Thuyết minh về hiện tượng “Sống trong quá khứ”

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) 

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Cho ngày hôm nay 

Có hai ngày trong tuần chúng ta không nên lo lắng.

Một ngày là ngày hôm qua, với những sai lầm, những âu lo, những tội lỗi, những thiếu sót ngớ ngẩn, sự nhức nhối và những nỗi đau. Ngày hôm qua đã đi qua. Mọi tiền bạc trên đời này cũng không thể đem ngày hôm qua quay trở lại. Chúng ta không thể nào huỷ bỏ một hành động mà chúng ta đã làm cũng như không thể nào xóa đi một ngôn từ mà chúng ta đã thốt ra. Ngày hôm qua đã đi xa rồi!

Còn một ngày nữa mà chúng ta không nên lo lắng, đó là ngày mai với những kẻ thù quá quắt, gánh nặng của cuộc sống, những hứa hẹn tràn trề hy vọng và việc thực hiện thì tồi tệ. Mặt trời của ngày mai sẽ mọc lên hoặc là chói lọi hoặc là khuất sau một đám mây, nhưng dù gì thì nó cũng sẽ mọc lên. Và ngày trước khi nó mọc lên, vào ngày mai chúng ta chẳng có mối đe dọa nào, bởi lẽ nó vẫn chưa được sinh ra mà.

Vì vậy chỉ còn một ngày duy nhất – ngày hôm nay . Bất cứ ai cũng đều phải đấu tranh để sống dù chỉ còn một ngày. Thật ra chẳng phải những gì trải qua ngày hôm nay khiến người ta phát rồ – mà đó chính là sự hối tiếc về những gì đã xảy ra ngày hôm qua và những lo sợ về những gì ngày mai có thể đem đến

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo Dục và Đào tạo)

Câu 1: Hãy xác định vấn đề nghị luận của văn bản trên 

Câu 2: Theo tác giả, tại sao chúng ta không nên lo lắng cho ngày hôm qua ?

Câu 3: Hãy nêu những luận điểm và luận cứ trong văn bản trên và nhận xét mối quan hệ của chúng?

Câu 4: Hãy cho biết thông điệp ý nghĩa nhất đối với anh/chị sau khi đọc văn bản trên?Vì sao?

Câu 5: Anh/chị có đồng tình với quan niệm “Bất cứ ai cũng đều phải đấu tranh để sống dù chỉ còn một ngày” của tác giả hay không? Vì sao?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về hiện tượng “Sống trong quá khứ”

Hướng dẫn đáp án chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: 

– Vấn đề nghị luận của văn bản trên là sống cho ngày hôm nay, đừng bị muộn phiền bởi quá khứ, đừng quá lo lắng cho ngày mai.

Câu 2:

– Theo tác giả chúng ta không nên quá lo lắng cho ngày hôm qua vì ngày hôm qua đã đi qua, và tiền bạc cũng không thể đem ngày hôm qua trở lại, chúng ta không thể huỷ bỏ một hành động mà chúng ta đã làm hay xóa đi những ngôn từ chúng ta đã thốt ra. Ngày hôm qua đã đi xa rồi

Câu 3:

* Luận điểm 1: Có hai ngày chúng ta không nên lo lắng

* Luận điểm 2: Một là ngày hôm qua

– Luận cứ:

+ Ngày hôm qua đã đi qua

+ Mọi tiền bạc trên đời này cũng không thể đem ngày hôm qua quay trở lại.

+ Chúng ta không thể nào huỷ bỏ một hành động mà chúng ta đã làm cũng như không thể nào xóa đi một ngôn từ mà chúng ta đã thốt ra.

* Luận điểm 3: Còn một ngày nữa chúng ta không nên lo lắng, đó là ngày mai

– Luận cứ:

+ Mặt trời của ngày mai sẽ mọc lên hoặc là chói lọi hoặc là khuất sau một đám mây, nhưng dù gì thì nó cũng sẽ mọc lên.

+ Và ngày trước khi nó mọc lên, vào ngày mai chúng ta chẳng có mối đe dọa nào, bởi lẽ nó vẫn chưa được sinh ra mà.

* Luận điểm 4: Chỉ còn một ngày duy nhất – ngày hôm nay

– Luận cứ:

+ Bất cứ ai cũng đều phải đấu tranh để sống dù chỉ còn một ngày.

=> Mối quan hệ bền chặt, mật thiết, liên kết chặt chẽ với nhau. Làm sáng tỏ mục đích của người viết rằng hãy sống cho hiện tại nhiều hơn, đừng quá nặng nề về quá khứ vì nó đã qua cũng không nên quá lo lắng cho tương lai vì nó chưa tới. Các lí lẽ, lập luận sắc bén làm sáng tỏ luận điểm, tạo sự thuyết phục với người đọc.

Câu 4:

– Thông điệp ý nghĩa nhất đối với em là hãy trân trọng từng khoảnh khắc mà ta đang có. Bởi một cuộc đời vô cùng ngắn ngủi, ta phải sống làm sao để tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc mà ta được trải qua. Khi sống biết trân trọng là khi ta sẽ nhận ra được những điều nhỏ bé mà vô cùng ý nghĩa. Khi đó, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, biết ơn cuộc sống biết nhường nào. Ngoài ra, còn có những thông điệp khác như:

+ Sống hết mình với hiện tại

+ Đừng nỗ lực ảo

Câu 5:

Em vừa đồng tình và vừa không đồng tình với ý kiến trên:

+ Đồng tình vì mỗi người chỉ có quyền sống một lần ấy thế mà cuộc sống luôn xô bồ, tấp nập và trôi qua nhanh chóng nếu chúng ta không đấu tranh, không phấn đấu thì khi chỉ còn một ngày để sống, chúng ta sẽ cảm thấy hối tiếc khoảng thời gian đó.

+ Không đồng tình vì nếu mà lúc nào cũng phải chiến đấu những áp lực của cuộc sống thì mới có được hạnh phúc, thì cuộc sống này thật mệt mỏi làm sao, đôi lúc sống là để hưởng thụ, làm những điều mình thích.

=> Phải biết đấu tranh đúng mục đích để cống hiến của mình không là phí hoài, đồng thời biết cân bằng hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ để được sống là chính mình

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Đề bài: Sống trong quá khứ

Dang 1. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng đời sống xã hội

  1. Mở bài: Giới thiệu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nêu rõ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội (Phương Linh)

– Vấn đề cần thuyết minh: Sống trong quá khứ

– Nhận định: Quá khứ đã là lịch sử. Tương lai là một phép màu nhiệm. Còn hiện tại là một món quà của cuộc sống, chính vì thế mà chúng ta gọi đó là một tặng phẩm quý giá. (Brian Dison)

– Sự tồn tại của sự vật trong xã hội: Là vấn nạn của xã hội, đa số gặp ở giới trẻ, những người suy nghĩ nhiều về những. 30% Gen Z gặp phải vấn đề này bởi nhiều lý do khác nhau

  1. Thân bài: 

* Nêu thực chất của sự vật, hiện tượng được thuyết minh

– Sống:

+ Hít thở bầu không khí trong lành, cảm nhận ánh nắng ấm áp, và lắng nghe tiếng chim hót líu lo.

+ Sống với mỗi người là khác nhau có thể là yêu thương và được yêu thương bởi những người thân yêu. Cống hiến cho cộng đồng và tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội. Vượt qua những thử thách và khó khăn để trở nên mạnh mẽ hơn. Học hỏi và trưởng thành mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

– Quá khứ:

Quá khứ là tất cả những gì đã xảy ra trước thời điểm hiện tại. Nó bao gồm những sự kiện, trải nghiệm, ký ức và cảm xúc của chúng ta. Quá khứ là một phần quan trọng trong việc hình thành nên con người của chúng ta hiện tại. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Quá khứ có thể là nguồn cảm hứng, động lực hoặc gánh nặng cho chúng ta.

=> Hiện tượng “Sống trong quá khứ” thực chất là một trạng thái tâm lý mà một người liên tục tập trung vào những sự kiện, trải nghiệm, ký ức và cảm xúc của quá khứ.

– Không chỉ hiện nay, mà vốn hiện tượng “Sống trong quá khứ” đã tồn tại từ rất lâu

* Cung cấp thông tin về sự vật, hiện tượng được thuyết minh theo một trong các trình tự sau Nguyên nhân – Hệ quả – Giải pháp:

a, Nguyên nhân của việc sống trong quá khứ

– Do hiện tại

+ Hiện thực thì thật tàn nhẫn nên họ chọn hồi tưởng về quá khứ để được chữa lành vết thương hiện tại

+ Luôn có xu hướng cảm thấy quá khứ tốt hơn hiện tại bởi khi trải nghiệm nhiều điều nhận ra không còn cảm nhận được những cảm xúc như xưa

+ Khó buông bỏ, đó có thể là ký ức, một con người hoặc đồ vật cụ thể, bạn phải đấu tranh với việc buông bỏ có lẽ vì nó quá đẹp khiến ta không thể nào nhìn vào hiện tại

– Do quá khứ

+ Những vết sẹo chẳng bao giờ được xóa dịu, ám ảnh với những bị tổn thương và rồi nó cứ tích tụ và tồn tại trong mình

+ Tự dằn vặt bản thân, có những việc xảy ra rồi khiến bản thân hối hận, không dám gỡ bỏ những nút thắt và cảm thấy bản thân xứng đáng sống với những sai lầm ấy mãi

– Do tương lai 

+ Tìm kiếm sự vững chắc trong cuộc sống, cho nên cảm thấy lạc quan, không lo lắng ở trong vùng an toàn của bản thân, sợ phải đối mặt với những thay đổi lớn. Vậy nên việc nghĩ về những điều tốt đẹp đã xảy ra trong quá khứ luôn làm bạn cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn so với sự lo lắng về tương lai không chắc chắn

b, Hệ quả của việc sống trong quá khứ

-Tiêu cực:

+ Đúng là việc hồi tưởng về những việc đã qua trong quá khứ có thể mang lại một số tác động tích cực chẳng hạn như nuôi dưỡng lòng biết ơn với thực tại,… tuy nhiên hồi tưởng chứ không phải sống trong nó. Việc sống trong quá khứ đem lại nhiều điều tiêu cực.

+ Liên tục đắm chìm trong quá khứ là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển cá nhân, ngăn trở ta tiến về phía trước khi luôn bị chi phối bởi cảm giác buồn bã, hối tiếc và tức giận. Theo thời gian, việc thường xuyên suy nghĩ về những điều xảy ra trong quá khứ mang màu tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

+ Bên cạnh đó, một vấn đề khác của việc sống trong quá khứ là bóp méo sự nhận thức thực tế của bản thân, so sánh bản thân mình với quá khứ khiến ta cảm thấy mệt mỏi, kém cỏi, giảm sút niềm tin vào bản thân. Khi tập trung vào những gì đã xảy ra, có thể xảy ra, đồng thời đánh mất những cơ hội và tiềm năng ở thực tại.

+ Việc sống trong quá khứ gây cản trở việc nuôi dưỡng các mối quan hệ có ý nghĩa, theo đuổi mục tiêu và hoàn thành trách nhiệm – dẫn đến sự không hài lòng, hối tiếc về các mối quan hệ sau này.

+ Việc cứ mãi hướng đến những sai lầm, thất bại, mất mát trong quá khứ sẽ nuôi dưỡng cảm giác buồn bã, tức giận, nuối tiếc, tội lỗi, xấu hổ, oán giận. Qua thời gian, những cảm xúc này sẽ tác động tới thực tại, tới những mục tiêu mà chúng ta đang đặt ra, khiến ta càng gặp nhiều khó khăn và thử thách hơn, ta cứ phải sợ rằng lần này lại làm sai như trong quá khứ mà không dám làm, không dám thực hiện mà biến điều đó thành hiện thực.

+ Khi quá bận tâm với quá khứ, ta đồng thời “đóng cửa” với những trải nghiệm, ý tưởng và quan điểm mới, cơ hội mới. Sống trong quá khứ dẫn tới tình trạng chống lại thay đổi, không muốn rủi ro, không sẵn sàng nỗ lực để đạt được tới thành quả xứng đáng, cản trở khả năng học hỏi, phát triển và khám phá các cơ hội mới.

-Tích cực:

+ Nhưng đôi khi, việc nhìn lại quá khứ với những gì đã qua cũng giúp bạn đánh giá lại tình hình để thay đổi phù hợp, tự soi chiếu đánh giá lại bản thân và hướng đi của bạn. Suy ngẫm, xem xét một cách kỹ càng sẽ rút ra được kinh nghiệm và bài học cho hiện tại.

+ Có những điều như nhớ lại những gì tốt đẹp trong quá khứ, những kỉ niệm đẹp đẽ, khiến ta không bao giờ quên mang lại cảm giác bồi hồi, xao xuyến, khiến ta càng thêm trân trọng và nâng níu, cố gắng xây dựng những điều tốt đẹp như vậy cho thực tại và tương lai.

+ Trải nghiệm của quá khứ là bài học dẫn đường cho tương lai. Những người chọn cách đơn giản là quên đi quá khứ sẽ bỏ lỡ tiềm năng tối đa của nó. Có những bài học quý giá được rút ra từ nó. Và những người chọn đặt những câu hỏi đúng về quá khứ của họ là những người chuẩn bị sẵn sàng để sống cuộc sống trọn vẹn nhất trong hiện tại.

+ Chúng ta xác định được điểm mạnh để phát triển: Tài năng và khả năng mà chúng ta sử dụng để điều hướng và cung cấp giá trị cho thế giới này xác định cuộc sống chúng ta đang sống và sự thay đổi mà chúng ta có thể mang lại. Và bằng cách nhớ lại những điểm mạnh của mình trong quá khứ, chúng ta có thể nhận ra tốt hơn cơ hội của mình trong hiện tại và không bỏ lỡ bất kỳ điều gì trong số chúng.

+ Hiểu điểm yếu để khắc phục: Tất cả chúng ta đều có những điểm yếu về nhân cách và năng lực. Khi không được khắc phục, những điểm yếu này sẽ hạn chế khả năng tác động và tầm quan trọng của chúng ta. Khám phá chúng, nhận ra chúng trong các sự kiện ở quá khứ là cách giúp bạn rút ra bài học và tìm cách cải thiện mình trong cuộc sống hiện tại.

-Dẫn chứng: 

+ Nam Em: sống trong quá khứ, nghĩ về những mối tình đã qua, mà tự dằn vặt bản thân, trách móc người khác mà ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần hiện tại, không những vậy mà còn gây náo loạn không gian mạng, ảnh hưởng đến xã hội.

+ Khánh Vy: cô đã từng nói rằng không bao giờ quên đi quá khứ, mặc dù ngày trước cô từng nhận nhiều chỉ trích, ý kiến trái chiều khi làm mc, góp giọng trong một vài chương trình và khán giả không mấy thiện cảm. Nhưng cô luôn nhìn vào đó mà cố gắng thay đổi bản thân, đặt câu hỏi đúng đắn về quá khứ rằng mình đã sai ở đâu, tại sao khán giả lại không thích mà từ đó sửa đổi, cố gằng từng ngày và giờ Khánh Vy là một hình mẫu lý tưởng cho sự thành công mà nhiều bạn trẻ hướng đến.

+ Lê Bống: tiktoker nổi tiếng với những video bắt xu hướng trên mạng xã hội, nhưng lại nhận nhiều chỉ trích vì những hành động vô tục của mình. Sau này, khi nhận ra sai lầm đó, biết bản thân ở hiện tại cần gì, nữ tiktoker cố gắng thay đổi, không chối bỏ bản thân đã từng như thế nào trong quá khứ, chấp nhận nó và thay đổi mình ở hiện tại và giờ đây, cô trở thành một nữ mc của đài truyền hình và được nhiều người mến mộ.

c, Giải pháp của việc sống trong quá khứ

– Con người ta quay trở về quá khứ, phần lớn là gặp phải tổn thương nội tâm, đó là một vấn đề tâm lý rất lớn, vậy nên cần:

+ Tham gia trị liệu tâm lý để giải quyết những vấn đề của quá khứ.

+ Học cách đối mặt và vượt qua những chấn thương tâm lý.

– Làm chủ bản thân:

+ Nhận thức được bản thân đang bị chìm đắm trong quá khứ, từ đó thay đổi cách suy nghĩ, thoát ra khỏi quá khứ, tìm những thứ thú vị hơn trong hiện tại.

+ Thay vì tập trung vào những điều tiêu cực, hãy tập trung vào những điều tích cực. Hãy nhớ rằng quá khứ đã qua, và bạn không thể thay đổi nó. Điều quan trọng là bạn học cách để buông bỏ và tiếp tục sống.

– Học cách tha thứ:

+ Con người không nên sống trong quá khứ để rằn vặt lỗi lầm của mình mà nên học cách tha thứ cho bản thân, thay vào đó, chỉ nên nhớ về lỗi lầm trong quá khứ để sửa chữa, rút ra kinh nghiệm riêng

+ Không nên hận thù người khác vì những lỗi mà người đó tạo ra với mình, không nên tìm cách trả thù họ mà chúng ta cần tha thứ, cho chính ta và họ một cơ hội để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

– Tập trung vào hiện tại:

+ Tham gia các hoạt động giúp bạn sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.

+ Học cách trân trọng những gì bạn đang có.

– Lên kế hoạch cho tương lai:

+ Đặt ra những mục tiêu cho bản thân và tập trung vào việc thực hiện chúng.

+ Có niềm tin vào bản thân và khả năng của mình.

– Dẫn chứng

Oprah Winfrey: Oprah Winfrey từng là nạn nhân bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bà đã chọn cách sống với hiện tại, bà vượt qua những tổn thương đó để trở thành một trong những người phụ nữ thành công nhất thế giới, với chương trình truyền hình nổi tiếng, đế chế truyền thông và nhiều hoạt động từ thiện.

Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng được thuyết minh

Ý nghĩa của việc nhận thức đúng về hiện tượng, sự vật được thuyết minh:

– Nhận thức đúng đắn về hiện tượng:

+ Không nên quá đắm chìm trong quá khứ. Suy ngẫm, nhìn nhận lại chứ không phải để bản thân mắc kẹt mà không thoát ra được.

+ Sống cho hiện tại thật ý nghĩa, bởi đó là khoảng thời gian bạn có thể sửa chữa sai lầm trong quá khứ, lên kế hoạch cho thực tại và là cơ hội để cống hiến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, thay đổi bản thân.

=> Ý nghĩa: Cuộc sống thật ngắn ngủi, vậy nên hãy sống cho ngày hôm nay, sống cho những gì trước mắt, “không có sự hối tiếc nào có thể thay đổi quá khứ cũng không có sự lo lắng nào có thể thay đổi tương lai”. ( Roy. Bennett).

Bài viết tham khảo

Tôi còn nhớ trong một buổi diễn thuyết vào đầu năm học, Brian Dison – tổng giám đốc của Tập đoàn Coca Cola – đã nói chuyện với sinh viên rằng: “Quá khứ đã là lịch sử. Tương lai là một phép màu nhiệm. Còn hiện tại là một món quà của cuộc sống, chính vì thế mà chúng ta gọi đó là một tặng phẩm quý giá.” Thời gian vốn dĩ không chờ đợi ai. Nếu quá khứ cho chúng ta kinh nghiệm; tương lai cho chúng ta hi vọng thì hiện tại lại đem đến cho chúng ta tất cả những xúc cảm đời thường: vui buồn, hờn giận, yêu thương… Ấy vậy mà, trong hiện tại tươi đẹp này lại có những người luôn nhốt mình trong quá khứ, chẳng phải là phung phí thời gian hay sao. Dù quá khứ ấy có xấu hay đẹp biết nhường nào, thì ta hãy cứ đón nhận “tặng phẩm quý giá” ấy, nỗ lực cố gắng không ngừng để có được những “phép màu nhiệm” trong tương lai.

Sống là mỗi ngày được hít bầu không khí trong lành, cảm nhận những ánh nắng rực rỡ, những cơn mưa sảng khoái và lắng nghe tiếng chim véo von trên những cành cây xanh mướt với mỗi người sống có thể là khác nhau, có người sống là yêu thương và được yêu thương bởi những người ta trân quý, có người sống là cống hiến cho cộng đồng tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội, và cũng có những người sống là vượt qua qua những khó khăn, thử thách bản thân, học hỏi và trưởng thành để trở thành những phiên bản tốt nhất của chính mình. “Ngày đi, tháng chạy, năm bay. Thời gian nước chảy, chẳng quay được về.” (Ngạn ngữ Nga) thời gian thì cứ trôi mãi chẳng ngừng, cuốn theo từng “mùa xuân” của người, nhưng rồi có những “mùa xuân” đã qua khiến ta phải ngoái lại, quá khứ là tất cả những gì đã xảy ra từ trước hiện tại, nó là những trải nghiệm, sự kiện, ký ức và ngay cả những cảm xúc xúc của chúng ta. Quá khứ chính là một phần quan trọng trong việc hình thành nên chính con người ta bởi nó ảnh hưởng sâu sắc đến cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Những gì đã qua có thể là nguồn động lực cũng có thể trở thành những gánh nặng. Tất cả chúng ta đều sống trong ba ngày, ngày hôm qua- ngày hôm nay-ngày mai, tương lai là những bộ phim sắp được công chiếu, hiện tại thì đang được phát và quá khứ chỉ là những thước phim đã dừng lại nhưng dẫu vậy thay vì tập trung vào hiện tại nhiều người vẫn luôn bật đi bật lại những phân đoạn đã cũ, những đoạn phim đã kết thúc từ lâu có người chỉ là vô tình lướt qua những đoạn ký ức ấy, có người chỉ là hoài niệm với tháng ngày đã qua, nhưng cũng có người lại bám chấp vào nó không buông và dần dần không hay hình thành hiện tượng “Sống trong quá khứ”, thực chất đây là một trạng thái tâm lý mà một người liên tục tập trung, vào những sự kiện, ký ức, cảm xúc đã trôi qua. Dẫu sao quá khứ cũng là cái đã đi qua, vui thì đã vui, buồn thì đã buồn, tất cả giờ chỉ là dĩ vãng cũng chỉ là bản thân mình tự suy tưởng mà thôi. “Sống trong quá khứ” không chỉ xuất hiện vào mới đây mà có lẽ hiện tượng này vốn đã tồn tại từ lâu, nhưng ngày này do những bộn bề áp lực đã khiến cho con người có xu hướng này nhiều hơn, đôi lúc là nặng nề hơn,  rất khó để xác định được tỉ lệ người có xu hướng “Sống trong quá khứ “ bởi nó thuộc phạm trù cá nhân của mỗi người, nhưng có thể chắc rằng người có ảnh hưởng từ quá khứ là những người đã từng trải, từng đi qua những thăng trầm của cuộc đời.

“Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng cả tuổi thơ để ôm ấp cả cuộc đời, còn đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ” những đứa trẻ ấy rồi cũng lớn lên, đứa bé từng rất hạnh phúc ấy có thể nó sẽ được tiếp tục lớn lên trong hạnh phúc, nhưng liệu hiện thực quá tàn khốc thì sao? liệu nó còn có thể tiếp tục cười nữa không? liệu cái vỏ bọc bên ngoài của nó được đắp lên từ thuở nhỏ có khiến nó quên đi những mảnh vỡ chưa được hàn gắn của nó ở hiện tại không? Cái thực tại khiến con người ta mệt mỏi, những vết thương chưa khỏi đã xuất hiện thêm nhiều những vết thương mới, khi nhận thấy được những gì ở hiện tại dường như không thể kéo khỏi những vũng lầy đầy nỗi đau, lúc ấy họ sẽ chọn tìm đến quá khứ-miền ký ức của hạnh phúc, họ hoài niệm về những tháng ngày còn được thoải mái tận hưởng những hương vị ngọt ngào để quên đi cái đắng cay của hiện tại, chữa lành những vết thương để họ được một lần nữa cảm nhận cảm giác được trân trọng, được yêu thương. Tiếp nữa, cũng có những trải nghiệm mà khi lớn thêm chút nữa, họ lại thấy như bản thân hình như chẳng còn là chính mình nữa bởi có lẽ những cảm giác phấn khích ngày ấy đã biến mất rồi, vậy nên họ luôn nghĩ quá khứ là tốt nhất rồi cứ đắm chìm trong đó bởi dù có những lúc chán nản ở quá khứ cũng không tẻ nhạt như ngày hôm nay. Họ biết bản thân mình chẳng thể nào buông bỏ được cái bức tranh hạnh phúc mà họ đã vẽ lên, những sự kiện, con người, sinh vật, hay kể cả những vật vô tri đã gắn bó với họ, đến khi đã mất đi họ chắp niệm về những ngày tháng hạnh phúc ấy, nó đẹp đến mức họ chỉ muốn được sống lại những ngày tháng ấy mà thôi. Vậy còn những đứa trẻ bất hạnh thì sao, ừ nó cũng lớn lên cũng có đứa sẽ thoát khỏi cái xích của nỗi đau, nhưng có đứa thì chẳng thể nào gỡ ra được, những dày vò mà nó phải chịu đựng chắc có lẽ chỉ mình nó thấu, sự hành hạ, ghẻ lạnh nó nhận được từ những người mà nó tưởng sẽ là chỗ dựa vững chắc của nó thật đau đớn, những lời nói đau đến thấu tim từ những người nó tưởng sẽ gọi là bạn cũng là con dao đâm vào sâu trong lòng, những nỗi đau ấy cứ chồng chất lên, đứa trẻ ấy hoảng sợ rồi, bối rối rồi, nó không thoát ra được, những ám ảnh ấy đang xâu xé xin tim họ, những vết sẹo ấy chưa được xoa dịu, vết sẹo cứ tồn tại ở đấy, tồn tại ở cơ thể, ở con tim khiến những con người ấy bị “sống trong quá khứ”, hay kể cả chính những người gây ra những vết sẹo đó , họ cũng dằn vặt bản thân, họ đắm chìm trong cái hối hận, họ không thể quên về những ngày tháng tàn nhẫn của chính họ gây ra và sự trả giá lớn nhất mà họ phải nhận đó chính là tự sống trong u tối của bản thân, và luôn cảm thấy mình phải sống trong những sai lầm ấy mãi, “sống trong quá khứ tội lỗi” của bản thân. Thêm vào đó tưởng chỉ có hiện tại và quá khứ mới níu chân con người lại ở những hồi ức, thì tương lai cũng gây cản trở con đường của họ, con người ta luôn đi tìm kiếm cái bền vững, bởi họ nhận thấy được những gì mang tính vững chắc sẽ luôn là tốt nhất, họ cảm nhận được sự an toàn của những cái mang tính bền lâu, bởi họ sợ phải thay đổi, họ sợ những cái khác lạ ấy, và họ biết thứ mà họ không thể rời bỏ, hay chính điều đó cũng không thể rời họ, đó chính là quá khứ, những điều tốt đẹp đã xảy ra đã khiến họ cảm thấy nhẹ nhõm, và thoải mái hơn so với những âu lo mà tương lai phía trước, những thứ mà họ chẳng thể lường trước được. Có thể nói quá khứ khiến con người ta đôi lúc thật hạnh phúc, nhưng đôi lúc lại thật đau lòng.

Đừng mải sống trong quá khứ! Nếu một người cứ mãi đắm chìm trong “bóng ma” quá khứ thì người đó sẽ không có cách nào bắt đầu một cuộc đời mới. Bạn biết không, việc tự “dìm” mình vào “hồ nước” của quá khứ khiến ta mãi chẳng thể thoát ra nổi, và điều đó ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hiện tại. Nhưng tại sao một số người vẫn tìm đến quá khứ? Tìm đến quá khứ cũng có một số những ảnh hưởng mang tính tích cực với bản thân mỗi người. Đôi khi, việc nhìn lại quá khứ với những gì đã qua cũng giúp bạn đánh giá lại tình hình để thay đổi phù hợp, tự soi chiếu đánh giá lại bản thân và hướng đi của bạn. Suy ngẫm, xem xét một cách kỹ càng sẽ rút ra được kinh nghiệm và bài học cho hiện tại. Chúng ta xác định được điểm mạnh để phát triển: Tài năng và khả năng mà chúng ta sử dụng để điều hướng và cung cấp giá trị cho thế giới này, xác định cuộc sống chúng ta đang sống và sự thay đổi mà chúng ta có thể mang lại. Và bằng cách nhớ lại những điểm mạnh của mình trong quá khứ, chúng ta có thể nhận ra tốt hơn cơ hội của mình trong hiện tại và không bỏ lỡ bất kỳ điều gì trong số chúng. Phát huy điểm mạnh nhưng đồng thời cũng là hiểu điểm yếu để khắc phục: Tất cả chúng ta đều có những điểm yếu về nhân cách và năng lực. Khi không được khắc phục, những điểm yếu này sẽ hạn chế khả năng tác động và tầm quan trọng của chúng ta. Khám phá chúng, nhận ra chúng trong các sự kiện ở quá khứ là cách giúp bạn rút ra bài học và tìm cách cải thiện mình trong cuộc sống hiện tại. Lê Bống- một nữ sáng tạo nội dung số nổi tiếng trên nền tảng tiktok, nhưng lại nhận nhiều chỉ trích vì những hành động phản cảm của mình như ăn mặc “thiếu vải” hay những phát ngôn không suy nghĩ. Sau này, khi nhận ra sai lầm đó, biết bản thân ở hiện tại cần gì, nữ tiktoker cố gắng thay đổi, không chối bỏ bản thân đã từng như thế nào trong quá khứ, chấp nhận nó và thay đổi mình ở hiện tại và giờ đây, cô trở thành một nữ MC của đài truyền hình và được nhiều người mến mộ. Nhưng chúng ta cũng không nên quên mất một chân lý, một sự thật rằng: hiện tại là một món quà, khi bước sang ngày mai, nó trở thành quá khứ, khi lùi về ngày hôm qua, nó là tương lai. Nhiều người đang sống đánh mất “món quà” đáng quý này mà không hề biết rằng nó ảnh hưởng tới bản thân như thế nào. Đúng là việc hồi tưởng về những việc đã qua trong quá khứ có thể mang lại một số tác động tích cực như trên. Tuy nhiên hồi tưởng chứ không phải sống trong nó. Liên tục đắm chìm trong quá khứ là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển cá nhân, ngăn trở ta tiến về phía trước khi luôn bị chi phối bởi cảm giác buồn bã, hối tiếc và tức giận,… vì những điều đã qua. Theo thời gian, việc thường xuyên suy nghĩ về những điều xảy ra trong quá khứ mang màu tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Hiện nay trên mạng xã hội, nữ ca sĩ Nam Em đang gây ra nhiều tranh luận, nổi loạn trong showbiz, nguyên nhân là bởi cô bị ám ảnh bởi quá khứ nghĩ về những mối tình đã qua, mà tự dằn vặt bản thân, trách móc người khác mà ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần hiện tại, không những vậy mà còn gây náo loạn không gian mạng, ảnh hưởng đến xã hội. Bên cạnh đó, một vấn đề khác của việc sống trong quá khứ là bóp méo sự nhận thức thực tế của bản thân, so sánh bản thân mình với quá khứ khiến ta cảm thấy mệt mỏi, kém cỏi, giảm sút niềm tin vào bản thân. Khi tập trung vào những gì đã xảy ra, có thể xảy ra, đồng thời đánh mất những cơ hội tiềm năng ở thực tại,“đóng cửa” với những trải nghiệm, ý tưởng và quan điểm mới, cơ hội mới. Sống trong quá khứ dẫn tới tình trạng chống lại thay đổi, không muốn rủi ro, không sẵn sàng nỗ lực để đạt được tới thành quả xứng đáng, cản trở khả năng học hỏi, phát triển và khám phá các cơ hội mới. Việc cứ mãi hướng đến những sai lầm, thất bại, mất mát trong quá khứ sẽ nuôi dưỡng cảm giác buồn bã, tức giận, nuối tiếc, tội lỗi, xấu hổ,… Qua thời gian, những cảm xúc này sẽ tác động tới thực tại, tới những mục tiêu mà chúng ta đang đặt ra, khiến ta càng gặp nhiều khó khăn và thử thách hơn, ta cứ phải sợ rằng lần này lại làm sai như trong quá khứ mà không dám làm, không dám thực hiện biến giấc mơ thành hiện thực. Đừng để cuộc đời bạn trôi qua một cách vô nghĩa khi mãi chìm đắm trong kỉ niệm, lỗi lầm của quá khứ hay lo lắng cho tương lai. Hãy sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại bằng tất cả nhiệt huyết của trái tim mình.

“Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lý do để cười.” Cuộc sống có vô vàng những niềm vui, vậy tại sao ta cứ vùi mình trong quá khứ. Trước hết, ta cần làm chủ bản thân, biết rằng bản thân đang chìm đắm trong quá khứ từ đó thay đổi các suy nghĩ, thoát ra khỏi những ký ức, quá khứ, tìm những điều thú vị trong hiện tại. Thay vì tập trung vào những điều tiêu cực, hãy tập trung vào những điều tích cực. Hãy nhớ rằng quá khứ đã qua, và bạn không thể thay đổi nó. Điều quan trọng là bạn học cách để buông bỏ và tiếp tục sống. Con người ta quay trở về quá khứ, phần lớn là gặp phải tổn thương nội tâm, đó là một vấn đề tâm lý rất lớn. Cần tham gia trị liệu tâm lý để giải quyết những vấn đề của quá khứ và học cách đối mặt và vượt qua những chấn thương tâm lý. Hãy trở thành một người nhân từ với thế giới, học cách tha thứ cho bản thân mình và những người xung quanh. Con người không nên sống trong quá khứ để rằn vặt lỗi lầm của mình mà nên học cách tha thứ cho bản thân, thay vào đó, chỉ nên nhớ về lỗi lầm trong quá khứ để sửa chữa, rút ra kinh nghiệm riêng. Không nên hận thù người khác vì những lỗi mà người đó tạo ra với mình, không nên tìm cách trả thù họ mà chúng ta cần tha thứ, cho chính ta và họ một cơ hội để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Chúng ta sống là để cống hiến, để tận hưởng cuộc sống, tập trung vào hiện tại, tìm kiếm, khám phá những bí ẩn tuyệt vời mà cuộc đời dành cho ta. Cứ sống là chính mình, tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc và học cách trân trọng những gì ta đang có. Oprah Winfrey- một nữ giám đốc nổi tiếng, từng là nạn nhân bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bà đã chọn cách sống với hiện tại, bà vượt qua những tổn thương đó để trở thành một trong những người phụ nữ thành công nhất thế giới, với chương trình truyền hình nổi tiếng, đế chế truyền thông và nhiều hoạt động từ thiện. Đừng muộn phiền về quá khứ, sống cho hiện tại để tương lai trở nên nhiệm màu. Đặt ra những mục tiêu cho bản thân và tập trung vào việc thực hiện chúng. Tin vào bản thân mình, dùng khả năng sẵn có cùng kiến thức và sự gan dạ để tạo nên một hiện tại đáng sống và tương lai tươi sáng. 

Đời người thật dài nhưng cũng thật ngắn, qua phút trước, phút sau chưa chắc gì chúng ta còn tồn tại. Vậy nên, nghĩ về quá khứ một chút, hướng đến tương lai một chút thôi, còn lại bao nhiêu thời gian ta hãy tập trung sống cho phút giây hiện tại, sống cho bây giờ và ở đây. Tất cả những gì bạn có đều ở trong khoảnh khắc này, đừng để cho nó tuột mất một cách vô nghĩa. Một ngày nào đó, khi nhìn lại chặng đường đã qua, ta không hối hận, Sống hết mình cho hiện tại, sẽ đưa sự sống, cho dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *