Viết văn bản thuyết minh về tác phẩm Giao thừa Nguyễn Ngọc Tư

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

 Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Giao thừa

Nguyễn Ngọc Tư

Cái nắng xuân kỳ lạ, không gay gắt đỏ, không nhàn nhạt như nắng chiều hè mà vàng thắm thiết như mầu bông sao nhái. Bấc lồng lộng lẫy qua từng ngọn cỏ sau chợ, mang theo mù mịt cát. Mặt mũi đầu tóc Đậm lúc nào cũng nham nhám như hột me rang cát. Người ta quần là áo lượt kìn kìn chạy qua mà chợ dưa với hoa vẫn chưa sôi động. Năm nay dưa trúng mùa cả núi vầy ăn gì cho hết. Người ta nán đợi tới ngày rước ông bà, lúc đó coi dưa có rẻ hơn bây giờ không. Những người bán ngồi chéo queo, buồn teo. Bông vạn thọ, bông cúc trái nết nở bung từng khóm, lái bông than như bọng: ” Năm nay chắc thua rồi” .

Đậm bắt chước cánh lái dưa xóm Vàm Xáng, đi chợ mua xấp liễn dán dưa cho bắt mắt khách, tiện thể mua cho bé Lý bộ đồ. Mứt gừng, mứt dừa ở nhà má làm rồi để coi mua gì thêm. Má thì thích bánh ngọt. Con út thích cắn hột dưa, Đậm mua mỗi thứ vài trăm gam. Về khui ra thấy bộ đồ bé Lý hơi lớn, nhưng không sao, lớn thì mặc tới năm sau. Già Chín hỏi: ” Đồ ai mà bây ôm ấp vậy?” . Đậm bảo của con gái con. Hỏi thêm một chút về ba của đứa nhỏ, Đậm cúi mặt thưa: ” Không có” . Nghĩa là không có. Ông Chín không phăng tới nữa. Ông già rồi, lăn lộn trên đời, ông biết chắc có chi lầm lỡ. ” Con lầm lỡ tới mức phải bỏ nhà đi luôn đó, bác Chín à. Tới lúc ba con buồn rồi chết, má mới rước con về. Bây giờ, có cực khổ thế nào con cũng ráng chịu, miễn sao năm tháng cuối đời má con vui. Mà, chắc bù bi nhiêu cũng không đủ” . Sau này, Đậm mở lời. Giọng Đậm khao khai. Cô thấy mình giống như cỏ ven đường, người ta đi qua đạp, đi lại đạp vẫn ngoi lên sống, sống cỗi cằn.

Những mùa lam lũ. Những mùa cực nhọc. Một mình chống chọi. Đàn ông con trai coi được một chút mới lòng vòng ở ngoài đã nghe thiên hạ rần lên: ” Thứ gái hư đâm đầu vô làm gì” . Ai mà muốn, chỉ tại còn nhỏ, thấy gió yêu gió, thấy hoa yêu hoa, đam mê bồng bột. Nghĩ mình học chưa tới đâu nhưng là học những bài học bự nhất, đắt nhất. Đếm đi đếm lại chỉ còn Quí, khi biết được còn mỗi Quí thì Đậm đã sắp 30. Nhà Quí ở Lung Giữa, Quí gửi xe sân nhà cô. Làm một vài chuyện nhỏ như chở Đậm đi chợ không lấy tiền, tiếp Đậm cất cái nhà củi… thì cho là có qua có lại đi. Nhưng ánh mắt Quí ngày càng nồng nàn trói buộc, bắt Đậm phải day dứt giữa nỗi khát khao và tủi hổ. Quí trai tơ, chưa vợ, lại nhỏ hơn Đậm gần 4 tuổi. Nhưng Quí tốt quá, rất tốt. Má Quí già rồi, than với Đậm hoài, có một mối trong Nhà Phấn Ngọn, coi được lắm, vậy mà biểu thằng Quí cưới vợ mà nó hổng nghe, làm như nó còn chờ ai đâu.

Thời gian bị người ta chở kĩu kịt đi. Khiếp, mới đó đã 29 Tết. Bánh mứt, dưa hành, quần mới, áo mới như nước tràn lên phố. Đây là một thời điểm rộn rịp nhất, phơi phới nhất trong năm. Tết này không có 30, 29 rồi tới mùng một, như người ta bước hụt, thấy thiếu một ngàỵ Những khóm vàng hoa của ông Chín nở sớm từ 24, 25 đã ngả mầu vàng sậm. 4 giờ sáng, ông đi qua bên kia đường gánh nước về tưới, than: ” Thời tiết năm nay kỳ cục quá” ông vấn điếu thuốc, phà khói bảo: ” Con biết không, nghề bán bông tết cũng như bán lồng đèn Trung thu, qua rằm tháng 8 có cho người ta cũng không thèm lấy. Buôn bán kiểu vậy như con gái có thì, qua rồi, khó lắm…”

(Trích trong tập truyện “Giao Thừa”)

 

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Câu 1: Đề tài của tác phẩm trên là gì?

Câu 2: Đoạn trích trên sử dụng ngôi kể nào?

Câu 3: Xác định không gian, thời gian trong đoạn trích trên?

Câu 4: Xác định chủ đề chính và chủ đề phụ của đoạn trích?

Câu 5: Nhân vật Đậm được nhà văn miêu tả như thế nào?Qua đó phong cách nghệ thuật của tác giả được hiện lên thế nào?

Câu 6: Theo anh/chị đâu là chi tiết “thắt nút” của đoạn trích trên?Nêu ý nghĩa của chi tiết ấy.

Câu 7: Từ đoạn trích trên, anh/chị rút ra được những thông điệp gì?

Câu 8: So sánh tác phẩm cùng đề tài với đoạn trích trên

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Đề tài của tác phẩm trên là gì?

-Đề tài:người lao động nghèo.

 

Câu 2: Đoạn trích trên sử dụng ngôi kể nào?

-Đoạn trích trên sử dụng ngôi kể thứ ba.

 

Câu 3: Xác định không gian, thời gian trong đoạn trích trên?

-Không gian:không khí của những ngày cuối năm, cái nhộn nhịp của dịp Tết đến xuân về.

-Thời gian: tuyến tính một đi không trở lại.

 

Câu 4:Xác định chủ đề chính và chủ đề phụ của đoạn trích?

-Chủ đề chính:khắc hoạ về con người với một nỗi khổ là sự bế tắc giữa cuộc đời nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp chân chất của người Việt Nam nói chung và người Nam Bộ nói riêng.

-Chủ đề phụ: xoay quanh khung cảnh từ năm cũ bước sang năm mới, khoảnh khắc giao thừa và sự khát khao có một mái ấm đoàn viên của con người.

 

Câu 5: Nhân vật Đậm được nhà văn miêu tả như thế nào?Qua đó phong cách nghệ thuật của tác giả được hiện lên thế nào?

-Nhân vật Đậm được nhà văn miêu tả:

+Một cô gái bán dưa đã từng lầm lỡ, một mình chống chọi, nuốt đắng ngậm cay trong cái nhìn ghẻ lạnh của nhân gian.

+Mặc cảm của cô và định kiến người đời đẩy cô gái duyên ngầm vào nghịch cảnh:khát khao và tủi hổ.

+Cái khổ của Đậm không chỉ là sự nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh lam lũ, xót xa hơn vẫn là ám ảnh về một thời đã qua, ranh giới giữa chấp nhận và vươn lên.

 

-Phong cách nghệ thuật:

+Lối viết truyện ngắn gần gũi, bình dị nhưng không kém phần tinh tế và sâu sắc

+Có sự chi phối giữa hai quan niệm: văn chương và con người.

+Thường sử dụng phương ngữ miền Nam, ngôn ngữ gần với khẩu ngữ và những hình ảnh mang sắc thái biểu cảm làm tăng sự phong phú, cuốn hút cho tác phẩm.

+Giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi.

+Ngòi bút mang tính hiện thực sâu sắc khi khắc hoạ chân thực tâm tư, tình cảm của tầng lớp lao động nghèo với phong cách nghệ thuật chuẩn mực, sự cô đọng của nhà văn Nam Bộ.

 

Câu 6: Theo anh/chị đâu là chi tiết thắt nút của đoạn trích trên?Nêu ý nghĩa của chi tiết ấy.

-Chi tiết thắt nút của đoạn trích trên là:sự tủi hổ của Đậm khi Già Chín hỏi đến cha bé Lý, cô thấy mình chỉ như ngọn cỏ ven đường để người qua đạp đi đạp lại nhưng vẫn sống cỗi cằn.

 

-Ý nghĩa của chi tiết ấy:

+ Khắc hoạ một cách rõ nét những cảnh đời chung khốn khó, chỉ vì những phút lỡ lầm mà cái tiếng đeo đẳng cả đời.

+Tăng thêm chiều sâu cho tác phẩm khi có đoạn cao trào đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm để người đọc như đồng cảm, thấu hiểu cho nhân vật ấy.

+Giúp mở ra mạch chính của câu chuyện, những sự kiện sau đó đều xoay quanh chi tiết ấy và cuối tác phẩm nút thắt có thể sẽ được tháo gỡ một cách tinh tế của nhà văn.

+Thể hiện sự xót xa, tình cảm của tác giả đối với những con người trong xã hội ấy.

 

Câu 7: Từ đoạn trích trên, anh/chị rút ra được những thông điệp gì?

-HS cần rút ra các thông điệp tích cực, tham khảo các thông điệp sau:

+Đồng cảm, sẻ chia với những kiếp người lỡ lầm, tủi cực.

+Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương.

+Sự ấm áp, tình cảm giữa người với người có thể cứu rỗi những số phận bất hạnh.

+Trân trọng vẻ đẹp phẩm chất của con người.

+Trân trọng những giá trị văn hoá truyên thống.

 

Câu 8:So sánh với một tác phẩm cùng đề tài với đoạn trích trên?

-Tác phẩm cùng đề tài:Hai đứa trẻ của -Thạch Lam.

-So sánh “Giao Thừa” và “Hai đứa trẻ”( Hai bài thơ đều nói về cuộc sống tăm tối, bất hạnh của những con người nghèo khổ những đâu đó vẫn sáng lên phẩm chất cao đẹp của con người lao động )

+Giống nhau:

  • Đều thể hiện sự xót xa, thương cảm của nhà văn đối với người lao động nghèo khổ
  • Tầng lớp dân nghèo luôn khao khát một cuộc đời mới, tương lai mới và thoát khỏi cảnh tối tăm, uất của cuộc sống ấy.
  • Ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư và Thạch Lam đều thấy được sự giản dị nhưng không kém phần biểu cảm và tinh tế.

+Khác nhau:

  • Ở “Giao thừa” cho ta thấy số phận con người bất hạnh bị cái xã hội ấy chà đạp, không tôn trọng nhưng trong “ Hai đứa trẻ” cái bất hạnh của con người lại xuất phát từ chính cuộc sống tù túng, ảm đạm ấy ngày ngày trong bóng tối của cảnh tàn và kiếp người tàn.
  • Nếu trong truyện ngắn “Giao thừa” có nút thắt giữa truyện để tạo nên sự cao trào, kịch tính thì Thạch Lam đã chọn cách thu hút độc giả bằng lối kể chuyện tâm tình, thủ thỉ tâm sự về những cảnh đời sống tù túng.

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

-Giới thiệu khái quát về tác giả:

+Nguyễn Ngọc Tư- hiện tượng văn học đặc biệt ở Nam Bộ.Hiếm có nhà một nhà văn nào trong thời điểm này có sức sáng tác mạnh mẽ và văn phong vô cùng đặc trưng như cô.Một nhà văn của mộc mạc và bình dị thôn quê.

+Nguyễn Ngọc Tư là viên ngọc quý của nền văn học đương đại Việt Nam, là ngọn đèn soi sáng cho nền văn học Việt Nam nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng.Cô có sức ảnh hưởng rất lớn đối với giới nghệ thuật bấy giờ bằng chính năng lực, sự nhiệt huyết và tình yêu to lớn với văn chương.

-Giới thiệu khái quát về tác phẩm:

+Xuất xứ: trích trong tập truyện ngắn “Giao thừa”, là một trong 17 chương truyện.

+Nội dung chính:tác phẩm xoay quanh mảnh đời bất hạnh của một kiếp người lầm lỡ mang theo cái tiếng đeo đẳng cả đời, phải sống dưới sự chà đạp của những con người trong xã hội ấy.

  1. Thân bài:

* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả:

-Quê quán:xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau

+Tư từ Bạc Liêu về Cà Mau, tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn của chị gắn liền mảnh đất, luống cần, mồng tơi,cô phải nghỉ học vì điều kiện gia đình khó khăn.

-Gia đình:Sinh ra trong một gia đình tầng lớp nông dân chân chất, lam lũ, sống bằng nghề trồng trọt, nhà cửa đơn sơ.

-Con người:

+Tình yêu to lớn và niềm đam mê mãnh liệt với văn chương, chính những ngày “vào đời sớm” mà Nguyễn Ngọc Tư đã tìm đến văn chương như một sự giải tỏa.

+Con người văn chương và con người đời thường của Tư chẳng có sự khác biệt là mấy. Cô từng bộc bạch rất muốn được tiếp cận với nhiều trường phái, xu hướng mới nhưng ở quê chị sách vở quá ít ỏi, nên sự bồi đắp cho nghề văn của cô thường là “tự nó đến”, tuổi đời càng lớn thì vốn tích lũy càng nhiều.

+Tư  rất kiệm lời, luôn “xấu hổ” khi thổ lộ với mọi người về việc viết lách của mình và thường “từ chối” lời đề nghị viếng thăm nhà của nhiều người.

-Sự nghiệp văn chương của tác giả:

+Những truyện ngắn đầu tay về chiến dịch hữu nghị của Tư được cha gửi cho Văn nghệ bán đảo Cà Màu và xuất bản.

+Cả ba truyện được coi là phép thử đều được tung ra,từ đó Tư ngày nào cũng ở bờ ao, ra làm việc, tối lại say sưa viết.

+Làm thư ký và tập sự tại cơ quan, Ngọc Tư bắt đầu viết truyện ngắn, phóng sự.Đến với văn chương một cách âm thầm và giành giải nhất cuộc thi văn học 20 năm của NXB trẻ, cô trở thành tâm điểm hy vọng của văn học trẻ đương đại.

+Tiếp tục những bước nhảy vọt ngoạn mục với những tác phẩm được đánh giá cao, tiêu biểu là “Cánh đồng bất tận” được nhiều giải thưởng và chuyển thể thành kịch, phim.

* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm:

-Hoàn cảnh sáng tác:

+Truyện ngắn “Giao thừa” nằm trong tập truyện cùng tên được xuất bản năm 2003 và tái bản năm 2012.

+Đến năm 2003, Nguyễn Ngọc Tư là một trong Mười nhà văn trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2002.

+Đây là thời kỳ văn học sau văn học hiện đại và tiếp nối nó.Những tác phẩm trong thời kỳ này thường được viết trong bối cảnh hiện đại và phản ánh cách thức sống, tư tưởng và văn hoá của thời đại đó. Văn học đương đại mang trong mình những đặc trưng mới, sáng tạo và thường có sự đa dạng trong ngôn ngữ, kỹ thuật và nội dung.

-Thể loại:truyện ngắn

+ Sắc diện mới của truyện ngắn đương đại được thể hiện trước tiên ở sự thay đổi dung lượng của thể loại: mở rộng kích thước làm cho ranh giới giữa truyện ngắn và truyện vừa trở nên “mỏng manh” hoặc thu gọn số chữ khiến cho truyện ngắn trở nên rất ngắn (hướng tới độ ngắn của kiểu truyện cực ngắn).

+ Trong không khí đổi mới văn học từ sau 1986, truyện ngắn chính là thể loại thổi những làn gió mới lạ sớm nhất và mạnh mẽ nhất; cho đến nay dẫu khi trầm lắng khi biến hình đổi dạng thì hành trình phát triển của nó vẫn vô cùng hấp dẫn và bí ấn khiền người ta phải không ngừng ngạc nhiên, suy ngẫm.

* Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm:

-Giá trị tư tưởng:

+Lên án, tố cáo xã hội ấy đã chà đạp lên những con người thiện lương chỉ vì lỡ lầm trong cuộc đời.

+Đem ngòi bút của mình giãi bày cho những kẻ khốn khổ,những con người bất hạnh.

+ Bộc lộ cái nhìn của mình về hiện thực cuộc sống với lối viết không đanh, không sắc nhưng  sâu, đọng, day dứt.

+Thể hiện sự cảm thông sâu sắc với số phận người lao động nghèo, đồng thời phản ánh bộ mặt ghẻ lạnh của một số con người trong xã hội ấy.

+Gửi gắm những triết lí nhân sinh sâu sắc, những con người tuy rất đỗi khác nhau nhưng vẫn có một điểm chung là  yêu thương dai dẳng dù âm thầm, lặng lẽ mặc cho biến cố đi qua đời họ và để lại vết thương lòng không bao giờ ngưng rỉ máu.

-Giá trị nghệ thuật:

+Cốt truyện đơn giản, bình dị nhưng vẫn làm rõ tính liên kết giữa các sự kiện, nhân vật và đẩy câu chuyện lên cao trào đem đến chiều sâu cho tác phẩm.

+Ngôn ngữ  đậm chất miền Tây, giản dị mộc mạc không cầu kì trau chuốt mỹ lệ, tạo sự gần gũi cho người đọc cảm thấy như phong vị quê nhà.

+Giọng văn đôi chút buồn,thể hiện những suy nghĩ trăn trở về từng mảnh đời, con người.

+Tác giả đặc biệt chú ý phân tích nội tâm, khắc hoạ tính cách nhân vật để gợi sự chân thực,cảm xúc cho tác phẩm.

+Hình ảnh nhân vật trong thế giới nghệ thuật truyện Nguyễn Ngọc Tư  chính là sự khúc xạ hình ảnh con người Nam Bộ nghĩa hiệp, chân chất, giàu lòng nhân ái.

  1. Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.

-Đóng góp đời sống văn hoá của đất nước và thế giới:

+Mang đến cho văn học thời kì đổi mới hơi thở nồng nàn chất quê Nam Bộ.

+Câu chuyện viết 20 trước vẫn vẹn nguyên giá trị, đọng lại trong người đọc.

+Mở rộng cánh cửa hội nhập và phát triển khi tác phẩm của Tư được tái bản nhiều lần và dịch sang nhiều thứ tiếng.

+Giao lưu văn hoá, từng bước quảng bá văn hoá Việt Nam nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung.

Bài viết tham khảo:

Học sinh: Nguyễn Minh Anh

Lớp 11d2 – THPT Tây Hồ

Xantưkhôp Sêđrin đã từng nói: “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Vậy điều gì đã khiến các tác phẩm nghệ thuật bất tử? Ở tài năng hay ở tấm lòng của người cầm bút? Phải chăng, văn chương muôn đời là nơi mà người nghệ sĩ đã mang hiện thực vào trang viết của mình bằng tất cả tấm chân tình, những rung động, những xúc cảm tạo nên từ chiều sâu con tim.Cái hiện thực phũ phàng xoay quanh mảnh đời bất hạnh của một kiếp người lầm lỡ mang theo cái tiếng đeo đẳng cả đời, phải sống dưới sự chà đạp của những con người trong xã hội ấy qua tay của Nguyễn Ngọc Tư, đã buồn cái buồn của nhân vật để tạo nên sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại.Được biết đến với cái tên “viên ngọc quý của nền văn học đương đại Việt Nam”, cái mộc mạc bình dị thôn quê xuất hiện trong mọi tác phẩm và “Giao Thừa” cũng không ngoại lệ.Tác phẩm trích trong tập truyện ngắn cùng tên và một trong 17 chương của tập truyện.Nguyễn Ngọc Tư trong thời điểm ấy có văn phong vô cùng đặc trưng với sự nhiệt huyết tràn đầy, được coi là ngọn đèn soi sáng cho nền văn học Việt Nam nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng.

Nếu như Ngô Tất Tố chuyên viết truyện làng quê Bắc Bộ, Vũ Bằng viết về phố phường, văn hóa Hà Nội, thì Nguyễn Ngọc Tư lại ghi dấu ấn của mình ở miệt vườn Nam Bộ.Sở dĩ sở hưu cho mình một giọng văn đậm chất miền Tây sông nước là bởi con người ấy sinh ra và lớn lên tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn của chị gắn liền mảnh đất, luống cần, mồng tơi, chị phải nghỉ học vì điều kiện gia đình khó khăn.Ở một Hậu Giang gắn bó với đất Cà Mau ,không gian của một mũi phù sa nôn nả lấn tràn ra biển Thái Bình, tận cùng phương Nam đất nước, lúc nào cũng lồng lộng gió ấy quả thật mênh mông, vừa buồn bã vừa gợi lên những cảm giác e dè.Tư sinh ra trong một gia đình tầng lớp nông dân chân chất, lam lũ, sống bằng nghề trồng trọt, nhà cửa đơn sơ. Chị lập gia đình.Chồng chị là một chàng trai kiệm lời, hiền lành và chưa bao giờ đọc tác phâm của vợ viêt, nhưng anh chính là chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống gia đình nhỏ ấy và là niềm hạnh phúc của Tư. Bởi không bận tâm về chuyện có hay không sự chia sẻ của chồng trong công việc, Ngọc Tư cho rằng: “Nếu không phải là một người am hiểu thật sự về văn chương thì một người chồng chỉ cần biết vợ, thương con như vậy đã là niềm mơ ước”. Hằng ngày, Tư đều đặn lo toan công việc nội trợ của một người phụ nữ và tự sắp xếp thời gian cho “riêng mình sáng tác”.Có lẽ chính những ngày “vào đời sớm” mà Nguyễn Ngọc Tư đã tìm đến văn chương như một sự giải tỏa nhưng cô vẫn có tình yêu to lớn và niềm đam mê mãnh liệt với nó. Phải chăng vì điều ấy mà Ngọc Tư rất kiệm lời, luôn “xấu hổ” khi thổ lộ với mọi người về việc viết lách của mình và thường “từ chối” lời đề nghị viếng thăm nhà của nhiều người.Con người văn chương và con người đời thường của Tư chẳng có sự khác biệt là mấy. Chị từng bộc bạch rất muốn được tiếp cận với nhiều trường phái, xu hướng mới nhưng ở quê cô sách vở quá ít ỏi, nên sự bồi đắp cho nghề văn của cô thường là “tự nó đến”, tuổi đời càng lớn thì vốn tích lũy càng nhiều.Ít ai biết trước khi trở thành một hiện tượng văn học đặc biệt của Nam Bộ Tư cũng đã trải qua những khó khăn và quyết định thử sức với văn chương.Sau khi tốt nghiệp đại học và phổ thông, cô ấy muốn xin việc tại một hãng thông tấn ở Cà Mau, một môi trường thuận lợi để cô ấy có thể làm việc như một nhà văn yêu thích.Những truyện ngắn đầu tay về chiến dịch hữu nghị của Tư được cha gửi cho Văn nghệ bán đảo Cà Mau và xuất bản. Mẫu được coi là phép thử đầu tiên với một cô gái thích cầm bút. Không ngờ, cả ba truyện đều được tung ra. Biên tập viên đã bình luận và nhấn vào bài đăng của tác giả, khuyên cô ấy: “Hãy viết nhiều hơn nữa con.” Đó chính là động lực để người con của Nam Bộ ấy dấn thân vào sự nghiệp văn chương ,từ đó Tư ngày nào cũng ở bờ ao, ra làm việc, tối lại say sưa viết.Niềm hạnh phúc đầu tiên của cô sinh viên tiết kiệm, thích viết và muốn theo nghiệp văn chương ở U Minh như ánh bình minh ấm áp và rạng rỡ soi sáng cho bộ rễ non khỏe và tham lam của rừng ngập mặn. Làm thư ký và tập sự tại cơ quan, Ngọc Tư bắt đầu viết truyện ngắn, phóng sự.Đến với văn chương một cách âm thầm và giành giải nhất cuộc thi văn học 20 năm của NXB trẻ, cô trở thành tâm điểm hy vọng của văn học trẻ đương đại.Tiếp tục những bước nhảy vọt ngoạn mục với những tác phẩm được đánh giá cao, tiêu biểu là “Cánh đồng bất tận” được nhiều giải thưởng và chuyển thể thành kịch, phim.

Nhà phê bình người Nga Belinxky viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”.Quả thực, khi ta đọc những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư khổ đau trong cuộc đời đã thấu hiểu sâu sắc “mọi nỗi đau đớn của con người thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những lo âu, bực bội, tủi hổ,… của loài người”(Đặng Thai Mai). Chỉ những gì xuất phát từ trái tim mới đi đến những trái tim. Với ý nghĩa ấy, tác phẩm văn học đã bắc nhịp cầu linh diệu nối liền trái tim nghệ sĩ với tâm hồn độc giả để trong đời này có nhiều yêu thương, sẻ chia hơn. Dường như cô Tư sinh ra để đem ngòi bút của mình giãi bày cho những kẻ khốn khổ, những con người bất hạnh, khiến  độc giả không khỏi chạnh lòng. Cũng như “giao thừa” là thời điểm đứng giữa cái cũ và cái mới,  trong truyện ngắn này là một bức tranh còn dang dở vẽ nên  phận người “mắc kẹt” giữa dòng đời, tới không được mà lui cũng không xong. Những sợi dây tình dây duyên bị cắt đứt rồi không cách nào nối lại được, khiến người ta cứ mãi loay hoay mà lỡ dở một đời. Truyện ngắn “Giao thừa” dù chưa phải tác phẩm xuất sắc nhất nhưng đâu đó vẫn đọng lại trong độc giả chút dư vị, dư ba của cuộc sống. “Giao thừa”được viết theo thể loại truyện ngắn,  nằm trong tập truyện cùng tên được xuất bản năm 2003 và tái bản năm 2012.Đến năm 2003, Nguyễn Ngọc Tư là một trong Mười nhà văn trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2002.Đây là thời kỳ văn học sau văn học hiện đại và tiếp nối nó.Những tác phẩm trong thời kỳ này thường được viết trong bối cảnh hiện đại và phản ánh cách thức sống, tư tưởng và văn hoá của thời đại đó. Văn học đương đại mang trong mình những đặc trưng mới, sáng tạo và thường có sự đa dạng trong ngôn ngữ, kỹ thuật và nội dung. Có thể kể bắt đầu từ Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” đã tạo bước chuyển mới cho truyện ngắn nói riêng, văn học Việt Nam nói chung –  một trào lưu văn học mang đậm tính nhân văn. Những nhân vật vốn trước đó còn khoác áo sử thi đã dần cởi lớp huyền thoại để đến với cuộc sống đời thường với đầy đủ “rồng phượng lẫn rắn rết(Nguyễn Minh Châu – Bức tranh). Đến những năm đầu 90 của thế kỷ XX, hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp khai thác hướng nhìn con người trần tục hơn, thực tế hơn mang dấu ấn của nền văn học hậu hiện đại trong xu thế chung của văn học thế giới thời kỳ hội nhập.Sắc diện mới của truyện ngắn đương đại được thể hiện trước tiên ở sự thay đổi dung lượng của thể loại: mở rộng kích thước làm cho ranh giới giữa truyện ngắn và truyện vừa trở nên “mỏng manh” hoặc thu gọn số chữ khiến cho truyện ngắn trở nên rất ngắn (hướng tới độ ngắn của kiểu truyện cực ngắn).Trong không khí đổi mới văn học từ sau 1986, truyện ngắn chính là thể loại thổi những làn gió mới lạ sớm nhất và mạnh mẽ nhất; cho đến nay dẫu khi trầm lắng khi biến hình đổi dạng thì hành trình phát triển của nó vẫn vô cùng hấp dẫn và bí ấn khiền người ta phải không ngừng ngạc nhiên, suy ngẫm.

Theo Nguyễn Khải: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật.” .Là một nhà văn đã lăn lộn nhiều với nghề viết, đã từng nếm trải và chịu đựng những quy luật nghiệt ngã của văn chương, hơn ai hết Nguyễn Khải ý thức sâu sắc những yêu cầu khê khắt của nghệ thuật.Có thể Ngọc Tư vào đời khá sớm nhưng cái tài của cô đó là viết ra những tâm sự chất chứa của mọi người, dường như đọc truyện của cô thấy mình ở trong đó, cô đơn và mong manh đến tội nghiệp.Trong “Giao Thừa”, Tư đã lên án, tố cáo xã hội đã chà đạp lên những con người thiện lương chỉ vì lỡ lầm trong cuộc đời.Bộc lộ cái nhìn của mình về hiện thực cuộc sống với lối viết không đanh,  không sắc nhưng  sâu, đọng, day dứt.Thể hiện sự cảm thông sâu sắc với số phận người lao động nghèo, đồng thời phản ánh bộ mặt ghẻ lạnh của một số con người trong xã hội ấy.Đồng thời, gửi gắm những triết lí nhân sinh sâu sắc, những con người tuy rất đỗi khác nhau nhưng vẫn có một điểm chung là  yêu thương dai dẳng dù âm thầm, lặng lẽ mặc cho biến cố đi qua đời họ và để lại vết thương lòng không bao giờ ngưng rỉ máu. Văn học nghệ thuật là tinh hoa của văn hóa thẩm mỹ, một lĩnh vực phong phú và nhạy cảm trong văn hóa.Những giá trị nghệ thuật chân chính sẽ trường tồn lâu dài theo thời gian.Nguyễn Ngọc Tư đã dùng ngòi bút của mình chấm vào nghiên mực nghệ thuật để neo đậu trong trái tim người thưởng thức.Truyện ngắn “Giao thừa” đã sử dụng cốt truyện đơn giản, bình dị nhưng vẫn làm rõ tính liên kết giữa các sự kiện, nhân vật và đẩy câu chuyện lên cao trào đem đến chiều sâu cho tác phẩm.Với ngôn ngữ  đậm chất miền Tây, giản dị mộc mạc không cầu kì trau chuốt mỹ lệ, tạo sự gần gũi cho người đọc cảm thấy như phong vị quê nhà.Giọng văn đôi chút buồn,thể hiện những suy nghĩ trăn trở về từng mảnh đời, con người.Tác giả đặc biệt chú ý phân tích nội tâm, khắc hoạ tính cách nhân vật để gợi sự chân thực,cảm xúc cho tác phẩm.Hình ảnh nhân vật trong thế giới nghệ thuật truyện Nguyễn Ngọc Tư  chính là sự khúc xạ hình ảnh con người Nam Bộ nghĩa hiệp, chân chất, giàu lòng nhân ái.

Nhà văn Aimatov đã từng nhận định rằng: “Một tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng”. Bởi lẽ, khi những trang viết đóng lại, tác phẩm mới thực sự sống, sống với những trăn trở và tình cảm của người đọc. Truyện ngắn “Giao thừa” là một câu chuyện viết 20 năm trước vẫn vẹn nguyên giá trị, đọng lại trong người đọc cũng như mang đến cho văn học thời kì đổi mới hơi thở nồng nàn chất quê Nam Bộ. Mở rộng cánh cửa hội nhập và phát triển khi tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư được tái bản nhiều lần và dịch sang nhiều thứ tiếng; tạo nên sự giao lưu văn hoá, từng bước quảng bá văn hoá Việt Nam nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *