Đọc hiểu Tôi thích mình là một cái cây (Thanh Thảo)

 

 

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KỲ II

Năm học 2023 – 2024

Môn Ngữ văn – Lớp 11

(Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề)

 

ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

                                     Tôi thích mình là một cái cây

                                                             (Thanh Thảo)

(…)
                                            tôi ước mình là một cái cây
thi thoảng có chim tới hót
con chim sâu bé bỏng nhảy nhót

chẳng cần biết thế giới ra sao

một cái cây xanh đến từng chiếc lá

buổi sớm tỏa dưỡng khí

ban đêm hứng ánh trăng

một cái cây lang thang

dù đứng im một chỗ

những ngày rồi qua những người rồi xa

                                           cái cây rung khẽ từng chiếc lá
chúng ta là ai chúng ta về
chờ mãi cơn mưa rào rất lạ

                                     nắng gay gắt cứ như cáu gắt
cây lá nhỏ nép mình chật vật

                                    chúng ta là ai xanh được bao lâu

                                    lặng im lá vàng rơi chạm đất

(Trích “Chờ mãi cơn mưa rào – Rất lạ”, Thanh Thảo,

NXB HNV, 2019, tr.293, 294)

Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5:

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên.

Câu 2. (0,5 điểm) Chỉ ra những từ ngữ mô tả cái cây mà tác giả ao ước trở thành.

Câu 3. (1,0 điểm) Phân tích hiệu quả của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:

buổi sớm tỏa dưỡng khí

ban đêm hứng ánh trăng

một cái cây lang thang

dù đứng im một chỗ

Câu 4. (1,0 điểm) Nhận xét về ao ước của tôi qua các dòng thơ dưới đây:

tôi ước mình là một cái cây

thi thoảng có chim tới hót

con chim sâu bé bỏng nhảy nhót

chẳng cần biết thế giới ra sao

Câu 5. (1,0 điểm) Qua văn bản trên, hãy nêu một thông điệp anh/ chị thấy có ý nghĩa nhất với cuộc sống hôm nay và giải thích lý do tại sao.

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về nhân vật người cha trong đoạn trích sau:

 Tuy có ca thán về cha, nhưng chị Mai thương cha vô cùng. Cái dạo chị mới năm sáu tuổi, cha về phép. Một cái khung xe đạp, một con búp bê tóc vàng, vài mảnh vải cho vợ con; vậy mà cả nhà vẫn đầm ấm, hạnh phúc, vui vẻ. Cha rất quý con gái. Ngày ấy, gia đình tôi chưa chuyển lên Hà Nội ở. Chiều chiều, cha tôi dẫn con gái đi dọc triền đê nhìn đồng quê sông nước. Hình ảnh cha vận sắc phục nhà binh, đeo quân hàm đỏ chói, bàn tay to dầy thô dắt đứa con gái nhỏ bé lích chích đi tha thẩn, nhàn hạ, thanh bình trên triền đê đầy hoa cỏ may cứ đi theo chị tôi suốt tuổi thơ đến bây giờ. Nhưng, ám ảnh, sợ hãi nhất là khi cha khoác ba lô trả phép. Ngày ấy, bên chiến trường Campuchia đánh bọn Pôn Pốt vẫn đang ác liệt. Cha phải đi, bên ấy có nhiều việc đang chờ. Con gái và cha vừa ấm hơi, quen nhau thì cha đã ra đi. Cha không muốn mẹ đưa ra tận ga tàu, cha sợ những giọt nước mắt sụt sùi. Mẹ và chị tôi tiễn chân cha ra đầu làng. Cha âu yếm nhìn vợ, rồi ôm hôn con gái, cha bảo mẹ tôi: “Em và con về đi”. Cha thả con gái xuống và quay lưng rảo bước, những bước chân dài đạp trên đá mạt rào rạo, vội vã, thỉnh thoảng quay lại vẫy vẫy tay. Bỗng chị tôi khóc thét lên và cùn cụt chạy theo cha. Cha tôi quay lại ôm choàng lấy con gái. Nước mắt chị tôi nhoen nhoét vào gương mặt dãi dầu từng trải của cha. Mẹ tôi bảo: “Hay anh ở lại, mai hãy đi”. Cha tôi bảo: “Em đừng buồn. Anh mà ở lại thì anh không đi được nữa. Thôi nào con, cho bố đi nào”. Cha chuyền tay trao con gái cho vợ rồi quay gót. Lần này, bước chân ông quả quyết, thật nhanh, không ngoái đầu nhìn lại. Mẹ và chị tôi thầm thũi khóc nhìn bóng cha tôi cứ xa dần, mờ dần.

(Trích “Cha tôi”, Sương Nguyệt Minh, vannghe.ninhbinh.gov.vn)

Câu 2. (4,0 điểm)

    “Tuổi trẻ không có lí tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời.” (Bi-ê-lin-xki)

Từ nhận định trên, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận ( khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của lí tưởng sống đối với tuổi trẻ.

………………. HẾT ……………….

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KỲ II

Năm học 2023 – 2024

Môn Ngữ văn lớp 11

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Hướng dẫn chấm: Nhân vật trữ tình là Tôi.

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Hướng dẫn chấm: Những từ ngữ mô tả cái cây mà tác giả ao ước trở thành: xanh đến từng chiếc lá, thi thoảng có chim đến hót, lang thang dù đứng im một chỗ, lá nhỏ khép mình chật vật.

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời được 1 hoặc 2 ý: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 – Một biện pháp tu từ được sử dụng ở bốn dòng thơ

Nhân hóa: hứng ánh trăng, cái cây lang thang

– Tác dụng:

+ Khắc họa hình ảnh cái cây rất sống động, có hồn, có trạng thái như con người. Cái cây dường như cũng có tâm hồn phóng khoáng, biết tận hưởng cái đẹp của thiên nhiên.

+ Gợi tả vẻ đẹp tâm hồn tác giả lãng mạn, yêu tự do.

+ Làm cho câu thơ thêm hấp dẫn, giàu tính gợi hình và biểu cảm; đồng thời ta thấy được sự tinh tế của tác giả trong việc lắng nghe vạn vật xung quanh.

(HS nêu biện pháp đối, liệt kê, chỉ ra và phân tích tác dụng hợp lí vẫn cho điểm).

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được mỗi ý nhỏ được 0,25 điểm.

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
4  Học sinh có thể diễn đạt nhiều cách khác nhau, gợi ý:

– Ao ước của nhân vật tôi:

+ Ao ước trở thành một cái cây để thỉnh thoảng có chim sâu đến hót
– Nhận xét:

+ Ao ước của tôi thể hiện khát vọng sống bình yên, giản dị.

+ Đó cũng là khát vọng hòa mình vào tự nhiên, chan hoà với vạn vật.

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được ao ước của nhân vật tôi: 0,25 điểm.

– Phần nhận xét:

  + trả lời được 2 ý tương đương như đáp án: 0,75 điểm

  + trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
5  Học sinh có thể rút ra thông điệp khác nhau, miễn là bám vào câu chữ và hợp lý.
– Có thể lựa chọn một trong các thông điệp sau:

+ Sống bình yên, giản dị.

+ Sống hòa mình vào thiên nhiên.
+ Phải biết ý thức thời gian đời người hữu hạn để sống có ý nghĩa.

+ Phải biết trăn trở về ý nghĩa sự tồn tại của mình.

– Giải thích hợp lý, thuyết phục.

– Trả lời được 1 thông điệp hợp lý:  0,5 điểm

+ Trả lời được 1 thông điệp nhưng chưa thuyết phục:  0,25 điểm

– Giải thích thuyết phục:  0,5 điểm

+ Giải thích chưa thuyết phục:  0,25 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về nhân vật người cha trong đoạn trích 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vẻ đẹp của người cha trong đoạn trích.

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận. Sau đây là một số gợi ý:

– Hình ảnh người cha:

+ Là người chiến sĩ trải qua bao thử thách nơi chiến trường ác liệt, cha luôn tự hào và gắn bó với màu áo lính.

+ Giàu tình yêu thương, luôn dành cho con những điều tốt nhất, quan tâm, chăm sóc con, bịn rịn với gia đình trong ngày chia xa.

+ Yêu nước, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì đất nước.

– Nghệ thuật khắc họa nhân vật:

+ Người cha được khắc họa nhờ ngôn ngữ dịu dàng với vợ con, hành động đầy tình cảm.

– Sắp xếp hệ thống ý hợp lý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn nghị luận

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 “Tuổi trẻ không có lí tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời.” (Bi-ê-lin-xki)

      Từ nhận định trên, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận

( khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của lí tưởng sống đối với tuổi trẻ.

4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: về vai trò của lí tưởng sống đối với tuổi trẻ 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

Triển khai vấn đề nghị luận:

–  Giải thích:

+ Lí tưởng sống là suy nghĩ tích cực hướng đến những điều tốt đẹp và cao cả, định hướng hành động tích cực của mỗi người.

–  Bàn luận:

+ Lí tưởng sống là mặt trời soi sáng, chỉ đường để tuổi trẻ sống có ý nghĩa, hoàn thiện nhân cách và xác định được mục tiêu đúng đắn của cuộc đời.

+ Lí tưởng sống giúp tuổi trẻ có thêm động lực phấn đấu vươn lên.

Có lí tưởng, tuổi trẻ sẽ sống hết mình để thực hiện đam mê, có tinh thần sáng tạo và chủ động trong cuộc sống.

+ Lí tưởng sống là một trong những yếu tố giúp tuổi trẻ thực hiện ước mơ của bản thân, gặt hái thành công.

+ Sống có lí tưởng sẽ khiến tinh thần luôn phấn chấn, lạc quan, suy nghĩ tích cực…

– Mở rộng, trao đổi quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện…

– Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

1,0
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được các ý để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

 0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *