Đọc hiểu Trên miền Bắc mùa xuân, Tố Hữu

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II – LỚP 11

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm):

 Đọc đoạn trích:

 

( 1) Tôi đi dưới nắng trưa
Mùa xuân ấm áp
Nghe hơi thở của đồng quê mập mạp
Bãi phù sa xanh mượt ngô non
Những đàn trâu Việt Bắc béo tròn
Đủng đỉnh về xuôi quê hương mới lạ.
Rực rỡ những làng vàng tươi mái rạ
Gạch mới nung, đá trắng chất bên đường
Khói lò bay quanh những phố phường
Sắt sáng chói những bể dầu xưởng máy
Và trường học đã mọc lên từng dãy…

(2) Sướng vui thay, miền Bắc của ta!
Cuộc sống tưng bừng đổi sắc thay da.
Ta nghe rõ: Mỗi giờ mỗi phút
Cả đất nước ta tiến lên vùn vụt
Như cỗ xe trăm mã lực khổng lồ
Mà bàn tay thần diệu của Bác Hồ
Cầm chắc lái, bay trên đường vạn dặm
Đường gai góc đang nở đầy hoa thắm
…(5/2/1956)

(Trích “Trên miền Bắc mùa xuân”, Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1981)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích.

Câu 2: Đề tài của đoạn trích trên là gì?

Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ sau:

  Cả đất nước ta tiến lên vùn vụt
Như cỗ xe trăm mã lực khổng lồ

Câu 4: Anh/ chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong đoạn trích?

Câu 5: So sánh hình ảnh quê hương, đất nước trong khổ thơ thứ nhất (1) với hình ảnh quê hương, đất nước trong đoạn thơ sau:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang

Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa trăm ngả

Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu?

(Trích Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm)

  1. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm):

Lau chung tình cùng gió, nô giỡn, cợt cười cùng gió. Lau chờ gió để được tung bờm. Lau nương gió để cùng khiêu vũ. Đứng rủ bờm trong sương sớm, nhưng một khi nắng lên, gió dậy là nó lại tung những chỏm bờm ánh bạc, rúng động, náo nức như muốn tung mình tề phi cùng gió. Chỉ mình nó nô giỡn với lãng quên, làm cho lãng quên đỡ phần cô tịch…

(Trích Phận hoa bên lề, tập tùy bút Tự tình cùng cái đẹp, Chu Văn Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2019)

Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ nhận xét về vẻ đẹp của ngôn ngữ tuỳ bút trong đoạn trích trên.

Câu 2. (4,0 điểm): Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng  “miệt thị ngoại hình” trên mạng xã hội

 ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
  I   ĐỌC HIỂU 4,0
1 Nhân vật trữ tình: “tôi” 0,5
2 Đề tài: quê hương, đất nước 0,5
3 – Biện pháp tu từ so sánh: Hình ảnh “Cả đất nước ta tiến lên vùn vụt” như “cỗ xe trăm mã lực khổng lồ”

– Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sức mạnh, sự phát triển và vươn lên kì diệu của đất nước

+Thể hiện niềm vui phơi phới, niềm tự hào lớn lao của nhà thơ về đất nước.

+ Làm đoạn thơ giàu hình ảnh, tăng tính gợi hình, biểu cảm

1,0
4 Nhận xét tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong đoạn trích:

-Tình cảm của tác giả: Tình yêu, sự gắn bó với quê hương, đất nước thể hiện qua những cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp, sự thay đổi của thiên nhiên và cuộc sống con người khi đất nước vào xuân; niềm vui, tự hào và niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.

– Nhận xét tình cảm của tác giả: Có thể theo hướng: chân thành, xúc động/ đẹp đẽ, đáng trân trọng…

1,0
5 – Hình ảnh quê hương, đất nước trong khổ (1) của đoạn trích trên được miêu tả qua những từ ngữ: mùa xuân ấm áp, đồng quê mập mạp, xanh mượt ngô non, đàn trâu… béo tròn, vàng tươi mái rạ…; còn hình ảnh quê hương đất nước trong đoạn thơ của Hoàng Cầm được miêu tả qua những từ ngữ: khủng khiếp, ngùn ngụt lửa hung tàn, ruộng…khô, nhà …cháy, chó ngộ…

– Như vậy, hình ảnh quê hương, đất nước trong đoạn thơ Tố Hữu tràn đầy sức sống mới của những ngày độc lập, tự do, đang vươn mình lớn mạnh trong công cuộc xây dựng CNXH. Ngược lại,  ảnh quê hương, đất nước trong khổ thơ Hoàng Cầm đau thương, bị tàn phá do chiến tranh.

1,0

 

II   PHẦN VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn khoảng 200 chữ nhận xét về vẻ đẹp của ngôn ngữ tuỳ bút trong đoạn trích của Chu Văn Sơn. 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

 

0,25

 

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:  nhận xét về vẻ đẹp của ngôn ngữ tuỳ bút trong đoạn trích. 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

+ Ngôn ngữ tinh tế, sống động.

+ Ngôn ngữ giàu hình ảnh, đậm chất trữ tình, sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật.

+ Ngôn ngữ khúc chiết, chỉn chu, chải chuốt từng câu, nắn nót từng chữ…

+ Đánh giá: việc sử dụng ngôn ngữ độc đáo, sáng tạo giúp  nhà văn biểu đạt cái hồn của cảnh vật, làm chủ ngòi bút, giọng văn mình, tạo nên kênh ngôn ngữ riêng, phong cách riêng trong những trang văn sống động, chân thực và đầy màu sắc.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5

 

 

 

 

 

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: vẻ đẹp ngôn ngữ tùy bút của Chu Văn Sơn.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5

 

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo:  Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,25
  2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng  “miệt thị ngoại hình” trên mạng xã hội. 4,0
    a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội 0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:  suy nghĩ về hiện tượng  “miệt thị ngoại hình” trên mạng xã hội. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết, sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích vấn đề nghị luận: “Miệt thị ngoại hình” hay “body shaming” là hiện tượng nhiều người dùng mạng xã hội để lại những bình luận khiếm nhã nhằm đả kích, chê bai ngoại hình người khác. Có nhiều loại miệt thị cơ thể như miệt thị thân hình, miệt thị làn da, miệt thị màu da… Trường hợp phổ biến có thể kể là sự chế giễu vì cân nặng như bị chê mập, béo phì. Nữ giới thường là đối tượng bị miệt thị ngoại hình nhiều nhất.

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Thực trạng của vấn nạn miệt thị ngoại hình trên thế giới và ở Việt Nam: ngày càng lan rộng, trở thành vấn đề nhức nhối. Những người nổi tiếng, nữ giới là nạn nhân chính của hiện tượng này

+ Vấn nạn này xuất hiện từ nhiều nguyên nhân: Do cách sống vị kỉ, thiếu sự đồng cảm sẽ chia. Mạng xã hội ngày càng phát triển tạo nên hiệu ứng đám đông cũng là một nguyên nhân chính đến tình trạng ngày

+ Vấn nạn này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:

Thứ nhất, việc miệt thị ngoại hình người khác tạo cho người bị miệt thị bị cảm xúc hoang mang, tiêu cực, tổn thương về tinh thần, nạn nhân có thể trở lên tự ti, trầm cảm. hạn chế tiếp xúc với các mối quan hệ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của họ. Không những vậy nhiều người bị miệt thị có thể có thể tìm đến biện pháp phản khoa học để đưa thân hình của mình về các chỉ số theo chuẩn số đông khiến ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thể chất của họ.

Thứ 2, người đi miệt thị người khác sẽ bị xử lý về pháp luật tùy theo mức độ hậu quả của sự miệt thị.

Thứ 3, body shaming còn góp phần hình thành lối sống không đẹp trong đời sống xã hội: lối sống kì thị, hẹp hòi, không có sự đồng cảm trong xã hội.

– Nêu dẫn chứng minh họa

– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện: Những lời bình luận, những bài viết có tính chất miệt thị ngoại hình trên mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả của nó gây ra lại là thật và vô cùng nghiêm trọng, đôi khi không lường trước hết được. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì nhân phẩm của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ nên bất kì ai cũng không có quyền làm ảnh hưởng xấu đến nhân phẩm của người khác

–  Đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp:

+ Nạn nhân của sự miệt thị ngoại hình: bình tĩnh đón nhận những lời miệt thị, lấy đó làm động lực cho sự thay đổi, luôn tự tin, yêu chính bản thân mình

+ Mạng xã hội cần sàng lọc hiện tượng này, tuyên truyền những hoạt động tích cực trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, xây dựng các hội nhóm để bảo vệ những người là nạn nhân của nạn miệt thị ngoại hình

+ Pháp luật cần có chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để vấn nạn này

+ Mỗi cá  nhân cần tự bồi dưỡng tâm hồn nhân ái, bao dung, yêu thương con người

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm I+II 10,0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *