Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 10 tỉnh Phú Thọ

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

TỈNH PHÚ THỌ

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN  KHỐI 10

Thời gian 180 phút

(Đề này có 01 trang, gồm 2 câu)

 

Câu 1 (8 điểm):

Nếu phía trước bạn là con đường.

Câu 2 (12 điểm):

Dấu ấn cá nhân của các nhà thơ Nguyễn Du, Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, trong các đoạn trích  Nỗi thương mình ( trích Truyện Kiều), Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ( trích Chinh phụ ngâm).

——HẾT—–

Người ra đề: Phạm Thùy Dương, ĐT: 0915 442 889

 

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

TỈNH PHÚ THỌ

ĐÁP ÁN ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM

MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10

 

Câu 1 (8 điểm):

Nếu phía trước bạn là con đường.

  1. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  2. Yêu cầu về kiến thức: Đây là bài NLXH dạng mở, có thể nêu những ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần hợp lý, chặt chẽ, thuyết phục … và nêu được các ý cơ bản sau:
  3. Giải thích (2,0 điểm):

Con đường  hiểu theo nghĩa hẹp là con đường đến trường, con đường về nhà, đường đi,…

Con đường hiểu theo nghĩa rộng là đường đời, hành trình đi tới tương lai,…

– Câu nói đưa ra tình huống để từ tình huống ấy ta thấy được sự lựa chọn, khả năng giải quyết của mỗi người.

  1. Bàn luận (4,0 điểm):

– Hình ảnh con đường dù hiểu theo nghĩa nào cũng mở ra nhiều không gian, nhiều chiều hướng. Có thể là thuận lợi, có thể là khó khăn, có thể gần, có thể xa, có thể đơn giản, có thể phức tạp,…

– Trước những tình huống ấy, mỗi người lại có những lựa chọn khác nhau: can đảm bước tiếp hoặc ngay lập tức quay lại, bỏ cuộc giữa chừng, đi luôn mà không cần suy xét, suy xét rồi mới đi,…

+ Phía trước là con đường, nếu chọn bước tiếp, chọn đúng sẽ trưởng thành, thành công, sẽ mở ra một tương lai sáng lạn. Nếu chọn sai sẽ gây hại cho bản thân và xã hội.

+ Phía trước là con đường, nếu chọn dừng lại, con đường ấy là đúng đắn thì bản thân sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nếu con đường ấy là sai thì dừng lại là sáng suốt.

  1. Bài học nhận thức và hành động (2,0 điểm):

– Bản thân: lựa chọn con đường nào? Vì sao? Chuẩn bị những gì để bước tiếp?

– Hãy luôn mạnh mẽ, sẵn sàng đối diện với khó khăn thử thách, biết chấp nhận thất bại để đi đến thành công.

– Mỗi người cần rèn luyện cho mình bản lĩnh sống vững vàng để có thể tự tin, chủ động, sáng suốt  trong cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, bất trắc.

  1. Thang điểm:

– Điểm 7-8: Đáp ứng các yêu cầu trên, phân tích sâu sắc, dẫn chứng chọn lọc, tiêu biểu, phong phú, chính xác, văn viết hấp dẫn, có cảm xúc chân thành, thấm thía.

– Điểm 5-6: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên. Dẫn chứng chọn lọc, chính xác, văn viết lưu loát, trôi chảy.

– Điểm 3-4: Đáp ứng tương đối đủ các yêu cầu trên. Nắm vững yêu cầu của đề, dẫn chứng chính xác, diễn đạt tương đối tốt.

– Điểm 1-2: Nắm vững yêu cầu của đề, có dẫn chứng, phân tích, chứng minh, bình luận chưa sâu sắc, còn mắc lỗi chính tả.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc không làm được bài.

          Câu 2 (12 điểm):

Dấu ấn cá nhân của các nhà thơ Nguyễn Du, Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, trong các đoạn trích  Nỗi thương mình ( trích Truyện Kiều), Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ( trích Chinh phụ ngâm).

  1. Yêu cầu chung:  Biết làm bài NLVH. Vận dụng tốt các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh văn học. Biết phân tích định hướng. Văn viết có hình ảnh và giàu cảm xúc, có giọng điệu riêng.
  2. Yêu cầu cụ thể:
  3. Giải thích (1.5 điểm):

– Dấu ấn cá nhân: là dấu hiệu của con người cá nhân, cá thể, là nét riêng, không lặp lại người khác

– Trong thời kì văn học trung đại, văn học là tiếng nói của cái ta, của cộng đồng, cái tôi cá nhân chưa có điều kiện để bộc lộ đầy đủ. Nhưng ở một số những hiện tượng văn học tài năng, dấu ấn cá nhân vẫn bộc  lộ rõ ràng, tạo nên cá tính sáng tạo riêng. Tiêu biểu là Nguyễn Du, Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm.

  1. Chứng minh (9,0 điểm):

* Sự gặp gỡ: Đó là sự khẳng định ý thức cá nhân, đề cao quyền sống cá nhân.

* Dấu ấn cá nhân:

– Nguyễn Du:

+ Xã hội phong kiến có thái độ khắc nghiệt đối với vấn đề trinh tiết của người phụ nữ, coi rẻ những kĩ nữ lầu xanh. Nguyễn Du đã có cái nhìn thể hiện sự đồng cảm đối với nàng Kiều trong thân phận người kĩ nữ.

+ Nhìn bề ngoài, Thúy Kiều là một kĩ nữ. Tuy nhiên từ trong sâu thẳm tâm hồn Kiều, nàng luôn vươn lên khỏi vũng lầy dơ bẩn đó, nàng giật mình, thương mình, thấm thía nỗi  ô nhục, chán chường của mình. Đó chính là tấm lòng rộng mở của Nguyễn Du đối với nàng Kiều, là cái nhìn vượt xa thời đại của Nguyễn Du đối với người phụ nữ ( So sánh với các nhà nho cùng thời hay sau Nguyễn Du, ví dụ như Nguyễn Công Trứ).

+ Đoạn trích thể hiện sự thành công của Nguyễn Du trong việc sử dụng bút pháp ước lệ, nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật ( sử dụng nhiều hình thái ngôn ngữ trong việc miêu tả nội tâm nhân vật – ngôn ngữ gián tiếp, lời nửa trực tiếp…)

+ Nguyễn Du khai thác hiệu quả nhịp điệu mềm mại, uyển chuyển của thể thơ lục bát.

– Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm:

+ Thơ ca trung đại rất ít viết về người phụ nữ, lại càng ít viết về tâm tư, tình cảm, tình yêu nam nữ. Trong bối cảnh văn hóa ấy, ta càng trân trọng tác giả Chinh phụ ngâm đã đặt vấn đề hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học nước ta, tác giả để cho tâm tình sâu kín của người phụ nữ được bộc bạch, giãi bày một cách hệ thống.

+ Người phụ nữ cất lên tiếng nói đầy chất nữ tính của mình, với những đau khổ, khát khao, mơ mộng, những buồn tủi, nhớ nhung, mong đợi và cả sự tuyệt vọng… Tất cả đều hướng đến niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Đây chính là cái mới, những đóng góp xuất sắc của Đặng Trần Côn cho lịch sử văn học.

+ Nghệ thuật diễn tả nội tâm qua  ngoại hình, hành động, cử chỉ.

+ Sử dụng thành công thể song thất lục bát để diễn tả nội tâm nhân vật.

  1. Nâng cao (1.5 điểm):

– Khẳng định những đóng góp mới mẻ, tiếng nói riêng của Nguyễn Du và Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm cho lịch sử văn học dân tộc.

– Khẳng định tài năng và nhân cách của mỗi tác giả.

– Bài học đối với người nghệ sĩ và độc giả: người nghệ sĩ không ngừng trau dồi vốn sống và khả năng sáng tạo, người đọc không ngừng học hỏi để nâng cao vốn hiểu biết.

          III. Thang điểm:

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7: Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ , nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

—HẾT—

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *