Viết văn bản thuyết minh về tác phẩm Tắm đêm của Tô Hoài

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Dẫn tác phẩm)

Tắm đêm

 – Tô Hoài-

Văn bắt đầu kể câu chuyện như sau: Nghỉ hè năm ấy, Hiếu rủ tôi và Căn, Bích, Hiền về quê anh ta nghỉ mát. Nhân thể vừa thi trượt xong, chán không buồn ở Hà Nội nữa, tôi nhận lời ngay. Quê Hiếu ở ngay bên bờ sông Đuống, cách núi Thiên Thai độ hơn một cây số.

Đang ở Hà Nội đông đúc được thả về quê mát mẻ, tôi thấy người khỏe hẳn lên, quên khuấy ngay cả cái buồn hỏng thi. Lại thêm được một lũ bạn đùa như quỷ sứ làm cho tôi giá có khóc cũng phải cười.

Làng ven sông có một phong cảnh khá nên thơ. Chiều chiều rợp nắng chúng tôi thường ngồi thuyền đi dạo mát trên sông Đuống. Dòng sông đào lờ đờ chảy giữa hai bên bờ chen nhau những hàng dâu mát rượi những rặng tre lả ngọn quyện trên mặt nước. Đàng xa nổi lên nền lá xanh một dịp cầu tre mảnh khảnh.   Cảnh trí như hệt một bức tranh thủy mạc.

Nhà Hiếu ở gần một bến nước. Người vùng ấy gọi là bến Đá vì ở đấy có mấy phiến đá rất lớn. Bến Đá là một chỗ rửa ráy giặt giũ của cả xóm. Bởi thế chúng tôi thường được ngắm những cô gái làng ra bến quẫy nước. Gái sông Đuống xinh chẳng kém gì gái Lim lại thêm được cái tính chua ngoa thì không đâu bằng! Tụi Căn – Bích,  hai kiện tướng trong làng môi mép cũng phải chịu thua. Họ ví von rất khéo đến nỗi không mở mồm nói vào đâu được nữa. Thế nào cũng bị chặn cứng lưỡi. Một là các cô giỏi biện bác, hai là giọng của các cô rất hay. Chúng tôi đành đứng ngẩn ra cả lũ nghe các cô ví. Họ xỏ xiên cay độc mà chúng tôi cũng đành khóa miệng. Nhưng sự thất bại của chúng tôi phần lớn tại Hiếu vì Hiếu là người hiền lành sợ các cô. Anh thường ngăn cản chúng tôi trong các cuộc đấu khẩu. Mà chúng tôi cũng nể Hiếu nên lắm phen cũng phải nín thít. Ở xóm có độ bốn năm cô, chúng tôi phải kiêng mặt.

Độ ấy vào khoảng trung tuần tháng 5 một đêm trăng sáng. Trừ Hiếu hay đi ngủ sớm còn chúng tôi bắc ghế ra sân ngồi chơi. Bỗng lắng nghe tiếng cười đùa từ bờ sông vẳng lại. Căn lò mò ra cửa nghe ngóng. Một lát, Căn hớt hải chạy về rủ chúng tôi đi chơi. Tôi hỏi đi đâu? Anh để ngón tay lên ngang miệng làm dấu bí mật và dẫn chúng tôi ra khỏi ngõ đi về phía bờ sông chỗ có tiếng cười ban nãy đưa lại.

Anh bắt ai nấy đều phải im lặng và theo mệnh lệnh của anh vì anh tuyên bố sẽ có cuộc vui rất lý thú. Chúng tôi ngậm miệng kẻ trước người sau đi nương vào bóng những cây trúc mọc sát vệ đường về phía bờ sông. Không biết là trò quỷ quái gì nhưng cũng cứ đi. Chừng hơn trăm thước đã trông thấy Bến Đá. Một dịp cười giòn tan từ dưới nước hắt lên. Chúng tôi tiến mấy bước nữa rồi đứng lại. Trời ơi, có anh nào nào đoán được chúng tôi trông thấy những gì không? Bích, Hiền và tôi đứng ngây người. Căn có vẻ ranh mãnh leo tót lên một cây khế tơ dòm xuống. Trên mặt sông, bốn cô gái đang tắm các cô đang đùa với sóng. Cho đến hôm nay trông mặt Hồ Tây này,  tôi còn nhớ cảnh ấy như tối hôm qua.

Lược một đoạn: Cản các cô gái tắm đêm, đùa nhau dưới làn nước mát khiến các chàng trai thích thú…Nhưng các cô gái ấy đều là”của” ngoa ngoắt nhất xóm.

Căn thao thức không ngủ. Thỉnh thoảng đang nằm chúng tôi lại bị hắn dựng dậy vừa lay vừa nói rít lên: “Chúng nó đẹp như tiên sa”.

Rồi hắn vùng chạy ra sân. Trăng sáng trong im lặng. Căn chắp tay sau lưng ngửa mặt nhìn trăng nhìn trời rồi lại quay vào. Suốt đêm cứ lùng cùng như thế! Có lẽ anh chàng bị “cảm” nặng quá! Ngay hôm sau Căn chơi gì cũng chán chỉ mong chóng đến tối. Câu chuyện đêm qua Căn yêu cầu chúng tôi đừng nói gì cho Hiếu biết vì nếu Hiếu biết thì thế nào hắn cũng gàn.

Đến đêm khi nghe tiếng cười í ới phía sông nhưng chúng tôi không anh nào muốn đi… xem cả. Vì chúng tôi sợ người trong xóm biết thì ê mặt. Rồi chúng tôi không đi. Chỉ có Căn không bỏ. Năm sáu đêm liền đêm nào hắn cũng mò mẫm.

Một đêm chúng tôi còn thức chỉ có Hiếu đã ngủ. Căn vừa đi… xem một lúc thì có tiếng huỳnh huỵch từ phía sông chạy lại và văng vẳng tiếng cười rít lên. Chúng tôi còn đang ngơ ngác chợt cánh cửa mở tung. Căn ướt lướt thướt chạy vào. Anh vừa thở vừa bảo Hiếu ra đóng cửa. Chúng tôi nhìn Căn không nhịn được cười đầu tóc quần áo chỗ nào cũng ướt như chuột lột.

Hiếu và Bích xúm lại hỏi. Căn không trả lời và đứng im chỉ tay ra ngõ. Một lát sau có tiếng cười dữ dội và ồ ạt như muốn ném vào trong này. Căn tái mặt vào thay quần áo. Một câu hát bóng nói lên giữa tiếng cười “ Lạ chi mà phải đi dòm. Để người quân tử lăn tòm xuống sông”.

Căn tức ngây người. Anh rù rì kể chuyện. Ô thì ra cái anh chàng ma quái ấy trèo lên cây khế cho rõ mới trèo lên tận ngọn để thỏa lòng nhìn hoa. Chẳng ngờ cành khế dòn. Đang leo… leo… bỗng cành khế gãy ném thẳng anh chàng xuống nước. Người quân tử lăn tòm xuống sông vội lội vào bờ quàng chân lên cổ chạy một mạch về.

Căn cay đến tím ruột. Mấy đêm sau tuy các cô vẫn đi tắm như thường mà Căn không dám đi… xem nữa. Chúng tôi nói pha anh chỉ mỉm cười. Từ buổi ấy anh đi ngủ rất sớm. Có lẽ để tránh những tiếng cười câu ví như ném muối vào mặt mỗi khi các cô đi tắm về. Và chừng như anh suy nghĩ lung lắm thì phải!

Lược một đoạn: bẵng đi một dạo, trời không có trăng, các cô gái không đi tắm đêm, Căn cũng đã nguôi ngoai, vui vẻ trở lại. Nhưng trong lòng anh vẫn ấp ủ suy nghĩ trả thù các cô gái ven sông…

Đêm ấy trăng sáng quá. Vì sáng quá chỗ nào cũng trắng ánh trăng nên phong cảnh nhuốm một vẻ rờn rợn.

Bây giờ vào khoảng nửa đêm. Vừa nghe tiếng ầm ì ngoài sông. Căn đã lùi lũi đi. Chúng tôi nhìn nhau cười. Nhưng rồi Căn về ngay khoác đi một cái áo dài trắng.

Chúng tôi càng lạ nữa. Không hiểu ra anh làm trò gì. Thế chỉ mười lăm phút sau Căn lại lù lù về lần này về với một bọc to tướng. Chúng tôi ra xem. Ô hay! Một đống những áo những quần những thắt lưng. Chúng tôi đã trông thấy cái thâm ý của anh rồi.

Thì ra anh chơi khăm. Lúc các cô mải đùa nhau tíu tít dưới nước không ngờ ở trên bờ có kẻ ma mãnh đã nhẹ tay dỡ mất tất cả đống áo. Thật là không ai ngờ Căn lại cẩn thận khoác áo trắng lẫn ánh trăng. Mà ngờ thế nào được! Đây cũng giống như chuyện chú tiều ăn cắp cánh tiên nhưng đàng này chú tiều phu không được nhã sự và “sự thực” mất một tí. Căn lật đật dắt chúng tôi lại ra trèo lên một cây nhãn to ngay trước cổng để xem “thế sự xoay vần ra sao”.

Đường đi từ trong xóm ra đến Bến Đá là một con đường cụt đến bến là hết không rẽ đâu cả. Từ nhà Hiếu ra bến hai bên đường có mấy nếp nhà nhỏ và vườn rau. Thế mới rầy rà nấp trong cây nhãn bùm tum không ai ngó thấy chúng tôi có thể nhìn ra xa đến bến được. Tuy anh nào cũng phàn nàn về lối chơi ác nhưng ai lại cũng ngầm bằng lòng vì sự trả thù đích đáng ấy.

Trăng sáng vằng vặc như ban ngày. Các cô vẫn đùa ì ùm dưới nước. Lúc sau, một  cô lên trước bỗng kêu thất thanh rồi nhảy tùm ngay xuống. Rồi bốn cái thân hình trắng nhễ trắng nhại lướt thướt chạy lên. Như những nàng tiên trần truồng tìm cánh các cô lẳng lặng đi hết gốc cây này qua bụi cỏ khác. Sau chừng hiểu chắc có đứa nào nghịch ác các cô đứng lặng nhìn nhau.

Bấy giờ trời trong xanh không gợn mây. Ánh trăng tha hồ tò mò. Các cô khép nép nhưng khép nép cũng vô hiệu. Các anh cứ tưởng tượng giản dị như thế này. Trên một phiếm đá lớn kề ngang trước mặt nước trong trăng sáng nước dưới ánh trăng cũng sáng bốn thiếu nữ trắng như ngà loay hoay cô nọ dựa cô kia. Các cô muốn tránh ánh trăng sáng quá nhưng ánh trăng hóm hỉnh chỗ nào cũng có!

Chợt một cô chỉ tay về phía cổng chỗ cây nhãn của chúng tôi bốn cái mặt đều ngó về phía ấy. Bỗng mấy tiếng rú nổi lên các cô ôm mặt nhảy đại cả xuống sông.

Tôi tưởng các cô trông thấy chúng tôi. Nhưng Căn đã ôm bụng mắm môi nhịn cười và chỉ tay xuống bờ giậu phía sau lưng: thì ra cái áo trắng dài đã được cắm vào một cọc giậu dưới bóng cây ban đêm xa trông hệt như hình người đứng. Các cô cứ bì bõm dưới nước không dám ló mặt lên nữa. Chúng tôi nghĩ thương hại bảo Căn cất cái áo bù nhìn đi. Căn cười:

– Mấy khi đi dược dịp thế này. Mà giá bây giờ có cất cái áo đi, dù thính các cô cũng chẳng dám lên để dẫn xác đi qua đây về nhà.

Lược đoạn cuối: Văn ngừng kể chuyện. Cả bọn tha hồ phỏng đoán cách mà các cô gái đi về nhà… Cũng từ đó, các cô gái không dám đi tắm đêm nữa mà cũng không còn ví von chua ngoa nữa…

1942

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Câu 1: Truyện được kể theo ngôi kể thứ mấy? Người kể chuyện là ai? Người đó có đặc điểm gì?

Câu 2: Hãy liệt kê các sự việc chính trong truyện? Sự việc nào là  chính? Sự việc này có gì đặc biệt?

Câu 3: Các sự việc trong truyện được sắp xếp theo trình tự nào? Hiệu quả của sự sắp xếp ấy?

Câu 4: Các cô gái sông Đuống ra tắm đêm ở bến Đá gợi liên tưởng đến nét đẹp nào trong nếp sống và sinh hoạt ở làng quê xưa?

Câu 5: Việc các cô gái bị Căn giấu quần áo được nhà văn so sánh với việc nào? Việc so sánh ấy có tác dụng gì đối với sự việc được kể trong truyện?

Câu 6: Tìm và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong câu  sau “ Trên một phiếm đá lớn kề ngang trước mặt nước, trong trăng sáng, nước dưới ánh trăng cũng sáng bốn thiếu nữ trắng như ngà loay hoay cô nọ dựa cô kia. Các cô muốn tránh ánh trăng sáng quá nhưng ánh trăng hóm hỉnh chỗ nào cũng có!”

Câu 7: Nhận xét về ngôn ngữ và giọng điệu của người kể chuyện trong tác phẩm?

Câu 8: Anh/chị có đồng tình với hành động của nhân vật Căn (giấu quần áo của các cô gái khi các cô ấy xuống bến tắm) không? Lý giải vì sao?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên

————–Hết————————

HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN CHI TIẾT

ĐỌC – HIỂU

Câu Nội dung cần đạt Điểm
1 – Truyện được kể theo ngôi kể thứ 3

– Người kể là Văn, một nhân vật trong truyện và cũng là một trong số các chàng thứ sinh về nhà Hiếu để nghỉ mát sau kỳ thi.

0,5
2 * Các sự việc chính trong truyện:

– Nghỉ hè năm ấy, Văn cùng Căn, Bích về nghỉ mát ở quê Hiếu, sau mùa thi. Quê Hiếu ở ngay bờ sông Đuống, cách núi Thiên Thai độ hơn một cây số.

– Những ngày nghỉ ở quê của Hiếu, cả lũ cùng trải nghiệm cuộc sống và sinh hoạt ở làng quê, trong đó việc tắm đêm của các cô gái sông Đuống ở bến Đá khiến các chàng thư sinh tò mò.

– Đêm trăng sáng, các chàng rủ nhau ra bến Đá, xem các cô gái tắm đêm, Căn bị các cô gái chế giễu và Căn ấp ủ trả đũa,

– Mấy hôm sau, khi các cô xuống bến Đá tắm, Căn đã giấu hết quần áo của các cô, khiến các cô gái được phen hú vía…

* Sự việc chính: Các cô gái sông Đuống tắm đêm ở bến Đá.

0,5
3 Các sự việc được sắp xếp theo trình tự thời gian (hiện tại- quá khứ- hiện tại)

– Hiệu quả:

+ Người nghe, người đọc dễ hình dung về cốt truyện, nội dung của câu chuyện được kể

+ Tạo sự hứng thú, tò mò cho người đọc, người nghe.

0,5
4 Việc các cô gái sông Đuống ra tắm đêm ở bến Đá gợi liên tưởng đến nét đẹp nào trong nếp sống và sinh hoạt ở làng quê xưa:

– Thân thiện với môi trường thiên nhiên,

– Không gian riêng tư của các cô gái

– Cuộc sống còn đơn giản, tự nhiên

0,75
5 * Việc các cô gái bị Căn giấu quần áo được nhà văn so sánh với việc chuyện chú tiều ăn cắp cánh tiên.

* Việc so sánh ấy có tác dụng đối với sự việc được kể trong truyện:

– Tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện, gần gũi đời sống như câu chuyện diễn ra trong truyện cổ tích

– Tạo tình huống bất ngờ, kích thích trí tò mò của người đọc

– Góp phần tạo nên đặc sắc nghệ thuật trong phong cách viết truyện của nhà văn Tô Hoài.

0,75
6 Tìm và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu  sau “ Trên một phiếm đá lớn kề ngang trước mặt nước, trong trăng sáng, nước dưới ánh trăng cũng sáng bốn thiếu nữ trắng như ngà loay hoay cô nọ dựa cô kia. Các cô muốn tránh ánh trăng sáng quá nhưng ánh trăng hóm hỉnh chỗ nào cũng có!”

* HS có thể tìm và phân tích tác dụng của 1 trong 2 biện pháp tu từ sau:

– Biện pháp tu từ: so sánh (Bốn thiếu nữ- trắng như ngà)

– Biện pháp nhân hóa (ánh trăng hóm hỉnh)

* Tác dụng

– So sánh:

+ Tạo cách diện đạt giàu hình ảnh, gợi hình dung về vẻ đẹp của các cô gái sông Đuống

+ Thể hiện thái độ trân trọng và ngưỡng mộ của nhà văn đối với vẻ đẹp của các cô thôn nữ xưa.

– Nhân hóa

+ Tạo cách diễn đạt sinh động, giàu hình ảnh khi miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên (ánh trăng)

+ Khiến thiên nhiên (ánh trăng) cũng tinh nghịch giống như những chàng thư sinh trong truyện vậy.

1,0
7 Nhận xét về ngôn ngữ và giọng điệu của người kể chuyện trong tác phẩm?

* Ngôn ngữ và giọng điệu

– Ngôn ngữ: giản dị, gần gũi với đời sống; giàu hình ảnh, gợi cảm,

– Giọng điệu: chậm rãi, nhẩn nha, kích thích trí tò mò của người đọc.

* Nhận xét

– Thể hiện sự qua sát tỉ mỉ, am hiểu tâm lý của nhân vật,

– Tài năng sử dụng ngôn ngữ của nhà văn

– Góp phần làm nên đặc sắc nghệ thuật truyện ngắn của Tô Hoài trước cách mạng tháng 8-1945.

1,0
8 Anh/chị có đồng tình với hành động của nhân vật Căn (giấu quần áo của các cô gái khi các cô ấy xuống bến tắm) không? Lý giải vì sao?

HS có thể lựa chọn đồng tình hoặc không đồng tình hoặc cả hai (vừa đồng tình vừa không đồng tình), có lý giải phù hợp.

Ví dụ:

– Nếu chọn đồng tình thì có thể lý giải:

+ Diễn tả sinh động tâm lý của những chàng trai mới lớn, suy nghĩ chưa sâu sắc, chỉ muốn xả giận theo kiểu ăn miếng trả miếng.

+ Chứng tỏ nhà văn am hiểu tâm lý của những chàng thư sinh mới lớn, có tâm lý rõ ràng phải trái…

– Nếu chọn không đồng tình:

+ Đó là hành động thiếu tế nhị, không có tính thẩm mĩ,

+ Không thể hiện được vẻ thanh lịch, hào hoa của những chàng thư sinh- vốn là người có học thức…

– Nếu chọn vừa đồng tình, vừa không đồng tình thì cũng cần có lý giải phù hợp…

1,0

 

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

Tô Hoài là một trong những tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Sáng tác của nhà văn vô cùng phong phú. Các tác phẩm của ông thường miêu tả những sự thật của cuộc sống đời thường.

Truyện “Tắm đêm” không chỉ tái hiện không gian quen thuộc của làng quê mà còn gợi ra những nét thi vị của cuộc sống ở làng quê trong con mắt của những chàng công tử đất kẻ Chợ.

Thân bài:

* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả

– Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

– Những sáng tác đầu tay của Tô Hoài được đăng trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy đã nhanh chóng được bạn đọc đương thời chú ý. Ông sớm khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: Con dế mèn (sau này viết bổ sung và đổi tên thành Dế Mèn phiêu lưu ký), Quê người, O chuột, Trăng thề, Nhà nghèo

– Bên cạnh những mảng sáng tác trên, Tô Hoài còn viết rất nhiều tác phẩm cho thiếu nhi và rất thành công. Ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký nổi tiếng.

* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm

– Truyện “Tắm đêm” được ra đời năm 1942, là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Tô Hoài trước cách mạng tháng 8-1945.

* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm

– Tóm tắt truyện:

+   Truyện được kể theo lời kể của Văn- một nhân vật trong truyện. Nghỉ hè năm ấy, văn cùng Căn, Bích về nghỉ mát ở quê Hiếu, sau mùa thi. Quê Hiếu ở ngay bờ sông Đuống, cách núi Thiên Thai độ hơn một cây số.

+ Những ngày nghỉ ở quê của Hiếu, cả lũ cùng tham gia những trò nghịch ngợm của mấy đứa con trai thủa ấy.

+ Cả bọn cùng rủ nhau ra bến Đá, xem các cô gái tắm đêm, Căn bị các cô gái chế giễu và Căn ấp ủ trả đũa,

+ Mấy hôm sau, khi các cô xuống bến Đá tắm, Căn đã giấu hết quần áo của các cô, khiến các cô gái được phen hú vía…

– Giá trị tư tưởng của tác phẩm

+ Truyện tái hiện sinh động những hoạt động đời sống của những chàng trai ở phố về quê và những cô gái ở làng ven sông Đuống khi Hiếu- một thư sinh- rủ các bạn về quê chơi sau kì thi…

+ Qua truyện, khung cảnh của làng quê ven sông hiện ra thật đẹp, thơ mộng: dòng sông, lũy tre, bãi dâu… khiến cho những tâm hồn trẻ càng thêm xao xuyến.

+ Đặc biệt, truyện “Tắm đêm” còn tái hiện một nét sinh hoạt cộng đồng thân thuộc của các cô gái ở quê thủa ấy.

++ Cứ mỗi đêm trăng sáng, các cô gái sông Đuống lại rủ nhau ra bãi Đá tắm đêm. Họ tha hồ đùa giỡn với sông nước quê nhà.

++ Họ thật đẹp trong con mắt của những chàng thư sinh. Vì thế, các chàng trai ấy đã say sưa ngắm các cô gái dưới ánh trăng quê…

++ Khi biết có người ngắm trộm nhan sắc của mình, các cô đã bóng gió chì chiết, mỉa mai khiến cho Căn, chàng thư sinh bị phát hiện ấy, bực bội và tìm cách trả thù.

+ Bài học mà các cô gái ven sông Đuống nhận được cũng vô cùng sâu sắc.

– Giá trị nghị thuật của truyện

+ Cốt truyện của truyện “Tắm đêm” vừa giản dị, vừa gần gũi với cuộc sống đời thường.

+ Truyện được diễn biến theo trình tự thời gian và được kể theo lời kể của Văn, một nhân vật trong truyện. Bởi thế, câu chuyện càng trở lên dung dị, gần gũi với đời sống, dễ được tiếp nhận.

+ Xây dựng tình huống truyện đời thường, hướng ngòi bút vào cuộc sống của những người dân nơi thôn quê với nhiều thú vị.

+ Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên và giọng điệu trần thuật chậm rãi, nhẩn nha, có nhiều tình tiết bất ngờ (Căn giấu quần áo của các cô gái)

+ Nhân vật được xây dựng với nhiều nét gần gũi (người trí thức: căn, Văn, Hiếu…, các cô gái sông Đuống…)

Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.

– Truyện “Tắm đêm” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

– Qua truyện, nhà văn không chỉ tái hiện chân thực cuộc sống của những chàng trai đất kinh kỳ mà còn giúp người đọc hiểu được về những sinh hoạt quen thuộc của các cô thôn nữ ven sông.

– Truyện cũng khẳng định tài năng của nhà văn trong việc dựng truyện, xây dựng nhân vật, quan sát, miêu tả chi tiết của nhà văn về phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống ở chốn quê…

 

BÀI VIẾT THAM KHẢO

 

Tô Hoài là một trong những tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Sáng tác của nhà văn vô cùng phong phú. Các tác phẩm của ông thường miêu tả những sự thật của cuộc sống đời thương.

Truyện “Tắm đêm” không chỉ tái hiện không gian quen thuộc của làng quê mà còn gợi ra những nét thi vị của cuộc sống ở làng quê trong con mắt của những chàng công tử đất kẻ Chợ.

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong gia đình có truyền thống làm giấy dó. Đây cũng là nơi ông sinh sống và gắn bó suốt những năm tháng ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Những sáng tác đầu tay của Tô Hoài được đăng trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy đã nhanh chóng được bạn đọc đương thời chú ý. Ông sớm khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: Con dế mèn (sau này viết bổ sung và đổi tên thành Dế Mèn phiêu lưu ký), Quê người, O chuột, Trăng thề, Nhà nghèo

Bên cạnh những mảng sáng tác trên, Tô Hoài còn viết rất nhiều tác phẩm cho thiếu nhi và rất thành công. Ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký nổi tiếng.

Tô Hoài đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác như Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1956, Truyện Tây Bắc); Giải A – Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970, tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á − Phi (1970, tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1, năm 1996) và Giải thưởng Bùi Xuân Phái −Vì tình yêu Hà Nội (năm 2010). Tác phẩm của Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức, Bungari, Cu Ba, Mông Cổ, Nhật Bản …

Truyện “Tắm đêm” được ra đời năm 1942, là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Tô Hoài trước cách mạng tháng 8-1945.

Truyện được kể theo lời kể của Văn- một nhân vật trong truyện. Nghỉ hè năm ấy, văn cùng Căn, Bích về nghỉ mát ở quê Hiếu, sau mùa thi. Quê Hiếu ở ngay bờ sông Đuống, cách núi Thiên Thai độ hơn một cây số. Những ngày nghỉ ở quê của Hiếu, cả lũ cùng tham gia những trò nghịch ngợm của mấy đứa con trai thủa ấy. Những đêm trăng sáng, họ rủ nhau ra bến Đá, xem các cô gái tắm đêm. Ban đầu, có người từ chối vì thấy không hay nhưng vì tò mò, họ đã cùng nhau đi xem một lần. Dưới ánh trăng trong, trên làn nước mát, vẻ đẹp của các cô gái sông Đuống chẳng khác tiên sa. Vẻ đẹp như ngọc như ngà ấy khiến các chàng thư sinh say mê, có chàng đã thao thức nhiều đêm. Nhưng sau đó, họ dứt khoát không tham gia trò chơi ấy nữa, trừ Căn. Chàng kiên quyết đi một mình và gặp sự cố. Căn bị các cô gái chế giễu và Căn ấp ủ dạy cho các cô gái ấy một bài học.

Đêm trăng sáng lại tới, các cô gái lại rủ nhau ra bến Đá tắm đêm. Khi các cô xuống bến Đá tắm, Căn đã giấu hết quần áo của các cô, khiến các cô gái được phen hú vía…

Truyện “Tắm đêm”  tái hiện chân thực những hoạt động thân thuộc trong đời sống của những chàng trai ở phố về quê và những cô gái ở làng ven sông Đuống khi Hiếu- một thư sinh- rủ các bạn về quê chơi sau kì thi. Qua lăng kính của các chàng thư sinh, khung cảnh của làng quê ven sông hiện ra thật đẹp, thơ mộng: dòng sông, lũy tre, bãi dâu… khiến cho những tâm hồn trẻ càng thêm xao xuyến. Truyện càng trở lên hấp dẫn khi Căn rủ cả nhóm tham gia trò chơi khám phá nét sinh hoạt thường ngày của các cô gái ở nơi đây. Đó là việc các cô gái sông Đuống tắm đêm ở bến Đá. Đây là nơi sinh hoạt chung của cả xóm: tắm giặt, rửa ráy… Những đêm trăng sáng, các cô gái thưởng rủ nhau ra bến Đá tắm đêm. các cô thỏa sức vẫy vùng với làn nước mát, dưới ánh trăng như ngọc như ngà. Nhìn các cô chẳng khác nào tiên nữ. Vì thế, những chàng thư sinh kia mới mê mải, mải mê. Tuy nhiên, với bản tính chua ngoa nên khi phát hiện có người xem trộm các cô tắm, các cô ấy đã chế giễu, mỉa mai. Và bài học mà các cô gái ven sông Đuống nhận được cũng vô cùng sâu sắc.

Bên cạnh sự thành công về nội dung, truyện “Tắm đêm” còn thành công ở phương diện nghệ thuật. Cốt truyện của “Tắm đêm” vừa giản dị, vừa gần gũi với cuộc sống đời thường. Truyện được diễn biến theo trình tự thời gian và được kể theo lời kể của Văn, một nhân vật trong truyện. Bởi thế, câu chuyện càng trở lên dung dị, gần gũi với đời sống, dễ được tiếp nhận. Trong truyện, nhà văn cũng xây dựng được tình huống truyện rất đời thường. Qua đó, nhà văn đã hướng ngòi bút vào cuộc sống của những người dân nơi thôn quê với nhiều thú vị. Ngôn ngữ được nhà văn sử dụng trong truyện cũng giản dị, tự nhiên, giàu cảm xúc. Với giọng điệu trần thuật chậm rãi, nhẩn nha, có nhiều tình tiết bất ngờ (Căn giấu quần áo của các cô gái), truyện đã có sức hút vô cùng lớn đối với người đọc. Nhân vật trong truyện cũng được xây dựng với nhiều nét gần gũi (người trí thức: Căn, Văn, Hiếu… cũng tò mò, hiếu kỳ, các cô gái sông Đuống chua ngoa, đanh đá, thích biện luận…)

Truyện “Tắm đêm” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài trước Cách mạng tháng 8 năm 1945. Qua truyện, nhà văn không chỉ tái hiện chân thực cuộc sống của những chàng trai đất kinh kỳ mà còn giúp người đọc hiểu được về những sinh hoạt quen thuộc của các cô thôn nữ ven sông. Truyện cũng khẳng định tài năng của nhà văn trong việc dựng truyện, xây dựng nhân vật, quan sát, miêu tả chi tiết của nhà văn về phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống ở chốn quê…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *