Văn học lãng mạn thường sử dụng thủ pháp tương phản đối lập; thích phóng đại, khoa trương

Ôn luyện HSG lớp 11

Nhận xét về trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam có ý kiến cho rằng: “Văn học lãng mạn thường sử dụng thủ pháp tương phản đối lập; thích phóng đại, khoa trương; sử dụng ngôn ngữ tân kỳ, giàu sức biểu hiện cảm xúc.”

Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Văn học là nơi in bóng rõ nét cuộc đời và con người. Đời người đa dạng bao nhiêu, văn chương cũng phong phú bấy nhiêu. Bởi vậy mà trong quá trình vận động và phát triển của văn học, nó cũng tách mình ra thành nhiều trào lưu, trường phái, thể loại khác nhau như bàn tay có ngón dài ngón ngắn, cuộc sống có muôn hình muôn vẻ. Không có gì đa dạng và phong phú hơn văn chương nghệ thuật. Nhận xét về trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam có ý kiến cho rằng: “Văn học lãng mạn thường sử dụng thủ pháp tương phản đối lập; thích phóng đại, khoa trương; sử dụng ngôn ngữ tân kỳ, giàu sức biểu hiện cảm xúc.”

Chủ nghĩa lãng mạn là một trong những trào lưu lớn nhất ở Âu-Mĩ vào cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19. “Lãng mạn” là thuật ngữ chỉ một trào lưu văn học đối lập với trào lưu cổ điển chủ nghĩa ở Việt Nam, trào lưu văn học lãng mạn xuất hiện vào đầu những năm ba mươi của thế kỉ

  1. “Tương phản đối lập”, “phóng đại”, “khoa trương”, “ngôn ngữ tân kỳ giàu sức biểu hiện cảm xúc” là một loạt những đặc điểm thi pháp của văn học lãng mạn nói chung và của văn học lãng mạn Việt Nam nói riêng. Như vậy, ý kiến trên đã đề cập đến đặc trưng của văn học lãng mạn Việt Nam 1930-1945. Văn học lãng mạn sử dụng thủ pháp tương phản đối lập, cường điệu hóa dễ làm nổi bật cái bản chất lí tưởng của đối tượng mà nó hướng tới, đồng thời ngôn ngữ của văn học lãng mạn cũng rất mới mẻ, trẻ trung, thể hiện đa dạng các cung bậc cảm xúc của con người.

Những năm đầu thế kỉ 20, sự xuất hiện của những giai tầng mới trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản, đã đem đến những tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ mới. Cùng với sự giao lưu văn hóa Đông Tây, cụ thể là sự tiếp xúc với văn học Pháp đã làm cho chủ nghĩa lãng mạn hình thành ở Việt Nam. Văn học lãng mạn ra đời, phủ định hoàn toàn những quan niệm, tư tưởng, tình cảm và cách thể hiện của nền văn học cũ. Văn học trung đại là nền văn học của cái ta chung, là văn chương giáo huấn, tải đạo, nói chí và bị gò ép, trong một hình thức biểu hiện mang đậm tính ước lệ, quy phạm chặt chẽ. Vì thế, nó không thể hòa nhập, không đáp ứng được những nhu cầu thẩm mỹ và tình cảm của con người trong cuộc sống mới. Vì thế, trào lưu văn học lãng mạn ra đời đã đáp ứng được nhu cầu khẳng định và phát triển ý thức cá nhân của con người đồng thời phản ánh tâm trạng chung là nỗi buồn, cô đơn, thái độ bất hòa, phản kháng với thực tại của con người bấy giờ và thể hiện khát vọng, mong muốn cải tạo xã hội, đổi mới nhân loại. Phản ánh những tình cảm cá nhân riêng tư và đa dạng như thế, văn học lãng mạn đòi hỏi những phương

 

thức biểu hiện mới. Thủ pháp “tương phản đối lập” và lối “cường điệu, khoa trương” giúp cho những nhà văn lãng mạn diễn tả được những lí tưởng cao cả (thậm chí không tưởng) của mình về một thế giới trong mơ tưởng, đồng thời giúp họ phủ nhận thực tại tầm thường, đen tối trong xã hội bấy giờ. Văn học lãng mạn cũng đề cao ý thức phát triển của cái “tôi” cá nhân, cho nên ngôn ngữ rất tân kỳ, giàu cảm xúc, diễn tả đa dạng các cung bậc tình cảm và mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ. Hai hiện trượng nổi bật của trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam là tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ Mới. Tính chất lãng mạn của những tác phẩm thời kì này được biểu hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

“Văn học lãng mạn không quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới như nó có thể và phải là” (Arixtot). Bất hòa với thực tại, vươn tới những lí tưởng cao xa văn học lãng mạn “thường sử dụng thủ pháp tương phản đối lập, thích phóng đại, khoa trương.” Đề cao chủ nghĩa, cái tôi cá nhân, văn học lãng mạn “sử dụng ngôn ngữ tân kỳ, giàu sức biểu hiện cảm xúc.” Qua truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, ta sẽ thấy rõ điều này. Trước hết, có thể thấy rằng, “Chữ người tử tù” đã thể hiện khát khao, sự trân quý cái đẹp của Nguyễn Tuân. Cùng với đó, nhà văn cũng thể hiện thái độ bất hòa với thực tại thông qua việc đi tìm và diễn tả cái đẹp ở trong quá khứ , cái đẹp “vang bóng một thời.” Ông hướng đến một vẻ đẹp hoàn toàn lí tưởng, hiếm có trong thực tại, cho nên trong “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân sử dụng triệt để thủ pháp tương phản đối lập cùng lối văn cường điệu, khoa trương. Điều đó kết tinh trong cảnh cho chữ giữa Huấn Cao và quản ngục, một cảnh mà Nguyễn Tuân tự cho rằng đó là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có.” Thủ pháp tương phản đối lập được nhà văn sử dụng khi miêu tả không gian và thời gian. Chúng ta đều biết rằng: chơi chữ là một thú chơi thanh cao và tao nhã, nó thường diễn ra ở các thư phòng nhưng ở đây lại diễn ra ở phòng giam. Đó là một nơi tăm tối , là nơi ngự trị của cái ác, cái xấu xa. Nhà văn miêu tả căn phòng nơi Huấn Cao cho chữ: tối, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Có lẽ ta chẳng thể tìm ở đâu một cảnh cho chữ lạ đời như trong trang văn Nguyễn Tuân. Cả thời gian cũng thế. Việc cho chữ không diễn ra lúc thanh thiên bạch nhật mà lại vào canh ba lúc đêm khuya, trong những giây phút cuối đời của người cho chữ. Cả không gian và thời gian đều tăm tối. Tương phản với cái tăm tối, bẩn thỉu ấy là ánh sang, ánh sáng rực rỡ của bó đuốc, màu trắng tinh của tấm lụa, là mùi thơm từ chậu mực bốc lên. Và sự tương phản lớn nhất là giữa không gian ngục tù lại là sự sáng tạo ra cái đẹp của nghệ thuật, của tài năng và khí phách, thiên lương. Miêu tả mọi thứ trong sự tương phản như thế, có lẽ Nguyễn Tuân đã thành công trong việc lí tưởng hóa nhân vật cũng như cảnh vật trong tác phẩm của mình. Ở đó cũng có sự tương phản của con người: Huấn Cao- người tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng- là người không có quyền lực gì- lại là người đang tung hoành, ung dung sáng tạo ra cái đẹp. Trong khi đó, quản ngục- là người đại diện cho triều đình- có quyền uy hơn Huấn Cao- lại là người nhận chữ, tiếp nhận cái đẹp trong tư thế khúm núm, run rẩy. Sự tương phản đối lập đến gay gắt này đã góp phần tô đậm thêm vẻ đẹp lí tưởng của hai nhân vật, đồng thời thể hiện sự trân trọng, đề cao cái đẹp phi thường của Nguyễn Tuân. Cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” là một trang văn đặc sắc hiếm có trong văn học Việt Nam.

 

Say mê cái đẹp trong quá khứ vì không tìm thấy cái đẹp ở thực tại, Nguyễn Tuân đã lí tưởng hóa nhân vật Huấn Cao và nhân vật quản ngục bằng lối viết phóng đại, khoa trương. Nếu như lối phóng đại trong văn học hiện thực nhằm mục đích tô đậm cái lố bịch, xấu xa của xã hội, gây nên tiếng cười trào phúng đả kích như trong trang văn của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng thì ở “Chữ người tử tù”, sự khoa trương , phóng đại đã giúp Nguyễn Tuân tô đậm hơn vẻ đẹp lí tưởng, phi thường của Huấn Cao, của quản ngục. Ta chẳng thể nào tìm thấy ở đâu một nhân vật tử tù phản nghịch triều đình lại có vẻ đẹp tài năng, khí phách, thiên lương đến mức hoàn hảo như Huấn Cao. Không chỉ có cái tài viết chữ đẹp- một cái tài hiếm hoi của những bậc tao nhân, tài hoa Huấn Cao còn có vẻ đẹp của khí phách anh hung chi tiết ông “lạnh lung, chúc mũi gông nặng, khom lung thúc mạnh đầu thang gông” làm bung ra một trận mưa rệp đã lột tả hết khí phách của Huấn Cao. Bị giam cầm và phải sống trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Huấn Cao vẫn không hề mảy may hay run sợ, vẫn khiến cho người khác phải nể phục, hả hê ca ngợi tài viết chữ và vượt ngục của ông. Và cũng chẳng ở đâu ta tìm được một nhân vật tử tù có thiên lương trong sáng như vậy! Sauk hi hiểu được sở nguyện của quản ngục, Huấn Cao đã cho không quản ngục chữ của mình, và khuyên ông ta về quê ở, thoát khỏi chốn ngục tù tăm tối, gian ác này. Chi tiết ấy chứng tỏ Huấn Cao là người trọng cái đẹp, cái thiện, luôn có ý thức giữ cho thiên lương của mình được trong sáng. Vẻ đẹp của Huấn Cao là một vẻ đẹp đạt đến độ lí tưởng, hoàn hảo.

“Chữ người tử tù” cũng sử dụng ngôn ngữ tân kỳ, giàu sức biểu đạt và mang đậm cá tính của Nguyễn Tuân. Đó là thứ ngôn ngữ vừa trang trọng vừa hiện đại, vừa cổ kính lại vừa mới mẻ. Cách dựng cảnh dựng người của Nguyễn Tuân rất tài hoa, phù hợp với không khí thiêng liêng, trang trọng của truyện.

Qua “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, ta thấy rất rõ đặc trưng thi pháp của văn học lãng mạn. Vận dụng những thi pháp ấy một cách tài hoa, sáng tạo, Nguyễn Tuân đã tạo cho mình một màu sắc riêng không thể trộn lẫn với bất kì nhà văn nào.

Văn học lãng mạn là văn học của cái “tôi” cá nhân. Ở đó, các nhà văn, nhà thơ say mê bộc lộ những cảm xúc riêng tư đa dạng trong tâm hồn mình. Nhờ bút pháp tương phản, lối nói khoa trương và ngôn ngữ tân kỳ, các tác giả đã diễn tả rất thành công những cung bậc cảm xúc đấy. Tiếp xúc với bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu, người đọc một lần nữa thấm thía hơn điều này. Bài thơ thể hiện cảm xúc yêu đời, yêu cuộc sống một cách tha thiết, mãnh liệt của Xuân Diệu, đồng thời bộc lộ cái nhìn đầy mới mẻ về thời gian của nhà thơ. Qua đó, ông gửi gắm một triết lý sống đầy ý nghĩa. Diễn tả cảm xúc yêu đời, yêu cuộc sống trong thơ văn lãng mạn không phải là hiếm, nhưng yêu đến vồ vập, si mê thì chỉ có Xuân Diệu mới diễn tả thành công. Trong lúc các thi sĩ Thơ Mới đua nhau tìm cách trốn chạy khỏi chợ đời kịch đời, người thoát lên tiên, người tìm về quá khứ thì Xuân Diệu lại bám rễ nơi trần gian loạn lạc này và tìm thấy vẻ đẹp ở ngay trước mắt. Thể hiện tình yêu của mình với cuộc sống, Xuân Diệu đã sử dụng thủ pháp tương phản đối lập để diễn tả hai trạng thái yêu khác nhau, khi thì vui vẻ, say mê, khi thì bâng khuâng, tiếc nuối trước sự trôi chảy của dòng đời. Trước hết là sự sôi nổi, cuồng nhiệt trong bức tranh thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống:

 

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật Này đây hoa của đồng nội xanh rĩ Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si Và này đây ánh sáng chớp hàng mi Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa

Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần.”

Điệp từ “Này đây” khiến cho bức tranh thiên nhiên như đang trải ra trước mắt người đọc. Ở đó, mọi vật đều được miêu tả ở độ căng tràn nhất, giàu sức sống nhất. Được nhìn qua lăng kính của tình ái, chúng dường như còn nhuộm màu của tình yêu, cho nên có đôi có cặp, quân quit bên nhau. Qua bức tranh thiên nhiên vui tươi căng tràn nhựa sống này, Xuân Diệu đã thể hiện được niềm yêu cuộc sống một cách mãnh liệt. Có lẽ chỉ có người yêu đời một cách thiết tha mới có thể tìm thấy vẻ đẹp nơi thế gian loạn lạc như ông hoàng thơ tình!

Bên cạnh bức tranh thiên nhiên vui tươi, căng tràn sức sống, cựa quậy khác xa với cái vẻ tĩnh lặng, sang trọng trong thơ trung đại, Xuân Diệu còn thể hiện sự tiếc nuối của mình với sự trôi chảy của thời gian thông qua bức tranh thiên nhiên thắm đượm nỗi buồn của một kẻ luôn ám ảnh về thời gian:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ trật Không cho dài thời trẻ của nhân gian Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.”

Một loạt câu thơ với cấu trúc A nghĩa là B cho thấy quan niệm riêng của Xuân Diệu về thời gian. Nếu như các nhà thơ trung đại quan niệm thời gian là tuần hoàn chu kỳ thì với Xuân Diệu, thời gian là tuyến tính, một đi sẽ không bao giờ trở lại. Đây là cảm xúc rất riêng của một cái “tôi” trong văn học lãng mạn. Đối lập hoàn toàn với bức tranh mùa xuân vui tươi, bức tranh thiên nhiên ở đây đượm buồn thấm thía về sự chảy trôi của thời gian, của đời người. Với việc sử dụng

 

thủ pháp tương phản đối lập như thế, Xuân Diệu đã diễn tả thành công những tình cảm riêng tư mới mẻ của mình.

Ngôn ngữ của văn học lãng mạn cũng thoát khỏi sự quy phạm, ước lệ của thơ cũ mà trở nên tân kỳ giàu sức biểu cảm. Ngôn ngữ trong “Vội vàng”là minh chứng tiêu biểu cho điều đó. Trong bài thơ Xuân Diệu sử dụng thể thơ tự do với câu thơ vắt dòng và nhiều liên từ, hư từ. Đối với thơ trung đại, có lẽ đây là điều tối kị bởi nó trọng tính hàm xúc, cô đọng. Ở đây, câu thơ của Xuân Diệu co duỗi nhịp nhàng, dài ngắn khác nhau theo từng lớp, phù hợp với việc diễn tả những cảm xúc đa dạng, mãnh liệt. Bên cạnh đó, nhà thơ đã sử dụng phép so sánh một cách sáng tạo. Ông lấy con người “làm chuẩn mực cho thiên nhiên. Đây cũng là một sự phá cách, bởi thơ trung đại thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho con người. Giọng thơ Xuân Diệu thì sôi nổi, gấp gáp chứ không mang sắc thái trung hòa như trong thơ cũ.

Có thể nói, ý kiến trên đã gọi tên chính xác đặc trưng thi pháp của văn học lãng mạn Việt Nam. Qua ý kiến, người đọc hiểu hơn về trào lưu lãng mạnh nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Nó đã đặt ra kim chỉ nam cho người cầm bút, đặc biệt là những người chuộng trào lưu lãng mạn. Đồng thơi qua ý kiến, người đọc có cho mình hướng tiếp nhận một tác phẩm lãng mạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *