Từ đoạn trích trong tiểu thuyết “Sống mòn” (Nam Cao),viết bài luận bàn về ý nghĩa của việc sống có lý tưởng

  ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KỲ I LỚP 11

 NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: Ngữ văn

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

   

ĐỀ CHẴN

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ làm thế nào cho mình và vợ con có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào cái dạ dày. Có ai muốn gục mặt xuống làm gì? Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị cơm áo ghì sát đất. Hỡi ôi! Người ta đã phí bao tâm huyết , bao nhiêu công lao để giải thoát loài người. Giê-su đã phải đổ máu ra. Thích ca đã phải từ bỏ tất cả những phú quý, vinh hoa của đời mình. Vô ích cả, chừng nào nhân loại chưa thoát khỏi những xiềng xích của cái đói và cái rét. Thứ thường có những lúc sức nhớ đến những cao vọng của mình xưa, ngán ngẩm, buồn tiếc cho mình. Y cứ đinh ninh rằng giá y không bị nghèo thì có lẽ y không đến nỗi đớn hèn thế này đâu. Có lẽ y sẽ làm được một cái gì. Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một hoàn cảnh tốt!…

          Y mỉm cười chua chát hỏi San:

          – Nếu gia đình anh có cách sinh nhai chắc chắn rồi anh có thể chỉ nghĩ đến anh thôi, thì anh sẽ làm gì?

          – Tôi học vẽ. Tôi thích vẽ ngay từ hồi mười ba, mười bốn tuổi. Ông giáo nào cũng để ý đến cái khiếu về vẽ của tôi, và bắt tôi vẽ những bức tranh treo trong lớp. Giá tôi được học, chắc tôi cũng có thể thành họa sĩ.

          – Tôi thích làm một việc gì có ảnh hưởng đến xã hội ngay. Dân mình còn đói khổ, ngu dốt quá. Chúng ta phải chống lại nạn đói và nạn dốt.

          – Nếu vậy thì anh còn phàn nàn gì nữa? Anh hiện đang thực hiện ý nguyện của anh: anh dạy học để chống lại cái đói cho anh và cho vợ con anh, và chống lại cái dốt cho học trò anh.

          Thứ không để ý đến câu nói đùa của bạn. Y vẫn buồn rầu, bảo:

          Lắm lúc tôi muốn tàn nhẫn quá. Tôi muốn làm một thằng bạt tử, chẳng nghĩ gì đến bố, mẹ, vợ, con để khỏi cái gì bận vướng thân. Phải là những người như thế, họa chăng mới theo được cái chí của mình. Lắm lúc tôi cầu vợ tôi ghét tôi và làm cho tôi ghét…

          San nhìn xuống, bảo:

          – Khi ấy, anh vẫn còn con anh. Chẳng bao giờ chúng mình có thể liều được đâu!…

(Trích Sống mòn, Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao, tập 2,

NXB Văn học, 2005, tr298-308)

Lựa chọn đáp án đúng:

1.Người kể chuyện trong văn bản là ai?

Thứ

San

Tác giả

Vợ của Thứ

2.Ngôn ngữ của nhân vật Thứ trong văn bản bao gồm những ngôn ngữ gì?

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm và ngôn ngữ đối thoại

Ngôn ngữ đối thoại và trần thuật

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Ngôn ngữ đối thoại và lời kể của tác giả

3.Đáp án nào nêu chính xác đề tài của văn bản?

Người nông dân trước Cách mạng tháng Tám

Người trí thức tiểu tư sản trước Cách mạng tháng Tám

Người trí thức thời đại cải cách

Người nông dân thời kỳ phong kiến

4.Nhân vật Thứ được khắc họa chủ yếu ở phương diện nào?

Ngoại hình

Hành động

Lời nói

Nội tâm

5.Phương án nào nêu đúng nhất về ý nghĩa của việc xây dựng đời sống nhân vật Thứ?

Đại diện cho con người sống đời sống tốt đẹp, cống hiến cho cộng đồng và luôn vươn lên thực hiện khát vọng, ước mơ của mình

Đại diện cho con người có khát vọng cao đẹp, lý tưởng sống nhân văn nhưng vì điều kiện thực tế mà phải chấp nhận sống tủn mủn, vô nghĩa

Đại diện cho con người luôn đối mặt với những vấn đề cơm, áo, gạo, tiền,…, không suy tưởng, mơ ước được những điều vĩ đại, cao đẹp

Đại diện cho con người luôn khao khát thực hiện ước mơ, hoài bão nhưng xã hội vùi dập nên thất bại, chán nản

6.Phương án nào nào sau đây không phải là thành công về mặt nghệ thuật của tác phẩm?

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật

Ngôn ngữ trần thuật nửa trực tiếp

Kết hợp giữa điểm nhìn của tác giả và của nhân vật

Ngôn ngữ giàu chất thơ, lãng mạn, nhẹ nhàng.

7.Đáp án nào nêu đúng giá trị văn hóa của văn bản (đoạn trích của tiểu thuyết Sống mòn)?

Cho thấy đời sống cùng quẫn của tầng lớp trí thức trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

Cho thấy đời sống cao đẹp, luôn hướng tới những khát vọng lớn của những trí thức thời kỳ đổi mới

Cho thấy đời sống nhiều trăn trở, lo âu về cuộc sống của tầng lớp nhà giáo trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám

Cho thấy đời sống cùng quẫn của tầng lớp trí thức trong xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hòa bình.

8.Qua nhân vật Thứ, nhà văn đã thể hiện thái độ, tình cảm gì?

9.Em có đồng tình với triết lý “Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại” mà tác giả đã phát biểu thông qua lời của Thứ không? Vì sao?

10.Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Thứ. (Trả lời bằng 4 – 5 câu)

VIẾT (4 điểm)

Từ đoạn trích trong tiểu thuyết “Sống mòn” (Nam Cao), anh/chị hãy viết một bài luận (khoảng 500 chữ) để bàn về ý nghĩa của việc sống có lý tưởng.

——————-Hết——————-

 

 

Hướng dẫn chấm gồm: 02  trang

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KIỂM TRA LỚP 11

CUỐI KỲ I NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: Ngữ văn

 

ĐỀ CHẴN

  1. Hướng dẫn chung
  2. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, bài làm của thí sinh cần được đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm.
  3. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  4. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Bài viết có thể không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
  5. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng, Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
  6. Đáp án và thang điểm

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 C 0,5
2 A 0,5
3 B 0,5
4 D 0,5
5 B 0,5
6 D 0,5
7 A 0,5
8 Thái độ, tình cảm của nhà văn:

– Xót thương, đồng cảm với những người trí thức nghèo trong xã hội cũ

– Gửi gắm thông điệp: cần trân trọng tầng lớp trí thức, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án, mỗi ý được 0,5 điểm

– Học sinh trả lời nội dung đúng nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,75 điểm

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0

1,0
9 Triết lý “Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại

– Em đồng tình

– Vì: con người cần sống có ý nghĩa, đóng góp những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời, để mai này ra đi để lại dấu ấn trong cuộc đời, khiến cuộc đời tốt đẹp hơn

Lưu ý: Trả lời đúng mỗi ý được 0,5d. Học sinh trả lời ý tương đương nhưng diễn đạt khác vẫn được điểm.

1,0
10 Học sinh nêu được các ý cơ bản:

– Nhân vật Thứ: nhiều khát vọng cao đẹp nhưng không vượt lên khỏi hoàn cảnh, chỉ chú tâm được những điều tủn mủn, lặt vặt, lo toan những điều tầm thường

– Nhận xét của bản thân: cảm thông, trân trọng, xót xa, rút ra bài học cho bản thân.

Trả lời đúng mỗi ý được 0,25d. Học sinh trả lời ý tương đương nhưng diễn đạt khác vẫn được điểm.

0,5
II   VIẾT 4,0
    Viết một bài luận (khoảng 500 chữ) để bàn về ý nghĩa của việc sống có lý tưởng từ đoạn trích trong tiểu thuyết Sống mòn (Nam Cao)
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0,5
b. Xác định đúng yêu cầu của đề

Ý nghĩa của việc sống có lý tưởng trong cuộc sống từ văn bản đọc hiểu

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

2,0
– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận: ý nghĩa của việc sống có lý tưởng

– Giải thích: Sống có lý tưởng là sống hướng tới một mục đích, mục tiêu cao đẹp, sống có ý nghĩa, đóng góp cho cộng đồng

+ Trong đoạn trích: biểu hiện của khát vọng sống đóng góp cho cộng đồng, cải thiện cuộc sống của nhân dân ở nhân vật Thứ, là mục tiêu, là điểm tựa để anh ta giữ tâm hồn thanh cao

+ Trong đời sống: Cuộc sống có lý tưởng giúp bản thân luôn tin tưởng, vững chãi, vượt qua được các khó khăn, đóng góp cho cộng đồng, xã hội trở nên phát triển, tốt đẹp

Biểu hiện/dẫn chứng: cuộc sống, văn học,…

+ Bài học nhận thức và hành động: cần xác định được lý tưởng của cuộc đời, kiên định thực hiện.

 
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Lưu ý: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,5
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng dược 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

 

0,5

 

Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *