KỲ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 10 NĂM HỌC 2018 – 2019 | ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10 Đề chính thức. Thời gian làm bài: 150 phút Đề thi gồm 02 phần, 01 trang. Số báo danh:…… |
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Tôi nghĩ rằng “vận may” khác với “thành quả”. Ta không thể đạt được sự may mắn. Ta không thể tạo ra vận may. Điều đó cũng giống như ta không thể sắp đặt trước một cuộc hẹn mà ở đó ta sẽ gặp tiếng sét ái tình. Nhưng mặt khác, chúng ta có thể nỗ lực để tạo ra những thành quả. Đừng gọi thành quả của mình là may mắn, vì như vậy là vứt bỏ ý chí và nỗ lực của bản thân. Cũng đừng xem may mắn là thành quả, vì như thế là từ chối vẻ đẹp bí ẩn và đầy bất ngờ của cuộc sống.
(…) Hãy cứ tin vào sự may mắn, rằng đôi lúc nó rơi xuống cuộc đời ai đó như một món quà (…) Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ xưa đã nói “sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay mà thôi”. Vì vậy, đừng tìm kiếm nó, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho nó… Và hãy nhớ rằng mọi vận may chỉ là khởi đầu.
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn 2018, trang 166&167)
Câu 1 (1.0 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu trong đoạn trích trên.
Câu 2 (1.5 điểm). Vì sao tác giả cho rằng: đừng tìm kiếm, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho vận may?
Câu 3 (1.5 điểm).Suy nghĩ của anh/chị về câu ngạn ngữ được nêu trong đoạn trích: sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay mà thôi.
Câu 4 (2.0 điểm). Anh/chị có đồng tình với quan điểm sau không? Vì sao?
Đừng gọi thành quả của mình là may mắn, vì như vậy là vứt bỏ ý chí và nỗ lực của bản thân.
PHẦN II. LÀM VĂN (14.0 điểm)
Câu 1 (4.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 400 chữ) để thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu.
Câu 2 (10.0 điểm)
Thơ vẫn là sự sống, nhưng đây là sự sống đọng lại, biến thành cái đẹp.
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Từ bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngữ văn 10, tập một, NXBGD Việt Nam 2018) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
……………….Hết……………
KỲ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 10 NĂM HỌC 2018 – 2019 |
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN LỚP 10 Đề chính thức (Đáp án gồm 04 trang) |
Phần | Câu | Yêu cầu cần đạt | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chủ yếu: nghị luận/phương thức nghị luận | 1,0 | |
2 | Tác giả cho rằng: đừng tìm kiếm, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho vận may vì: – Tìm kiếm, trông chờ vận may sẽ dẫn đến thụ động, dựa dẫm, kìm hãm sự nỗ lực của bản thân, thành công đạt được có thể không bền vững. Mỗi người hãy luôn sống chủ động, tích cực. – Không nên đổ lỗi cho vận may vì như thế chứng tỏ bản thân chưa có đầy đủ nhận thức về cuộc sống. |
1,5 | |
3 | Thí sinh có thể đưa ra những suy nghĩ riêng nhưng cần tập trung làm rõ các nội dung sau: – Sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay, cho một sự khởi đầu làm tiền đề, để từ sự may mắn đó, ta tiếp tục đặt những mục tiêu cao hơn, tiếp tục bỏ công sức, tâm huyết, kiên trì, nỗ lực để đạt những thành quả lớn lao, đẹp đẽ và ý nghĩa hơn. Sự may mắn đó là điều kiện mà cuộc sống đặt ra để thử thách bản lĩnh của mỗi người. – Thành quả chúng ta đạt được chính là sự trả lại cho cuộc sống món quà ban đầu mà nó đã tặng cho ta. Câu ngạn ngữ là lời khuyên sâu sắc về cách đón nhận “vận may” trong cuộc sống. |
1,5 | |
4 | Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng cần lí giải vấn đề phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Nếu đồng tình, thí sinh cần lí giải được vấn đề: Mỗi thành quả đạt được, ngoài yếu tố may mắn bao giờ cũng là kết quả của một quá trình cố gắng, quyết tâm. Có những thành quả đạt được sau rất nhiều thất bại, thậm chí phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt. Nếu coi thành quả của mình có được nhờ may mắn, nghĩa là đã xem nhẹ, thậm chí phủ nhận sự cố gắng của mình, từ đó đứng trước một mục tiêu mới ta sẽ quên đi việc phải làm gì, làm thế nào để đạt được thành quả, lại càng không có ý chí, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách để đạt thành quả tốt đẹp. |
2,0 | |
II | LÀM VĂN | 14,0 | |
1 | Viết bài văn (khoảng 400 chữ) để thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu | 4,0 | |
Yêu cầu chung | |||
– Câu hỏi hướng đến việc đánh giá năng lực, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản để bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình. – Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình, nhưng phải, phù hợp với đạo đức và pháp luật. |
|||
Yêu cầu cụ thể | |||
1. Giải thích – Vận may: điều tốt đẹp đến hoàn toàn ngẫu nhiên, bất ngờ – Vận may chỉ là khởi đầu: điều tốt đẹp chúng ta có được một cách tình cờ là điều kiện thuận lợi để từ đó ta đặt ra những mục tiêu mới và bắt đầu bước vào một hành trình mới để hướng tới thành quả lớn hơn. Vận may chỉ có ý nghĩa với những ai biết tận dụng nó. =>Mọi vận may chỉ là khởi đầu khẳng định vận may không thể là yếu tố quyết định, cũng không thể là cơ sở đánh giá sự thành công hay thất bại của một ai đó. |
0,5 | ||
2. Bàn luận Từ nhận thức và trải nghiệm của bản thân, thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ riêng để thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu. Tuy nhiên, dù suy nghĩ theo hướng nào cũng cần hướng đến việc làm rõ yêu cầu: Tại sao vận may chỉ là khởi đầu? Yếu tố quyết định đến thành công của mỗi người là gì? Điều gì mới làm nên sự phát triển vững bền cho một con người, một xã hội?… |
2,5 | ||
3. Bài học nhận thức và hành động Từ việc bàn luận về cách đón nhận vận may trong cuộc đời, thí sinh cần nêu được những định hướng trong nhận thức và hành động phù hợp, ý nghĩa cho bản thân. |
1,0 | ||
2 | Cảm nhậnbài thơ Nhànđể làm sáng tỏ ý kiến: Thơ vẫn là sự sống, nhưng đây là sự sống đọng lại, biến thành cái đẹp. | 10,0 | |
Yêu cầu chung | |||
– Câu hỏi hướng đến việc đánh giá năng lực viết bài văn NLVH, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương để làm bài. – Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng. |
|||
Yêu cầu cụ thể | 10,0 | ||
1. Giải thích ý kiến | 2,0 | ||
* Cắt nghĩa ý kiến – Thơ vẫn là sự sống: thơ là tiếng vọng của đời, mỗi trang thơ đều mang bóng dáng, hơi thở nồng nàn của cuộc sống. – Sự sống đọng lại: sự sống trong thơ không phải là “bản sao nguyên si” sự sống bên ngoài. Đó là cuộc sống được thanh lọc qua tư tưởng, tình cảm của nhà thơ. – Biến thành cái đẹp: cái đẹp trong thơ rất đa dạng, có thể là vẻ đẹp của một hình ảnh, vẻ đẹp của một nội dung tình cảm thẩm mĩ; song tất cả phải thấm nhuần trong vẻ đẹp của ngôn từ và các phương tiện nghệ thuật. Điều đó đòi hỏi tài năng của nhà thơ. => Ý kiến đề cập đến bản chất của thơ ca nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung. Cái đẹp trong thơ bắt rễ từ cuộc đời, từ chiều sâu của tâm hồn và tài năng sáng tạo của thi nhân. * Lí giải ý kiến – Sự sống và cái đẹp trong thơ có mối quan hệ biện chứng với nhau: Cái đẹp phải bắt nguồn từ sự sống và cảm xúc của thi nhân. Nói như R.Gamzatop “chỉ có niềm vui của chính anh, nỗi buồn trong chính trái tim anh mới khiến anh cầm bút”. Cái đẹp của nghệ thuật sẽ nâng sự sống lên tầm cao mới. – Khởi nguyên từ sự sống, qua sự rung động tâm hồn nhà thơ và thăng hoa trong cái đẹp của nghệ thuật, trở thành tiếng lòng chung, rung động lòng người. |
1,0 1,0 |
||
2. Cảm nhận bài thơ Nhànđể làm sáng tỏ ý kiến | 7,0 | ||
a. Giới thiệu tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và bài thơ Nhàn | 0,5 | ||
– Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491– 1595) là người có học vấn uyên thâm, trí tuệ hơn người, sáng suốt thông thái. Bao trùm thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm từ khi về trí sĩ ở quê nhà là cảm hứng thanh nhàn, tự tại, gắn bó với thiên nhiên, không bon chen phú quý. – Bài thơ Nhàn trích trong Bạch Vân quốc ngữ thi. Với lời thơ tự nhiên, giản dị, bài thơ Nhàn thể hiện một cách sâu sắc ý nghĩa triết lí về lối sống nhàn mà tác giả đã lựa chọn. Đó là quan niệm sống hoà hợp với thiên nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên danh lợi. |
|
||
b. Cảm nhận bài thơ Nhàn | 6,0 | ||
*Bài thơ Nhàn là cuộc sống đọng lại biến thành cái đẹp với lối sống nhàn được thể hiện xuyên suốt bài thơ, nổi bật là tâm trạng thảnh thơi, tự do lựa chọn cách sống cho mình- hòa mình với thiên nhiên. – Nguyễn Bỉnh Khiêm mở rộng tấm lòng, hòa mình với cuộc sống nơi thôn dã. Theo đó, cái “dại” của “ta” là cái “dại” của bậc đại trí, với trí tuệ lớn, thấu triệt lẽ thịnh suy, vong tồn của cuộc đời, sống thanh thản. Cho nên, nơi “ta” chọn là “nơi vắng vẻ”, nghĩa là nơi có thể tĩnh tại, sống an nhàn, không có tranh giành. Còn “người khôn” chọn “chốn lao xao”, nghĩa là nơi con người chen chúc, xô đẩy nhau để giành giật lợi danh, thì lại hoá ra “dại”. – Theo vòng quay bốn mùa quanh năm, việc “ăn”, “tắm” của “ta” thuận theo tự nhiên, hoà hợp với tự nhiên; đạm bạc, thanh bần nhưng thú vị. – Vẫn là những hình ảnh dân dã, đời thường, cuộc sống nơi thôn dã quê mùa chẳng những không gợi vẻ khắc khổ mà còn toát lên vẻ thanh cao. Thanh cao trong cách ăn uống sinh hoạt và cả trong niềm thích thú khi được hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên của một bậc danh nho đang muốn lánh đời. =>Xét trong hoàn cảnh cụ thể của nhà thơ, việc về nhàn là cách duy nhất để giữ trọn khí tiết, là nét đẹp của tâm hồn giữa cuộc sống tranh đua danh lợi. * Bài thơ Nhàn thể hiện sâu sắc quan niệm nhân sinh coi công danh phú quý tựa chiêm bao. Đó như là biểu hiện tập trung cho bản lĩnh cứng cỏi, nhân cách cao đẹp, gần gũi với nhân dân, được nhân dân tôn trọng của một người trí thức chân chính: Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống, Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao. – Mượn tích xưa, một người nằm ngủ dưới gốc cây hòe chiêm bao thấy mình được làm quan, giàu có, tỉnh dậy thấy vẫn nằm dưới cây hòe, mới biết chỉ là chiêm bao. Tác giả mượn tích xưa để bộc lộ thái độ xem thường phú quý công danh, qua đó khẳng định thêm một lần nữa sự lựa chọn phương châm sống, cách sống thực sự thoải mái về tinh thần cũng như thể xác. – Phú quý đi với chức quyền, đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cuộc sống của bọn người bạc ác thủ đoạn, giẫm đạp lên nhau mà sống. Bởi thế, có thể hiểu thái độ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao cũng là cách nhà thơ chọn lựa con đường sống gần gũi, chia sẻ với nhân dân. Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao của người bình dân đáng quý, đáng trọng vì đem lại sự thanh thản cũng như giữ cho nhân cách không bị hoen ố vẩn đục trong xã hội đương thời. Cội nguồn triết lí của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với quan niệm sống lành vững tốt đẹp của nhân dân. * Về mặt nghệ thuật, qua bài thơ Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa chữ Nôm trở thành ngôn ngữ nghệ thuật giàu sức biểu cảm. Tác giả đã thành công trong việc sử dụng nghệ thuật đối lập, ngôn từ giản dị nhưng không kém phần tinh tế, nhịp thơ linh hoạt. Ông cũng đưa vào thơ những hình ảnh dân dã, gần gũi, bình dị, rất đỗi Việt Nam như hình ảnh cuốc, cần câu, măng trúc, giá, … là những nét hiện thực dân dã mà văn chương trung đại thường kiêng kị. Đó chính là điểm mới, những cách tân về nghệ thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn. |
3,0 2,0 1,0 |
||
c. Đánh giá về bài thơ Nhàn | 0,5 | ||
– Thơ vẫn là sự sống, nhưng ở bài thơ Nhàn sự sống đọng lại, biến thành cái đẹp với lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hòa hợp với thiên nhiên, giữ được cốt cách thanh cao, khí tiết cương trực, vượt lên những danh lợi tầm thường, gắn bó với nhân dân. – Từ quan niệm sống nhàn, coi thường công danh phú quý, bài thơ thể hiện chân dung một con người giản dị, mộc mạc, một nhân cách cao quý, vẻ đẹp trí tuệ của một nhà nho ẩn dật- kiểu nhân vật trữ tình thường thấy trong văn học trung đại. Cả bài thơ toát lên một vẻ đẹp hoàn mỹ trong thế giới của tao nhân mặc khách, triết lý nhân sinh hướng tới việc thoát khỏi vòng luẩn quẩn trước những cám dỗ cuộc đời. |
|
||
3. Bình luận ý kiến | 1,0 | ||
– Văn chương phải gắn bó với đời sống và có những tác động tích cực đến đời sống con người và xã hội. Nghệ sĩ là người sáng tạo nghệ thuật chân chính, đem tài năng, tâm huyết, khát vọng trải nghiệm “cuộc sống” để sáng tạo ra cái đẹp, ra những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa. – Ý kiến đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác và định hướng đối với người tiếp nhận. Đối với người sáng tác cần phải “sống đã rồi hãy viết”, hiểu được giá trị cuộc sống để tạo nên những tác phẩm có giá trị chứa đựng tính nhân văn cao cả để góp phần “thanh lọc tâm hồn người đọc”. Đối với người tiếp nhận cần phải nhạy cảm với cuộc đời, nuôi dưỡng cho mình những tình cảm thẩm mĩ để cảm thụ và khám phá được những cái hay, cái đẹp của thơ văn. Ý kiến này và cách sống nhà của Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có ý nghĩa thời sự trong cuộc sống hiện nay. |
0,5 0,5 |
||
Điểm tổng cộng: 20,0 điểm |
Lưu ý chung:
- Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
- Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
- Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
- Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
- Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.