Như B.Shelly từng nói: “Thi sĩ là con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình”. Quả thật đúng như vậy, thơ có mặt ở trên đời cũng giống như người bạn, người tri âm đồng hành cùng chính cảm xúc chân thật nhất của con người. Một thi phẩm hay dù trong thời đại nào, giai đoạn nào nó cũng gắn mình trong một hình hài mới, hay hòa mình vào những dòng thơ khuôn mẫu niêm luật thì cũng đều mang những đặc sắc riêng cùng giá trị riêng. Đến với thơ Trung đại ta sẽ bắt gặp những dòng thơ hào sảng với niềm tự hào dân tộc, yêu đất nước, sẽ lắng đọng thưởng thức những cảnh thiên nhiên đất trời làng quê dân dã, sẽ cảm nhận rõ ràng tình yêu của người nghệ sĩ đối với nước non với người dân cùng khát vọng về một đất nước thịnh vượng, xã hội phồn vinh. Tất cả những vẻ đẹp này đều được gói gọn trong “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi – một thi phẩm trung đại có sức sống lâu bền.
Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà quân sự lỗi lạc, nhà văn, nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, và còn là nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba – một danh nhân văn hóa thế giới. Có thể nói, Nguyễn Trãi là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử dân tộc và thế giới một con người đã có cống hiến rất lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước ấy đã phải gánh chịu tai họa thảm khốc nhất lịch sử. Cuộc đời lắm gian truân, là người hiểu biết rộng, có sự tìm tòi về văn chương những điều này đã giúp Nguyễn Trãi trở thành một thi sĩ tài ba. “Cảnh ngày hè” là bài thơ được ông sáng tác vào thời gian về nghỉ ở Côn Sơn. Tại đây Nguyễn Trãi được hòa mình với vẻ đẹp của thiên nhiên và con người ở làng quê, sống một cuộc sống nhẹ nhàng bình dị, tạm thời xa lánh nơi kinh đô tấp nập ngựa xe, mệt mỏi vì những thủ đoạn chạy đua tiền bạc quyền thế. Trong những tháng ngày dài nhàn nhã “bất đắc dĩ” ấy, nhà thơ tận hưởng mọi khoảnh khắc yên bình của quê hương, kín đáo gửi những tâm tư của mình vào thơ ca, khát vọng về một đất nước bình yên, dân giàu, nước mạnh, tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước. Mở đầu bài thơ ta thấy một thi sĩ với một tâm thế thảnh thơi:
Rồi hóng mát thuở ngày trường
Một vị quan hằng ngày bận rộn với công việc triều chính, nay lại rảnh rỗi ngồi hóng mát phải chăng ông đã tạm gác việc triều chính, thế sự nhiễu nhương sang một bên, tạm lánh đục về trong, sống đời sống của một hiền nhân thanh cao không vướng bụi trần. Người nghệ sĩ với tâm hồn thư thái, thanh thản trong một dịp nhàn rỗi hiếm hoi đang hóng mát “ thuở ngày trường” – một ngày dài dằng dặc, thời gian như ngưng đọng. Ở đây ta có thể thấy rõ cách tân mới mẻ của Nguyễn Trãi khi câu thơ bảy chữ của thể thất ngôn bát cú nay lại chỉ còn sáu chữ. Nhịp thơ 1/2/3, chậm rãi phản ánh tư thế ung dung, tự tại vốn có của tác giả, nhàn nhã, như không vướng bận điều gì. Ông rất biết mà tận hưởng những ước nguyện của mình, ông ao ước được hòa mình cùng thiên nhiên, được sống trong khoảnh khắc bình dị, nhưng cũng thật trớ trêu thay, giữa lúc thế sự còn chưa yên, sau chiến tranh còn cần nhiều cải thiện, việc dân việc nước bời bời mà ông bị bắt buộc phải hóng mát hết ngày này qua ngày khác thì quả là trớ trêu. Bởi vậy, ông rơi vào cảnh thân nhàn mà tâm bất nhàn. Đằng sau câu thơ trên dường như thấp thoáng một nụ cười chua chát của Nguyễn Trãi trước tình cảnh trớ trêu ấy. Tiếp đó ở ba câu tiếp theo ta thấy một bức tranh quê hiện lên với nét tươi tắn, hài hòa:
Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
“Hòe lục”, “thạch lựu”, “hồng liên trì” đều là những hình ảnh đẹp đẽ, chúng đua nhau vươn lên khoe sắc, mọi vật như căng tràn sức sống. Trật tự thiên nhiên trải từ cao xuống thấp, điểm nhìn của thi sĩ cũng di chuyển từ tầng không, qua hiên nhà rồi xuống ao sen. Ở tầng nào của thiên nhiên, sức sống bên trong cảnh vật cũng như đang căng tràn. Tất cả là sự sống của thiên nhiên đang kì toàn thịnh. Ta thường thấy rằng thiên nhiên trong thơ cũ trung đại vẫn luôn gắn với hệ thống ước lệ tượng trưng gò bó, hình ảnh cũng chỉ gói gọn trong một phạm vi nhất định, nhà thơ đều phải bó mình vào những niêm luật hà khắc thế nhưng đến với Nguyễn Trãi trong “Cảnh ngày hè” ta thấy cũng là những hình ảnh quen thuộc của mùa hè nhưng cách nhà thơ viết về nó là cả những sự sống, sức sống dồi dào, sục sôi mạnh mẽ. Ta bắt gặp một hồn thơ Thơ trung đại đầy sáng tạo với những cách tân không chỉ về ngôn từ mà còn là nội dung, trong thơ của Nguyễn Trãi ta còn toàn cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên với những chuyển động mạnh khác với vẻ ưa cái tĩnh, thanh trong vị, đạm trong màu sắc trong lối thơ cũ. Nguyễn Trãi của nhiên phải là một hồn thơ vô cùng tinh tế với những tài năng sáng tạo của mình. Có được cảm quan đó, hẳn đấy phải là một tâm hồn yêu thiên nhiên, và rạo rực với niềm tin vào cuộc sống, vào dòng lưu chuyển đất trời. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi nhờ những chuyển động mạnh mẽ đầy nội lực ấy mà bớt đi vẻ đài các cao sang ước lệ của văn chương cổ điển, mà mang đậm hơi thở của cuộc sống. Bức tranh làng quê không chỉ dừng lại với những hình ảnh thiên nhiên mà dần xuất hiện hình ảnh của con người thân thuộc:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Với thủ thuật sử dụng phép đảo ngữ, đặt những âm thanh “ lao xao”, “ dắng dỏi” lên đầu mỗi câu tạo nên sự náo nhiệt của bức tranh ngày hè. Âm thanh rộn rã, tươi tắn cho ta thấy một đất nước đã trở nên phồn thịnh hơn. Vì sao lại nói như vậy? Đây chính là tiếng “Lao xao” tiếng trao qua đổi lại, ồn ã tiếng nói tiếng cười. Là tiếng lao xao của những người lao động cần cù chịu khó, cuộc sống của họ đang không ngừng phát triển. “Lao xao” cùng với tiếng ve kêu nhộn nhịp mà tươi vui. Tiếng ve lúc chiều tà như tiếng đàn rộn rã khiến tâm trạng nhà thơ cũng náo nức hẳn lên. Cùng với âm thanh của cuộc sống sung túc, đủ đầy là bản nhạc ve trong khoảnh khắc tịch dương. Lúc tịch dương, dù là miền sơn cước hay chốn chương đài người ta đều nghĩ đến không gian hiu quạnh cô tịch, sự sống đang dần tàn lụi. Nhưng, chiều “tịch dương” trong thơ Nguyễn Trãi không như vậy. Không gian hiu quạnh cô tịch đã bị xua tan bởi bản nhạc ve “dắng dỏi”. Tiếng ve inh ỏi như một bản đàn làm hoàng hôn cũng trở nên náo nhiệt. Ta thấy Nguyễn Trãi một con người có tình yêu cuộc sống, tình yêu con người đến nồng nàn mãnh liệt, khát khao giao cảm với thiên nhiên với cuộc đời đã gợi lên trong tác giả những cảm xúc cùng sự chân thành thật lòng nhất, một tâm hồn thiết tha cuộc sống.
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Người sử dụng điển tích đàn Ngu cầm của vua Nghiêu Thuấn, nói về hình ảnh đời sống của nhân dân an cư lạc nghiệp, đất nước yên bình. Nguyễn Trãi luôn đau đáu trong lòng một niềm mong mỏi sao cho dân chúng khắp nơi đều được giàu có, no đủ. Ẩn giấu đằng sau lời ước mong ấy là sự trách móc nhẹ nhàng mà nghiêm khắc bọn quyền thần tham bạo ở triều đình đương thời không còn nghĩ đến dân, đến nước. Theo ông, với cảnh nước non tươi đẹp cùng nhân dân chất phác, siêng năng, cuộc sống lẽ ra phải được trở lại ấm no, hạnh phúc từ lâu. Chính ước mơ ấy đã phần nào giúp ta hiểu hơn về tấm lòng Nguyễn Trãi, một nhà thơ vĩ đại có một tấm lòng nhân đạo cao cả. Ông luôn nghĩ đến cuộc sống của nhân dân, chăm lo đến cuộc sống của họ. Khát vọng thật cao đẹp nhưng còn đẹp hơn khi khát vọng ấy là ước mơ chung cho tất cả mọi người. Đó là ước mơ lớn, khát vọng lớn đẹp đẽ và thật đáng ngưỡng mộ.
Bài thơ đã dựng nên bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, đẹp đẽ, thơ mộng và khung cảnh của cuộc sống sinh hoạt bình an, yên ổn. Điều đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và khát vọng xã hội phồn vinh, nhân dân no đủ, đất nước thịnh vượng của người nghệ sĩ hết lòng vì nước, vì dân. Đồng thời, bài thơ cũng khắc họa tâm hồn và nhân cách cao thượng, tấm lòng yêu quê hương, yêu đất nước của Nguyễn Trãi. Ngay cả khi đang bị chèn ép, nghi ngờ, Nguyễn Trãi cũng vẫn lo lắng cho nhân dân, vẫn khao khát được cống hiến tài năng, công sức của mình cho dân, cho nước. Tác giả đã vận dụng một cách sáng tạo thể thơ Đường luật với sự đan xen của câu sáu chữ và câu bảy chữ. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, gần gũi với khẩu ngữ nhưng lại rất giàu cảm xúc và giàu sức gợi. Bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc trưng của văn học trung đại: Miêu tả thiên nhiên, đất trời và cảnh đời sống sinh hoạt của con người để qua đó bộc lộ một cách kín đáo tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của mình về con người, về cuôc đời.
“Cảnh ngày hè” đã trở thành thi phẩm nổi tiếng có sức hấp dẫn đến người đọc đến tận ngày nay. Đọc tác phẩm ta như cảm nhận rõ hơn về một tấm lòng yêu nước chân thành mãi khó phai của tác giả, càng sục sôi thêm ngọn lửa tình yêu tổ quốc đối với ta – những đọc giả. Bởi thế mới nói, Nguyễn Trãi thật đúng với danh vua Lê Thánh Tông đã t: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tâm Ức Trai sáng tựa sao khuê). (Kết)