Phân tích đoạn thơ sau: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc … Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Ôn tập về bài Tây Tiến, Quang Dũng, phần 6
Lưu ý : Bài ôn tập có nhiều phần, các em đọc những phần khác ở link này :
http://vanhay.edu.vn/tag/tay-tien
Đề 3: Phân tích đoạn thơ sau:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc … Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Yêu cầu của đề
Nội dung: Chân dung người lính Tây Tiến được hiện diện một cách rõ nét nhất với vẻ đẹp hào hoa, hào hùng, bi tráng trình bày theo các luận điểm:
+ Khái quát chung về bút pháp xây dựng hình tượng người lính của Quang Dũng
+ Bốn câu đầu: Vẻ đẹp hào hoa, hào húng, bi tráng của người lính Tây Tiến trong cuộc sống và chiến đấu
+ Bốn câu sau: Vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến trong chiến đấu và hi sinh
Nghệ thuật: Giọng điệu thơ trầm hùng, trang trọng, cảm xúc bi tráng..
Lâp dàn ý
Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm
Đoạn thơ “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc… Sông Mã gầm lên khúc độc hành” khắc hoạ chân dung người lính Tây Tiến với chất liệu ngôn từ nghệ thuật đậm chất hào hoa, bi tráng.
Thân bài
Luân điểm 1: Đôi nét về bút pháp xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến của Quang Dũng
Hình tượng người lính là hình tượng nổi bật của thơ ca kháng chiến chống Pháp, được các nhà thơ khắc hoạ với vẻ đẹp của tình yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm. Qua mỗi tác phẩm nghệ thuật với những cảm nhận khác nhau của các nhà thơ, chân dung người lính thời chống pháp lại hiện lên với những vẻ đẹp độc đáo và ấn tượng.
Chân dung người lính Tây Tiến thực ra ẩn hiện trong suốt bài thơ. Người lính Tây Tiến phần đông là trí thức Hà Thành nên mãng sẵn trong mình nét hào hoa, lãng mạn. Họ có nhiệm vụ với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp. Địa bàn hoạt động của những người lính Tây Tiến được trải rộng từ Mai Châu, Châu Mộc sang Sầm Nứa rồi vòng về phía tây Thanh Hoá. Trong tám câu thơ, Quang Dung đã miêu tả trực diện người lính của đoàn binh Tây Tiến từ diện diện mạo đến tâm hồn và khí phách, thái độ trước sự sống và cái chết. Dù ở thái cực nào thì chân dung người lính vẫn toát lên vẻ đẹp hào hoa bi tráng.
Nhà thơ Quang Dũng đa tinh lọc những nét tiêu biểu nhất của người lính Tây Tiến để tạo nên bức tượng đài tập thể, khái quát gương mặt chung của cả đoàn quân. Cái Bi và cái Hùng là hai chất liệu chủ yếu tạo nên vẻ đẹp bi tráng của bức tượng đài.
Luận điểm 2: Chân dung của người lính Tây Tiến trong cuộc sống chiến đấu gian khổ, thiếu thốn
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội
dáng kiều thơm
Chiến sĩ Tây Tiến hiện lên với diện mạo khác thường: Không mọc tóc, xanh màu lá. Hình ảnh không mọc tóc khắc hoạ nét dị thường của người lính. Các anh phải cạo trọc đầu để đánh giáp lá cà với giặc nhưng phần lớn là do căn bệnh sốt rét. Căn bệnh hiểm nghèo đã làm rụng tóc và cướp đi cả bao tính mạng. Sốt rét, thiếu ăn, hoàn cảnh sinh hoạt kham khổ nên những người lính da xanh vì ốm, vì thiếu máu. Đó là hiện thực nghiệt ngã và khốc liệt ở chiến trường nhưng dưới cái nhìn của người lính Tây Tiến, những khó khăn ấy được cảm nhận dưới con mắt đầy thi vị và lãng mạn. Dù không mọc tóc, dù quân xanh màu lá nhưng ở họ vẫn toát lên thần thái, khí phách: dữ oai hùm.
Ẩn sau cái vẻ ngoài mạnh mẽ, đầy khí phách là vẻ đẹp tâm hồn hào hoa, lãng mạn của những chàng trai Hà Thành:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
+ Ánh mắt trừng là cái nhìn thẳng, mạnh mẽ bộc lộ khát vọng chiến thắng. Trong ánh mắt có nét kiêu dũng, có sự oai phong lẫm liệt của người anh hùng thời loạn.
+ Ý chí mạnh mẽ nhưng tâm hồn lại mộng mơ, mơ về Hà Nội dáng kiều thơm. Hình ảnh thơ gợi lên liên tưởng thi vị, dáng kiều thơm vừa là cách nói ngợi ca vẻ đẹp thanh lịch, duyên dáng của Hà Nội cũng vừa là hình ảnh gợi nên cả vóc dáng, sắc hương của những thiếu nữ Hà Nội trong nỗi nhớ nhung của người lính xa nhà. (Câu thơ của Quang Dũng gợi nhớ tới những câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ
Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,
Không phân biêt lúc mài gươm múa bút.
Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực Còn yêu thương là chiến đấu không thôi Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.
Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,
Lòng ta say chiến trận đến thành thơ.)
Hai câu thơ đủ để tác giả khắc hoạ hai thế giới khác nhau: một thế giới của chí lớn, của mộng chiến trường nung nấu trong lòng người con trai thời loạn với một thế giới mộng mơ, lãng mạn và đa tình của những chàng trai trẻ hào hoa, thanh lịch. Sự song hành giữa ý chí và tâm hồn đã tạo nên vẻ đẹp của người chiến sĩ, nâng đỡ và giúp họ vượt qua khó khăn, gian khổ của chiến tranh. Quang Dũng đã diến tả rất tinh tế, biện chứng tâm hồn người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói riêng và người lính trong các cuộc chiến tranh li tán nói chung. Bởi trong các anh, ai ũng có một trái tim biết yêu tha thiết đất nước, quê hương, một trái tim biết căm thù quân xâm lược. thật đẹp, thật hào hùng và lãng mạn.
Luận điểm 3: Vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến trong chiến đấu và hi sinh:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Trong bài thơ, hơn một lần Quang Dũng nói về cái chết, sự hi sinh của                                      người linh
nhưng mỗi khi cảm hứng ấy xuất hiện thì ngay lập tức được nâng đỡ bằng đôi cánh lí tưởng đầy chất bay bổng. Người lính Tây Tiến ra đi vì nghĩa lớn, mộng chiến trường là khát vọng và lí tưởng bởi thế mà họ sẵn sàng dâng hiến phần đời xanh – quãng đời đẹp nhất của mình – cho đất nước. Hình ảnh những nấm mồ rải rác nơi biên cương xa xôi, lạnh lẽo, cô quạnh gợi cho người lính nỗi bi thương và xót xa. Cái chết của người lính trong thực tế ở chiến trường gian khổ được miêu tả ở nấm mồ đắp vội, thậm chí không có cả manh chiếu gói thân nhưng qua cái nhìn lãng mạn của nhà thơ, sự hi sinh của người lính giống như một hành trình trở về với đất mẹ và mãi bất tử trong lòng đất mẹ.
Hình tượng sông Mã trở lại đoạn này thật bi tráng: Sông Mã gầmlên khúc độc hành.
Dòng sông được diễn tả ở thể động, nó gầm lên giống như một con chiến mã trung thành, đau thương khi chứng kiến cái chết của người lính. Dòng sông như một khúc tráng ca đưa người lính về với đất, với cõi vĩnh hằng. Trong âm hưởng dữ dội, hào hùng của thiên nhiên ấy, cái chết của người lính không bi luỵ mà thấm đẫm chất anh hùng của thời đại. Những từ Hán Việt: biên cương, viễn xứ, độc hành… mang sắc thái cổ kính, trang trọng như xoa dịu đi nỗi đau mất mát và nỗi bi thương để tạo nên không khí bi tráng cho cả khổ thơ.
Kết bài
Đoạn thơ là bức tượng đài thi ca về người lính bất tử. Hình ảnh người lính trong cõi sống và cả cõi chết đều bi tráng, lãng mạn, hào hùng. Giọng điệu đoạn thơ trang trọng, thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội. Bài thơ được xem như một kiệt tác, nó ra đời và lưu truyền rộng rãi trong quân đội và những người yêu thơ suốt hơn nửa thế kỉ quá, ghi lại chăng đường anh hùng của một đơn vị anh hùng và cũng là tinh thần chung của quân và dân ra trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm :những đề thi về bài Tây tiến – Quang Dũng :http://vanhay.edu.vn/tag/tay-tien

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *