên án, phê phán. Cách ứng xử đẹp của Aldrin cần được nhân rộng, để xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

 

III. Cách cho điểm:

7 – 8 điểm: Đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu, nghị luận có sức thuyết phục, dẫn chứng chọn lọc, phù hợp, diễn đạt có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ.

5 – 6 điểm: Đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu ; nghị luận tương đối có sức thuyết phục, dẫn chứng chưa thật phong phú, không có sai sót lớn về diễn đạt.

3 – 4 điểm: Tỏ ra hiểu vấn đề; biết cách làm bài nghị luận xã hội, tuy vậy bài viết còn sơ sài về nội dung hoặc mắc nhiều lỗi, liên hệ thực tế kém

1 – 2 điểm: Hiểu vấn đề lơ mơ; mắc quá nhiều lỗi.

 Câu 2 (12,0 điểm)

Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay”. (Xuân Diệu)

 

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học có liên quan đến lí luận về đặc trưng thơ và phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ

– Sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận giải quyết một vấn đề văn học theo định hướng yêu cầu của đề bài: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ…

– Bài viết có bố cục chặt chẽ, khoa học, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo rõ các ý sau:

  1. Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận, trích nhận định. (1 điểm)
  2. Giải thích (2 điểm)

Ý kiến của Xuân Diệu đã nêu lên một cách khái quát những yêu cầu cơ bản của người đọc thơ đối với thơ ca.

– Nguồn gốc của thơ ca: thơ phải xuất phát từ thực tại. Thơ được sinh ra từ trong hiện thực cuộc đời, cái đẹp trong thơ phải mang dấu ấn của cái đẹp trong sự thật đời sống. “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. “Thơ bắt rễ từ cuộc đời và nở hoa nơi từ ngữ”.

– Nội dung của thơ ca phải thể hiện một tâm hồn, một trí tuệ. Thơ ca phải thể hiện được tình cảm và tư tưởng của thi nhân để rồi đưa tình cảm, tư tưởng đó đến với mỗi người đọc. Thơ ca chính là tiếng nói của mỗi cái tôi cá nhân với cuộc đời.

– Nghệ thuật sáng tạo thơ ca càng cá thể càng độc đáo, càng hay. Thơ ca phải mang dấu ấn sáng tạo và thể hiện phong cách nghệ thuật riêng biệt của thi nhân.

-> Đối với Xuân Diệu, một tác phẩm thơ cần bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, thể hiện những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, độc đáo cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật để đem lại giá trị thẩm mĩ.

  1. Chứng minh và bình luận (7 điểm)
  2. Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống

– Cuộc sống là xuất phát điểm (là đề tài vô tận, gợi nhiều cảm xúc phong phú …), là đối tượng khám phá chủ yếu và cũng là cái đích cuối cùng của thơ ca nghệ thuật. “Văn chương sẽ chẳng là gì nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc sống là nơi bắt đầu và là đích đến cuối cùng của văn học”.

Thơ ca nghệ thuật luôn vận động và phát triển trong sự ràng buộc tự nhiên với đời sống xã hội. Những giá trị nghệ thuật chân chính xưa nay đều là những sáng tác bắt rễ sâu xa trong mảnh đất thực tế của thời đại mình. “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp.” (Sóng Hồng)

(D/c tham khảo: Từ cuộc chiến tranh thành Troy, qua những lời kể dân gian, Homere đã sáng tạo nên hai thiên sử thi kiệt tác: Iliat và Odixe, từ những con đường mùa đông ảm đạm của nước Nga, Puskin đã viết nên bài thơ “Con đường mùa đông” bất hủ, từ tình yêu chân thành cao thượng của con người, “Tôi yêu em” đã quyến rũ bạn đọc bao thế hệ. Từ cuộc tranh đấu không mệt mỏi cho quyền sống chính đáng của con người và các dân tộc trên thế giới, P. Eluya đã cất cao khúc ca “Tự do” viết trên đá và trên súng, trên giấy và tro tàn… Từ hào khí ngút trời của thời đại nhà Trần mà những vần thơ Tỏ lòng, Nỗi lòng cất lên cao vút tráng khi trai thời loạn. Từ những điều trông thấy mà đau đớn lòng của thời đại mình, Nguyễn Du đã viết nên Đoạn trường tân thanh đau từng khúc ruột… Từ thảm cảnh của những nhà nho cuối mùa sinh bất phùng thời, Vũ Đình Liên viết nên một “Ông đồ” thật da diết, khắc khoải. Từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây đã ra đời… mang âm hưởng của cả một thời đại…)

-> Tố Hữu nói: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy” chính là vì vậy.

– Thơ ca chỉ có ý nghĩa thẩm mĩ, chỉ chinh phục trái tim người đọc khi thể hiện những vấn đề, những cảm xúc mà con người hằng quan tâm, trăn trở. Nếu thơ ca không bắt nguồn từ hiện thực, xa rời cuộc đời, thoát li thực tại, thơ ca sẽ không thể đến với người đọc, không thể tồn tại trong cuộc đời, khi ấy thơ ca đã tự đánh mất chức năng cao quý nghệ thuật vị nhân sinh của mình.

“Thơ giữa cuộc đời, hoa giữa nắng”

“Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”

“ Bài thơ anh anh làm một nửa

Còn một nửa để mùa thu làm lấy”

-> “Không có trang văn nào đẹp hơn trang văn do cuộc sống viết ra”.

  1. Nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ

– Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Người nghệ sĩ nhào nặn chất liệu hiện thực bằng đôi tay và cảm quan thẩm mĩ của riêng mình. Do đó, “Thế giới không phải được tạo lập một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ lớn xuất hiện là một lần thế giới được tạo lập”.

– Vẻ đẹp của thơ ca trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa. Không có chất liệu đời sống thì không làm nên nội dung và giá trị của tác phẩm. Những sự việc đời sống mà không âm vang vào tâm hồn, không lay động sâu xa cảm xúc của người nghệ sĩ thì không thể hóa thân thành cái đẹp của nghệ thuật. Chính vì vậy, cần thấy rằng thơ ca là cuộc đời nhưng đó không phải là sự sao chép máy móc hiện thực mà phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ của thi nhân để thành thơ. Vì thế, thơ là cái nhụy của đời sống: “Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy”. (Phạm Văn Đồng)

– Nhà thơ là người lao động công phu khó nhọc để nhào nặn nguyên liệu thô của đời sống thành những giọt mật thơm dâng tặng cho đời. Thơ không thể chỉ giản đơn là sự sao chép cuộc sống hay tình cảm con người, thơ trước tiên phải là tiếng lòng của người nghệ sĩ, là tâm hồn, là trí tuệ là tình yêu và lòng căm thù, nụ cười và nước mắt đắng cay… Tiếng lòng ấy là sự va chạm của tâm hồn, trí tuệ người nghệ sĩ với cuộc đời, là những trải nghiệm thấm thía và sâu sắc, là những khát khao đau đáu một đời của người nghệ sĩ. Vì thế, chỉ có đi qua tâm hồn, trí tuệ của nhà thơ, hiện thực cuộc sống mới trở thành thơ.

  1. Khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay

– Văn học nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng là lĩnh vực của sự sáng tạo. “Sự lặp lại là cái chết của nghệ thuật”, “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy trong những ấn tượng có cái gì giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng”… vì thế, hiện thực cuộc sống khi được lọc qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ phải có một hình sắc riêng, ấn tượng riêng. Càng độc đáo càng hay.

– Vẻ đẹp của thơ ca còn cần được đánh giá ở hình thức biểu hiện. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Vì vậy, thơ ca đòi hỏi nhà thơ phải in dấu tâm hồn, trí tuệ mình vào đó thật sâu sắc, càng cá thể càng độc đáo, càng hay. Những sáng tạo về hình thức biểu hiện rất phong phú qua thể loại, cấu tứ tác phẩm, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ …

  1. Đánh giá, mở rộng nâng cao (2 điểm)

– Ý kiến của Xuân Diệu đã thể hiện tiêu chuẩn để đánh giá một thi phẩm đích thực và giúp ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa to lớn của thơ ca đối với cuộc sống con người.

– Đây là một quan điểm sáng tác định hướng cho mọi nhà thơ: thơ phải từ cuộc đời, hướng về cuộc đời, vẻ đẹp của một tác phẩm văn học phải kết hợp hài hòa cả nội dung và hình thức. Từ dó giúp nhà thơ có ý thức và trách nhiệm hơn trong quá trình sáng tạo thơ ca.

– Bài học với người sáng tác thơ và người đọc thơ.

III. Thang điểm:

Điểm 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.

Điểm 10: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ không đáng kể.

Điểm 8: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu, có thể có một vài chỗ chưa hoàn thiện.

Điểm 6: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu, có thể thiếu ý hoặc mắc một số lỗi.

Điểm 4: Bài sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc quá nhiều lỗi các loại.

Điểm 2: Bài viết quá sơ sài, có quá nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết triển khai vấn đề.

Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.

 

Lưu ý:

Giám khảo linh hoạt vận dụng biểu điểm, có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo khi tổng điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25.

————————HẾT———————-

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *