Đề tham khảo số 06:
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI (LỚP 11 THPT)
MÔN: NGỮ VĂN
(Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề)
Đề ra:
Câu 1. (8 điểm):
Anh/Chị hãy viết bài văn – bàn luận về câu nói của Giêm A-len: “Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn cho tâm hồn và là đạo diễn cho cuộc đời họ”.
Câu 2. (12 điểm):
Đọc văn bản thơ: Vội vàng (Xuân Diệu)
Tặng Vũ Đình Liên
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần trăng mật(1);
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh(2) này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân(3).
***
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn(4),
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại(5).
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
***
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục, 2007, trang 22-23 )
Anh/Chị hãy phân tích, đánh giá nét đặc sắc về “cấu tứ” và hình ảnh, cùng với sự vận động của “tứ thơ” trong bài thơ Vội vàng – Xuân Diệu.
*Chú thích:
(1) Tuần tháng mật (hay tuần trăng mật): theo phong tục châu Âu, 30 ngày sau lễ kết hôn gọi là tháng mật của vợ chồng. Ở câu thơ này, cụm từ tuần tháng mật còn có nghĩa: mùa xuân hoa nở nhiều, ong bướm đi hút nhụy hoa để lấy mật. Cả hai nghĩa đều nói lên ý vui sống mãnh liệt. (2) Yến anh: chim yến anh, con trống con mái luôn quấn quýt nhau, thường được so sánh với sự thắm thiết trong tình yêu nam nữ, vợ chồng. (3) Hoài xuân: nhớ tiếc mùa xuân. (4) Tuần hoàn: theo thứ tự mà xoay vần. Ở đây ý nói mùa xuân vẫn trở đi trở lại. (5) Trong bản in lần đầu, câu thơ này là “Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại!”. Ở đây ghi theo câu thơ tác giả đã sửa lại. *Vài nét về tác giả Xuân Diệu: Ngô Xuân Diệu (2 tháng 2 năm 1916 — 18 tháng 12 năm 1985), là nhà thơ, nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn và nhà phê bình văn học. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX. Được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, Xuân Diệu nổi tiếng với tập Thơ thơ (1938), thể hiện một tiếng nói riêng biệt chịu ảnh hưởng văn hoá phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Ông là một trong những người đầu tiên áp dụng thủ pháp thơ phương Tây như enjambment vào thơ Việt Nam. |
——-Hết———
ĐÁP ÁN – HƯỚNG DẪN CHUNG:
Giám khảo chấm cần lưu ý những điểm sau đây:
Đáp án và thang điểm chỉ là những gợi ý định hướng cho việc đánh giá, cho điểm bài làm của học sinh. Khi chấm cần có sự linh họat.
Chấm kỹ lưỡng và chính xác. Khuyến khích cho điểm cao những bài viết có cách tư duy độc đáo, hình thức sáng tạo; suy nghĩ sâu sắc; cảm thụ tinh tế; văn viết giản dị, trong sáng, giàu cảm xúc; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, ý tứ mạch lạc; làm bật được yêu cầu của đề.
Bài thi được chấm theo thang điểm 20; làm tròn số tới 0,50 điểm .
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 1:
Về kĩ năng:
Thí sinh biết làm bài văn nghị luận xã hội theo đúng yêu cầu của đề bài: lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, mạch lạc, diễn đạt tốt, dẫn chứng có sức thuyết phục. Không mắc các loại lỗi như: chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Về kiến thức:
Học sinh có thể bày tỏ quan điểm của mình theo những cách khác nhau nhưng cần rõ ràng , hợp lý, chặt chẽ và thuyết phục. Về cơ bản, cần đạt được một số ý chính sau:
Giải thích:
*Chính họ là người làm vườn cho tâm hồn: cách diễn đạt giàu hình ảnh về khả năng tự giáo dục, là trách nhiệm của mỗi người đối với quá trình hình thành, hoàn thiện nhân cách bản thân.
*Chính họ là đạo diễn cho cuộc đời họ: cách nói hàm súc về khả năng làm chủ cuộc đời của mỗi cá nhân.
*Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy chính họ…: khẳng định mỗi con người đều có khả năng tự nhận thức, tự giáo dục bản thân.
*Câu nói giúp mỗi người nhận ra được chính mình (Ta là ai? Ta đang ở đâu? Ta cần đi đến đâu?). Làm thế nào để thành công, hạnh phúc; nhưng không làm phương hại đến người khác, cộng đồng. Mỗi người sẽ tự quyết định nhân cách và cuộc đời mình.
Bàn luận:
Câu nói trên đúng nhưng chưa đủ vì: cuộc đời, quá trình hình thành nhân cách của mỗi người không chỉ chịu tác động của nhiều yếu tố chủ quan: (vốn sống, sự hiểu biết, bản lĩnh, nghị lực, ước mơ, khát vọng, niềm đam mê, năng lực tự nhận thức, tự giáo dục… Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng có tính quyết định) mà còn chịu tác động không kém phần quan trọng của những yếu tố khách quan: gia đình, nhà trường, xã hội…
*Để trở thành người làm vườn, là đạo diễn của tâm hồn, của cuộc đời mình, mỗi cá nhân cần:
Nhận thức đúng và trúng về chính mình (điều này không phải dễ).
Chủ động trang bị cho mình những hành trang cần thiết:
Hoạch định, phác thảo những việc cần làm.
Tự bồi dưỡng kiến thức, phẩm chất, năng lực cho bản thân.
*Khi làm chủ được cuộc đời mình, con người ta dễ dàng hòa nhập và đứng vững trên đường đời để đi đến thành công…
Bài học đích đáng cho bản thân.
Thang điểm:
Điểm 8: Đáp ứng tốt nội dung trên, có nhiều sáng tạo trong cấu trúc bài, có hiểu biết sâu sắc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ thấu đáo, cách bày tỏ chân thành, có cảm xúc.
Điểm 6: Đáp ứng khá tốt nội dung trên, có sự hiểu biết và lập luận thuyết phục, lí lẽ đúng đắn, diễn đạt có cảm xúc, mắc một vài lỗi không đáng kể.
Điểm 4: Đáp ứng cơ bản yêu cầu trên, có thể thiếu ý hoặc một vài chỗ chưa hoàn thiện.
Điểm 2: Bài sơ sài, thiếu nhiều ý, lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi các loại.
Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 2:
Yêu cầu về kĩ năng:
Bài viết có kết cấu chặt chẽ, kiến thức phong phú, chính xác, diễn đạt mạch lạc, có chất văn, không mắc lỗi về câu, từ, chính tả.
Biết cách phân tích, đánh giá nét đặc sắc về “cấu tứ” và hình ảnh, cùng với sự vận động của “tứ thơ” trong một bài thơ cụ thể. Đồng thời hiểu được đặc trưng về thể loại và phong cách nghệ thuật của nhà thơ; Từ đó có thể so sánh với đặc trưng của loại thể khác trong thơ nói riêng và trong văn học nghệ thuật nói chung.
Có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, bài văn giàu sức thuyết phục.
So sánh với văn bản khác cùng đề tài; liên hệ với cảm xúc của bản thân và độc giả nói chung; vận dụng kiến thức lí luận văn học để đánh giá, làm nổi bật vấn đề cần nghị luận.
Yêu cầu về kiến thức:
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu về vấn đề nghị luận: phân tích đánh giá ba phương diện chủ yếu: cấu tứ và hình ảnh, cùng với sự vận động của tứ thơ – bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu) của bài thơ. Sau đây là một hướng gợi ý:
* Cảm xúc chủ đạo (được thể hiện qua nhan đề của bài thơ và khổ thơ đề từ): Xuân Diệu – nhà thơ của khát vọng giao cảm với đời sống, sống cuống quýt, hối hả, vội vàng. Không gian là mảnh vườn tình ái “thắm sắc đượm hương”, thời gian tuyến tính “một đi không trở lại” – chính vì thế, con người phải nhận ra những giá trị về sự sống: yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời như là tình tự với thiên nhiên, ái ân với cuộc sống…
– Cấu tứ:
+ Thể thơ: Xuân Diệu chọn thể thơ tự do để dễ dàng biểu đạt tất cả những sắc thái, cung bậc tâm trạng về “mùa Xuân – nàng Xuân của cuộc đời”.
+ Kết cấu – bố cục: thứ tự từng khổ thơ, tác giả đã để cho mạch cảm xúc tuôn ra một cách tự nhiên nhất; lúc ào ạt – trào dâng, lúc êm đềm – khẽ khàng, … như không hề có sự xếp đặt của lí trí.
– Hệ thống hình ảnh:
+ Hình ảnh thực: (được cảm nhận bằng thị giác và xúc giác, …….): (…): tạo nên tính chân thật, gần gũi và rất đời thường.
+ Hình ảnh tượng trưng: (…): tạo nên tính thẫm mĩ cao, giàu chất thơ; và đây cũng chính là “ý” và “tứ” được mở ra một cách hợp lí và tự nhiên nhất.
– Sự vận động của tứ thơ: ý thơ, tứ thơ theo “mạch chảy cảm xúc của tâm trạng” cứ thế mà dạt dào, …. Tuy vậy, Xuân Diệu rất khéo léo đã đặt để “điểm rơi” rất đúng chỗ và hợp lí vô cùng – nghĩa là: giữa ngôn ngữ của cảm xúc và lí trí được nương dựa vào nhau, bổ trợ nhau. Để rồi, tác giả tinh đọng lại thành triết lí về sự trôi chảy của thời gian:
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Và:
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại(5).
Sau đó kết lại:
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
– Nhận xét, đánh giá về hình tượng thơ: nhân vật trữ tình với (tác giả – xưng “Tôi” đã thể hiện sự cuồng nhiệt, si mê và nồng nàn như thế – chỉ duy nhất có ở Xuân Diệu. Và đây cũng chính là tư tưởng then chốt của bài thơ.
* Đặc sắc về đặc trưng thể loại – thơ trữ tình: ngôn từ độc đáo, các biện pháp tu từ mới mẻ; nghệ thuật gieo vần, cách ngắt nhịp và giọng điệu, ….. vừa nhẹ nhàng, sâu lắng, thiết tha, tinh tế, vừa mang cái gấp gáp vội vàng của hơi thở nồng đượm tình yêu cuộc sống… tất cả mang đậm dấu ấn Xuân Diệu.
Thang điểm:
Điểm 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
Điểm 10: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ không đángkể.
Điểm 8: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu, có thể có một vài chỗ chưa hoàn thiện.
Điểm 6: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu, có thể thiếu ý hoặc mắc một số lỗi.
Điểm 4: Bài sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc quá nhiều lỗi như chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 2: Bài viết quá sơ sài, có quá nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết triển khai vấn đề.
Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
Lưu ý: Giám khảo tránh đếm ý cho điểm, phải – vừa có điểm nhìn cụ thể vừa có điểm nhìn khái quát toàn bộ bài viết – trong chỉnh thể mà cho điểm.