VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Có đôi dịp đi qua những thành phố xứ khác, tôi đứng nôn nao dưới những toà cao ốc sáng đèn suốt đêm ngày mà nhớ về những thành phố đã đi qua ngủ sớm ở quê nhà. Nôn nao khi qua những giảng đường, nơi hầu hết thư viện, phòng lab mở cửa sáng đèn suốt đêm đón sinh viên đến đọc sách, làm thí nghiệm. Nôn nao khi đến những khu thương mại không ngủ, những góc phố, những cánh đồng sáng đèn trong giá lạnh…Thời khắc đón giao thừa có thể đến sớm với Sydney, có thể đến muộn với Stockholm so với múi giờ Hà Nội. Nhưng với làm ăn giao thương, với học hành khám phá sáng tạo, cả thế giới này không bao giờ ngủ. Phẳng cả về thời gian và cơ hội. Ai đó có thể thức, ngủ theo múi giờ nhưng không ai có thể còn “sống và làm việc” theo những múi giờ riêng được nữa. Khi ta rớt lại sau, muốn đi kịp thì phải ngủ ít, thức nhiều hơn. Phải sáng đèn đêm đêm để kịp nạp kiến thức, luyện kĩ năng, bắt kịp với bạn bè đi trước.
(Trích Sống như cây rừng, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, trang 245-246)
Trả lời các câu hỏi sau
Câu 1. Theo văn bản, tác giả phát hiện điều gì đặc biệt ở những thành phố xứ khác?
Câu 2. Văn bản có sử dụng yếu tố bổ trợ nào?
Câu 3. Chỉ ra tác dụng của phép lặp cú pháp trong những câu văn sau: Nôn nao khi qua những giảng đường, nơi hầu hết thư viện, phòng lab mở cửa sáng đèn suốt đêm đón sinh viên đến đọc sách, làm thí nghiệm. Nôn nao khi đến những khu thương mại không ngủ, những góc phố, những cánh đồng sáng đèn trong giá lạnh…
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả Khi ta rớt lại sau, muốn đi kịp thì phải ngủ ít, thức nhiều hơn không? Vì sao?
Câu 5. Qua đoạn trích, anh/chị hãy nêu một thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân. Lí giải vì sao?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về căn bệnh “Hikikomori” – Sống tách biệt với xã hội của giới trẻ hiện nay.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Thành phố xứ khác có đặc điểm: những tòa cao ốc sáng đèn suốt đêm ngày.
Câu 2. Yếu tố bổ trợ; tự sự, biểu cảm
Câu 3. Tác dụng của phép lặp cú pháp
– Nhấn mạnh tinh thần, nhịp độ sống, học tập, làm việc suốt đêm ngày của người dân ở các thành phố nước ngoài.
– Thể hiện thái độ của tác giả trước tinh thần, ý thức học tập, làm việc đó (nôn nao: xúc động, băn khoăn…)
– Tạo nhịp điệu làm cho câu văn sinh động, gợi hình gợi cảm.
Câu 4.
Học sinh có thể đưa ra quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc không đồng tình nhưng phải lý giải vì sao
Gợi ý:
– Đồng tình với tác giả Khi ta rớt lại sau, muốn đi kịp thì phải ngủ ít, thức nhiều hơn
– Vì: khi ta rớt lại sau là xuất phát điểm chậm hơn thì ta càng phải cố gắng ngủ ít, thức nhiều chuẩn bị những điều kiện cần thiết về kiến thức, kĩ năng, nhân cách, lối sống, cách làm việc…để theo kịp mọi người và thời đại. Có như thế ta mới nắm bắt được cơ hội để có được thành công.
Câu 5. Nêu một thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân. Lí giải vì sao?
– Học sinh xác định được một thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân (Ví dụ: Tinh thần ham học hỏi của sinh viên, nếu không tích cực học hỏi sẽ bị tụt hậu, cách thức để không bị tụt hậu….)
– Lí giải hợp lí, thuyết phục.
- LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
Dang 1. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng đời sống xã hội
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về căn bệnh “Hikikomori” – Sống tách biệt với xã hội của giới trẻ hiện nay.
* Mở bài
– “Hikikomori” – đang là hiện tượng phổ biến của người Nhật – Sống tách biệt với xã hội của giới trẻ hiện nay.
* Thân bài:
– Nêu thực chất của sự vật, hiện tượng được thuyết minh:
+ Hikimori trong tiếng Nhật mang nghĩa là “ tự rút lui và nghỉ ngơi”.
+ Thuật ngữ này được các bác sĩ tâm thần đưa ra vào những năm 1990 để mô tả, nhận dạng những người trẻ tuổi có biểu hiện chán nản với cuộc sống xã hội, muốn rút lui về cuộc sống “ẩn dật”, không bon chen.
– Thực chất hiện tượng
+ Trước hết, theo bộ y tế của Nhật Bản, hikikomori là một khái niệm chỉ những người ở trong nhà ít nhất là 6 tháng liên tục, không đi học hay đi làm, hiếm khi tương tác với người khác, thậm chí cả người thân của mình. Họ có thể coi là một “thế hệ lạc lối”, những người chỉ sống quanh quẩn với 4 bức tường mà không ngao du với ai, không có những hoạt động lao động, hay kết hôn, sinh đẻ.
+ Có nhiều người cho rằng căn bệnh này chỉ xuất hiện phổ biến ở giới trẻ, những người trẻ lười biếng, có vấn đề nhân cách, chỉ thích ru rú ở trong phòng. Nhưng thực tế là hiện tượng này có thể lên đến 35, và là những người thông minh, có năng lực và công ăn việc làm ổn định. Tuy vậy, không thể phủ định rằng hiện tượng này phổ biến rộng rãi ở giới trẻ người Nhật.
– Nguyên nhân của hiện tượng
+ Hiện tượng về căn bệnh Hikikomori có thể có nguồn gốc từ tâm lí: nhút nhát, sợ sệt và không có chí cầu tiến.
+ Nguyên nhân sâu sắc theo nhà báo Masaki Ikegami, người đã viết về hikikomori trong suốt 20 năm qua, do cấu trúc xã hội Nhật Bản đã khiến cho mọi người khó có thể quay lại cuộc sống bình thường.
+ Thực tế, phần lớn hikikomori là những người gặp khó khăn trong cuộc sống và gặp những chấn thương nặng nề về tinh thần trong các mối quan hệ cá nhân.
– Hệ quả của hiện tượng
+ Hikikomori dường như là một đề tài cấm kị trong cuộc sống của người Nhật. Chưa kể, đây còn từng được coi là xuất phát của những hành vi phạm tội trong những năm 1990. Có một vài vụ phạm tội được ghi nhận là xuất phát từ các hikikomori. Năm 2000, một hikikomori đã chạy trốn khỏi bệnh viện tâm thần, cướp xe buýt và giết chết 1 hành khách. Một hikikomori khác vì nghiện xem phim khiêu dâm đã lên kế hoạch hãm hiếp 4 đứa trẻ vị thành niên… liên tiếp những vụ phạm tội khiến người khác e ngại.
+ Bên cạnh đó, bản thân người hikikomori thường xuyên làm hại chính mình, cả tâm hồn lẫn thể xác. Họ bị hạn chế, hay không có khả năng giao tiếp với mọi người và điều này khiến cho họ bị cô lập, dần tách và cảm thấy khác biệt với xã hội. Chính điều này cũng dẫn tới cảm giác thất bại và xấu hổ ở hầu hết các hikikomori. Họ sẽ nghĩ rằng những người xung quanh sẽ lên lớp họ và coi họ là người vô dụng. Điều đó càng khiến căn bệnh trở nên nặng nề hơn và làm tổn hại đến sức khoẻ và tâm lí.
+ Một số bộ phận hikikomori còn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội của đất nước. Có thể nói, căn bệnh gây ảnh hưởng cả chính bản thân người tâm lý lẫn người xung quanh.
– Giải pháp xoá bỏ hiện tượng
+ Để đẩy lùi hiện tượng này, cần nỗ lực của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Chẳng hạn, chúng ta không nên có cái nhìn, thái độ kì thị, ghét bỏ hikikomori bởi đây không phải điều mà họ mong muốn gặp phải. Cùng với đó, ta cần khuyến khích, hỗ trợ hikikomori tái hoá nhập với xã hội.
+ Mỗi người cần học hỏi, sống và làm việc tích cực, luôn kiên trì, vươn lên khi gặp khó khăn và không ngần ngại việc thất bại. Nhận thức đúng đắn về vấn đề này, ta sẽ yêu và hiểu bản thân hơn, biết cảm thông và chia sẻ với người khác.
+ Xã hội cần phải có những thay đổi để hạn chế hiện tượng hikikomori. Chẳng hạn, giảm áp lực, những định kiến, khuôn khổ chèn ép…
* Kết bài
– Hiện tượng hikikomori là một hiện tượng tiêu cực, gây ảnh hưởng đến cá nhân cũng như nền kinh tế xã hội.
– Hiểu đúng thực chất, chỉ ra nguyên nhân, nhận thấy những tác động của hiện tượng này để cùng nhau đẩy lùi, xoá bỏ nó là cần thiết.
Bài viết tham khảo:
“Hikikomori” – đang là hiện tượng phổ biến của người Nhật – đó là sống tách biệt với xã hội của giới trẻ hiện nay.
Hikimori trong tiếng Nhật mang nghĩa là “ tự rút lui và nghỉ ngơi”. Thuật ngữ này được các bác sĩ tâm thần đưa ra vào những năm 1990 để mô tả, nhận dạng những người trẻ tuổi có biểu hiện chán nản với cuộc sống xã hội, muốn rút lui về cuộc sống “ẩn dật”, không bon chen. Vậy hiện tượng này phổ biến như thế nào mà người Nhật còn cho ra một thuật ngữ về nó như vậy ?
Trước hết, theo bộ y tế của Nhật Bản, hikikomori là một khái niệm chỉ những người ở trong nhà ít nhất là 6 tháng liên tục, không đi học hay đi làm, hiếm khi tương tác với người khác, thậm chí cae người thân của mình. Họ có thể coi là một “thế hệ lạc lối”, những người chỉ sống quanh quẩn với 4 bức tường mà không ngao du với ai, không có những hoạt động lao động, hay kết hôn, sinh đẻ.
Có nhiều người cho rằng căn bệnh này chỉ xuất hiện phổ biến ở giới trẻ, những người trẻ lười biếng, có vấn đề nhân cách, chỉ thích ru rú ở trong phòng. Nhưng thực tế là hiện tượng này có thể lên đến 35, và là những người thông minh, có năng lực và công ăn việc làm ổn định. Tuy vậy, không thể phủ định rằng hiện tượng này phổ biến rộng rãi ở giới trẻ người Nhật.
Hiện tượng về căn bệnh Hikikomori có thể có nguồn gốc từ tâm lí: nhút nhát, sợ sệt và không có chí cầu tiến. Nguyên nhân sâu sắc theo nhà báo Masaki Ikegami, người đã viết về hikikomori trong suốt 20 năm qua, do cấu trúc xã hội Nhật Bản đã khiến cho mọi người khó có thể quay lại cuộc sống bình thường. Thực tế, phần lớn hikikomori là những người gặp khó khăn trong cuộc sống và gặp những chấn thương nặng nề về tinh thần trong các mối quan hệ cá nhân.
Hikikomori dường như là một đề tài cấm kị trong cuộc sống của người Nhật. Chưa kể, đây còn từng được coi là xuất phát của những hành vi phạm tội trong những năm 1990. Có một vài vụ phạm tội được ghi nhận là xuất phát từ các hikikomori. Năm 2000, một hikikomori đã chạy trốn khỏi bệnh viện tâm thần, cướp xe buýt và giết chết 1 hành khách. Một hikikomori khác vì nghiện xem phim khiêu dâm đã lên kế hoạch hãm hiếp 4 đứa trẻ vị thành niên… liên tiếp những vụ phạm tội khiến người khác e ngại.
Bên cạnh đó, bản thân người hikikomori thường xuyên làm hại chính mình, cả tâm hồn lẫn thể xác. Họ bị hạn chế, hay không có khả năng giao tiếp với mọi người và điều này khiến cho họ bị cô lập, dần tách và cảm thấy khác biệt với xã hội. Chính điều này cũng dẫn tới cảm giác thất bại và xấu hổ ở hầu hết các hikikomori. Họ sẽ nghĩ rằng những người xung quanh sẽ lên lớp họ vbaf coi họ là người vô dụng. Điều đó càng khiến căn bệnh trở nên nặng nề hơn và làm tổn hại đến sức khoẻ và tâm lí. Cảm giác xấu hổ ấy cũng có thể ảnh hưởng đến cả gia đình của người hikikomori. Bởi mọi người thường có xu hướng do dự khi làm điều gì gây chú ý, và gia đình cũng nghĩ như vậy, khi bố mẹ nhận ra con mình không ra khỏi nhà và làm việc, họ sẽ cố gắng giấu chúng càng kí càng tốt. Đồng thời, một số bộ phận hikikomori còn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội của đất nước. Có thể nói, căn bệnh gây ảnh hưởng cả chính bản thân người tâm lý lẫn người xung quanh.
Hiện tượng này đều là hệ quả của chính bản thân hikikomori và cả những định kiến, ép buộc trong khuôn khổ của xã hội. Và cho đến nay, hiện tượng này vẫn đang ngày lan rộng do nhịp sống thời đại phát triển quá nhanh. Để đẩy lùi hiện tượng này, cần nỗ lực của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Chẳng hạn, chúng ta không nên có cái nhìn, thái độ kì thị, ghét bỏ hikikomori bởi đây không phải điều mà họ mong muốn gặp phải. Cùng với đó, ta cần khuyến khích, hỗ trợ hikikomori tái hoá nhập với xã hội. Mỗi người cần học hỏi, sống và làm việc tích cực, luôn kiên trì, vươn lên khi gặp khó khăn và không ngần ngại việc thất bại. Nhận thức đúng đắn về vấn đề này, ta sẽ yêu và hiểu bản thân hơn, biết cảm thông và chia sẻ với người khác. Mặt khác, xã hội cần phải có những thay đổi để hạn chế hiện tượng hikikomori. Chẳng hạn, giảm áp lực, những định kiến, khuôn khổ chèn ép…
Tóm lại, hiện tượng hikikomori là một hiện tượng tiêu cực, gây ảnh hưởng đến cá nhân cũng như nền kinh tế xã hội. Hiểu đúng thực chất, chỉ ra nguyên nhân, nhận thấy những tác động của hiện tượng này để cùng nhau đẩy lùi, xoá bỏ nó là mật thiết và cần có ý thức, thái độ của mỗi người.