Đề đọc hiểu Bàn tay em, Xuân Quỳnh+NLXH Vai trò của khát vọng trong cuộc sống

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 1

MÔN: NGỮ VĂN 11

 NĂM HỌC 2023-2024

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Trời mưa lạnh tay em khép cửa

Em phơi mền, vá áo cho anh

Tay cắm hoa, tay để treo tranh

Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.

 

Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc

Tay em dừng trên vầng trán lo âu

Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau

Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả.

 

Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ

Lấy thời gian đan thành áo mong chờ

Lấy thời gian em viết những dòng thơ

Để thấy được chúng mình không cách trở…

 

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ

Em trao anh cùng với cuộc đời em.

(Trích Bàn tay em, Xuân Quỳnh, Những nhà thơ Việt Nam thời chống Mỹ, NXB Kim Đồng, 2007, tr. 158-159)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1(0,5 điểm). Xác định thể thơ của đoạn trích?

Câu 2 (0,5 điểm). Khổ thơ thứ nhất được ngắt nhịp, gieo vần như thế nào?

Câu 3 (0,5 điểm). Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên?

Câu 4. ( 0,5 điểm).Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ 3

 Câu 5(1,0 điểm). Hình ảnh đôi bàn tay em gắn liền với những công việc thường nhật nào? Qua những công việc đó, anh/chị cảm nhận được điều gì về tình yêu của “em” dành cho “anh”?

Câu 6 (1,0 điểm). Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong khổ thơ thứ nhất:

Trời mưa lạnh tay em khép cửa

Em phơi mền, vá áo cho anh

Tay cắm hoa, tay để treo tranh

Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.

Câu 7 (1,0 điểm). Em hiểu câu thơ sau như thế nào: “Bàn tay em, gia tài bé nhỏ” ?

Câu 8 (1,0 điểm). Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên.

  1. VIẾT (4,0 điểm)

Viết một bài luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về Vai trò của khát vọng trong cuộc sống.

———-Hết———-

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:………………………………Số báo danh………………….

Chữ kí của Cán bộ coi thi:………………………………………………………

 

  HƯỚNG DẪN CHẤM KT GIỮA HỌC KỲ I

                NĂM HỌC 2023 – 2024

               Môn: NGỮ VĂN – LỚP 11

Thời gian làm bài: 90 phút ( không kể thời gian phát đề)

 

 

Phần Câu Nội dung Điểm  
I ĐỌC – HIỂU 6,0  
1  Thể thơ của đoạn trích: Tự do

– HS trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0.5  
2 – Khổ thơ thứ nhất được ngắt nhịp 3/4 ở 3 câu thơ đầu; nhịp 3/5 ở câu thơ thữ 4:

Trời mưa lạnh / tay em khép cửa

Em phơi mền, / vá áo cho anh

Tay cắm hoa, / tay để treo tranh

Tay thắp sáng/ ngọn đèn đêm anh đọc.

– Gieo vần chân: Tiếng cuối của câu 2 vần với tiếng cuối của câu 3 (anh – tranh)

– HS trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Hs trả lời được 1 ý (cách ngắt nhịp hoặc gieo vần): 0,25 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0.5  
3 Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên: “Em”

– HS trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0.5  
4 –         Điệp ngữ: lấy thời gian

–         Điệp cấu trúc câu: lấy thời gian + cụm động từ

–         Liệt kê: đan áo, viết thơ

–         Nhân hoá: bàn tay- biết nhớ

– HS trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Hs trả lời đc 2 bp: 0,25 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0.5  
5 – Hình ảnh đôi bàn tay em gắn liền với những công việc thường nhật: Khép cửa, phơi mền, vá áo, cắm hoa, treo tranh, thắp đèn, xoa dịu nỗi đau, góp nhặt niềm vui, đan áo, làm thơ

– Qua những công việc đó, người đọc cảm nhận được tình yêu chân thành, da diết, mãnh liệt của “em” dành cho “anh”. Đó đều là những hành động thường nhật nhưng có ý nghĩa vun vén cho tình yêu, cho hạnh phúc gia đình.

– HS trả lời tương đương như đáp án: 1.0 điểm

– HS trả lời được một nửa yêu cầu: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1.0  
6 – Biện pháp tu từ liệt kê: Khép cửa, phơi mền, vá áo, cắm hoa, treo tranh, thắp đèn;

– Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê:

+ Cụ thể hóa những công việc thường nhật của đôi bàn tay em;

+ Ngợi ca sự chu toàn, khéo léo, đảm đang của bàn tay em luôn quan tâm, chăm sóc, yêu thương anh tuyệt đối.

+ Làm cho câu thơ sinh động, tăng tính gợi hình, gợi cảm, tăng tính nhạc.

– Hs gọi tên và chỉ ra được biện pháp tu từ liệt kê: 0,25 điểm

– Hs nêu được 1 tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê: 0,25 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1.0  
7 – Bàn tay : 1 bộ phận của cơ thể người/ tác dộng trực tiếp vào các vật thể khác để taok giá trị

– Gia tài bé nhỏ : tài sản nhỏ bé, ít ỏi

-> Câu thơ: “Bàn tay em, gia tài bé nhỏ” thể hiện giá trị của đôi bàn tay người phụ nữ: Đó là đôi bàn tay tạo nên giá trị vật chất, giá trị tinh thần cho bản thân, cho những người xung quanh bằng việc làm, bằng sự chăm sóc ân cần, chu đáo.. Đôi bàn tay ấy không chỉ làm việc mà còn có thể trao đi tình yêu. Vì vậy, đôi bàn tay được so sánh như gia tài – gia tài, dù nhỏ bé nhưng lại vô cùng quý giá, đáng được trân trọng, nâng niu.

– HS trả lời tương đương như đáp án: 1.0 điểm

– HS trả lời được một nửa yêu cầu: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1.0  
8 Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên:

Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là người phụ nữ chu toàn, đảm đang, có tình yêu đắm say, mãnh liệt, có ý thức vun vén cho tình yêu, hạnh phúc gia đình..

– HS trả lời tương đương như đáp án: 1.0 điểm

-Hs  nhận xét được từ 3-4 ý: 0,75 điểm

-HS trả lời chung chung, chưa rõ: 0,25 – 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1.0  
 
II VIẾT

Viết một bài luận khoảng 500 chữ với nhan đề: Vai trò quan trọng của khát vọng trong cuộc sống.

 

4.0  
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội 0.5  
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Suy nghĩ về vai trò của khát vọng trong cuộc sống.

0.5  
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

– Đảm bảo hình thức, cấu trúc của bài văn nghị luận.

– Xác định đúng vấn đề: suy nghĩ về vai trò của khát vọng trong cuộc sống.

Các ý định hướng trong bài luận:

– Giải thích:Khát vọng có thể hiểu một cách giản dị là ước mơ hoài bão cao đẹp giúp con người đạt được những mục tiêu tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

– Bàn luận: Vai trò của khát vọng

+ Khát vọng sống định hướng cho nhận thức, hành động, là động lực giúp mỗi người nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

+ Khát vọng sống cao đẹp là sự thể hiện một giá trị nhân văn: Giúp hình thành những phẩm chất tốt đẹp trong con người, tạo niềm vui, hạnh phúc, đam mê…là tiền đề tạo lập những thành công mới.

+ Khát vọng sống  giúp khẳng định được giá trị của bản thân trong xã hội để được mọi người yêu mến, tôn trọng.

+ Khát vọng sống đẹp có ý nghĩa lan toả lớn lao đối với mọi người xung quanh, góp phần xây dựng một xã hội phát triển, văn minh, bền vững.

– Mở rộng:

+Phê phán người sống không có khát vọng, thụ động, sống theo lập trình của người khác.

+ Khát vọng sống cần được đồng hành cùng hành động đẹp.

–  Bài học nhận thức, hành động.

+  Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của khát vọng sống.

+  Có những hành động, việc làm tử tế để thể hiện khát vọng sống của bản thân.

Lưu ý: Học sinh  chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu trong đời sống xã hội làm sáng tỏ vấn đề nghị luận

Hướng dẫn chấm:

–    Lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc sảo, dẫn chứng thuyết phục: 2.0-2.25 điểm.

– Lập luận chưa chặt chẽ, có lý lẽ và dẫn chứng hợp lý: 1.25 –  1.75 điểm

–      Luận điểm chưa rõ ràng, lý lẽ vụng về, dẫn chứng chưa phù hợp:1.01.5 điểm.

-Bài viết lan man, chưa đúng trọng tâm: 0.5-0.75 điểm

– Không làm bài/làm lạc đề: 0 điểm.

2.25  
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25  
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0.5  
I + II 10.0  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *