Viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật truyện Mẹ vắng nhà Nguyễn Thi

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN

(Giới hạn:Truyện ngắn hiện đại Việt Nam)

 BỘ CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

Đề bài: (Theo ma trận của Bộ Giáo Dục)

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Lược phần đầu: Người mẹ là một du kích thường xuyên xa nhà. Nhân vật Bé – đứa con gái lớn mới mười tuổi chăm sóc cho bốn đứa em. Bé thường hay trèo lên ngọn dừa để trông tin má và rồi giả bộ làm cô giáo để dạy các em học dù Bé chưa biết chữ …)

Lát nữa, súng sẽ nổ ở hướng đó, nó biết vậy. Ðó là mặt trận của má và các cô. Con Bé đã từng đến đó nhiều lần, mỗi khi cô giao liên trên huyện chạy đến nhờ nó đưa giùm thơ hỏa tốc ra cho má. Khi đi, nó hay mang theo cái thúng. Dọc đường về, nó sẽ lượm những củ khoai do bom hất vung vãi trên vồng hoặc nhào vào những đám mưa trấu phụt ra từ bên hông nhà máy chà gạo, hứng lấy đầy thúng để rồi tối về un muỗi cho em. Nhưng điều thích thú hơn hết là trong những chuyến đi này nó được ghé coi trường học. Nó hay giương đôi mắt tròn vo say sưa nhìn cái miệng cũng tròn vo của cô giáo dạy học trò hát. Thỉnh thoảng, cô lại vẽ lên bảng những chữ cũng thiệt tròn trịa như chính bàn tay của cô vậy. Con Bé không biết chữ. Nó chưa được đi học vì còn mắc em. Nó nghĩ đến cái trường học như một trò chơi mà cô giáo là chính nó, còn đám học sinh kia là đàn em nó ở nhà. Con Bé chưa kịp được đi học, thì trường đã bị giặc đốt rụi. Bây giờ, đứng trên cây dừa nhìn xuống cái dãy xanh biếc của vườn chuối nhà trường, mắt con bé bị ngắt ra từng khúc màu vàng úa. Trong ánh nắng chói chang, nó nhìn thấy những chữ tròn vo màu phấn trắng từ đó chấp chới bay lên. Cô giáo hát hay cũng đi du kích rồi, bây giờ cô cũng đi theo hướng đó. Mà sao súng vẫn chưa nổ?

– Thấy má chưa chị Hai?

Ðàn em nhóng cổ lên nhìn chị bằng những đôi mắt thèm muốn, như chính chị nó đã mọc ra đôi cánh, mà bay lên đó vậy.

– Chưa! – Mắt con bé vẫn không rời những dòng phấn trắng kỳ lạ.

Con Thanh ôm thằng em đã tuột xuống đến đầu gối, hỏi:

– Chừng nào dòm thấy?

– Một chút nữa thấy má heng chị!

Con Bé vẫn nhìn về phía lớp học, không trả lời em. Thằng Hiển áp bụng vào gốc dừa, cái miệng ngọng líu của nó rối lên như chị nó đã được má gọi về trên ngọn dừa mà chưa kịp xuống với nó vậy.

– Má dặn sao Hiển? Con Bé quát.

– Hiển không ngâm nước mừ…

– Má dặn chừng nào má đi đánh giặc thì không được đòi má kia mà!

(…)

Con Bé tuột xuống. Ðàn em tưởng như chị nó mang cả má xuống theo. Nhưng khi con chị đã tuột xuống tới đất mà không thấy má, lũ em lại dòm ngược lên. Dường như má cùng với trận chiến đấu hồi nãy đã biến mất vào trong những trái dừa xanh biếc đó. Con Bé hiểu ý đàn em, nó gom tất cả lại, nói:

– Bây giờ chơi đi học, nghen! Ðứa nào học giỏi mai mốt má cho đi học thiệt!

(…)

Giống như cô giáo, con chị đưa mắt nhìn đám học trò của mình, cũng với đôi mắt ướt có thể ánh lên những vệt sáng tự hào và thông minh. Nó nhóng chân lên, bàn tay tròn trịa cầm nhánh trâm bầu nhịp nhịp trên tấm bảng một cách chăm chú. Ðàn em há miệng dòm theo tay chị như chỉ sợ hàng chữ sẽ chui tọt vào miệng một đứa nào đó, mất cả phần mình. Con Bé đánh vần từng tiếng:

– I mờ im, tờ im tim huyền tìm, mờ i mi ngã Mĩ, mờ a ma huyền mà, đờ anh đanh sắc đánh…. Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt! Bắt đầu hen!

(Trích, Mẹ vắng nhà, Nguyễn Thi, nguồn:

http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Tac_Gia_Tac_Pham/me_vang_nha.htm)

 

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm): Điểm nhìn, ngôi kể… bám sát nội dung tri thức bài 1.

Câu 1: Chọn ngôi kể đúng nhất trong văn bản

  1. Ngôi thứ nhất
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ ba
  4. Cả A, B, C

Câu 2: Nhân vật Bé trong văn bản chăm sóc mấy đứa em khi má vắng nhà

  1. Hai đứa
  2. Ba đứa
  3. Bốn đứa
  4. Năm đứa

Câu 3: Mỗi lần trông tin má, Bé thường trèo lên cây gì?

  1. Cây tre
  2. Cây dừa
  3. Cây cam
  4. Cây bưởi

Câu 4: Đối với Bé, điều thích thú hơn hết trong mỗi chuyến đưa thư hỏa tốc cho má là gì?

  1. Lượm những củ khoai
  2. Hứng đầy thúng trấu
  3. Nghe tiếng súng nổ
  4. Ghé coi trường học

Câu 5: Đền từ còn thiếu trong đoạn văn: Giống như cô giáo, con chị đưa mắt nhìn đám học trò của mình, cũng với đôi mắt ướt có thể ánh lên những … tự hào và thông minh. Nó nhóng chân lên, bàn tay tròn trịa cầm nhánh trâm bầu nhịp nhịp trên tấm bảng một cách chăm chú.

  1. Tia sáng
  2. Niềm Tin
  3. Trải nghiệm
  4. Vệt sáng

Câu 6: Dòng nào sau đây là từ địa phương

  1. Nhóng chân, tuột xuống, heng chị
  2. Thiệt tròn trịa, dòm theo, nhánh trâm bầu
  3. Đôi mắt ướt, heng chị, dòm theo
  4. Chăm chú, tấm bảng, nhóng chân

Câu 7: Ðàn em há miệng dòm theo tay chị như chỉ sợ điều gì?

  1. Hàng chữ sẽ chui tọt vào miệng một đứa nào đó
  2. Mất cả phần mình
  3. Chị sẽ đọc hết chữ
  4. Hàng chữ sẽ chui tọt vào miệng một đứa nào đó, mất cả phần mình

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp tu từ chêm xen trong câu văn sau: Giống như cô giáo, con chị đưa mắt nhìn đám học trò của mình, cũng với đôi mắt ướt có thể ánh lên những vệt sáng tự hào và thông minh.

Câu 9 (1.0 điểm): Hãy nhận xét về tình cảm, cảm xúc của tác giả qua văn bản trên?

Câu 10 (1.0 điểm): Từ nhân vật Bé trong đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

 

Đề 2: Tự luận

Câu 1 (1.0 điểm) Xác định người kể chuyện trong văn bản trên.

Câu 2 (1.0 điểm) Nhân vật Bé và những đứa em trong văn bản trên được đặt trong hoàn cảnh nào?

Câu 3 (1.0 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp tu từ chêm xen trong câu văn sau: Giống như cô giáo, con chị đưa mắt nhìn đám học trò của mình, cũng với đôi mắt ướt có thể ánh lên những vệt sáng tự hào và thông minh.

Câu 4. (1.0 điểm) Nhận xét về tính cách của nhân vật Bé qua những chi tiết sau?

–  Khi đi, nó hay mang theo cái thúng. Dọc đường về, nó sẽ lượm những củ khoai bom hất vung vãi trên vồng hoặc nhào vào những đám mưa trấu phụt ra từ bên hông nhà máy chà gạo, hứng lấy đầy thúng để rồi tối về un muỗi cho em.

Nó hay giương đôi mắt tròn vo say sưa nhìn cái miệng cũng tròn vo của cô giáo dạy học trò hát. Thỉnh thoảng, cô lại vẽ lên bảng những chữ cũng thiệt tròn trịa như chính bàn tay của cô vậy.

–  Má dặn sao Hiển?

– Má dặn chừng nào má đi đánh giặc thì không được đòi má kia mà!

Câu 5. (1.0 điểm) Hãy nhận xét về tình cảm, cảm xúc của tác giả qua văn bản trên?

Câu 6. (1.0 điểm) Từ nhân vật Bé trong đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.

 

——————–HẾT ———————-

HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN CHI TIẾT:

ĐỀ 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6.0
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 C 0.5
2 C 0.5
3 B 0.5
4 D 0.5
5 D 0.5
6 A 0.5
7 D 0.5
8 Nêu tác dụng của biện pháp tu từ chêm xen

– Dẫn ra thành phần chêm xen: cũng với đôi mắt ướt có thể ánh lên những vệt sáng tự hào và thông minh.

– Tác dụng:

+ giúp cho cách diễn đạt thêm sinh động.

+ làm rõ hình đôi mắt của nhân vật Bé.

+ bộc lộ cảm xúc trìu mến, yêu thương/ yêu thương, ngợi ca

0.5
9 Nhận xét về tính cách của nhân vật Bé qua những chi tiết:

– đảm đang, thương em.

– ham học/ mong muốn được đi học/ thích đến trường

– hiểu về công việc của mẹ/ hiểu chuyện/ biết nghe lời mẹ

  1.0
10 Từ nhân vật Bé trong đoạn trích rút ra được bài học có ý nghĩa nhất

– Gợi ý bài học:

+ lòng yêu nước trong hoàn cảnh chiến tranh

+ tự học cách trưởng thành

+ tinh thần vượt lên hoàn cảnh

+ hiểu chuyện, cứng cỏi

+ …

– HS tự lí giải phù hợp cho bài học đã chọn lựa

 

1.0

 

ĐỀ 2: Tự luận

Phần Câu Nội dung Điểm
I

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đọc hiểu 6.0
1 Xác định người kể chuyện: Người kể chuyện ở ngôi thứ ba/ Người kể chuyện không phải là nhân vật trong truyện.

 

1.0
2 Nhân vật Bé và những đứa em trong văn bản trên được đặt trong hoàn cảnh:

– thời chiến tranh

– mẹ là du kích thường xuyên chiến đấu xa nhà

– mấy chị em còn nhỏ, ở nhà tự chăm sóc

 

1.0
3 Nêu tác dụng của biện pháp tu từ chêm xen:

– Dẫn ra thành phần chêm xen: cũng với đôi mắt ướt có thể ánh lên những vệt sáng tự hào và thông minh.

– Tác dụng:

+ giúp cho cách diễn đạt thêm sinh động.

+ làm rõ hình đôi mắt của nhân vật Bé.

+ bộc lộ cảm xúc trìu mến, yêu thương/ yêu thương, ngợi ca

 

1.0
4 Nhận xét về tính cách của nhân vật Bé qua những chi tiết:

– đảm đang, thương em.

– ham học/ mong muốn được đi học/ thích đến trường

– hiểu về công việc của mẹ/ hiểu chuyện/ biết nghe lời mẹ

 

1.0
5 Tình cảm, cảm xúc của tác giả qua văn bản trên:

* Gợi ý trả lời:

– Thương cảm cho những đứa trẻ trong hoàn cảnh chiến tranh

– Ca ngợi, tự hào đối với những phẩm chất tốt đẹp của con người trong thời chiến.

 

1.0
6 Từ nhân vật Bé trong đoạn trích rút ra được bài học có ý nghĩa nhất:

+ lòng yêu nước trong hoàn cảnh chiến tranh

+ tự học cách trưởng thành

+ tinh thần vượt lên hoàn cảnh

+ hiểu chuyện, cứng cỏi

+ …

– HS tự lí giải phù hợp cho bài học đã chọn lựa

 

1.0

 

 

  1. LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
  2. Mở bài:

– Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm “Mẹ vắng nhà” – Nguyễn Thi: kể về người mẹ du kích và 5 đứa con trong cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt.

– Phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ: Cách kiến tạo truyện, đặc điểm của người kể chuyện và cách khắc họa nhân vật

  1. Thân bài:

2.1. Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện (câu chuyện, cách tổ chức mạch truyện)

Mô tả: Truyện lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ tại miền Nam Việt Nam để khắc họa chân dung người mẹ du kích cùng năm con nhỏ trong những ngày tháng khốc liệt nhất. tiếng bom đạn thúc giục chị lên đường làm nhiệm vụ tải lương, tải đạn cho bộ đội, 5 đứa con nhỏ đành phải tự chăm sóc nhau. Trong đó Bé – cô chị lớn nhất mới 10 tuổi, còn đứa bé nhất đang nằm nôi. Bé luôn lo lắng cho mẹ và đảm đang chăm sóc cho các em của mình thay mẹ.

Đánh giá:

+ Câu chuyện chân thực, giản dị, cô đúc, mang nét đặc trưng trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

+ Cách tổ chức mạch truyện:

. Tổ chức cốt truyện, mạch truyện theo thời gian tuyến tính, sự kiện diễn ra trước miêu tả trước, sự kiện xảy ra sau miêu tả sau -> Truyện chảy trôi từ trang đầu đến trang cuối và hết thời gian trần thuật cũng là hết câu chuyện theo dụng ý của tác giả -> làm câu chuyện liền mạch, giúp người đọc dễ hình dung câu chuyện.

. Cách trần thuật, dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn, sinh động, có sự đan xem giữa yếu tố tự sự với trữ tình, cảm xúc.

.  Các sự kiện sắp xếp theo hướng tập trung vào một vài biến cố chính, xoay quanh một tình huống.

2.2. Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể, điểm nhìn)

– Ngôi kể: Người kể chuyện ở ngôi thứ ba không phải là nhân vật tham gia trong truyện, tự mình “ghi chép lại” câu chuyện -> mang tính chân thực, khách quan.

– Điểm nhìn: Ngôi thứ ba toàn tri

– Tầm hiểu biết của người kể chuyện bao trùm toàn bộ thế giới nhân vật, không bị giới hạn trong cái nhìn của nhân vật nào.

– Thấu suốt tất cả suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật trong mọi thời điểm, địa điểm và sự kiện.  

> Linh hoạt, sáng tạo, thu hút -> Hấp dẫn người đọc, người nghe.

2.3. Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật

– Từ điển thuật ngữ văn học: “Trong tác phẩm, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của mỗi nhà văn”. Mỗi nhà văn là tấm gương hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ.

– Người trần thuật không những tổ chức về mặt ngôn ngữ mà còn đóng vai trò quan trọng về kết cấu và chi phối đến ngôn ngữ của nhân vật.

– Trong tác phẩm, nhân vật Bé vốn là đứa trẻ lên mười, tâm hồn trong sáng, việc làm, hành động đang dần chững chạc, trưởng thành. Bé thay mẹ chăm sóc, dạy dỗ các em -> việc sử dụng ngôi thứ ba sẽ giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được diễn biến tâm lí, suy nghĩ của nhân vật.

– Kết hợp với việc lựa chọn điểm nhìn toàn tri, gắn với ý thức của nhân vật đã giúp cho việc miêu tả, khắc sâu nhân vật của tác giả được rõ ràng.

+ Một đứa trẻ ham học, luôn khát khao được đến trường (chú ý các chi tiết: trong những lần cô giao liên đưa thư cho má, Bé thích nhất là được ghé coi trường học; say sưa nhìn cô giáo; vẽ lên bảng những chữ tròn trịa; ...)

+ Một cô bé hồn nhiên, ngây thơ, có phần tinh nghịch nhưng rất hiểu chuyện. (chú ý các chi tiết: dạy các em học chữ, bắt chước dáng điệu của cô giáo; dặn em phải biết nghe lời má; dạy các em đánh vần “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt; …)

+ Một người chị đảm đang, biết chăm lo cho các em (chú ý các chi tiết: chăm sóc các em khi mẹ vắng nhà; nhặt khoai về nấu, nhặt trấu về un muỗi cho em; dỗ em khi em nhắc đến má; …)

à Nhân vật Bé tuy còn nhỏ, nhưng đã đóng góp cho đất nước, lo cho các em để mẹ yên tâm chiến đấu – phẩm chất của một thiếu niên anh hùng, cao đẹp trong kháng chiến.

– Điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật và lời trần thuật góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhân vật và tạo nên phong cách của nhà văn. Câu chuyện, sự việc… được kể trong một thời gian, không gian diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Và dưới các góc nhìn khác nhau của người kể chuyện, nhân vật Bé hiện lên vừa hồn nhiên vừa đảm đang, tháo vát.  Chính điều đó tạo ra điểm nhìn nghệ thuật trong truyện và “khoảng cách, góc độ của người kể đối với cốt truyện tạo thành cái nhìn… Bố cục của trần thuật hình thành với sự triển khai cái nhìn, đan cài, phối hợp, luân phiên các điểm nhìn.

2.4. Đánh giá hiệu quả (Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn)

– Người kể chuyện xác lập vai trò và quyền năng của anh ta trong quan hệ với các yếu tố cấu trúc nội tại trong văn bản như điểm nhìn, ngôn ngữ, nhân vật, không gian, thời gian, người quan sát, …

– Người kể chuyện còn được khảo sát trong quan hệ với các yếu tố thuộc nhiều cấp độ khác nhau trong truyện kể như: người nghe chuyện, tác giả hàm ẩn, tác giả thực và độc giả thực.

– Sự tác động của người kể đối với thế giới truyện sắp được kể là rất lớn. Người kể chuyện đồng thời đảm nhiệm hai vai trò: vai trò giới thiệu và dẫn dắt câu chuyện (chức năng trần thuật) và vai trò điều khiển (chức năng kiểm soát). Mỗi truyện kể sẽ có một cách thức riêng và được tạo ra nhờ sự lựa chọn chi tiết, ngôn từ, cách sắp đặt các sự kiện, việc bố trí tình huống, các thủ pháp dồn nén không gian, thời gian nhằm mục đích biểu đạt ý thức hệ tư tưởng của nhà văn.

  1. Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện

–  Khẳng định lại những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.
– Nêu cảm nghĩ của bản thân và bài học rút ra sau khi đọc xong tác phẩm.

 

BÀI VIẾT THAM KHẢO:

Khi bàn về con người và cái đẹp, nhà phê bình văn học Nga có ý kiến “Cái đẹp chính là cuộc sống”. Thật vậy, cái đẹp phải được bắt nguồn từ cuộc sống với nhiều vẻ diệu kì khác nhau tồn tại xung quanh con người. Bởi vậy, người nghệ sĩ phải xem cuộc sống là cái nôi và con người là điểm sáng để tạo tác nên tác phẩm. Câu nói khiến tôi nhớ đến nhân vật Bé trong truyện ngắn “Mẹ vắng nhà” của văn Nguyễn Thi. Đặc biệt ấn tượng làm nên phong cách là giá trị nghệ thuật và nội dung qua cách kiến tạo truyện, đặc điểm của người kể chuyện và cách khắc họa nhân vật.

Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà chúng ra đời” (Tô Hoài). Với chất liệu hiện thực mang tính thời đại, tác phẩm “Mẹ vắng nhà” như một thước phim quay chậm thu vào tầm mắt người đọc bức tranh xã hội Việt Nam đương thời. Truyện lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ  ác liệt tại miền Nam Việt Nam để khắc họa chân dung người mẹ du kích cùng năm con nhỏ trong những ngày tháng khốc liệt nhất. tiếng bom đạn thúc giục chị lên đường làm nhiệm vụ tải lương, tải đạn cho bộ đội, năm đứa con nhỏ đành phải tự chăm sóc nhau. Trong đó Bé – cô chị lớn nhất mới mười tuổi, còn đứa bé nhất đang nằm nôi. Bé luôn lo lắng cho mẹ và đảm đang chăm sóc cho các em của mình thay mẹ. Đây là sự kết tinh nội dung và nghệ thuật, làm nên giá trị cho toàn thiên truyện. Câu chuyện khá chân thực, giản dị, cô đúc, mang nét đặc trưng trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Cách tổ chức mạch truyện khá đặc sắc, sáng tạo. Cốt truyện, mạch truyện được tổ chức theo thời gian tuyến tính, sự kiện diễn ra trước miêu tả trước, sự kiện xảy ra sau miêu tả sau. Vậy nên truyện chảy trôi từ trang đầu đến trang cuối và hết thời gian trần thuật cũng là hết câu chuyện theo dụng ý của tác giả. Điều này làm cho câu chuyện liền mạch, giúp người đọc dễ hình dung câu chuyện. Cách trần thuật, dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn, sinh động, có sự đan xem giữa yếu tố tự sự với trữ tình, cảm xúc. Các sự kiện sắp xếp theo hướng tập trung vào một vài biến cố chính, xoay quanh một tình huống.

Puskin khẳng định “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Tiếng lòng của nhà văn Nguyễn Thi được cất lên và neo đậu mãi trong trái tim của bao bạn đọc bởi ngôi kể là người kể chuyện ở ngôi thứ ba không phải là nhân vật tham gia trong truyện mà tự mình “ghi chép lại” câu chuyện. Điều này mang tính chân thực, khách quan. Hơn nữa, điểm nhìn – ngôi thứ ba toàn tri bao quát toàn văn bản. Có thể nói, tầm hiểu biết của người kể chuyện bao trùm toàn bộ thế giới nhân vật, không bị giới hạn trong cái nhìn của nhân vật nào. Thấu suốt tất cả suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật trong mọi thời điểm, địa điểm và sự kiện. Sự linh hoạt, sáng tạo này thu hút hấp dẫn người đọc, người nghe.

M.L.Kailinine khẳng định: “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn”. Phải chăng nét đặc sắc về nghệ thuật đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong văn học. Trước tiên, truyện được xây dựng trên một cốt truyện khá đơn giản, chủ yếu xoay quanh câu chuyện của mấ chị em nhân vật Bé. Nhân vật chính được khắc họa đậm nét qua ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật. Theo từ điển thuật ngữ văn học: “Trong tác phẩm, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của mỗi nhà văn”. Mỗi nhà văn là tấm gương hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ. Người trần thuật không những tổ chức về mặt ngôn ngữ mà còn đóng vai trò quan trọng về kết cấu và chi phối đến ngôn ngữ của nhân vật. Trong tác phẩm, nhân vật Bé vốn là đứa trẻ lên mười, tâm hồn trong sáng, việc làm, hành động đang dần chững chạc, trưởng thành. Bé thay mẹ chăm sóc, dạy dỗ các em. Việc sử dụng ngôi thứ ba sẽ giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được diễn biến tâm lí, suy nghĩ của nhân vật. Nhà văn kết hợp với việc lựa chọn điểm nhìn toàn tri, gắn với ý thức của nhân vật đã giúp cho việc miêu tả, khắc sâu nhân vật được rõ ràng. Một đứa trẻ ham học, luôn khát khao được đến trường đã để lại ấn tượng đậm nét trong người đọc, người nghe. Trong những lần cô giao liên đưa thư cho má, Bé thích nhất là được ghé coi trường học; say sưa nhìn cô giáo; vẽ lên bảng những chữ tròn trịa; ... Một cô bé hồn nhiên, ngây thơ, có phần tinh nghịch nhưng rất hiểu chuyện. Em dạy các em học chữ, bắt chước dáng điệu của cô giáo với dáng vẻ khá già dặn so với lứa tuổi. Bé dặn em phải biết nghe lời má; dạy các em đánh vần “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt; … Lời trần thuật như cuốn nhaatshj kí nhỏ ghi lại những gì đang diễn ra trong cuộc sống của chị em Bé. Tuy mới mười tuổi nhưng Bé rất hiểu chuyện. Em thương mẹ, lo cho mạng sống và sự an nguy của tính mạng. Đồng thời, tâm hồn trẻ thơ sớm khắc sâu tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù sâu sắc đối với giặc Mĩ. Bé là một người chị đảm đang, biết chăm lo cho các em chăm sóc các em khi mẹ vắng nhà; nhặt khoai về nấu, nhặt trấu về un muỗi cho em; dỗ em khi em nhắc đến má; …Có thể nói, nhân vật Bé tuy còn nhỏ, nhưng đã đóng góp cho đất nước, lo cho các em để mẹ yên tâm chiến đấu – phẩm chất của một thiếu niên anh hùng, cao đẹp trong kháng chiến. Điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật và lời trần thuật góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhân vật và tạo nên phong cách của nhà văn. Câu chuyện, sự việc… được kể trong một thời gian, không gian diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Và dưới các góc nhìn khác nhau của người kể chuyện, nhân vật Bé hiện lên vừa hồn nhiên vừa đảm đang, tháo vát.  Chính điều đó tạo ra điểm nhìn nghệ thuật trong truyện và “khoảng cách, góc độ của người kể đối với cốt truyện tạo thành cái nhìn… Bố cục của trần thuật hình thành với sự triển khai cái nhìn, đan cài, phối hợp, luân phiên các điểm nhìn.  Vậy nên“Hình tượng văn học là sự tổng hợp những tư tưởng và say mê, là kết quả của một tấm lòng đầy thiết tha” (Biêlinxki).

Mỗi nhà văn sống trong cuộc đời, chắt lọc những điều tinh túy nhất mà họ biết để xây dựng nên hình tượng nhân vật – những đứa con tinh thần của nghề viết. Chính vì thế, khi bàn về cách xây dựng nhân vật trong tác phẩm văn học có ý kiến cho rằng: “Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời”. Vậy nên văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một các hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn có mối quan hệ mật thiết, quan trọng. Bởi người kể chuyện xác lập vai trò và quyền năng của anh ta trong quan hệ với các yếu tố cấu trúc nội tại trong văn bản như điểm nhìn, ngôn ngữ, nhân vật, không gian, thời gian, người quan sát, …Hơn nữa, người kể chuyện còn được khảo sát trong quan hệ với các yếu tố thuộc nhiều cấp độ khác nhau trong truyện kể như: người nghe chuyện, tác giả hàm ẩn, tác giả thực và độc giả thực. Chính sự tác động của người kể đối với thế giới truyện sắp được kể là rất lớn. Người kể chuyện đồng thời đảm nhiệm hai vai trò: vai trò giới thiệu và dẫn dắt câu chuyện (chức năng trần thuật) và vai trò điều khiển (chức năng kiểm soát). Mỗi truyện kể sẽ có một cách thức riêng và được tạo ra nhờ sự lựa chọn chi tiết, ngôn từ, cách sắp đặt các sự kiện, việc bố trí tình huống, các thủ pháp dồn nén không gian, thời gian nhằm mục đích biểu đạt ý thức hệ tư tưởng của nhà văn.

 “Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật” (Nguyễn Tuân), một tác phẩm văn học dù tư tưởng, tình cảm sâu sắc, mãnh liệt đến mấy mà không được chuyển tải qua hệ thống phương tiện nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ thì không thể thức tỉnh, lay động tâm hồn người đọc. Tác phẩm “Mẹ vắng nhà” của Nguyễn Thi đã thực sự neo đậu vào tâm hồn người đọc nhiều thế hệ bởi cách kể chuyện vừa sinh động, hấp dẫn lại vừa giản dị, tự nhiên. Hơn nữa, cách xây dựng nhân vật điển hình, chi tiết nghệ thuật đặc sắc qua giọng điệu, ngôn ngữ, hành động kết hợp cách tạo tình huống đã khắc họa nhân vật rõ nét. Qua đó, nhà văn muốn nhắn gửi đến bạn đọc thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *