ĐỀ KIỂM TRA HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG
Năm học: 2023 – 2024
Môn: NGỮ VĂN – Lớp: 11
Thời gian làm bài: 150 phút (Không kể thời gian phát đề)
ĐỌC HIỂU (8.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
VỘI VÀNG
(Xuân Diệu)
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt….
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Theo Thơ thơ, NXB Đời nay, Hà Nội, 1938)
Chú thích
Xuân Diệu (1916 – 1985), còn có bút danh là Trảo Nha, tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, quê ở làng Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Xuân Diệu được mệnh danh là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm hứng mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ, cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của mùa xuân, của tình yêu và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết.
Xuân Diệu là cây bút có sức sáng tạo mãnh liệt, dồi dào, bền bỉ, có đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực của văn học Việt nam hiện đại. Ông xứng đáng với danh hiệu một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn.
Vội vàng được in trong tập Thơ thơ, là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.
Trả lời các câu hỏi/thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Chỉ ra từ ngữ, hình ảnh miêu tả mùa xuân trong đoạn thơ:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Câu 3. Nêu tác dụng của các từ láy được sử dụng trong các câu thơ:
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của tác giả gửi gắm trong câu thơ: “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”
Câu 5. Bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về giá trị của thời gian?
Câu 6. Quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu trong bài thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về quan niệm sống vội, sống gấp của một bộ phận giới trẻ hiện nay? Trả lời trong một đoạn văn khoảng từ 7 đến 10 dòng.
- VIẾT(12điểm)
Câu 1( 5.0 điểm)
Từ bài thơ Vội vàng của tác giả Xuân Diệu, anh chị hãy kết nối với cuộc sống và viết bài văn nghị luận về: Tinh thần lạc quan của con người trong cuộc sống
Câu 2 (7.0 điểm):
Nhà văn I.X Tuốc- ghê- nhép cho rằng: Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác.( Dẫn theo Khrapchenco. Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học. Nhà xuất bản tác phẩm mới, 1978).
Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ cái giọng riêng biệt của Xuân Diệu qua bài thơ “ Vội vàng”.
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 8,0 | |
1 | Thể thơ tự do
Hướng dẫn chấm: – Thí sinh trả lời như đáp án: 1.0 điểm. – Thí sinh trả lời không đúng: không cho điểm. |
1.0 | |
2 | Từ ngữ, hình ảnh miêu tả mùa xuân trong đoạn thơ: ong bướm, tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, yến anh, khúc tình si.
Hướng dẫn chấm: – Thí sinh trả lời được 5 đến 6 từ trong đáp án: 1.0 điểm. – Thí sinh trả lời được 3 đến 4 từ trong đáp án: 0,5 điểm. – Thí sinh trả lời không đúng: không cho điểm. |
1.0 | |
3 | Các từ láy trong đoạn thơ: chếnh choáng, đã đầy, no nê.
Tác dụng: + Diễn tả những trạng thái hưởng thụ thỏa thuê, cực tả cảm giác tận hưởng tới mãn nguyện của thi nhân. +Tạo nhịp điệu, làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho câu thơ Hướng dẫn chấm: – Thí sinh trả lời như đáp án: 1,5 điểm. – Thí sinh chỉ nêu được tác dụng mà không chỉ ra các từ láy: 1,0 điểm – Thí sinh chỉ nêu được tác dụng về mặt nội dung: 0,5 điểm. – Thí sinh chỉ nêu các từ láy hoặc tác dụng về mặt hình thức: 0,5 điểm. – Thí sinh trả lời không đúng: không cho điểm. |
1,5 | |
4 | Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của tác giả gửi gắm trong câu thơ: “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”
Thí sinh bộc lộ quan điểm cá nhân, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật, lí giải thuyết phục. Có thể theo hướng: – Bày tỏ quan điểm: đồng tình/ không đồng tình/ không hoàn toàn đồng tình. – Lí giải: + Đồng tình: thời gian là một dòng chảy trôi tuyến tính, một đi không trở lại, mỗi phút trôi qua là mất đi vĩnh viễn. Bởi vậy mỗi người cần phải khẩn trương, tích cực, tăng cường độ sống để tận hưởng trọn vẹn cuộc sống. + Không đồng tình: trong nhịp sống hối hả, xô bồ, đôi khi con người cần lắng lòng, “sống chậm” để tận hưởng và hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống. + Không hoàn toàn đồng tình: cần lí giải kết hợp cả 2 nội dung trên Hướng dẫn chấm: – Thí sinh nêu được quan điểm và lí giải thuyết phục: 1,5 điểm. – Thí sinh chỉ nêu quan điểm, không lí giải: 0,5 điểm. – Thí sinh không nêu quan điểm nhưng lí giải thuyết phục: 0,5 điểm – Thí sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: không cho điểm. |
1,5 | |
5 | Suy nghĩ về giá trị của thời gian:
Thí sinh có thể đưa ra nhiều giải pháp khác nhau nhưng cần đảm bảo tính thuyết phục, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là gợi ý: – Thời gian vận hành theo quy luật của tự nhiên khách quan, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. – Thời gian cho ta tất cả nhưng cũng lấy đi của ta tất cả. ® Vì vậy, chúng ta cần biết quý trọng thời gian, sống trọn vẹn và có ý nghĩa trong từng khoảnh khắc. Hướng dẫn chấm: – Thí sinh bày tỏ được suy nghĩ một cách hợp lí và thuyết phục: 1,5 điểm. – Thí sinh trả lời chung chung không rõ ý: 0,5 điểm. – Thí sinh không trả lời hoặc trả lời không đúng: không cho điểm. |
1,5 | |
6 | Quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu trong bài thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về quan niệm sống vội, sống gấp của một bộ phận giới trẻ hiện nay? Trả lời trong một đoạn văn khoảng từ 7 đến 10 dòng.
Thí sinh có thể đưa ra quan điểm khác nhau nhưng cần đảm bảo tính thuyết phục, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là gợi ý: – Quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu: sống mãnh liệt, sống hết mình, quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời, nhất là những tháng năm tuổi trẻ để tận hưởng trọn vẹn cuộc sống. – Quan niệm sống vội, sống gấp của tuổi trẻ: sống bồng bột, hấp tấp, buông thả, chỉ thích hưởng thụ cuộc sống; dễ đánh mất mình, có thể để lại những hậu quả đáng tiếc, gây bất ổn xã hội… ® Quan niệm sống sai lầm, ích kỉ, đáng bị lên án. Hướng dẫn chấm: – Thí sinh nêu được quan điểm đúng đắn, thuyết phục, lập luận chặt chẽ, diễn đạt tốt: 1,5 điểm. – Thí sinh nêu quan điểm chưa rõ ràng, lập luận chưa chặt chẽ, diễn đạt chưa mạch lạc: 0,5 điểm. – Thí sinh không trả lời: không cho điểm. |
1,5 | |
II/ | LÀM VĂN | 12,0 | |
1 | Từ bài thơ Vội vàng của tác giả Xuân Diệu, anh chị hãy kết nối với cuộc sống và viết bài văn nghị luận về: Tinh thần lạc quan của con người trong cuộc sống | 5.0 | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề. | 0.5
|
||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tinh thần lạc quan của con người trong cuộc sống | 0.5 | ||
c.Triển khai vấn đề nghị luận:
* Giới thiệu được vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề nghị luận. “Lạc quan là niềm tin dẫn tới thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin” (Heler Keller). Thật vậy, nếu bạn tin tưởng vào bản thân, lạc quan yêu cuộc sống của mình, thì mọi điều trước mắt bạn đều có thể giải quyết được. Lạc quan sẽ giúp bạn có một cuộc sống ý nghĩa, tươi vui và hạnh phúc. * Triển khai vấn đề cần nghị luận: – Giải thích: Lạc quan là luôn hướng về những điều tốt đẹp, thấy được những tia hy vọng trong khổ đau, nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực – Bày tỏ quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau: + Tinh thần lạc quan sẽ giúp chúng ta có được niềm vui, sự phấn chấn, động lực để cố gắng hơn. + Người có tinh thần lạc quan sẽ nhận được niềm tin yêu, tôn trọng từ những người xung quanh. + Sống lạc quan giúp ta tìm thấy những cơ hội tốt đẹp trong cuộc sống, từ đó khẳng định được giá trị của bản thân. + Tinh thần sống lạc quan góp phần lớn vào xây dựng đời sống văn minh, tốt đẹp hơn. … – Lấy được dẫn chứng và phân tích dẫn chứng: Nick Vujic sinh ra đã khiếm khuyết tứ chi, bằng cái nhìn lạc quan về tương lai, Nick đã nỗ lực không ngừng để sinh hoạt, vận động và vui chơi như những người bình thường. Và rồi, anh thành công với nguyện vọng của mình. Giờ đây, anh đã trở thành một diễn giả có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, ngày ngày truyền cảm hứng, giúp nhiều người nhận ra những bài học tốt đẹp trong cuộc đời. Như vậy, Nick đã tự viết nên câu chuyện cổ tích của đời mình bằng chính tâm hồn chân thành cùng lối sống tích cực, không cam chịu trước nghịch cảnh. – Mở rộng, bày tỏ quan điểm trái chiều: Tuy nhiên, bên cạnh những người lạc quan, yêu đời vẫn có những hay bi quan, chán nản vừa thất bại, gặp khó khăn, bất hạnh đã vội đánh mất sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Những người như vậy đáng bị xã hội lên án, phê phán. * Khẳng định lại quan điểm cá nhân và rút ra bài học cho bản thân. |
3.0 | ||
d.Chính tả , ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. | 0.5 | ||
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0.5 | ||
Gợi ý về thang điểm:
– Điểm 3,5 – 4,0: Viết đoạn văn có sức thuyết phục cao, ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, biết chọn lựa, khai thác dẫn chứng phù hợp. Diễn đạt tốt. Có giọng điệu riêng. – Điểm 2,75 – 3,25: Viết đoạn văn có sức thuyết phục, biết cách lập luận để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo về ý. Diễn đạt rõ ràng. – Điểm 2,0 – 2,5: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn, triển khai được vấn đề nghị luận nhưng ý còn hạn chế hoặc lập luận chưa thực sự thuyết phục. Còn có một vài lỗi nhỏ trong diễn đạt, chính tả. – Điểm 0,25 – 1,75: Viết đoạn văn còn nhiều hạn chế về ý tứ, về lập luận, về diễn đạt, chính tả. – Điểm 0: Làm sai hoặc không làm. |
|||
2 | Bình luận ý kiến của nhà văn I.X Tuốc- ghê- nhép và làm sáng tỏ cái giọng riêng biệt của Xuân Diệu qua bài thơ “ Vội vàng”. | 7,0
|
|
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Bài viết đầy đủ 3 phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài. Mở bài dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề. Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề. Kết bài khái quát được vấn đề | 0,5 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bình luận ý kiến của Tuốc- ghê- nhép và làm sáng tỏ cái giọng riêng biệt của Xuân Diệu qua bài thơ “Vội Vàng”. | 0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ gữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
|
|||
1. Giới thiệu vấn đề
– Nhà văn I.X Tuốc- ghê- nhép cho rằng: Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác. – Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Qua sáng tác của mình, ông đã in được dấu vào nền văn học với một giọng riêng biệt, độc đáo hiếm thấy. |
0,5 | ||
2. Giải thích ý kiến
– Tài năng văn học: Khả năng văn học, sự giỏi giang, điêu luyện của người nghệ sĩ ngôn từ trong sáng tạo nghệ thuật. Tài năng văn học còn là cách nói hoán dụ để chỉ những nhà văn nhà thơ có tài. – Tiếng nói của mình, cái giọng riêng biệt của chính mình : Là cách diễn đạt, cách thể hiện độc đáo của một cá nhân về vấn đề nào đó. – Không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác: Duy nhất, không thể có người thứ hai giống mình. => Nhận định là cách nói hình ảnh có tính chất đúc kết về cái quan trọng của những tài năng văn học lớn. Đó là: Một nghệ sĩ có tài phải là người có phong cách riêng độc đáo, không lẫn với bất cứ ai, không giống với bất cứ người nào. |
1,0 | ||
3. Bình luận ý kiến
– Phong cách nghệ thuật của nghệ sĩ là một cái gì đó bền vững, xuyên suốt, lặp đi lặp lại trong các sáng tác trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Nói cách khác phong cách là biểu hiện tài nghệ của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ chưa từng có về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân người sáng tạo. – Phong cách nghệ thuật biểu hiện ở cái nhìn có tính chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt, ở hệ thống hình tượng, ở các phương diện nghệ thuật… – Điều quan trọng trong tài năng của người nghệ sĩ là cái riêng biệt, độc đáo mà không ai có thể bắt chước, làm theo. Đây vừa là yêu cầu, vừa là tiêu chuẩn để đánh giá vị trí của nghệ sĩ ấy trên văn đàn. Cái riêng ấy sẽ giúp họ ghi được dấu ấn trên nền văn học, được người đọc yêu mến, tôn vinh. |
1,0 | ||
4. Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu để làm rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của ông.
* Thơ Xuân Diệu thể hiện đầy đủ nhất cho ý thức cá nhân của cái tôi thơ mới nhưng đồng thời cũng mang đậm bản sắc riêng của cái tôi trong thơ Xuân Diệu. Đó là cái tôi tích cực, mãnh liệt, lúc nào cũng thèm yêu, khát sống, khát khao tận hưởng, cống hiến ngay trên thiên đường trần thế này. Cái tôi mang giọng điệu vồ vập, vội vàng, cuống quýt…Dù khi vui hay khi buồn đều nồng nàn, tha thiết. * Cái nhìn của Xuân Diệu là cái nhìn tình tứ nên thiên nhiên luôn hiện ra với vẻ đẹp xuân tình. * Thơ Xuân Diệu tiêu biểu cho tinh thần lãng mạn. Mỗi tiếng thơ như một cơn lũ cảm xúc tuôn chảy, câu nọ gọi câu kia, hình ảnh này gọi hình ảnh kia trong một hơi thơ dồi dào, lôi cuốn. * Mỗi thi phẩm của Xuân Diệu đều có một cấu tứ khá chặt chẽ, không chỉ phơi trải tình cảm một cách đơn thuần, thi sĩ còn đưa ra những quan niệm, những triết lí về tình yêu, tuổi trẻ, hạnh phúc, thời gian… *Xuân Diệu có những nỗ lực, có những cách tân thơ tiếng Việt bằng sự bền bỉ học hỏi và vận dụng cấu trúc thơ phương Tây, sáng tạo những điệu nói, những cách nói mới, phát huy được triệt để các giác quan trong cảm nhận |
2,0 | ||
5. Đánh giá | 0,5 | ||
– Phong cách độc đáo chính là yếu tố quyết định tài năng và sức sống của tác phẩm văn học.
– Nhận định là bài học cho người cầm bút và người tiếp nhận – Xuân Diệu đã khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn bởi giọng điệu riêng biệt của chính mình mà không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác. |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt | 0,5 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ | 0,5 | ||
Gợi ý về thang điểm:
– Điểm 5,0 – 7,0: Bài làm có sức thuyết phục cao, ý tứ phong phú, sâu sắc, lập luận chặt chẽ, biết chọn lựa, khai thác dẫn chứng phù hợp, biết liên hệ, so sánh, mở rộng. Diễn đạt tốt, có giọng điệu riêng. – Điểm 4,0 – 5,75: Bài viết có sức thuyết phục, làm sáng tỏ được vấn đề, đảm bảo về ý, lập luận khá chặt chẽ. Diễn đạt rõ ràng. – Điểm 3,0 – 3,75: Đảm bảo bố cục bài văn, triển khai vấn đề nghị luận nhưng ý còn hạn chế hoặc lập luận chưa thực sự thuyết phục. Còn có một vài lỗi nhỏ trong diễn đạt. – Điểm 2,0 – 2,75: Bài làm còn nhiều hạn chế về ý, về lập luận, về diễn đạt. – Điểm 0,25 – 1,75: Bài làm còn mắc quá nhiều lỗi về kiến thức, về kĩ năng, không hoàn chỉnh. – Điểm 0: Làm sai hoàn toàn hoặc không làm bài. |
|||
ĐIỂM TOÀN BÀI THI I + II = 20,0 điểm |