TRUYỆN – VĂN 11 CÁNH DIỀU
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
(Lược đoạn đầu: Điền là anh giáo khổ trường tư, nhưng nay đã thất nghiệp. Ông hiệu trưởng nợ mất nửa tháng lương, không có tiền trả Điền, bảo Điền mang bộ ghế mây của ông về dùng. Có những ngày Điền mang bốn chiếc ghế mây ra sân ngồi ngắm trăng. Điền yêu trăng, cho rằng trăng và cái gì đó rất cao đẹp và thơ mộng. Điền không ân hận vì bố mẹ đã mất nhiều tiền của cho anh ăn học giờ anh chẳng làm được gì, anh luôn tin rằng nhờ nó mà anh đọc nổi văn thơ và nhờ văn thơ mà anh hiểu được cái đẹp của gió của trăng. Thế nhưng, với vợ Điền trăng chỉ là … đỡ tốn 2 xu dầu mỗi tối. Điền phàn nàn cho những tâm hồn cằn cỗi như tâm hồn của vợ. Và ngay lúc này lúc ngồi ngắm trăng để tạm quên đi những lo toan thường ngày, Điền cũng còn tính vẩn vơ, Điền ước có một cuộc sống thật thanh bình, đơn giản, để cho anh không còn phải lo tính kế nữa và anh có thể rảnh rang theo đuổi cái mộng của anh … đó là cái mộng văn chương. Nhưng cuộc sống cơm áo không cho phép anh theo đuổi sự nghiệp mà anh từng mơ ước, anh phải tạm quên nó đi và nghĩ đến gia đình, nghĩ đến việc kiếm tiền. Điền ước những ước mơ xa xôi, đẹp đẽ, có những người đàn bà nhàn hạ chứ không xấu xí và méo mó như vợ anh.)
Ðiền thương con lắm. Vút cái, Ðiền thấy Ðiền không thể nào đi được. Ðiền không thể sung sướng khi con Ðiền còn khổ. Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?… Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…
Sáng hôm sau, Ðiền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.
(Trích “Giăng sáng” – Nam Cao, Nam cao tuyển tập, Nxb Văn học, Hà Nội)
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm):
Câu 1: Truyện sử dụng ngôi kể thứ mấy?
- Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ hai C. Ngôi thứ ba D. Kết hợp nhiều ngôi kể
Câu 2: Truyện sử dụng điểm nhìn nào?
- Điểm nhìn của người kể chuyện
- Điểm nhìn của nhân vật thị
- Kết hợp điểm nhìn nhân vật và người kể chuyện
- Điểm nhìn của nhân vật Điền
Câu 3: Ngôn ngữ tự sự được sử dụng trong văn bản trên là?
- Ngôn ngữ trực tiếp B. Ngôn ngữ nửa trực tiếp
- Ngôn ngữ độc thoại nội tâm D. Ngôn ngữ đối thoại
Câu 4: Truyện viết về đề tài gì?
- Người nông dân B. Người trí thức C. Quan lại D. Tầng lớp tư sản
Câu 5: Đâu không phải là suy nghĩ của Điền về trăng?
- Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh.
- Chao ôi! Trăng đẹp lắm!
- Trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại…
- Trăng là đỡ tốn 2 hào dầu thắp sáng
Câu 6: Ánh trăng trong tác phẩm tượng trưng cho điều gì?
- Tình yêu thiên nhiên của người cầm bút
- Sự lãng mạn không thể thiếu của nhà văn
- Sự thi vị hóa cuộc sống, xa rời thực tế của văn chương
- Sự thực của cuộc đời với những điều đẹp đẽ
Câu 7: Câu văn nào thể hiện rõ nhất giọng điệu triết lí của Nam Cao
- Ðiền thương con lắm. Vút cái, Ðiền thấy Ðiền không thể nào đi được.
- Ðiền thấy cái đời tình cảm của Ðiền thiếu thốn. Ðiền không được yêu ai.
- Ðiền phải đi. Ði để giữ cho lòng mình tươi lâu.
- Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối…
Trả lời câu hỏi:
Câu 8 (0.5điểm): Tại sao nhà văn lại gọi nhân vật của mình bằng tên “Điền” mà không để nhân vật trực tiếp kể về mình?
Câu 9 (1.0 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về quan niệm: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”?
Câu 10 (1.0 điểm): Giá trị nhân đạo được gửi gắm trong tác phẩm là gì?
Đề 2: Tự luận
Câu 1 (0.5 điểm): Truyện sử dụng ngôi kể thứ mấy?
Câu 2 (0.5 điểm): Truyện sử dụng điểm nhìn trần thuật nào?
Câu 3 (1.0 điểm): Tại sao nhà văn lại gọi nhân vật của mình bằng tên “Điền” mà không để nhân vật trực tiếp kể về mình?
Câu 4 (1.0 điểm): Ngôn ngữ trong văn bản trên là của ai? Việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì?
Câu 5 (1.5 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về quan niệm: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”?
Câu 6 (1.5 điểm): Giá trị nhân đạo được gửi gắm trong tác phẩm là gì?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật truyện ngắn “Giăng sáng” của Nam Cao.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | C | 0,5 | |
2 | C | 0,5 | |
3 | B | 1.0 | |
4 | B | 0,5 | |
5 | D | 0,5 | |
6 | C | 0,5 | |
7 | D | 0.5 | |
8 | – Nam Cao không trực tiếp nhập thân vào nhân vật mà gọi tên nhân vật là Điền, trần thuật theo ngôi thứ ba để tạo khoảng cách giữa mình với nhân vật, nhằm kể chuyện, miêu tả một cách khách quan, chân thực và tạo sự tin cậy cho độc giả. | 0.5 | |
9 |
Văn chương phải gắn bó với cuộc đời, phải đi sâu vào miêu tả những khó khăn, bất hạnh, phải len lỏi vào những ngóc ngách của đời sống. Văn chương sẽ chẳng là gì cả nếu chỉ viết về vẻ đẹp hào nhoáng ở bên ngoài. |
1,0 | |
10 | Giá trị nhân đạo của tác phẩm:
– Cảm thông trước tấn bi kịch của người trí thức. – Ca ngợi và nhìn thấu những phẩm chất tốt đẹp nhân vật. – Lên án xã hội đã đẩy họ vào bi kịch đau đớn ấy. – Đưa ra con đường đúng đắn cho văn sĩ. |
1,0 |
Đề 2: Tự luận
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Truyện kể theo ngôi thứ ba | 0,5 | |
2 | Truyện kể kết hợp điểm nhìn của nhân vật và người kể chuyện | 0,5 | |
3 | Nam Cao không trực tiếp nhập thân vào nhân vật mà gọi tên nhân vật là Điền, trần thuật theo ngôi thứ ba để tạo khoảng cách giữa mình với nhân vật, nhằm kể chuyện, miêu tả một cách khách quan, chân thực và tạo sự tin cậy cho độc giả. | 1.0 | |
4 | Ngôn ngữ trong văn bản là ngôn ngữ nửa trực tiếp, nhà văn nhập vai vào nhân vật để cất lên tiếng nói nội tâm của nhân vật. Ngôn ngữ đa thanh – một trong những đặc trưng của văn xuôi Nam Cao vừa tạo sự chân thực cho tác phẩm, lại vừa giúp độc giả có cơ hội hiểu rõ về suy nghĩ của nhân vật. | 1.0 | |
5 | Văn chương phải gắn bó với cuộc đời, phải đi sâu vào miêu tả những khó khăn, bất hạnh, phải len lỏi vào những ngóc ngách của đời sống. Văn chương sẽ chẳng là gì cả nếu chỉ viết về vẻ đẹp hào nhoáng ở bên ngoài. | 1,5 | |
6 | Giá trị nhân đạo của tác phẩm:
– Cảm thông trước tấn bi kịch của người trí thức. – Ca ngợi và nhìn thấu những phẩm chất tốt đẹp nhân vật. – Lên án xã hội đã đẩy họ vào bi kịch đau đớn ấy. – Đưa ra con đường đúng đắn cho văn sĩ. |
1,5 |
- LÀM VĂN
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
II | LÀM VĂN | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.
Phân tích, đánh giá được nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn “Giăng sáng” – Nam Cao. |
0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các |
2,5 |
yêu cầu sau: | |||
* 1. Mở bài:
* – Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm truyện. * – Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá. * 2. Thân bài: * * Nêu các điểm nổi bật về nội dung, ý nghĩa tác phẩm * – Khái quát chủ đề, đề tài của truyện: “Giăng sáng” tiếp tục khai thác đề tài trí thức tiểu tư sản nghèo, cụ thể là những nhà văn, họ đang đấu tranh gay gắt giữa mộng văn chương và lo toan về gánh nặng tài chính. * – Vị trí đoạn trích: Nằm ở phần cuối tác phẩm, thể hiện trách nhiệm của Điền với gia đình và với văn chương nghệ thuật chân chính. * – Bi kịch dưới ánh trăng của một nghệ sĩ nghèo và phẩm chất cao đẹp của nhân vật: * + Điền là một văn sĩ nghèo say mê vẻ đẹp huyền diệu của ánh trăng và anh mang trong mình cái mộng văn chương rất đỗi lớn lao nhưng trước mắt anh lại bị dồn dập bởi những bi kịch của đói nghèo, túng thiếu. * + Tình yêu thương vợ con: Điền mang trong mình tư tưởng thoát ly khỏi hiện thực, thế nhưng trong tâm trí anh đang xảy ra một cuộc xung đột gay gắt giữa mộng văn chương và trách nhiệm gia đình. Tuy nhiên, Điền không thể bỏ vợ con đi được dẫu tiếng quát tháo của vợ và tiếng khóc của con khiến y thấy cạn kiệt nguồn cảm hứng. * + Nhận thức sâu sắc về sứ mệnh của nghệ thuật: Quan điểm nghệ thuật: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…”. Nam Cao muốn khẳng định nghệ thuật chân chính phải bắt rễ trong đời sống hiện thực, phản ánh chân thực đời sống của con người, đấu tranh với bất công xã hội. Cuối tác phẩm, Điền chấp nhận từ bỏ thứ ánh trăng giả dối để viết những trang văn bám sát hiện thực đời sống. * * Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật * – Kiểu kết cấu tâm lí, hướng ngòi bút vào việc miêu tả thế giới tinh thần bên trong của nhân vật. Miêu tả sâu sắc xung đột nội tâm, diễn biến tâm lí bên trong của nhân vật. * – Sự thay đổi, đan xen các điểm nhìn trần thuật: khi sử dụng điểm nhìn trần thuật khách quan, khi thì nhập vai vào nhân vật Điền. * – Giọng điệu trần thuật đa dạng khi lạnh lùng lúc thương cảm, xen lẫn triết lí. * * Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng: * – Tư tưởng nhân đạo: cảm thương cho tấn bi kịch tinh thần của người trí thức trong xã hội cũ. * – Bài học cho các nhà văn: văn chương phải gắn bó với cuộc sống. * 3. Kết bài: * – Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm. * – Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích; giá trị, hiệu quả tác động tới bạn đọc. |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0,5 | ||
Tổng điểm | 10,0 |
Bài viết tham khảo:
Giáo sư Hà Minh Đức khi đọc những trang văn viết về đề tài người trí thức của Nam Cao, có nhận xét như sau: “Viết về người trí thức tiểu tư sản nghèo, Nam Cao đã mạnh dạn phân tích và mổ xẻ tất cả, không né tránh như Thạch Lam; không cực đoan, phiến diện như Vũ Trọng Phụng, cũng không thi vị hóa như Nhất Linh, Khái Hưng, ngòi bút của Nam Cao luôn luôn tỉnh táo đúng mực”. Trong truyện ngắn “Giăng sáng”, Nam Cao đã xoáy sâu vào tấn bi kịch tin thần của người trí thức Điền trong hoàn cảnh tối tăm, đói nghèo bằng bút pháp tự sự đặc sắc.
Nam Cao được đánh giá là một trong những cây bút hàng đầu của chủ nghĩa văn học hiện thực, với hơn 15 năm tuổi nghề nhà văn không chỉ để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ mà còn là người có góc nhìn về văn chương vô cùng quý giá. Đối với những người sáng tạo nghệ thuật từ con chữ, tác giả cho rằng: “Sống đã rồi hãy viết”. “Giăng sáng” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám khi viết về trí thức tiểu tư sản nghèo cụ thể là những nhà văn, họ đang đấu tranh gay gắt giữa mộng văn chương và lo toan về gánh nặng tài chính.
Giống với những tác phẩm viết về đề tài người trí thức của mình như: “Đời thừa”, “Nước mắt”, “Sống mòn”, Nam Cao xoáy sâu vào tấn bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản nghèo, cụ thể là văn sĩ nghèo tên Điền – người say mê vẻ đẹp huyền diệu của ánh trăng và mang trong mình cái mộng văn chương rất đỗi lớn lao nhưng trước mắt anh lại bị dồn dập bởi những bi kịch của đói nghèo, túng thiếu. Đoạn văn trên nằm ở phần cuối tác phẩm, thể hiện tình yêu và trách nhiệm với gia đình của Điền và với nghệ thuật chân chính khi đang phải đấu tranh gay gắt giữa mộng văn chương và lo toan về gánh nặng tài chính.
Điền là một văn sĩ nuôi mộng lớn với văn chương nghệ thuật nhưng lại bị vùi dập bởi hiện thực đói nghèo. Điền là một trong số rất nhiều trí thức đương thời như: Hộ, Thứ, ông giáo… rơi vào tấn bi kịch tinh thần đau đớn ấy. Điền có một niềm yêu say mê với văn chương, nghệ thuật, với ánh trăng huyền ảo, lung linh trên bầu trời. Điền thấm đẫm trong mình dòng chảy văn thơ, tuy được cha mẹ cho ăn học đầy đủ bản thân lại chẳng kiếm được bao nhiêu tiền dẫu thế anh vẫn tự nhủ rằng, chẳng phí đâu bởi nhờ con chữ ấy anh mới cảm nhận được tất thảy cái thi vị của trăng. Trăng một thời trong tư tưởng của Điền là “cái ánh trắng xanh huyền ảo nó làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa”. Ánh trăng vô cùng đẹp đẽ và quý giá, nó là nguồn cảm hứng muôn đời của tâm hồn thi sĩ, có thể xoa dịu những cáu có trên khuôn mặt người vợ, làm giòn tan nụ cười của đứa con thơ. Thế nhưng với vợ Điền, trăng chỉ là đỡ tốn hai xu dầu thắp sáng. Dăm ba đồng bạc lẻ khiến tâm hồn thị trở nên khô khan và cằn cỗi. Chính vì thế Điền mơ tưởng đến điều xa vời, những người đàn bà nhàn nhã thay vì vợ mình và họ sẽ yêu văn chương của mình. Giống như nhiều trí thức tiểu tư sản lúc bây giờ, Điền bị cuộc sống đày đọa ghì sát đất và luôn mang trong mình tư tưởng muốn thoát ly khỏi hiện thực. Điền đâm ra khó chịu với vợ, đã từng ích kỉ như thế với những giấc mộng xa vời, ra đi đến một nơi không có tiếng quát của vợ và tiếng khóc của con, để có thể tìm nguồn cảm hứng bay bổng cho những áng văn thơ của mình. Trong tâm trí anh đang xảy ra một cuộc xung đột gay gắt giữa mộng văn chương và trách nhiệm gia đình.
Nếu Hộ trong “Đời thừa” từng vì miếng ăn mà viết ra những tác phẩm văn chương đọc một lần rồi quên ngay, vì những đọa đày của cuộc sống mà đay nghiến và đánh đập vợ con, muốn bỏ quách mẹ con Từ cho xong thì Điền cũng đã từng bị đời sống đói nghèo, tăm tối đẩy đến suy nghĩ làm những điều vô tâm, vô trách nhiệm ấy. Thế nhưng sau tất cả, Nam Cao đều thấy ở các nhân vật của mình những viên ngọc nhân cách sáng ngời. Giọt nước mắt và sự nhẫn nhịn của Từ đã kéo Hộ về với đời sống. Không phải cái gì khác, tiếng con khóc và tiếng vợ quát đã lay tỉnh Điền, kéo Điền ra khỏi những ảo tưởng viển vông và trở về với thực tại, khiến chàng văn sĩ nghèo cảm thấy hổ thẹn với mơ mộng hão huyền và vô vị của bản thân. Điền yêu vợ và thương con. Giây phút đứng trước trách nhiệm gia đình và lợi ích của bản thân, Điền đã quyết định lựa chọn gắn bó với gia đình: “Ðiền thương con lắm. Vút cái, Ðiền thấy Ðiền không thể nào đi được. Ðiền không thể sung sướng khi con Ðiền còn khổ”. Điền cuối cùng đã không ái kỉ, không chỉ nghĩ đến sự sung sướng của riêng mình. Y không thể trở thành kẻ bội bạc chỉ để chạy theo thứ ánh trăng xanh mờ ảo kia, cùng những trang văn lãng mạn chỉ tạm làm người ta quên đi những đau khổ trước mắt.
Không những thế, Điền cũng đã tìm ra con đường đúng đắn cho văn chương nghệ thuật chân chính. Qua nhân vật Điền, Nam Cao đã trực tiếp lên án lối văn chương nghệ thuật vị nghệ thuật vì quay lưng với cuộc sống, một người nghệ sĩ khi cầm bút phải đến gần hơn với nhân dân để thay họ cất lên tiếng khóc bi ai đồng thời vẽ nên những cảnh đời đốn mạc trong xã hội thực dân nửa phong kiến: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nam Cao nghiêm khắc chỉ ra tính chất ảo mộng, phi hiện thực của thứ nghệ thuật chỉ chạy theo vẻ đẹp bề ngoài. Ông đã vạch trần sự “lừa dối” của thứ nghệ thuật thi vị hoá cuộc sống, giống “cái ánh trăng xanh huyền ảo nó làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường xấu xa”. Ánh trăng tuy rất đẹp, rất thơ mộng, rất huyền ảo, nhưng “trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than!”. Cái đẹp, cái thi vị của ánh trăng che giấu cái sự thực tàn nhẫn” là tình trạng khốn khổ của nhân dân.
Đứng trước ánh trăng lãng mạn và sự thực tàn nhẫn, Điền cuối cùng đã chọn nhìn thẳng vào sự thực: “Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời”. Văn chương phải là tấm gương phản chiếu hiện thức, vốn văn chương không thể đắm mình trong những giấc mộng hão huyền, vì thứ mơ mộng ấy sẵn sàng giết chết con người ta. Chúng ta không thể dùng những ước mơ đẹp để phủi đi hiện thực phũ phàng, mà cho đó là liều thuốc tinh thần. Liều thuốc chữa trị duy nhất chính là chúng ta phải đối mặt với cuộc sống dù nó có khó khăn đến đâu, đáng sợ đến đâu. Và nhà văn phải là người đứng trong lao khổ, để thấu hiểu, đồng cảm, và cất tiếng kêu cứu, giải thoát cho con người khỏi đời sống lầm than. Cuối tác phẩm là hình ảnh Điền tiếp tục viết những tác phẩm văn chương nhưng không phải dưới ánh trăng lung linh, huyền ảo mà là trong tiếng gắt gỏng của vợ và tiếng khóc của con. Đó chính là quyết định của một người nghệ sĩ chân chính khi chọn từ bỏ thứ ánh trăng giả dối để chắp bút viết những trang văn từ chính những cảnh đời lầm than và phản ánh sự khốn khổ của một kiếp người.
“Giăng sáng” sở dĩ có thể khắc họa thành công tấn bi kịch tinh thần của người trí thức là nhờ tài năng kể chuyện của tác giả Nam Cao. Trong truyện ngắn này cũng như nhiều tác phẩm khác của mình, Nam Cao lựa chọn trần thuật theo quan điểm nhân vật. Trần thuật theo quan điểm nhân vật, người trần thuật không phải là nhân vật “tôi” trực kể chuyện mà vẫn tồn tại như một chủ thể độc lập với nhân vật. Anh ta chỉ lẩn sau nhân vật, trần thuật bằng lời nói, ngữ điệu và giọng điệu của nhân vật. Trong những tác phẩm trần thuật theo điểm nhìn nhân vật, Nam Cao thường gọi nhân vật bằng tên hoặc bằng đại từ ngôi thứ ba: “hắn”, “y”, “thị”, “anh cu”, “chị cu”,… và sử dụng rộng rãi ngôn ngữ nửa trực tiếp. Thường thì người trần thuật bắt đầu từ điểm nhìn khách quan như trong “Giăng sáng”: “Điền có bốn cái ghế mây”. Trong “Giăng sáng”, chủ thể trần thuật song hành cùng nhân vật Điền kể lại câu chuyện. Nhưng xuyên suốt câu chuyện ta thấy chủ thể trần thuật luôn nhập vào nhân vật, và thuật kể theo điểm nhìn của nhân vật Điền. Những suy nghĩ, trăn trở của Điền về cuộc sống xung quanh, về gia đình, vợ con, về nghề văn được chủ thể trần thuật khéo léo kể lại qua những dạng độc thoại nội tâm của Điền. Đã có lúc chủ thể trần thuật đứng tách mình ra hưởng điểm nhìn vào tâm trạng của Điền, có lúc lại đứng cùng điểm nhìn của Điền để thuật kể, để lý giải những bức bối khó chịu vì cuộc sống áo cơm ghì sát đất mộng văn chương của chàng.
“Giăng sáng” cũng thể hiện sự đa giọng điệu trong ngòi bút Nam Cao. Ông có phong cách phích nước nóng, ngoài lạnh nhưng trong ấm vô cùng. Đã có lúc nhà văn đứng ngoài, tưởng như dửng dưng trước cuộc đời. Nhưng thực chất ông đang tạo cho mình một giọng văn chân thực, khách quan nhất để vạch trần bản chất của đời sống lầm than. Nam Cao chưa bao giờ thôi thương cảm cho nhân vật. Người ta vẫn thấy đằng sau “cái mặt không chơi được” là niềm cảm thương của Nam Cao với bi kịch tinh thần của người trí thức. Có khi, in hằn trên trang viết của văn nhân là giọng điệu triết lí, như cái cách ông nói về văn chương nghệ thuật trong “Giăng sáng”: “Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Bên cạnh đó, kiểu kết cấu tâm lí, đi vào miêu tả thế giới nội tâm của con người, giúp Nam Cao miêu tả thành công nhưng mâu thuẫn, xung đột giữa ước mơ và nhận thức thực tại của Điền, giữa mộng văn chương và trách nhiệm với gia đình của y.
Từng có nhà phê bình nhận xét: “Dù viết về đề tài nào, truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung: nổi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới”. Nam Cao đã thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc khi dành trái tim ấm và niềm đồng cảm cho kiếp sống bi kịch của người trí thức trong xã hội cũ, lên án xã hội thực dân nửa phong kiến đầy rẫy bất công và vô nhân đạo kia đã cướp đi đời sống hạnh phúc của con người. Đồng thời, “Giăng sáng” cũng là lời tuyên ngôn về nghệ thuật của Nam Cao, giúp ông xác định rõ ràng con đường văn học vị nhân sinh của mình và quả thực nhà văn đã trung thành với tuyên ngôn này trong suốt sự nghiệp cầm bút. Nam Cao kêu gọi người cầm bút đoạn tuyệt với dòng văn học thoát ly hiện thực bởi ông cũng từng là một tiểu tư sản tìm đến những con chữ diễm lệ, xa rời thực tế nên nhà văn càng hiểu rõ hơn sự phù phiếm mà thứ văn chương này đem lại.
“Giăng sáng” là một trong những kiệt tác của Nam Cao viết về đề tài người trí thức Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, tác phẩm đã vẽ nên cảnh đời chung của các tiểu tư sản nghèo lúc bấy giờ, mặc dù mang trong mình nhiều hoài bão và ước mơ nhưng họ vẫn bị vùi dập bởi nỗi lo toan về cơm áo, gạo tiền. Tác phẩm đã giúp độc giả hiểu hơn về bức tranh đời sống của con người, trong đó có người trí thức ở thời điểm xã hội thực dân nửa phong kiến, đồng thời đưa ra tuyên ngôn nghệ thuật đúng đắn cho văn sĩ.
Bài viết tham khảo có trích dẫn một số bình luận trong cuốn “Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao” – Trần Đăng Suyền và bài viết Giăng sáng: Níu giữ mộng văn chương giữa cảnh đời đói khổ