Thuyết minh về di tích lịch sử – danh thắng núi Thúy ( Dục Thúy Sơn) – Ninh Bình

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH

 Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

                           Long Thành cầm giả ca

– Nguyễn Du –

Thành Thăng Long nhớ từ thuở nọ
Bậc giai nhân tên họ ai hay
Đàn cầm thánh thoát mấy dây
Khắp thành quen miệng gọi ngay Nàng Cầm
“Cung Phụng khúc” xưa ngâm trong Nội
Phổ nên chương tiếng nổi một thời
Nhớ ngày đương độ vui chơi
Giám hồ yến tiệc gặp người tài hoa
Tuổi hăm mốt nõn nà lộng lẫy
Gió xuân êm hây hẩy bông đào
Men tô duyên não nùng sao
Nỉ non năm tiếng thấp cao tuyệt vời
Theo tay ngọc lòng người ủ rũ
Tiếng bổng trầm to nhỏ miên man
Khoan như gió lướt thông ngàn
Trong như tiếng hạc lạc đàn kêu sương
Mạnh như sấm phũ phàng xé đá
Tiến Phúc bia nổ phá ầm ầm
Buồn như khúc Việt ai ngâm
Nỗi lòng Trang Tích âm thầm mà đau
Điệu êm ấm nghe lâu chẳng mỏi
Chính khúc này đại nội triều xưa
Tây Sơn quân tướng thẫn thờ
Ngả nghiêng đến sáng còn chưa thỏa lòng
Quăng lụa thưởng tây đông tíu tít
Vàng tựa bùn cứ việc vung tay
Công hầu hào khí đua say
Ngũ lăng niên thiếu một bày sá chi
Dạo khúc xuân diễm kỳ lả lướt
Băm sáu cung thánh thót xinh xinh
Tràng An treo ngọc liên thành
Phẩm cao vô giá, tài tình riêng ai
Thoảng hai chục năm trời từ đấy
Tây Sơn thua, ta trẩy Nam Hà
Long Thành gang tấc còn xa
Điệu xưa nhớ mấy cũng là đành thôi
Tuyên phủ sứ lại mời dự tiệc
Thiếu chi người mày biếc má hồng
Cuối bàn phảng phất não nùng
Một nàng đầu tóc hình dung bơ phờ
Mình gầy võ mày thưa duyên nhạt
Ai biết nàng oanh liệt xưa kia
Khúc đâu lệ chảy đầm đìa
Khiến người nghe những đê mê xót thầm
Chợt nhớ lại bao năm chuyện cũ
Từng bên ai vui thú hồ xưa
Thành tàn duyên cũng xác xơ
Ngậm ngùi mấy cuộc biển mờ dâu xanh
Rồi một sớm bại thành là thế
Cảm khúc ca trời để một người
Trăm năm một thoáng bao dài
Ngậm ngùi chuyện cũ cho đời buồn đau
Ở Nam về, mái đầu đã bạc
Người đẹp xưa cũng khác hình xưa
Giương đôi mắt ngó mà mơ
Thảm thay ai biết bây giờ là ai

                (Bản dịch của Học Canh)

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Câu 1(NB). Xác định thể thơ của bản dịch thơ trên? (1,0 điểm)

Câu 2 (NB). Qua hai câu thơ: Cuộc thương hải tang điền thấm thoắt/ Cõi nhân gian thành quách đổi đời, anh/ chị hiểu biết được điều gì về thời đại mà Nguyễn Du sống? (1,5 điểm)

Câu 3 (TH). Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong bốn dòng thơ sau: (2.0 điểm)

Tiếng khoan thoảng thông ngàn gió thổi,

Tiếng trong như hạc gọi xa xăm.

Mạnh như Tiến Phúc sét gầm,

Buồn như tiếng Việt, Trang nằm đau rên.

Câu 4 (VD). Qua tác phẩm, anh/chị thấy nên ứng xử như thế nào với những người phụ nữ tài sắc? (1,0 điểm)

Câu 5 (VDC). Nhận xét về chiều sâu nhân đạo của Nguyễn Du trong tác phẩm.  (0,5 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về di tích lịch sử – danh thắng núi Thúy ( Dục Thúy Sơn) – Ninh Bình.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1(NB). Thể thơ song thất lục bát.

Câu 2 (NB). Thời đại Nguyễn Du sống là thời đại rối ren, loạn lạc, có nhiều thay đổi lớn lao. Đó là lúc xã hội phong kiến suy vi, bộc lộ nhiều hạn chế; đời sống nhân dân đau khổ, điêu linh.

Câu 3 (TH). Biện pháp tu từ so sánh. So sánh tiếng đàn của cô Cầm với tiếng gió, tiếng hạc, tiếng sét, tiếng đau rên.

  • Tác dụng:

+ Nghệ thuật: tang sức gợi hình, gợi cảm; tạo sự sinh động, hấp dẫn cho câu thơ.

+ Nội dung: cụ thể hóa âm thanh tiếng dần của cô Cầm; ngợi ca bản đàn hay cùng tài năng của cô Cầm.

Câu 4 (VD). 

– Những người phụ nữ tài sắc là những người có vẻ đẹp và tài năng kiệt xuất.

  • Ta cần yêu quý, trân trọng họ, đồng thời tạo điều kiện cho họ phát triển tài năng, đóng góp những giá trị tinh thần cho xã hội.

Câu 5 (VDC). 

  • Giá trị nhân đạo là tấm lòng yêu thương con người.

Chiều sâu nhân đạo của Nguyễn Du được thể hiện trong tác phẩm là:

+ Xót xa trước dung mạo tiều tụy của cô Cầm sau thời gian dài không gặp.

+ Thương xót cho số phận chìm nổi, bất hạnh của cô Cầm.

+ Bày tỏ sự ngưỡng mộ, trân trọng trước tài năng của cô Cầm.

+ Ai oán trước những đổi thay dâu bể của lịch sử, của cuộc đời đã hắt bóng lên số phận gười gảy đàn đó.

  • Nhận xét:

+ Nguyễn Du không chỉ xót xa riêng cho thân phận cô Cầm mà còn cho mọi người phụ nữ tài sắc trong xã hội phong kiến.

+ Ông đã đặt số phận bé nhỏ của 1 người gảy đàn vào giữa dòng xoáy của lịch sử để cảm thương.

+ Nguyễn Du đã quan tâm đến những phận người bé mọn, đặc biệt là người phụ nữ “hại thay mang lấy sắc tài làm chi” trong xã hội phong kiến.

+ Tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du sâu sắc, tiến bộ so với thời đại.

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Dàn ý:

* Mở bài:

– Dục Thúy Sơn là thắng cảnh đẹp nổi tiếng của quê hương Ninh Bình, là niềm tự hào trong trái tim mỗ người con mảnh đất cố đô.

– Dục Thúy Sơn là một quần thể di tích – danh thắng nằm giữa lòng thành phố, là điểm đến hấp dẫn cho bước chân du khách.

* Thân bài:

– Vị trí địa lí: Nằm ở phía đông thành phố Ninh Bình. Núi Thúy nằm trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, ở giữa 2 cây cầu Non Nước và cầu Ninh Bình.

– Hình dáng: nhìn từ xa, ngọn núi giống hình con chim trả đang tắm.

– Tên gọi: Núi Thúy (tức Dục Thúy Sơn), còn có tên gọi là Núi Non nước. Trải qua biết bao thăng trầm, từ ngàn năm xưa đã có nhiều tên gọi khác nhau về núi Thuý, mà tên nào cũng gợi lên vẻ đẹp, vẻ thơ như Băng Sơn, Lạc Thuỷ, Sơn Thuỷ, Hải Đài…

– Núi Thúy – ngọn núi tự nhiên với vẻ đẹp tuyệt mĩ: ngọn núi được ôm ấp bởi dòng sông Vân thơ mộng. Tấm thảm thực vật xanh mướt trên núi làm nên sắc áo xanh biếc soi bóng xuống dòng sông. Qua 100 bậc đá, du khách được chiêm ngưỡng cảnh sông nước bao la, mây trời rộng mở. Trên núi có tượng đài anh hung Lương Văn Tụy, lầu Nghinh Phong và cả di tích lô cốt xưa cũ rêu phong.

– Núi Thúy – ngọn núi lịch sử: ngọn núi gắn với lịch sử hào hùng của mảnh đất Ninh Bình cũng như lịch sử của dân tộc trong suốt các triều đại phong kiến cho đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của dân tộc.

– Núi Thúy – ngọn núi thi ca: nơi đây còn được xem là “núi thơ” độc đáo nhất Việt Nam, với hơn 40 bài thơ cổ khắc trên đá núi.

– Có cả một quần thể di tích – danh thắng quanh núi Thúy

+ Chùa Non Nước

+ Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu

+ Công viên núi Thúy

– Núi Dục Thúy hiện chưa được khai phá hết tiềm năng để vẻ đẹp ấy đến gần hơn với đông đảo nhân dân cả nước và du khách quốc tế. Cần có chính sách quan tâm kịp thời của các cấp, ban, ngành để bảo tồn và phát huy vẻ đẹp ấy.

* Kết bài: Vẻ đẹp của núi Dục Thúy vẫy gọi bước chân du khách gần xa đến với đất và người cố đô.

Bài viết tham khảo:

“Hải khẩu hữu tiên san,
Niên tiền lũ vãng hoàn.
Liên hoa phù thuỷ thượng,
Tiên cảnh truỵ trần gian.”

(Dục Thúy Sơn – Nguyễn Trãi)

Dục Thúy Sơn là thắng cảnh đẹp nổi tiếng của quê hương Ninh Bình, là niềm tự hào trong trái tim mỗ người con mảnh đất cố đô. Dục Thúy Sơn là một quần thể di tích – danh thắng nằm giữa lòng thành phố, là điểm đến hấp dẫn cho bước chân du khách.

Dục Thúy Sơn ở phía đông thành phố Ninh Bình. Núi Thúy nằm trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, ở giữa 2 cây cầu Non Nước và cầu Ninh Bình. Khung cảnh nên thơ của Núi Thúy, sông Vân hiện lên như một hòn non bộ thiên nhiên kỳ vĩ với dáng núi mang hình con chim trả nghiêng mình soi bóng xuống mặt sông, để lại ấn tượng trong lòng bất cứ ai khi đặt chân đến Ninh Bình. Núi Thúy (tức Dục Thúy Sơn), còn có tên gọi là Núi Non nước. Trải qua biết bao thăng trầm, từ ngàn năm xưa đã có nhiều tên gọi khác nhau về núi Thuý, mà tên nào cũng gợi lên vẻ đẹp, vẻ thơ như Băng Sơn, Lạc Thuỷ, Sơn Thuỷ, Hải Đài… Đây là ngọn núi tự nhiên với vẻ đẹp tuyệt mĩ: ngọn núi được ôm ấp bởi dòng sông Vân thơ mộng. Tấm thảm thực vật xanh mướt trên núi làm nên sắc áo xanh biếc soi bóng xuống dòng sông. Qua 100 bậc đá, du khách được chiêm ngưỡng cảnh sông nước bao la, mây trời rộng mở. Trên núi có tượng đài anh hùng Lương Văn Tụy, lầu Nghinh Phong và cả di tích lô cốt xưa cũ rêu phong. Ngay lối lên đỉnh núi là tượng đài anh hùng Lương Văn Tụy- người thanh niên cộng sản trẻ tuổi đã dũng cảm vượt qua bom đạn cắm ngọn cờ búa liềm trên núi. Nghinh phong các (lầu đón gió) nằm giữa đỉnh núi Non Nước, được xây dựng từ thế kỷ XIV, là nơi Trương Hán Siêu cùng các tao nhân mặc khách tọa đàm ngâm thơ. Xưa trên đỉnh núi có ngọn tháp Linh Tế cao vút, được xây dựng năm 1091 thời nhà Lý, sau có bài “Linh Tế tháp ký” nổi tiếng của Trương Hán Siêu mô tả tháp này. Tháp đã đổ, nay không còn nữa nhưng nhà chức trách Ninh Bình đang có kế hoạch phục dựng lại tháp Linh Tế trên đỉnh núi Non Nước. Đứng trên đỉnh núi, từ lầu Nghinh Phong du khách  nhìn ra bốn hướng, mới thấy hết vẻ hoành tráng, thơ mộng của đất trời cố đô, của Ninh Bình một vùng quê có bề dầy lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời. Mảnh đất Ninh Bình vốn có nhiều núi non hang động đẹp nhưng hầu như không có núi nào đẹp và nên thơ như núi Thuý.

Núi Thúy còn là ngọn núi ghi dấu ấn lịch sử. Ngọn núi gắn với lịch sử hào hùng của mảnh đất Ninh Bình cũng như lịch sử của dân tộc trong suốt các triều đại phong kiến cho đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của dân tộc. Nơi đây vào thời nhà Đinh, Hoàng hậu Dương Vân Nga đã trao áo long bào cho tướng quân Lê Hoàn cầm quân đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống lần thứ nhất, làm nên chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân giặc luôn tìm cách tiếp cận vị trí này để trấn giữ địa hình hiểm yếu. Dọc đường lên núi vẫn còn lô cốt với vết tích của bom đạn thời chiến tranh. Trên đỉnh núi có bức tượng của người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi Lương Văn Tụy khi ấy mới 15 tuổi, đã nhận nhiệm vụ cùng hai đồng chí cộng sản khác giả người đi câu, bí mật trèo lên đỉnh núi để treo cờ búa liềm vượt qua rào vây của kẻ thù để cắm cờ trên núi Thuý vào năm 1929. Cũng trên núi này, thượng tá quân đội Giáp Văn Khương đã liều mình nhảy xuống sông Đáy để trốn thoát khỏi sự truy bắt của quân Pháp.

Núi Thúy – ngọn núi thi ca: nơi đây còn được xem là “núi thơ” độc đáo nhất Việt Nam, Trải qua hàng nghìn năm, chân núi bị sóng biển bào mòn tạo thành vòm đá rộng che kín một góc sông Vân. Sự hài hòa thơ mộng giữa cái đẹp của núi non, cây cối, sông nước của nơi đây đã để lại biết bao cảm xúc thi ca của các đấng quân vương, hoàng đế, tao nhân mặc khách khi có dịp đi qua Ninh Bình. Những bậc vĩ nhân ấy đã khắc lên cách núi đá những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp, hay tâm sự riêng tư, suy ngẫm về sự hưng vong và nhân tình thế thái khi đứng trước vẻ đẹp của đất trời nơi đây… Có thể kể đến những cái tên như Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà, Nguyễn Trãi… Những bài thơ được khắc kín vách núi, từ chân núi đến cả ở nơi chênh vênh lơ lửng ở sườn non, trông ra mặt sông Đáy.

Có cả một quần thể di tích – danh thắng quanh núi Thúy bao gồm chùa Non Nước, đền Trương Hán Siêu, công viên Thúy  Sơn. Chùa Non Nước nằm ngay dưới chân núi Non Nước – một ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông. Năm 2006, chùa đã được tu bổ khang trang hơn nhưng vẫn giữ được vẻ thiêng liêng trầm mặc. Từ thời Lý, ngôi chùa này đã xuất hiện tháp là nơi thờ Phật. Trong tháp đặt một tượng Phật chính và một số tượng phụ. Sang thế kỷ XIII, tháp được tách ra, thành hai kiến trúc riêng: chùa và tháp. Tháp không còn là chùa mà trở thành mộ sư. Chính vì vậy, đến đời Trần, tháp Linh Tế đổ vỡ. Đến năm 1337 thời vua Trần Hiến Tông, tháp Linh Tế được khởi công xây dựng lại. Người đứng lên chủ trì việc xây dựng tháp là nhà sư Trí Nhu (người phủ Tràng An, châu Đại Hoàng – tức là người Ninh Bình). Khi đang giữ chức Tả ty Lang trung, Tả giám Nghị đại phu, Trương Hán Siêu đã viết bài “Dục Thủy sơn Linh Tế tháp ký” (Bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thủy), nhân việc tháp Linh Tế xây dựng lại xong. Trong bài ký đó, Trương Hán Siêu đã cho biết tháp Linh Tế xây dựng lại cao 4 tầng: “Tháp xây 4 tầng, đêm tỏa hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ”. Từ khi xây dựng lại tháp Linh Tế trên núi Dục Thúy, nhiều tạo nhân mặc khách đã làm thơ vịnh núi đều nói đến tháp Linh Tế:

“Bóng tháp hình trâm ngọc

Gương soi ảnh tóc huyền”.

Mỗi năm chùa Non Nước đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế về tham quan, chiêm bái. Từ chùa phóng tầm mắt ra xa, sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thanh bình, yên ả của làng quê Việt Nam.

Theo lịch sử còn ghi chép lại, Trương Hán Siêu là người có công đầu phát hiện và khai thác vẻ đẹp của núi Non Nước. Ông đặt tên núi là Dục Thúy Sơn và là người đầu tiên lưu bút tích một bài thơ cho các thi sĩ đến thưởng ngoạn, ngắm cảnh làm những bài thơ khắc vào đá.Và ở ngay dưới chân núi, người dân Ninh Bình đã xây đền thờ để tưởng nhớ công ơn của ông. Đền Trương Hán Siêu kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm 3 gian bái đường và 2 gian hậu cung, hai tầng mái lợp bằng ngói, các góc có các đầu đao cong vút lên. Nhìn bản diện rìa mái cuộn lên ở hai đầu như hình ảnh một chiếc thuyền rồng ngoạn mục. Trên nóc đền là hai con rồng chầu mặt nguyệt. Mặt tiền của đền có tấm đại tự bằng chữ Hán: Trương Thăng Phủ Tư. Bởi đường có cửa võng, hương án và hai giả ở hai bên cắm bát bửu. Gian cuối của hậu cung có hương án và tượng Trương Hán Siêu được đúc bằng đồng. Ngôi đền có vai trò khá đặc biệt: thường là nơi trao các giải thưởng văn hóa và khuyến học ở Ninh Bình như giải thưởng Trương Hán Siêu, giải thưởng học sinh giỏi,…

Công viên Thuý Sơn nằm ở một địa thế đẹp, non nước hữu tình, nên thơ. Người dân thành phố Ninh Bình và du khách tìm đến công viên không chỉ để nghỉ ngơi, thư giãn tại các bể bơi, vườn thú, du thuyền mà còn để tham quan, thăm viếng, bởi trong khuôn viên của công viên có các di tích, danh thắng nổi tiếng gắn với núi Non Nước. Tất cả hợp lại thành quần thể văn hóa, tâm linh đền – chùa – tượng đài – sông núi giữa thành phố Ninh Bình

Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng di tích đặc biệt cho Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước. Núi Dục Thúy hiện chưa được khai phá hết tiềm năng để vẻ đẹp ấy đến gần hơn với đông đảo nhân dân cả nước và du khách quốc tế. Cần có chính sách quan tâm kịp thời của các cấp, ban, ngành để bảo tồn và phát huy vẻ đẹp ấy. Từ đó giúp thúc đẩy tiềm năng du lịch, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Vẻ đẹp của núi Dục Thúy vẫy gọi bước chân du khách gần xa đến với đất và người cố đô, khám phá một vùng văn hóa xưa của một tỉnh nhỏ bé nhưng đang chuyển mình mạnh mẽ trong làn gió thời đại mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *