Đọc hiểu văn bản Mùa còng – Hồ Văn

 

________________

ĐỀ CHÍNH THỨC

 (Đề gồm có 02  trang)

KIỂM TRA GIỮA KỲ II NĂM HỌC 2023- 2024

Môn: NGỮ VĂN 11

Ngày kiểm tra: 15/3/2024

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

I. ĐỌC (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Tháng ba. Mùa xoài. Mùa bông gòn bung trắng. Mùa cắm trại, thả diều, bắt dế. Mùa lo toan của những cô cậu học trò cuối cấp. Mùa kì lạ khiến người ta cứ hút, cứ cuốn xoáy vào nỗi nhớ về những trò chơi của tuổi thơ, kí ức một thời. Ngẩn ngơ với mùa hoa còng[1] tít tắt trong tàn lá xanh mơn nhú chồi, đâm lộc sau trận mưa đầu mùa.

[…] Đi lụm mấy trái còng rụng đầy trước sân trường, cặp hai bờ con rạch Cái Tôm, Cái Da, Cái Tắc,… rồi mang dìa đập ra lấy hột rang chín hông thua gì hạt hướng dương, hạt đậu nành, hạnh nhân, hạt dưa… dành để ăn trong ba ngày tết.

Rang[2] hột còng phải điệu nghệ. Rang sống sống ăn nhiều bị say máu ngà. Rang chín quá nó nổ lách tách ăn không có béo và đen thui ăn nghe đăng đắng. Rang làm sao vừa đủ độ giòn, vừa lên màu, cho thêm tí muối cục mằn mặn, tỏa mùi thơm phức. Dập lửa, hạ chảo xuống liền.

Để cho hột còng nguồi nguội rồi lấy lá chuối gói lại. Nhà thằng nào tri thức một chút thì lấy giấy nhựt trình[3]. Hoặc mẹ của nó có bầu sắp sanh, mua sẵn giấy lót đít cho em bé sơ sinh. Dùng mấy thứ đó lợi hại lắm nhe. Thân thiện môi trường. Gặp nước tan ra, quăng vô bụi cây đống rác vài ngày sau là hóa thành phân bón […]

Cây còng còn gọi là me tây, muồng tím bông nở kép từng chùm trắng đỏ, tím hồng, rung rinh trong gió bão nắng mưa tuyệt đẹp. Tán lá còng rộng, che bóng mát cả một không gian minh mông. Trong mỗi góc phố, khúc đường, sân trường đều hiện diện bóng dáng của nó. […]

Đứa học trò của tôi mới học cấp ba đã ra đời sớm. Như bông còng mới nhú he hé đón gió sương đã rụng cành mà chưa tỏa hương, kết trái. Kinh Bảy Thước đất Tháp quê người uốn éo quặn mình trôi về phương trời vô định. Nước sông đục ngầu. Hàng còng hai bên đường lặng thinh, đứng gió. Hình như đâu đó phảng phất một mùi hương. Tôi chắc chắn đó không phải là mùi còng. Dẫu bây giờ đang độ tháng ba. Tháng ba sương khói mùa hoa nhớ. Không biết bây giờ hàng còng trước sân trường xưa, một trời kí ức của tôi có còn chăng? Mấy cây còng trước lăng Cụ[4], chỗ cổng chào, ngay dãy Út Phố…lô nhô, trập trùng, đùn đùn tán lá rợp giương.

Mấy chục năm xa quê rồi còng ơi. Nhớ. Bất chợt chiều nay mưa đầu mùa thì phải. Có giọt giọt lạc loài rơi ướt nhòe trên má của kẻ li hương.

(Mùa còng – Hồ Văn, nguồn: tác giả cung cấp)

Trả lời các câu hỏi/Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định đề tài của văn bản trên.

Câu 2. Chi tiết nào báo hiệu mùa còng đã đến?

Câu 3. Theo tác giả, rang hột còng như thế nào là điệu nghệ?

Câu 4. Việc tác giả nhắc lại hình ảnh những cây còng ở một số địa điểm cụ thể (hai bên đường; trước sân trường xưa, trước lăng Cụ, chỗ cổng chào, ngay dãy Út Phố…) trong đoạn cuối có ý nghĩa gì?

Câu 5. Trong văn bản có hai phương diện đáng chú ý: những thông tin khách quan về mùa còng và cảm xúc của tác giả về mùa còng. Theo bạn, sự kết hợp giữa hai yếu tố này có tác dụng gì?

Câu 6. Thông qua văn bản, bạn hiểu được cái tôi trữ tình của tác giả như thế nào?

Câu 7. Nội dung của văn bản đã giúp bạn hiểu như thế nào về vai trò của kí ức tuổi trẻ đối với cuộc sống của mỗi con người ?

Câu 8. Nếu được phép đưa ra ý kiến đánh giá về ý nghĩa hay giá trị của văn bản. Bạn sẽ đánh giá về điều gì? Hãy thể hiện quan điểm đó trong đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng.

II. VIẾT (4,0 điểm)

Bằng những trải nghiệm thực tế đời sống hoặc qua tiếp xúc với sách báo và các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy có nhiều sự vật, hiện tượng từng gây chú ý trong xã hội, như : một lễ hội văn hoá của quê hương; một hoạt động thiện nguyện của giới trẻ; hiện tượng sống ảo; hiện tượng “đu trend” (đú trend); tôn thờ thần tượng một cách thái quá; bạo lực học đường; học sinh hút thuốc lá

Bạn hãy viết một văn bản để thuyết minh về một trong các hiện tượng nêu trên.

HẾT.

 

 

________________

 

 (HDC gồm có 04  trang)

KIỂM TRA GIỮA KỲ II NĂM HỌC 2023- 2024

Môn: NGỮ VĂN 11

Ngày kiểm tra: 15/3/2024

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

  1. Hướng dẫn chung

1) Nếu học sinh làm bài không theo cách nêu trong đáp án nhưng đúng, chính xác, chặt chẽ thì cho đủ số điểm của câu đó.

2) Việc chi tiết hóa (nếu có) thang điểm trong hướng dẫn chấm phải bảo đảm không làm sai lệch hướng dẫn chấm và phải được thống nhất thực hiện trong tổ chấm.

  1. Đáp án và thang điểm
Câu Nội dung Điểm
I. ĐỌC 6,0
1 Đề tài: Vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương đất nước (mùa còng trong kí ức tuổi trẻ).

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng theo đáp án thì chấm 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời thì chấm 0,0 điểm

0,5
2 Chi tiết báo hiệu mùa còng: hoa còng tít tắt trong tàn lá xanh mơn nhú chồi, đâm lộc sau trận mưa đầu mùa.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng theo đáp án thì chấm 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời thì chấm 0,0 điểm.

0,5
3 Rang hột còng điệu nghệ: rang không để sống sống, cũng không chín quá mà phải rang làm sao vừa đủ độ dòn, vừa lên màu, cho thêm tí muối cục mằn mặn, toả mùi thơm phức.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng theo đáp án thì chấm 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời thì chấm 0,0 điểm.

0,5
4 Việc tác giả nhắc lại hình ảnh những cây còng ở một số địa điểm cụ thể trong đoạn cuối có ý nghĩa:

– Khơi gợi lại hình ảnh cây còng xưa gắn liền với một trời kí ức của tác giả;

– Bộc lộ niềm thiết tha, tiếc nuối vì không biết có còn hình bóng những cây còng xưa.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng như đáp án thì chấm 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời đúng 01 trong 02 ý thì chấm 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sơ sài hoặc còn chung chung thì chấm 0,25-0,75 điểm.

– Học sinh không trả lời thì chấm 0,0 điểm.

1,0
5 Sự kết hợp giữa yếu tố thông tin khách quan về mùa còng và cảm xúc của tác giả về mùa còng:

– Giúp người đọc có những thông tin chân thực, khách quan về đặc điểm của mùa còng.

– Giúp tác giả bộc lộ sâu sắc cái tôi trữ tình, thể hiện rõ tư tưởng tác phẩm.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng như đáp án thì chấm 1,0 điểm

– Học sinh trả lời đúng 01 trong 02 ý thì chấm 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời thì chấm 0,0 điểm

1,0
6 Cái tôi trữ tình của tác giả:

– Một tâm hồn tinh tế, dễ rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hoá xứ sở;

– Một người đa cảm, đa sầu và nặng lòng với những kí ức xưa.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án thì chấm 1,0 điểm

– Học sinh trả lời đúng 01 trong 02 ý thì chấm 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời thì chấm 0,0 điểm

1,0
7 Học sinh trình bày cách hiểu của bản thân về vai trò của kí ức tuổi trẻ theo cách riêng, song phải phù hợp với nội dung tư tưởng của đoạn trích và mang tính đạo đức, thẩm mĩ. Sau đây là những gợi ý:

– Kí ức tuổi thơ mang lại những kỷ niệm ngọt ngào, đong đầy ý nghĩa và vun đắp nuôi dưỡng tâm hồn cho mỗi người.

– Kí ức tuổi trẻ có tác động đến tính cách và lối sống của con người khi trưởng thành.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh nêu được từ 02 ý về vai trò, rõ ràng thuyết phục: 1,0 điểm.

– Học sinh nêu chung chung, chưa thuyết phục: 0,5 – 0,75 điểm.

– Học sinh không trả lời hoặc lạc đề: 0,0 điểm.

1,0
8 Học sinh có thể đánh giá ý nghĩa hoặc giá trị của đoạn trích. Sau đây là những gợi ý:

– Đánh giá được ý nghĩa hay giá trị của đoạn trích trong việc hình thành một trong những tình cảm đẹp trong người đọc: tình yêu quê hương, trân trọng kí ức tuổi trẻ, biết trăn trở trước những biến đổi của cuộc sống.

– Đánh giá được giá trị về mặt nghệ thuật: chi tiết tiêu biểu, kết hợp yếu tố tự sự và chất trữ tình, giọng điệu…

Hướng dẫn chấm:

– Về hình thức (0,25 điểm):

+ Viết đúng 01 đoạn văn: 0,25 điểm

+ Viết hơn 1 đoạn văn: 0,0 điểm.

– Về nội dung (0,25 điểm):

+ Trình bày được một ý trong các gợi ý, rõ ràng, hợp lí, thuyết phục: 0,25 điểm.

+ Trình bày mơ hồ, chung chung hoặc lạc đề: 0,0 điểm.

0,5
II VIẾT  
Bằng những trải nghiệm thực tế đời sống hoặc qua tiếp xúc với sách báo và các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy có nhiều sự vật, hiện tượng từng gây chú ý trong xã hội, như : một lễ hội văn hoá của quê hương; một hoạt động thiện nguyện của giới trẻ; hiện tượng sống ảo; hiện tượng “đu trend” (đú trend); tôn thờ thần tượng một cách thái quá; bạo lực học đường; học sinh hút thuốc lá

Bạn hãy viết một văn bản để thuyết minh về một trong các hiện tượng nêu trên.

4,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội (chọn một trong các hiện tượng được nêu ra trong đề). 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

– Giới thiệu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nêu rõ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng.

– Thuyết minh về thực chất của hiện tượng (khái niệm, biểu hiện…)

– Thuyết minh cung cấp những thông tin cơ bản:

+ nguyên nhân/nguồn gốc của sự vật, hiện tượng;

+ những mặt tác động (tích cực/tiêu cực) hoặc ý nghĩa của sự vật, hiện tượng đối với cá nhân mỗi người và đời sống xã hội nói chung;

+ những giái pháp (hạn chế/phát huy);

– Rút ra ý nghĩa của việc nhận thức đúng đắn về sự vật, hiện tượng được thuyết minh.

2,5
d. Chính tả, ngữ pháp:

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5

(hay còn gọi là muồng tím, muồng ngủ, me tây): là cây gỗ lớn nhiều nhánh. Giống cây này sống lâu năm và có vẻ ngoài khá đẹp mắt, sum sê với tán lá bao trùm, hoa màu hồng hoặc tím nhạt rất đẹp và thơm.

[2] Rang: làm cho chín bằng cách đảo đi đảo lại trong chảo nóng và khô.

[3] Giấy nhựt trình (giấy nhật trình): Giấy báo, báo cũ, dùng để bao gói đồ vật.

[4] Lăng Cụ: Khu lăng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, toạ lạc tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

1 bình luận trong “Đọc hiểu văn bản Mùa còng – Hồ Văn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *