Văn lớp 10 – Đề đề xuất Thi các trường chuyên Duyên Hải tỉnh Bắc Ninh Đề thi HSG duyên hải lớp 10- 2018

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH

ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn – Lớp 10

Thời gian làm bài 180 phút (không kể thời gian phát đề)

 

 

CÂU 1 (NLXH- 8 ĐIỂM)

Trong cuốn “Nhà giả kim”, Paulo Coelho có kể một câu chuyện như sau:

Một ngày nọ, một thương nhân gửi con trai mình đến một nhà thông thái không ai bằng để nhờ ông dạy cho người con bí quyết đạt được hạnh phúc.

Anh con trai đi ròng rã bốn mươi ngày, xuyên qua sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga ngự trên núi cao (…).

Nhà thông thái lắng nghe anh trình bày rồi đáp rằng hiện ông không rảnh để chỉ dạy anh về bí quyết của hạnh phúc. Ông bảo anh hãy đi xem khắp lâu đài rồi hai tiếng sau trở lại.

“Nhưng ta yêu cầu anh làm hộ một điều”, nhà thông thái nói rồi đưa cho anh một muỗng con đựng hai giọt dầu. “Trong lúc đi xem thì anh cầm theo muỗng này và nhớ đừng làm sánh dầu nhé”.

Anh ta lên lầu, xuống lầu, mắt không rời cái muỗng. Sau hai giờ, anh quay lại gặp nhà thông thái.

“Sao”, ông hỏi, “anh đã thấy các tấm thảm Ba Tư quí giá trong phòng ăn của ta chưa? Cả cái vườn tráng lệ mà người làm vườn đã phải khổ công mười năm xây dựng? (…)”

Anh ta ngượng ngùng thú thật rằng chưa hề để mắt đến thứ gì khác vì cứ phải chăm chăm ngó nhìn muỗng dầu đã được giao phó.

“Thế thì anh hãy đi thêm lần nữa và ngắm thật kĩ những thứ tuyệt mĩ trong thế giới của ta”, nhà thông thái nói.

Yên dạ hơn, anh ta lại cầm muỗng đi một vòng. Lần này, anh chăm chú xem xét những vật quí treo trên tường và trần nhà (…). Trở lại gặp nhà thông thái, anh kể chi tiết tất cả những gì đã thấy.

“Thế còn hai giọt dầu ta nhờ anh giữ đâu rồi?”, nhà thông thái hỏi.

Nhìn cái muỗng, anh ta hốt hoảng thấy mình đã làm sánh mất rồi.

“Đây là điều duy nhất mà ta có thể khuyên anh”, nhà thông thái nhất thế gian nói. “Bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian này mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng.

(“Nhà giả kim”, Paulo Coelho, NXB Văn học, HN, 2015, tr.50,51,52)

Anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ về thông điệp rút ra từ câu chuyện trên.

 

CÂU 2 (NLVH- 12 ĐIỂM)

Bàn về “Truyện Kiều”, giáo sư Trần Đình Sử khẳng định: “Truyện Kiều là tiếng nói thương thân, xót thân vào bậc nhất trong văn học trung đại Việt Nam”.

Anh /chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua hai đoạn trích “Trao duyên”  và  “Nỗi thương mình” (Trích “Truyện Kiều”- Nguyễn Du), anh /chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

———————————–Hết———————————-

 

(Thí sinh không được phép sử dụng tài liệu

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

 

 

 

 

Người ra đề: Nguyễn Thị Mai Lan

Số điện thoại: 0989098241

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB

NĂM HỌC 2017 – 2018

Môn: Ngữ văn – Lớp 10

Thời gian làm bài 180 phút (không kể thời gian phát đề)

 

CÂU 1:

*Yêu cầu về kĩ năng:

Làm tốt kiểu bài nghị luận xã hội vấn đề rút ra từ một câu chuyện; bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; hành văn trôi chảy; không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.

*Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể làm nhiều cách, song cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:

 

1, Phân tích ngắn gọn câu chuyện, rút ra thông điệp:

 

-“Anh con trai đi ròng rã bốn mươi ngày, xuyên qua sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga ngự trên núi cao”: Con đường đi tìm hạnh phúc rất gian nan, hạnh phúc không dễ gì có được.

– Hai cách ứng xử của chàng trai: chưa hề để mắt đến thứ gì khác vì cứ phải chăm chăm ngó nhìn muỗng dầu đã được giao phó Nhìn cái muỗng, anh ta hốt hoảng thấy mình đã làm sánh mất rồi cho thấy hai sai lầm phổ biến của con người trên con đường kiếm tìm hạnh phúc: hoặc quá chú tâm tìm kiếm hạnh phúc mà không để ý thấy những điều tuyệt đẹp xung quanh mình, hoặc không trân trọng những niềm hạnh phúc bình dị mà mình đang có.

– Vẻ đẹp tuyệt mĩ trên thế gian ><hai giọt dầu trên muỗng: hình ảnh ẩn dụ để chỉ sự đối lập giữa cái phi thường, tuyệt đỉnh >< cái bình thường, giản dị, giữa khát vọng >< hiện thực, giữa những điều lớn lao>< những điều nhỏ bé…

– “Bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian này mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng.” Đây chính là lời khuyên, cũng là ý nghĩa triết lí sâu xa mà câu chuyện muốn gửi gắm đến bạn đọc. Hãy luôn khát khao tìm kiếm những vẻ đẹp tuyệt vời, những hạnh phúc lớn lao, song đồng thời cũng đừng quên hạnh phúc là những điều giản dị, có ngay trong cuộc sống này.

– Cấu trúc câu: biết ngắm nhìn…mà không quên: khẳng định sự hài hòa, dung hòa, cân bằng giữa hai con đường đi tìm hạnh phúc: vừa phải không ngừng tìm kiếm những điều lớn lao, những vẻ đẹp tuyệt mĩ của đời sống, vừa phải biết trân trọng, nâng niu những gì nhỏ bé, giản dị, đời thường. Có đạt tới sự cân bằng đó, con người mới có được hạnh phúc.

 

2, Bàn luận:

– Hạnh phúc là gì? Biểu hiện của hạnh phúc?

– Vì sao bí quyết của hạnh phúc là “biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian này mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng”:

+ Vì nếu con người chỉ biết “ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian”, chỉ thấy xung quanh mình toàn là những điều đẹp đẽ, phi thường, họ sẽ thấy những gì mình có trong tầm tay thật tầm thường, vô nghĩa, họ sẽ chỉ thấy mình nghèo nàn, bất hạnh, thua thiệt…=> luôn mải mê theo đuổi những thứ ngoài tầm tay, luôn đau khổ vì thấy mình thua kém => không bao giờ có được hạnh phúc. Tâm luôn bất an, bất hạnh. Đừng quên: “Kẻ dại đi tìm hạnh phúc nơi xa, người khôn vun trồng nó ngay dưới chân mình”.

+ Mặt khác, nếu con người chỉ chăm chăm với “hai giọt dầu trên muỗng”, họ sẽ chỉ chăm chăm vun vén cho hạnh phúc nhỏ bé của mình, suốt ngày ru rú xó nhà, bằng lòng với một thứ hạnh phúc cá nhân đựng trong “một mái nhà yên”, “một tà áo đẹp”, họ sẽ mất đi cơ hội khám phá, mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm những chân trời hạnh phúc lớn lao. Đó có thể là niềm hạnh phúc bắt nguồn từ sự khám phá cuộc sống, đi nhiều, biết rộng, trải nghiệm phong phú, đó có thể là niềm hạnh phúc của sự sẻ chia…Cuộc sống vô cùng phong phú, có muôn vàn điều kì diệu (các tấm thảm Ba Tư quí giá trong phòng ăn, cái vườn tráng lệ mà người làm vườn đã phải khổ công mười năm xây dựng…), con người hãy biết khám phá, tận hưởng tất cả những gì đẹp đẽ của đời sống, đừng để đến khi quá muộn mới hối tiếc… Đừng như anh con trai mải đi tìm hạnh phúc mà không dám và cũng chẳng biết ngắm nhìn, tận hưởng những vẻ đẹp của đời, để hạnh phúc trôi qua kẽ tay.

+ Khi con người dung hòa được cả hai khía cạnh: “biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian này mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng”,họ sẽ biết cân bằng giữa khát vọng và hiện thực, để vừa không ngừng vươn lên kiếm tìm những điều tốt đẹp, tuyệt mĩ, vừa biết trân quí những điều nhỏ bé, những hạnh phúc giản dị đời thường. Hạnh phúc chỉ có được khi con người vừa biết tận hưởng những điều đẹp đẽ của cuộc sống, vừa biết trân trọng những gì cuộc sống ban tặng cho riêng mình.

 

  • Liên hệ thực tế, rút ra bài học cho bản thân:

+ Có nhiều người mải mê kiếm tìm hạnh phúc nơi xa mà không biết trân trọng những hạnh phúc mà mình đang có. VD: Những người đứng núi này, trông núi nọ, nghĩ gia đình người khác giàu có đáng mơ ước mà không thấy mình đang sở hữu những điều quí giá hơn thế…

+ Lại có những người chỉ biết đến riêng mình mà không để tâm đến xung quanh, để những điều kì diệu đẹp đẽ của cuộc sống trôi qua lúc nào mà không biết. VD: mải làm ăn không dám chơi, chẳng biết tận hưởng niềm vui sống…

+ Bài học: 1- Hạnh phúc ở gần, hạnh phúc như hai giọt đầu trên muỗng trong tầm tay ta. Hãy biết trân trọng những niềm hạnh phúc bình dị, những thứ mình đang có. 2- Hạnh phúc là một hành trình, không chỉ là điểm đến, vì thế, trên hành trình gian nan kiếm tìm hạnh phúc, đừng quên khám phá, tận hưởng những vẻ đẹp cuộc đời ban tặng cho ta.

 

* Biểu điểm:

Điểm 8: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, luận giải sắc sảo, tri thức phong phú.

Điểm 6-7: Đáp ứng tương đối tốt yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc vài lỗi về chính tả, diễn đạt.

Điểm 4-5: Đáp ứng được khoảng một nửa số ý cơ bản, ít mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.

Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

 

 

Câu 2:

* Yêu cầu về kĩ năng

Làm tốt bài nghị luận văn học; bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, chứng Minh, bình luận…; hành văn trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.

* Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể làm nhiều cách, song cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:

 

1, Giải thích:

a, Là gì?

– Tiếng nói thương thân, xót thân: Là tiếng nói của nhân vật và người kể chuyện trong tác phẩm, bày tỏ nỗi đau đớn, xót xa, thương tiếc cho thân xác, thân phận con người bị chà đạp.

Tiếng nói thương thân, xót thân này chính là biểu hiện của “con người tự ý thức” trong “Truyện Kiều”, là dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy của con người cá nhân trong văn học, là một biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nguyễn Du thể hiện trong tác phẩm.

=> Ý kiến khẳng định giá trị mới mẻ, lớn lao, sâu sắc của “Truyện Kiều” trong việc cất lên “tiếng nói thương thân, xót thân” của con người cá nhân tự ý thức.

 

b, Tại sao?

– Tại sao GS Trần Đình Sử có thể khẳng định: “Truyện Kiều là tiếng nói thương thân, xót thân vào bậc nhất trong văn học trung đại Việt Nam”:

+ Thực ra, trong VHTĐ Việt Nam, đây đó ta cũng đã bắt gặp vài ba tiếng nói thương thân, xót thân của Hồ Xuân Hương, song không nhiều. Chỉ đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tiếng nói ấy mới trở nên tập trung, cô đọng và rõ nét nhất.

+ Lí do: Truyền thống nhân đạo của VHVN, XHPK thời Nguyễn Du sống, vấn đề thân phận, quyền sống của con người- đặc biệt là người phụ nữ- trở nên nhức nhối…, sự nhạy cảm của một thiên tài, tất cả kết đọng tạo nên một áng Kiều bất hủ, tạo nên tiếng nói thương thân, xót thân vào bậc nhất trong văn học trung đại Việt Nam.

c, Biểu hiện:

– Trong “Truyện Kiều”, rất nhiều lần người đọc bắt gặp nhân vật hoặc Nguyễn Du kêu lên cho thân xác, thân phận con người bị chà đạp phũ phàng. Ví dụ:

“Hóa nhi thật có nỡ lòng

Làm chi giày tía, vò hồng lắm nao!

Thịt da ai cũng là người

Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau!”

hay:

Thương thay cũng một kiếp người

Hại thay mang lấy sắc tài làm chi!

Những là oan khổ lưu ly

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!”

hoặc:

Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về

Một cơn mưa gió nặng nề

Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến thân!”

hay:

Thân ta ta phải lo âu

“Thân lươn bao quản lấm đầu”

“Xót thay đào lý một cành

Một phen mưa gió tan tành một phen”…

– Cùng với việc xuất hiện dày đặc từ “thân”, những từ thể hiện sự tự ý thức của con người cá nhân trong “Truyện Kiều” cũng rất nhiều. Đó là những từ như: “phận”, “mình”, “riêng”. VD:

Đau đớn thay phận đàn bà

Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình

Phận dầu dầu vậy cũng dầu

Lòng riêng lớp lớp sóng dồi

v.v..

 

Có thể nói con người cá nhân tự ý thức về nỗi đau thân phận là một trong những điểm mới mẻ, sâu sắc trong tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”.

 

2, Chứng minh:

Trao duyên” và “Nỗi thương mình” là hai đoạn trích rất tiêu biểu thể hiện tiếng nói thương thân, xót thân vào bậc nhất trong văn học trung đại Việt Nam.

– Biểu hiện của tiếng nói tự thương thân, xót thân trong “Trao duyên”:

 

+ Kiều tự xót xa cho thân phận mình, tự thấy mình là “người mệnh bạc”, tự thấy mình còn sống mà như đã chết, đã “mất người”:

Dù em nên…ngày xưa”

+ Hình dung ra một tương lai không xa: Thúy Vân hạnh phúc bên Kim Trọng, còn linh hồn nàng trở về trong ngọn gió, không siêu thoát được vì còn “mang nặng lời thề”. Kiều thấy rõ nỗi đau khổ của mình- “người thác oan”:

“Hồn còn…người thác oan”

+ Trở về với nỗi đau hiện tại, đối thoại với Kim Trọng, Kiều càng thấy rõ nỗi đau thân phận mình:

“Phận sao…lỡ làng”

=> Tiếng nói thương thân, xót thân vang lên mãnh liệt, quằn quại, đau đớn trong giờ phút đỉnh điểm của “trao duyên”. Trao duyên, với Kiều, đồng nghĩa với trao cả sự sống, hạnh phúc. Trao duyên đồng nghĩa với việc Kiều sẽ trở thành “người mệnh bạc”, “mất người”, “người thác oan”, “phận bạc như vôi”… Tiếng nói thương thân, xót thân gắn liền với bi kịch tình yêu tan vỡ, trao duyên nhưng không thể trao tình, thậm chí duyên đã trao đi mà tình càng thêm nặng. Vậy mới càng thấy bi kịch tình yêu, vậy mới càng thấy rõ tấm lòng vị tha, đức hi sinh và tình yêu sâu nặng của Kiều dành cho Kim Trọng.

– Đánh giá:

Người xưa thường không trọng thân, xót thân, thậm chí có xu hướng xem thân thể cha mẹ cho là một cái gì đó rất phù du. Trong VHTĐ, khi nhân vật làm việc nghĩa, họ thường có cảm giác thanh thản, hạnh phúc, thậm chí không biết đến nỗi đau thể xác hay tinh thần (VD: Ngọc Hoa cắt thịt dâng mẹ mà không thấy đau…). Song Kiều của Nguyễn Du không có được niềm hạnh phúc ấy. Chính nỗi đau thân phận, tiếng nói thương thân, xót thân đã làm cho Kiều của Nguyễn Du gần gũi, rất người với chúng ta. Chính tiếng nói thương thân, xót thân mới càng làm cho phẩm chất của Kiều ngời sáng hơn bao giờ hết, bởi biết tự “thương thân, xót thân” là thế nhưng nàng vẫn hi sinh tất thảy vì hạnh phúc của người mình yêu.

 

 

– Biểu hiện của tiếng nói tự thương thân, xót thân trong “Nỗi thương mình”:

+ Tự thức tỉnh, tự xót xa, thương cảm cho thân phận mình:

Khi tỉnh rượu…xót xa

+ Nuối tiếc quãng thời gian tươi đẹp trong quá khứ, xót xa cho thân xác bị chà đạp, nhân phẩm bị đọa đày trong hiện tại:

Khi sao…bấy thân

+ Thương thân mình không có niềm vui, hạnh phúc trong cảnh ngộ phải mua vui cho khách làng chơi:

“Mặc người…có xuân là gì”

“Vui là vui gượng…với ai”

 

Đánh giá:

Tiếng nói thương thân, xót thân của Kiều thể hiện sự tự ý thức cao độ về nỗi đau, cảnh ngộ hiện tại của bản thân nhân vật. Kiều của Nguyễn Du rất gần với nhân vật tiểu thuyết, ở sự đầy đặn nội tâm, sự “nếm trải” những cảm giác, cảm xúc gần gũi với con người hiện đại.

Biết thương thân, xót thân trên cả hai khía cạnh: thân thể và thân phận, thân xác và nhân phẩm của bản thân, đó là điều mới mẻ chưa từng có trong VHTĐ Việt Nam. Nó chứng tỏ con người cá nhân tự ý thức rất cao của nhân vật, và cũng chính là cái nhìn nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nguyễn Du. Lần đầu tiên trong văn học, một người đàn ông và lại là người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình bày tỏ tấm lòng đồng cảm, xót thương cho người phụ nữ làm thân phận kĩ nữ nhục nhằn. Lần đầu tiên một người đàn ông quan tâm, nâng niu, xót xa khi thân xác con người bị đày đọa, nhân phẩm con người bị chà đạp. Tiếng nói thương thân, xót thân ấy thực ra xuất phát từ thái độ trọng thân, đề cao thân (thân xác, thân thể, thân danh, thân phận con người)- một biểu hiện của tấm lòng nhân đạo “nghĩ suốt nghìn đời” của Nguyễn Du.

 

3, Bình luận:

– Khẳng định ý kiến đúng đắn.

– Mở rộng: Ý nghĩa của tiếng nói thương thân, xót thân với nhân vật (làm nên kiểu nhân vật nếm trải, con người tự ý thức, báo hiệu sự trỗi dậy của ý thức cá nhân); với tác phẩm (làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc), với nhà văn (dấu hiệu của một nhà “nhân đạo từ trong cốt tủy”); với nền văn học (tạo nên “một lỗ thủng” tấn công vào thành trì “phi ngã” đang sẵn lung lay).

– Bài học với người sáng tác và nghệ sĩ.

 

*Biểu điểm

– Điểm 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, tri thức phong phú, lập luận sắc sảo.

– Điểm 10-11: Đáp ứng được hầu hết các ý cơ bản, mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.

– Điểm 8-9:  Đáp ứng được phần lớn những ý cơ bản, mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.

– Điểm 6-7: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 4-5: Bài viết sơ sài, tri thức lí luận văn học nghèo nàn, phân tích dẫn chứng hời hợt, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, kĩ năng làm văn đuối, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

* Lưu ý:

Giám khảo nắm  yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.

 

——-HẾT——-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *