Tổng hợp đề thi minh hoạ, đề dự bị, đề chính thức từ năm 2010 đến 2020 – Môn Ngữ Văn

NĂM 2010

  • Đề thi TN THPT:

+ Theo chương trình Chuẩn: Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

+ Theo chương trình Nâng cao: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Sóng của Xuân Quỳnh: (2 khổ thơ đầu)

Dữ dội và dịu êm

                                                            …

                                                  Bồi hồi trong ngực trẻ

  • Đề thi Đại học khối C:

+ Theo chương trình chuẩn: Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ sau:

Gió theo lối gió, mây đường mây

                                                            …

                                                  Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử)

Lớp lớp mấy cao đùn núi bạc,

                                                            …

                                                  Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Tràng giang, Huy Cận)

+ Theo chương trình Nâng cao: Cảm nhận của anh/chị  về hai đoạn văn sau:

(…) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài  như một áng tóc trữ tình…ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về (…)

(Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân)

(…) Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn…như người Huế thường miêu tả (…)

(Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường)

  • Đề thi Đại học khối D:

+ Theo chương trình chuẩn: Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau: (3 khổ thơ đầu)

những tiếng đàn bọt nước

                                                            …

                                                  máu chảy

(Đàn ghi-ta của Lorca, Thanh Thảo)

+ Theo chương trình Nâng cao: Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo (Chí Phèo, Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời thừa, Nam Cao)

NĂM 2011

  • Đề thi TN THPT:

+ Theo chương trình chuẩn: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng: (14 câu đầu)

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

                                                            …

                                                  Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

+ Theo chương trình Nâng cao: Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

  • Đề thi Đại học khối C:

+ Theo chương trình chuẩn: Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.

+ Theo chương trình Nâng cao:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

                                                  …

                    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

(Đất Nước – trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)

Phân tích đoạn thơ trên để làm rõ những cảm nhận riêng, độc đáo về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

  • Đề thi Đại học khối D:

+ Theo chương trình chuẩn:

“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một truyện ngắn trữ tình đượm buồn.

Anh/chị hãy phân tích khung cảnh phố huyện và tâm trạng của nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ để làm sáng tỏ ý kiến trên.

+ Theo chương trình Nâng cao:

Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa

                                                                      …

                                                  Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

(Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên)

NĂM 2012

  • Đề thi TN THPT:

+ Theo chương trình chuẩn: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:

Ta đi ta nhớ những ngày

                                                            …

                                        Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

+ Theo chương trình Nâng cao: Phân tích hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân.

  • Đề thi Đại học khối C:

+ Theo chương trình chuẩn: Cảm nhận về vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

+ Theo chương trình Nâng cao: Cảm nhận về hai đoạn thơ sau:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?

                                                            …

                                                  Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

(Đây thôn Vỹ Dạ, Hàn Mặc Tử)

Nhà em có một giàn giầu

                                                            …

                                        Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

(Tương tư, Nguyễn Bính)

  • Đề thi Đại học khối D:

+ Theo chương trình chuẩn:

Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh:

Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân kết thúc bằng hình ảnh:

Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…

Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của những kết thúc trên.

+ Theo chương trình nâng cao: Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh tạo vật thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

                                                            …

                                                  Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

(Tràng giang, Huy Cận)

NĂM 2013

  • Đề thi TN THPT:

+ Theo chương trình chuẩn: Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài.

+ Theo chương trình Nâng cao: Phân tích đoạn thơ sau trong Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Đất là nơi anh đến trường

                                                            …

                                                  Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

  • Đề thi Đại học khối C:

+ Theo chương trình chuẩn:

Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

+ Theo chương trình Nâng cao:

Có ý kiến cho rằng: sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa, Nam Cao) không đáng trách, chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn minh Châu) thì vừa đáng thương vừa đáng trách.

Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy bình luận về ý kiến trên.

  • Đề thi Đại học khối D:

+ Theo chương trình chuẩn:

Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực.

Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

+ Theo chương trình Nâng cao:

Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng: nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.

Từ cảm nhận của mình về nhân vật Phùng, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

NĂM 2014

  • Đề thi TN THPT:

Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ có đoạn:

Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích trên, Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề con người cần được sống là chính mình.

  • Đề thi Đại học khối C:

Về hình tượng sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường (sách Ngữ văn 12), có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử.

Bằng cảm nhận về hình tượng sông Hương, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

  • Đề thi Đại học khối D:

Về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca của Thanh Thảo, có ý kiến cho rằng: Đó là mẫu nghệ sĩ – chiến sĩ, vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình. Ý kiến khác thì khẳng định: Đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy, chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết hại oan khuất.

Từ cảm nhận của mình về hình tượng Lor-ca, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

NĂM 2015

  • Đề minh họa:

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ sau:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

                                                       …

                                             Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(Tây Tiến, Quang Dũng)

Nhớ gì như nhớ người yêu

                                                       …

                                   Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

(Việt Bắc, Tố Hữu)

  • Đề thi THPT Quốc gia 2015:

Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:

     – Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

NĂM 2016

Đề thi THPT Quốc gia 2016:

Có ý kiến cho rằng: Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người.

Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

NĂM 2017

  • Đề minh họa:

+ Lần 1: Phân tích vẻ đẹp hào hùng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

+ Lần 2:

“Sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ mang vẻ đẹp trời phú mà còn ánh lên vẻ đẹp của con người” (Lê Uyển Văn – Báo điện tử Thể thao và Văn hóa ngày 27-8-2008).

Anh/chị hãy phân tích đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường để làm sáng tỏ ý kiến trên.

+ Lần 3:

Về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh. Lại có ý kiến nhấn mạnh: Đó là một con người đầy khao khát, tốt bụng.

Bằng cảm nhận của mình về nhân vật Tràng, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

  • Đề thi THPT Quốc gia 2017:

Đất là nơi anh đến trường

          …

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.

(Trích Đất Nước – trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

NĂM 2018

  • Đề minh họa:

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân). Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.

  • Đề thi THPT Quốc gia 2018:

Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu). Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ, Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

NĂM 2019

  • Đề minh họa:

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt. Chiều hôm trước, khi được Tràng đồng ý đãi bánh búc ở ngoài chợ: “Thế là thị ngồi xà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” Và sáng hôm sau, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.”

Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

  • Đề thi THPT Quốc gia 2019:

+ Đề chính thức:

Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến,…những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.

(Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhân xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

+ Đề dự bị:

Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

                                                            …

                                                  Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lính trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về bút pháp lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng.

NĂM 2020

  • Đề minh họa:

+ Lần 1: Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài).

+ Lần 2:

Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

                                                            …

                                                  Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Trình bày cảm nhận của anh/chị về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong đoạn thơ trên.

  • Đề thi TN THPT 2020:

+ Đề chính thức (Đợt 1): Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích sau:

Em ơi em

                                                            …

                                                  Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

(Trích Đất Nước – trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)

+ Đề dự bị: Phân tích tâm trạng của người Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến được nhà thơ Tố Hữu thể hiện trong đoạn trích sau:

-Mình về mình có nhớ ta

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

(Việt Bắc, Tố Hữu)

+ Đề chính thức (Đợt 2): Phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhà thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn trích sau:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

                                                            …

                                        Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

(Việt Bắc, Tố Hữu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *