Thuyết minh về hiện tượng sính ngoại trong xã hội hiện nay

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH

 Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Thơ viết ở biển

Hữu Thỉnh

Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Vì sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em…

(Trích tập thơ Thư mùa đông, 1994)

Thực hiện các yêu cầu: (trình bày ngắn gọn)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2. Liệt kê các hình ảnh thiên nhiên được nhắc tới trong văn bản trên.

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được thể hiện trong các câu thơ sau:

“Biển vẫn cậy mình dài rộng thế

Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”.

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình thể hiện trong văn bản Thơ viết ở biển.

Câu 5. Theo anh/ chị sự xa cách có ảnh hưởng đến tình yêu không? Vì sao?

LÀM VĂN (4,0 điểm) Chọn 1 trong 2 dạng thuyết minh

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về hiện tượng sính ngoại trong xã hội hiện nay.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Thể thơ: Tự do

Câu 2. Những hình ảnh thiên nhiên: Biển; Trăng; Mặt trời; Gió; Mây; Sóng

Câu 3.

– Biện pháp tu từ: Nhân hóa

– Biểu hiện: Biển: cậy mình; cô đơn

– Tác dụng:

+ Biển mang cảm xúc, tâm trạng như con người.

+ Câu thơ giàu hình ảnh, gợi cảm.

Câu 4.

-Biểu hiện: Nhớ; cô đơn

– Nhận xét: Tình cảm tinh tế, sâu sắc.

Câu 5.

Học sinh đưa ra quan điểm: Đồng tình/ không đồng tình hoặc vừa đồng tình vừa không đồng tình

– Lý giải vì sao.

(Học sinh có thể đưa ra những lí giải khác nhau nhưng cần phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật)

Liên hệ thực tế đời sống.

 LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Dang 1. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng đời sống xã hội

* Mở bài: Hiện nay đất nước ta đang bước vào xu thế hội nhập và phát triển. Bên cạnh những thuận lợi cho sự giao lưu, hội nhập kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật ấy chúng ta cũng phải đối diện với rất nhiểu khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt đất nước. Một trong như vẫn đề đó là lối sống sính ngoại. Đây được coi là “một căn bệnh”, một thói quen tâm lý mang lại nhiều hệ lụy xấu trong cả đời sống kinh tế cũng như xã hội.

* Thân bài:

– Thực trạng của hiện tượng thực trạng: sính ngoại là đề cao những thứ từ nước ngoài một cách thái quá, không cần thiết

 + Biểu hiện ở tiêu dùng: Lựa chọn những món đồ nước ngoài thay vì ở trong nước, chê bai đồ trong nước.

+ Biểu hiện trong học tập: Học ngoại ngữ cho oai, học sinh đi du học xong tìm mọi cách ở lại sinh sống và làm việc ở nước sở tại, chuộng bằng cấp nước ngoài.

+ Biểu hiện ở việc sử dụng ngôn ngữ: Chêm xen các từ ngữ nước ngoài vào tiếng Việt khi giao tiếp, các biển hiệu quảng cáo thì chữ nước ngoài lớn hơn chữ Tiếng Việt thậm chí dùng hoàn toàn bằng tiếng nước.

+ Biểu hiện ở văn hoá: Sùng bái văn hoá ngoại lai, Thường xuyên khoe về cuộc sống ở nước ngoài, Cố ý thần tượng những người nước ngoài

-Nguyên nhân:

. Xuất phát điểm đất nước còn nghèo, còn lạc hậu và đang trên đà hội nhập và phát triển nên dẫn đến có một ngành nghề, khoa học kĩ thuật chưa phát triển mạnh như các nước ở châu Âu.

. Hơn nữa hàng hóa tiêu dùng của nước ta dùng đa số là của Trung Quốc và hầu hết là những mặt hàng nhập theo phương thức tiểu ngạch hoặc hàng trôi nổi nên chất lượng không được chú trọng

Xuất phát từ tâm lí: Muốn “đẳng cấp” hơn với người khác, Muốn có cái mác ngoại nhập, ngoại lai.

Hậu quả:  Gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

+Đánh mất bản sắc dân tộc.

+Ảnh hưởng xấu đến đời sống và xã hội.

+ Điều đó dẫn đến làm suy giảm nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng các giá trị truyền thống, làm cho nhiều doanh nghiệp, công ty Việt trở nên khó khăn trong kinh doanh, thậm chí phá sản.

-Giải pháp:

– Để văn hóa Việt Nam không bị mai một, để không xảy ra những hệ lụy xấu cho đời sống và xã hội, chúng ta cần chấm dứt ngay việc chạy theo trào lưu sính ngoại.

– Thay vì khoe khoang cuộc sống ngoại Quốc với người dân Việt Nam thì hãy đem những giá trị văn hóa, ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế.

– Hãy luôn tự hào về đất nước Việt Nam tươi đẹp. Như vậy mới có thể giúp cho đất nước phát triển ngày càng giàu hơn, đẹp hơn và mạnh hơn.

– Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến những nhân tài của đất nước nhằm khắc phục việc chảy máu chất xám.

* Kết bài: Mỗi người cần có những nhận thức đúng đắn về hậu quả của lối sống sính ngoại. Đừng vì yêu thích và sự ích kỉ của bản thân mà đánh mất đi những nét đẹp và giá trị vốn có và kìm hãm sự phát triển của đất nước

 

Bài viết tham khảo:

Hiện nay đất nước ta đang bước vào xu thế hội nhập và phát triển. Chính hoàn cảnh đó đã có đã có thuận lợi cho sự giao lưu, hội nhập kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật giữa nước ta với các nước trên thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi ấy chúng ta cũng phải đối diện với rất nhiểu khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt đất nước. Một trong như vẫn đề đó là lối sống sính ngoại. Đây được coi là “một căn bệnh”, một thói quen tâm lý mang lại nhiều hệ lụy xấu trong cả đời sống kinh tế cũng như xã hội.

Sính ngoại là chỉ sự đề cao những thứ từ nước ngoài một cách không cần thiết. Hiện nay hiện tượng sính ngoại đang dần trở thành xu hướng thu hút nhiều người. Sính ngoại được thể hiện ở trong mọi mặt, mọi lĩnh vực của cuộc sống thu hút hoặc đánh giá cao từ nước ngoài về mọi mặt như con người, cách ứng xử, nền văn hóa, ngôn ngữ… để chỉ sự đề cao những thứ từ nước ngoài. Sính ngoại từ sinh hoạt hằng ngày, các sản phẩm, dụng cụ, đồ dùng cá nhân được một bộ phận lớn người dân Việt Nam lại cho rằng, thứ gì của hàng ngoại cũng có chất lượng tốt, giá trị hơn hàng trong nước. Chính vì vậy họ sẵn sàng chấp nhận chi trả món hàng đó với giá cao gấp 2, gấp 3 lần mà không hề tính toán. Đôi khi, họ nghĩ đồ nước ngoài đọc lên nghe cũng “sang” hơn đồ Việt mình, họ sẽ lựa chọn sử dụng như một cách thể hiện đẳng cấp của mình. Sính ngoại không chỉ thể hiện thông qua nhu cầu tiêu dùng “kỳ lạ” của một bộ phận người dân mà còn thể hiện ở việc gán ghép, sử dụng các từ ngữ nước ngoài vào các sản phẩm, thương hiệu Việt. Trong nhóm sản phẩm tiêu dùng, có thể thấy hàng dệt may Việt Nam đứng ở tốp đầu về việc mượn tên nước ngoài gán cho hàng nội địa như: Một số sản phẩm của Công ty cổ phần may Việt Tiến là hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng lại mang tên Manhattan, San seiaro, TT-up…, thậm chí có những thương hiệu Việt lấy luôn từ cái tên như Nino Maxx, Blue Exchange… Các trung tâm thương mại, dự án bất động sản cũng có xu hướng gắn thêm mấy từ tiếng Anh cho “hợp mốt” như: Plaza, Tower, Times, Garden, City, Park…

Đáng chú ý, sính ngoại còn thể hiện ở tâm lý bài nội. Có một điều rất kỳ lạ xảy ra, đó là khi Việt Nam chưa có một hãng điện thoại, xe máy, ôtô thương hiệu thì nhiều người cho rằng người Việt kém cỏi, thâm chí còn đổ lỗi cho cơ chế, chính sách… nhưng khi có thì lại tỏ ra hoài nghi và chê bai. Điển hình: Năm 2015, khi ông Nguyễn Tử Quảng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Bkav giới thiệu mẫu điện thoại di động mang đậm dấu ấn Việt thì nó lại được một số người mang ra so sánh với các mẫu điện thoại của Samsung, Apple… với đủ từ ngữ chê bai và cùng với đó là những lời lẽ không thiện chí được viết khắp các trang mạng. Một trường hợp khác của tâm lý sính ngoại trong ngôn ngữ mà ta thường xuyên bắt gặp, nhiều bố mẹ đã ép con mình học một thứ tiếng khác ngay từ khi 3-4 tuổi trong khi tiếng mẹ đẻ con chưa thông thạo, Đi đến đâu ta cũng bắt gặp người ta nói chuyện một dòng tiếng Việt nhưng vẫn xen lẫn đôi chữ Tiếng Anh nhằm mục đích cho “sang miệng” để thể hiện sự đẳng cấp, hiểu biết của mình. Rồi sính ngoại từ viêc học theo những phong cách phương Tây hay phong cách thần tượng khiến nhiều người có xu hướng tới những phong cách ăn mặc hầm hố và mái tóc sặc sỡ vốn không giống người Việt Nam ngày xưa.

Ngay cả về vấn đề giáo dục hiện tượng sính ngoại cũng diễn ra. Sự thực cho thấy được rằng những tấm bằng ngoại luôn được đánh giá cao đối với các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước. Do đó, đa phần số đông những gia đình có một chút điều kiện, vốn liếng đều muốn hướng con em mình có một điều kiện học tập tốt nhất; được tiếp thu với tri thức nước ngoài sẽ có một giá trị cao hơn, mở ra nhiều viễn cảnh việc làm sau này và tương lai mới có thể được rộng mở. Khi đi du học nước ngoài, việc bị chi phối và ảnh hưởng bởi các yếu tố trong các trường Đại học nước ngoài là môi trường dân chủ và tính tự lập. Chính vì hệ tư tưởng đó cũng tạo cho giới trẻ có tư duy không muốn quay trở về trong nước để cống hiến và lập nghiệp.

Như vậy, có thể khẳng định “Sính ngoại” đang là hiện tượng tâm lý tiêu cực, được thể hiện ở tất cả các khía cạnh từ nhận thức, tư duy và hành động, có tốc độ lan truyền mạnh mẽ trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay. Sự ham thích, lạm dụng thái quá các sản phẩm vật chất, tinh thần ngoại nhập đã, đang và sẽ tiếp tục hình thành, cổ vũ cho nhận thức, lối sống cho rằng “cái gì của ta cũng dở, cũng kém và cái gì ngoại nhập cũng hay, cũng tốt hơn”.

Chẳng cần phân tích cũng thấy sính ngoại đang dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Ở góc độ tinh thần, văn hóa xã hội, nó tác động làm ảnh hưởng, thậm chí phá vỡ các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc những “báu vật” hơn bao giờ hết đang rất cần bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Ở góc độ kinh tế, nó tác động tiêu cực, kìm hãm, thậm chí kéo lùi sự phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời cũng gây ra nhiều điều không mong muốn khác. Sính ngoại tạo điều kiện cho sự thâm nhập, chiếm lĩnh của các giá trị nước ngoài vào trong nước, làm suy giảm các giá trị Việt, nảy sinh những rào cản đối với nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi sản phẩm do người Việt tạo ra đều mang trong đó mồ hôi, công sức, trí tuệ, tâm huyết. Sính ngoại đã “vô tình” ngăn trở những nỗ lực, cố gắng, khát khao, cống hiến, phát triển của cộng đồng các doanh nghiệp trong nước. Sính ngoại làm thui chột nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng các giá trị truyền thống, làm cho nhiều doanh nghiệp, công ty Việt trở nên khó khăn trong kinh doanh, thậm chí phá sản. Từ đó sẽ tác động đến tổng thể nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường lao động, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm.

Để hạn chế thấp nhất hiện tượng sính ngoại thì cần phân biệt sính ngoại với việc tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại. Trong xu thế toàn cầu hóa, các giá trị tiến bộ cũng có xu hướng lan truyền nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới, để đảm bảo yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi mỗi cá nhân không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực, đặc biệt là những lĩnh vực là thế mạnh của nước ngoài như khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất, khả năng quản lý, điều hành… Cùng với đó, các công ty, doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố niềm tin, tạo chỗ đứng ngay trong lòng người Việt. Để văn hóa Việt Nam không bị mai một, để không xảy ra những hệ lụy xấu cho đời sống và xã hội, chúng ta cần chấm dứt ngay việc chạy theo trào lưu sính ngoại. Thay vì khoe khoang cuộc sống ngoại Quốc với người dân Việt Nam thì hãy đem những giá trị văn hóa, ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế. Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến những nhân tài của đất nước nhằm khắc phục việc chảy máu chất xám. Bản thân mỗi người Hãy luôn tự hào về đất nước Việt Nam tươi đẹp. Như vậy mới có thể giúp cho đất nước phát triển ngày càng giàu hơn, đẹp hơn và mạnh hơn.

Quả thực “trào lưu sính ngoại’ là một hiện tượng tiêu cực. Hiểu đúng thực chất, chỉ ra nguyên nhân, nhận thấy tác hại của lối sống này  để tìm cách xóa bỏ định kiến hàng nội bao giờ cũng không tốt bằng hàng ngoại. Vì vậy mỗi chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn và biết cân bằng giữa văn hoá nước ngoài và Việt Nam, chọc lọc những thành tựu tốt đẹp của nước ngoài và vẫn giữ được văn hoá nước ta. Đó không phải là việc đơn giản, vì vậy cần phải tuyên truyền để mỗi người Việt thấy được những thành quả và sự tiến bộ hàng ngày hàng giờ của đất nước. Có như vậy đất nước mới sớm hội nhập và phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *