HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ TRƯỜNG THPT CHUYÊN HOÀNG VĂN THỤ – HÒA BÌNH |
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 11
NĂM 2015
|
|
ĐỀ MÔN NGỮ VĂN-LỚP 11
Đề thi có 01 trang
(Thời gian làm bài: 180 phút)
Câu 1(8 điểm)
Suy nghĩ của anh / chị về câu nói của Bill Gate : “ Đừng so sánh bản thân bạn với bất kì ai trên thế giới này vì làm như vậy là bạn đang tự xúc phạm chính bản thân mình”
Câu 2 (12 điểm)
Trong tập Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa ghi lại câu nói của Xuân Diệu: “ Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Nếu không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết.”
Anh/ chị hiểu quan niệm này như thế nào? Hãy làm sáng tỏ điều đó qua các tác phẩm đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ Văn 11.
……………….Hết………………
ĐÁP ÁN, BIỂU ĐIỂM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
MÔN NGỮ VĂN LỚP 11
NĂM HỌC 2014-2015
Câu 1 ( 8 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng
– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý: vận dụng các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận, đưa ra ý kiến riêng khi giải quyết vấn đề
– Bài viết có bố cục mạch lạc, hệ thống luận cứ, luận điểm rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục
– Không mắc lỗi dùng từ, viết câu, chính tả. văn viết có cảm xúc
– Trình bày sạch sẽ, khoa học
* Yêu cầu về kiến thức
Hướng dẫn chấm thi chỉ nêu những định hướng chính. Học sinh có thể có nhiều cách sắp xếp và tổ chức làm bài theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần đáp ứng được những kiến thức cơ bản sau:
- Giải thích
– So sánh bản thân: đặt bản thân trong thế đối sánh với những người khác
– Tự xúc phạm chính mình: thái độ rẻ rúm, tự coi thường bản thân có giá trị thấp kém
à ý nghĩa của cả câu nói: Trong cuộc sống con người thường có xu hướng so sánh những thứ của bản thân mình ( ngoại hình, học vấn, nguồn gốc, tài sản….) với người khác và luôn cảm thấy mình thua thiệt, kém cỏi hơn họ. Từ đó hình thành nên tâm lí tự ti, không tin và không coi trọng những giá trị của chính bản thân mình. Câu nói phê phán thái độ sống tự ti, đề cao lòng tự tin vào bản thân của mỗi cá nhân trong cuộc sống
- Bàn luận
– Hiện trạng: So sánh với người khác là một hành động mà con người rất hay tiến hành: Cô ấy lại xinh đẹp hơn mình. Anh ấy lại thông minh hơn mình. Người ta lại giàu có tài giởi hơn mình. Họ hạnh phúc hơn mình. Chính những điều so sánh tưởng chừng vô bổ kia lại gây ra tác hại cực kì to lớn, ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi con người. (dc)
– Tác động:
+ Nếu con người không có niềm tin vào bản thân, luôn cảm thấy mình thua kém thiệt thòi so với người khác đồng nghĩa với tâm lí tự ti: Con người dậm chân tại một chỗ, sinh ra tâm lí chán nản hoặc giận dỗi cuộc đời tại sao lại đối xử bất công như vậy; Không có niềm tin vào bản thân mình đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bao giờ làm được những điều có ý nghĩa, không bao giờ dám dấn thân thử sức những công việc khó khăn vì luôn nghĩ: nó quá khó với mình; Con người sẽ trở thành cái bóng mờ ảo của người khác, sống chỉ như tồn tại (dc)
+ Nếu con người có niềm tin vào sức mạnh và giá trị bản thân mình: Khẳng định được giá trị của bản thân, sống thật sự có ý nghĩa, vui vẻ lạc quan; Tự tin vào giá trị bản thân giúp con người tỏa sáng trong đám đông, tạo nên những kỳ tích thay đổi cuộc đời. (dc)
– Biện pháp: Con người cần phải học cách trân trọng những giá trị của bản thân mình bởi ngay cả chính bạn cũng không tôn trọng mình thì đừng đòi hỏi người khác tôn trọng tin tưởng bạn; Trong khi đối mặt với những khó khăn giông bão của cuộc đời thì cần giữ vững niềm tin, ý chí vững vàng mạnh mẽ.
– Mở rộng vấn đề: Tuy nhiên trong một số trường hợp thì so sánh với người khác cũng đem lại những ý nghĩa tích cực ( rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân hoặc coi đó là một tấm gương để mình phấn đấu noi theo); Phê phán thái độ so sánh với người khác để chê bai, thỏa mãn lòng tự kiêu của bản thân.
- Liên hệ bản thân
Học sinh liên hệ làm bật lên ý nghĩa vai trò của lòng tự tin đối với chính cuộc sống học tập và lao động hàng ngày của các em
* Biểu điểm
– Điểm 7-8: Học sinh trình bày một cách thuyết phục, lập ý súc tích, văn viết có cảm xúc cả hai yêu cầu kiến thức và kỹ năng.
– Điểm 5-6: Học sinh trình bày một cách tương đối các yêu cầu về kiến thức, thiếu một vài ý nhỏ
– Điểm 3-4: Học sinh trình bày ½ yêu cầu về kiến thức, mắc lỗi kĩ năng
– Điểm 0-2: Học sinh trình bày ý sơ sài hoặc không hiểu vấn đề câu nói đề cập
Câu 2(12điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng
– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học: giải quyết một số vấn đề lí luận văn học về quá trình sáng tạo văn bản của người nghệ sĩ; Hiểu vấn đề và biết cách chọn dẫn chứng, chứng minh qua các tác phẩm đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn 11.
– Bài viết có bố cục rõ ràng, hệ thống luận điểm, luận cứ thuyết phục
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu; Hành văn trôi chảy, hình ảnh, cảm xúc
– Trình bày sạch sẽ, khoa học.
* Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
- Giải thích
– Tại sao nói “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm”:
+ Mỗi 1 bộ môn nghệ thuật cần những phương tiện chất liệu để hiện thực hóa những tình cảm, suy nghĩ, ý tưởng của người nghệ sĩ; Hội họa cần những mảng màu, bố cục; Điêu khắc cần những đường nét và hình khối; Phim ảnh cần những phân đoạn trường đoạn, những góc máy xa gần… Tương tự như vậy, tác phẩm là phương tiện để nhà văn thực hiện thiên chức của mình, hoàn thành chức năng cao đẹp phản ánh hiện thực cuộc sống của văn học. Không có tác phẩm thì không có cái gọi là nhà văn, nhà thơ, khác gì người họa sĩ không có bút, nhà quay phim hành nghề không có máy quay…
+ Tác phẩm chính là cái cuối cùng, là cái túi chứa đựng mọi cảm xúc, khát khao, suy cảm của nhà văn trước hiện thực cuộc sống. Có những đêm mắt không ngủ và lòng rực sáng, tâm hồn nhà nghệ sĩ dồn chứa những rung cảm mãnh liệt dẫn tới 1 nhu cầu: viết, viết và phải viết, thậm chí có nhà nghệ sĩ cảm thấy nếu không được viết thì có thể phát điên, có thể chết hay ttonf tại mà như đã chết nếu không được viết, không được thai nghén những tác phẩm ( liên hệ Hộ trong Đời thừa)
+ Cái làm nên tên tuổi, thể hiện cái Tôi phong phú, làm cho những nhà văn nhà thơ cảm thấy sự sống của mình thực sự có ý nghĩa chứ không phải một sự tồn tại mờ nhạt đó chính là thai nghén ra được các tác phẩm có giá trị. Qua những đứa con tinh thần này, người nghệ sĩ khẳng định được cá tính riêng của mình cũng là để khẳng định sự tồn tại của cá nhân.
+ Có những tác phẩm đã thật sự giúp người nghệ sĩ-con người vượt lên khỏi ranh giới của sự lãng quên, của cái chết mà hướng tới một sự tồn tại vĩnh hằng. Đó là khi người nghệ sĩ sáng tác được những tác phẩm có giá trị cao.
– “Nếu không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết”:
+ Ở đây có thể hiểu là khi nhà văn không có đủ các điều kiện cần thiết để sáng tác hoặc là vẫn sáng tác đều đặn nhưng các tác phẩm ra đời chỉ là những văn bản tả chân hời hợt, sao chụp cuộc sống hoặc là những ghi chép vụn vặt về cuộc sống.
+ Hậu quả: cả tác phẩm và tác giả sớm muộn sẽ rơi vào quên lãng, hoặc những người nghệ sĩ có lương tâm thậm chí coi mình lúc này như đồ thừa, đồ vô dụng hay “một thằng khốn nạn” (Hộ-Đời thừa)
– Vậy một nhà văn chỉ được coi là tồn tại khi có được những tác phẩm thật sự có giá trị cao, không những đem đến một cái nhìn mới về cuộc sống, đem đến những tư tưởng đầy tính nhân văn mà còn phải được thể hiện bằng một hình thức nghệ thuật mới mẻ.
- Chứng minh
Học sinh tùy chọn các tác phẩm và đoạn trích đã học và chốt được các ý sau:
– Nhà văn tồn tại ớ tác phẩm: học sinh có thể lựa chọn những sáng tác trong Thơ mới hoặc văn xuôi 1930-1945 để làm sáng tỏ bằng việc lao động nghiêm túc, tìm tòi những cái nhìn mới thì những tác phẩm, tác giả thuộc giai đoạn này đã ghi những dấu mốc khó phai mờ trong văn đàn và trong lòng bạn đọc.
– Nhà văn không sáng tác được những tác phẩm thật sựu sẽ nhanh chóng bị rơi vào quên lãng: những tác phẩm thuộc giai đoạn sau của Tự lực văn đoàn…
- Bàn luận
– Đây là một quan niệm xác đáng về quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, mối quan hệ giữa họ và tác phẩm nghệ thuật.
– Câu nói cũng đưa ra một bài học sâu sắc cho người sáng tác: để có được những tác phẩm có giá trị lay động được tới tái tim bạn đọc thì cần có một trái tim nóng bỏng, một tâm hồn nhạy cảm tinh tế, những gì viết ra cần phải xuất phát từ tình cảm chân thật sâu sắc. Muốn vậy trái tim người nghệ sĩ phải để ở giữa cuộc đời và vì cuộc đời; Độc giả khi thẩm bình và hưởng thụ cái Đẹp của một tác phẩm văn học nói chung: không nên nhìn vào kết cấu đồ sộ, dung lượng hoành tráng của câu từ để vội vàng đánh giá mà phải đi sâu tìm ra được cái mạch nguồn cảm súc dạt dào mà sâu kín của thi nhân, nắm được cái hạt ngọc mà người nghệ sĩ thai nghén gửi gắm. Có như thế mới có thể bước vào địa hạt của cái Đẹp.
– Quan niệm trên không chỉ đúng với riêng thể loại cá biệt nào mà đúng với toàn bộ các thể loại, không chỉ đúng với một tác giả nào đó mà đúng với tất cả các nghệ sĩ đang muốn lưu dấu ấn trên hành trình sáng tạo cái Đẹp
*Biểu điểm
– Điểm 11-12: Đáp ứng tốt yêu cầu kĩ năng và kiến thức, lí luận mạch lạc, phân tích dẫn chứng cảm xúc
– Điểm 8-10: Nội dung tương đối đầy đủ, còn thiếu một vài ý nhỏ
– Điểm 5-7: Bài làm đáp ứng một nửa yêu cầu bài viết, còn mắc lỗi diễn đạt, văn viết chưa cảm xúc
– Điểm 3-4: Trình bày ý sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt
– Điểm 1-2: Không hiểu đề, không có kỹ năng lập luận-phân tích.
…………………..Hết………………….