VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
BIỂN (Xuân Diệu)
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…
Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng…
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết
Để những khi bọt tung trắng xoá
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!
4-4-1962
(Trích Xuân Diệu tác phẩm chọn lọc – NXB Giáo dục Việt Nam tr91-92)
Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ gì?
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ?
Câu 3: Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ trên?
Câu 4: Nêu chủ đề của bài thơ
Câu 5: Câu thơ Anh không xứng là biển xanh lặp lại hai lần có tác dụng gì?
Câu 6: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng:
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Câu 7: Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ trên là gì?
Câu 8: Từ đoạn trích trên, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về tình yêu của con người.
- LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên
Hướng dẫn đáp án chi tiết
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Thể thơ tự do | 0,75 | |
2 | Biểu cảm | 0,75 | |
3 | Nhân vật trữ tình: anh/tác giả | 0,75 | |
4 | Khát vọng tình yêu mãnh liệt, nồng nàn, mới mẻ | 0,75 | |
5 | Thể hiện sự khát khao được hạnh phúc, tình cảm vĩ đại mà chàng trai dành cho cô gái, biết khiêm nhường hạ thấp bản thân để từ đó nâng cao giá trị người con gái của mình. | 0,75 | |
6 | Biện pháp nghệ thuật được sử dụng: phép điệp. Tác dụng thể hiện tình yêu đắm say và khao khát chiếm lĩnh tình yêu. | 0,75 | |
7 | Thông điệp: Hãy yêu chân thành, đằm thắm, say mê và mãnh liệt như chàng trai đa tình trong bài thơ. | 1,0
|
|
8 | Học sinh nêu cảm nghĩ của mình về khát vọng tình yêu của con người | 0,5 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề |
0,5 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Giới thiệu bài thơ Biển- Xuân Diệu |
0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới: |
2.0 | ||
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
2. Thân bài: * Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả – Xuân Diệu (1916- 1985) tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu, quê: Can Lộc – Hà Tĩnh nhưng sống với mẹ ở Quy Nhơn. – Xuân Diệu đã lớn lên trong một gia đình trí thức với cha là nguyên giáo sư Hán học nổi tiếng Ngô Xuân Thọ – Được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”. Ông là một cây đại thụ của thơ về lĩnh vực thơ ca… * Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm – HCST: Biển là một bài thơ tình đặc sắc của xuân diệu sau cách mạng tháng 8, được sáng tác trên bãi biển Sầm Sơn. Nhưng như chính nhà văn tâm sự nguồn thi hứng của ông được gửi lên từ biển Quy Nhơn cát vàng – Thể thơ: Tự do * Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm – Giá trị tư tưởng: Thể hiện tình yêu đắm say và khao khát chiếm lĩnh tình yêu. – Hình thức nghệ thuật điêu luyện: Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc và mạch lí luận, giọng điệu say mê, sôi nổi, những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ 3. Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới. |
|||
* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật | 0,5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0,25 | ||
Tổng điểm | 10.0 | 10 |
Bài viết tham khảo:
Xuân Diệu, tên gọi đã trở thành một biểu tượng trong văn học Việt Nam, nổi tiếng với những tác phẩm văn chương đầy tinh tế và tình cảm. Sinh ra vào ngày 2 tháng 2 năm 1916 tại tỉnh Bình Định, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn hóa Việt Nam.Xuân Diệu đã lớn lên trong một gia đình trí thức với cha là nguyên giáo sư Hán học nổi tiếng Ngô Xuân Thọ. Từ nhỏ, ông đã được đào tạo và hướng dẫn một cách bài bản, quy củ, học chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Sau đó, ông tiếp tục học tập tại nhiều trường danh tiếng trên khắp Việt Nam như trường Bưởi ở Hà Nội và trường Khải Định ở Huế. Được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”. Ông là một cây đại thụ của thơ về lĩnh vực thơ ca. Một trong những bài thơ gây được dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả và khẳng định vị thế của “Ông hoàng thơ tình” là thi phẩm Biển của ông.
Biển là một bài thơ tình đặc sắc của xuân diệu sau cách mạng tháng 8, Được sáng tác trên bãi biển Sầm Sơn. Nhưng như chính nhà văn tâm sự nguồn thi hứng của ông được gửi lên từ biển Quy Nhơn cát vàng. Với thể thơ tự do, ông đã thể hiện được tình yêu đắm say và khao khát chiếm lĩnh tình yêu của mình:
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…
Khi yêu con người ta khao khát chiếm lĩnh. Những dòng đầu tiên mở ra với âm điệu nhẹ nhàng, du dương, gợi lên hình ảnh bờ cát, biển xanh những chiều hè lặng gió, làm liên tưởng đến bóng hình nhà thơ và người tình của mình. Cái vô lý lại trở thành có lý: Anh không xứng là biển xanh, nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng. Tình yêu bao giờ cũng có lý riêng của nó và nhà thơ đã tự đặt ra cái lí riêng cho mình để níu giữ người con gái ấy.
Khi yêu người ta luôn ước mơ về một người tình lý tưởng và cũng là khát vọng được chiếm lĩnh trái tim của người mình yêu. Từ đó ta có thể nhận ra được các trạng thái tình cảm giống như sóng, luôn mong được vỗ vào bờ. Dưới vần thơ của ông hoàng thơ tình ta lại thấy được những cái vỗ ấy cũng như những nụ hôn nồng cháy. Nó không sỗ sàng, ngược lại còn nâng niu dè dặt:
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm, mãi mãi…
Nhắc đến Xuân Diệu là người ta nói đến “Ông hoàng thơ tình”. Tình yêu trong thơ ông không bao giờ nửa vời, nhợt nhạt. Kể cả khi biết rằng: “Yêu là chết ở trong lòng một ít” thì thi sĩ vẫn muốn đi hết tột cùng cảm xúc, muốn dâng hiến hết mình, cháy hết mình cho tình yêu. Những nốt nhạc tâm hồn của Xuân Diệu đã khơi dậy trong tâm hồn con người, nhất là những đôi lứa đang yêu khát khao tình yêu, khát khao cuộc sống, muốn được bay bổng, lâng lâng trong trạng thái của sóng và bờ, dẫu nó thật vô hình.
Những câu thơ như có men say khiến người đọc ngây ngất, dù chưa một lần nếm trải vị mặn mòi của muối biển tình yêu. Những điệp từ hôn, thật, mãi, cùng với các động từ mạnh: tan, nghiến, dào dạt, ào ạt… đã thức tỉnh, lôi cuốn người đọc vào trạng thái cảm xúc của tác giả, cùng hòa vào những đợt triều dâng của tâm hồn thi sĩ
Những câu thơ cuối cùng, tác giả lặp lại cách ví von mở đầu: “Anh không xứng là biển xanh”. Nhưng một bất ngờ mới trong cách nói của nhà thơ khác hẳn với ban đầu: “Nhưng cũng xin làm bể biếc!” Đó là một sự khẳng định tình yêu không giới hạn, không bao giờ vơi cạn của nhà thơ với cuộc đời. Lần này, tác giả không nhắc đến nhân vật trữ tình em nữa. Hình như với nhà thơ, được tan hết mình, được dào dạt, được hát mãi bên ghềnh, được hôn mãi ngàn năm không thỏa, tức là được sống và được yêu giữa cuộc đời này đã là quá đủ hạnh phúc nên dù em có là bờ cát trắng hay không thì anh vẫn mãi như con sóng vỗ bờ, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, không biết đến bạc đầu.Cũng như nhiều bài thơ tình khác, kết thúc bài thơ là một tiếng gọi, hô ngữ từ được cất lên từ trái tim trĩu nặng tình yêu và chất chứa niềm vui sống của nhà thơ: Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!
Bài thơ là thành công rất lớn của Xuân Diệu thể hiện được đúng con người và tính cách của ông. “Biển” được khép lại nhưng hồn thơ lại mở ra những khát vọng mãnh liệt, muốn vươn tới cái tận cùng của tình yêu tuổi trẻ, tình yêu đôi lứa. Với Biển – Xuân Diệu ta cảm nhận được những chất rất riêng của cuộc sống này. Đó cũng vẫn là tình yêu nhưng dưới góc nhìn của nhà thơ nó lại thêm sâu sắc hơn. Chính những vần thơ đó đã giúp con người ta hiểu thêm về tình yêu.
Điểm đặc sắc làm nên thành công đặc biệt của Biển còn là những đặc sắc về nghệ thuật. Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc và mạch lí luận, hình ảnh bờ cát vàng vốn vô tri trở thành đối tương để tâm tình. Sau mong ước là một nỗi ngân nga về hình ảnh mong ước ấy trong lòng nhà thơ về người tình của mình. Những hình ảnh như: cát vàng, hàng thông, sắc trời, sắc nước, lòng người,… tất cả như hòa quyện thành một bức tranh thiên nhiên trong suốt, đẹp đẽ có linh hồn. Nó đầy đặn niềm yêu, tràn bờ xúc cảm và vang âm sự trân trọng thiêng liêng. Xuân Diệu sử dụng ngôn ngữ tươi đẹp và hình ảnh tượng trưng để tạo nên sức hút cho bài thơ. Với những từ ngữ như “biển xanh”, “cát vàng”, “gió mát”, tác giả tạo ra một hình ảnh đẹp và lãng mạn về biển, tạo cảm giác yên bình và thư thái. Ngoài ra tác giả còn sáng tạo nhữnh hình tượng vô cùng mới mẻ “Biển xanh – cát vàng” tượng trưng cho tình yêu trong sáng và tinh khiết, trong khi “Biển xanh – nỗi nhớ” thể hiện sự đau đớn và nhớ nhung của người yêu xa nhau. Điểm đặc sắc làm nên thành công đặc biệt ở Biển còn là sự chuyển đổi nhịp thơ và cách gieo vần trong toàn bài thơ, sức mê hoặc của bài thơ chính là ở nhạc điệu của nó khiến nó là “biển” thực sự trong cảm nhận người đọc dù chỉ là những con sóng ngữ ngôn. Mạch chảy của dòng thơ không chịu bó mình đứng yên ở một khuôn dạng thơ nào, những câu thơ vừa nằm trong thế ổn định, lại vừa như muốn cựa quậy không yên.
Xuân Diệu đã đi xa cách đây 30 năm nhưng những câu thơ của ông như sóng biển ngàn năm vẫn vỗ, vẫn dội vào tâm hồn ta, lay thức trái tim những người đang sống một tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, giúp ta hiểu hơn giá trị của tình yêu, giá trị của cuộc sống. Như biển xanh, chắc nơi thế giới xa xôi, linh hồn ông vẫn “bay tỏa nơi nơi” để thấm sâu hơn những mặn mòi của biển cả và lắng nghe tiếng gió vi vu, tiếng sóng dạt dào của thiên nhiên.