Đọc hiểu bài thơ MẸ, Trần Khắc Tám

 

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

                       Đọc văn bản sau:

MẸ

– Trần Khắc Tám –

Nghĩ về tuổi thơ làm sao quên

Những buổi chiều ngóng đợi

Bóng mẹ đi như chạy giữa cánh đồng

Năm ấy con mười hai tuổi

 

Mười hai tuổi khôn ngoan bằng đứa trẻ thời nay lên sáu

Con thơ ngây giờ nghĩ lại thấm buồn

Mẹ xuôi ngược chợ trên rồi chợ dưới

Buôn bán quanh năm một gánh trầu

Mẹ bán trầu mà ăn trầu héo

Quả cau con bổ sáu để dành

Con như mầm non vô tư lớn

Mẹ như cây năm tháng cứ già đi

Rồi hôm ấy nhẹ nhàng như chiếc lá

Mẹ ra đi khi đông đã cuối mùa

 

Con không hiểu thời mẹ là con gái

Mẹ ơi, có sung sướng gì không

Giờ hễ gặp trầu cau là ngỡ thấy

Mẹ vẫn cười hồn hậu trước mắt con…

(Tuyển tập thơ Việt Nam 1975 – 2000, tập III, NXB Hội Nhà văn, 2001, tr. 296 – 297)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Chủ thể trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 2. Liệt kê các câu thơ có biện pháp tu từ so sánh.

Câu 3. Hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào trong đoạn thơ sau:

“Mẹ xuôi ngược chợ trên rồi chợ dưới

Buôn bán quanh năm một gánh trầu

Mẹ bán trầu mà ăn trầu héo

Quả cau con bổ sáu để dành”

Câu 4. Nhận xét về thái độ, tình cảm của nhân vật người con được bộc lộ trong bài thơ.

Câu 5. Qua văn bản, hãy nêu một bài học có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với anh/ chị và giải thích lí do.

  1. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về vẻ đẹp mùa thu trong đoạn thơ sau:

Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ,
Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu.
Con cò bay lả trong câu hát,
Giấc trẻ say dài nhịp võng ru.

Lá thấp cành cao gió đuổi nhau,
Góc vườn rụng vội chiếc mo cau.
Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác,
Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.


Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non,
Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con.
Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín,
Điểm nhạt da trời những chấm son…

(Trích “Chiều thu” – Nguyễn Bính)

Câu 2 (4,0 điểm)

          Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/chị về lối sống trách nhiệm với bản thân.

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA GIỮA KÌ II – LỚP 11

Năm học 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6.0
  1 Câu 1. Chủ thể trữ tình trong bài thơ:

– Là nhân vật “con”/ tác giả

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
2 Câu 2. Các câu thơ có biện pháp tu từ so sánh:

– Bóng mẹ đi như chạy giữa cánh đồng

– Mười hai tuổi khôn ngoan bằng đứa trẻ thời nay lên sáu

– Con như mầm non vô tư lớn

– Mẹ như cây năm tháng cứ già đi

– Rồi hôm ấy nhẹ nhàng như chiếc lá

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời được 4-5 câu: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời được 1-3 câu: 0,25 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Câu 3. Hình ảnh người mẹ hiện lên trong đoạn thơ:

– Người mẹ vất vả “xuôi ngược”, tảo tần “quanh năm” với việc “buôn bán” khắp “chợ trên rồi chợ dưới”, tưởng như không có một phút nghỉ ngơi.

– Người mẹ giàu đức hi sinh, dè dặt trong sinh hoạt, không dám ăn ngon chỉ ăn “trầu héo” để dành dụm, chắt bóp từng đồng.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 01 ý: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 Câu 4. Nhận xét về thái độ, tình cảm của nhân vật người con được bộc lộ trong bài thơ:

– Nhân vật người con đang rất nhớ mẹ, thấu hiểu sự vất vả và hi sinh của mẹ, thương mẹ cả đời cơ cực, và luôn in đậm hình ảnh người mẹ hiền hậu trong lòng.

– Đó là những tình cảm hết sức chân thành, sâu sắc từ một trái tim hết lòng biết ơn và kính yêu mẹ của mình.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 01 ý: 0,5 điểm

– Học sinh  trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
5 Câu 5. Qua văn bản, hãy nêu một bài học có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với anh/ chị và giải thích lí do.

– Thí sinh cần nêu được một bài học có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với mình. Có thể tham khảo: Hãy dành thời gian quan tâm, chăm sóc mẹ nhiều hơn; hãy biết chia sẻ và yêu thương mẹ nhiều hơn

– Giải thích hợp lí và thuyết phục

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời ý 1: 0,25 điểm

– Học sinh trả lời ý 2: 0,75 điểm

– Giáo viên cần linh động trong quá trình chấm bài, tuỳ vào cách trình bày của học sinh, miễn là đề cập được đúng vấn đề.

1,0
II   VIẾT 6,0
  Câu 1 Viết đoạn văn 200 chữ, nêu suy nghĩ của anh/ chị về vẻ đẹp mùa thu trong đoạn thơ 2,0
  a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp bức tranh mùa thu trong đoạn thơ 0,25
  c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

+ Nhà thơ Nguyễn Bính đã dùng chính giác quan của bản thân để cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp của mùa thu:

++ Thị giác cho cái nhìn toàn vẹn về bức tranh sinh động “trời xanh, gió lộng, cánh cò, là thấp cành cao”,  không gian được miêu tả từ cao, xa, rộng.

++ Thính giác để lắng nghe cả một mùa thu bằng cả tâm hồn nhạy cảm, sâu lắng và tràn đầy tinh tế “tiếng câu hát, nhịp võng ru, tiếng chim mách lẻo”

++ Khứu giác của mình để ngửi được hương thơm đặc trưng của mùa thu chỉ có riêng ở mùa thu “Mùi thiên lí…”

+ Bức tranh mùa thu được thể hiện qua các tín hiệu nghệ thuật: hình ảnh gần gũi quen thuộc là cảnh sắc của nông thôn miền Bắc ngày xưa; ngôn ngữ bình dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày.

àNét đặc sắc riêng của thơ Nguyễn Bính, nhà thơ “đánh thức cái hồn nhà quê ẩn náu trong tâm hồn mỗi chúng ta” (Hoài Thanh)

0,5
  d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vẫn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp: kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
  đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
II Câu 2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/chị về lối sống trách nhiệm với bản thân. 4,0   
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội về một tư tưởng

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: trình bày ý kiến về lối sống trách nhiệm với bản thân. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết.

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài viết

* Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận, nêu quan điểm cá nhân về vấn đề: Lối sống trách nhiệm với bản thân là một lối sống tích cực.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích vấn đề nghị luận: Sống có trách nhiệm với bản thân là khả năng hoàn thành mọi công việc, nhiệm vụ và ý thức đúng về nghĩa vụ của cá nhân trong cuộc sống.

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Biểu hiện của người sống có trách nhiệm với bản thân:

++ Tự giác trong công việc cũng như trong cuộc sống của bản thân mình; quan tâm, chăm sóc chính bản thân; luôn hoàn thành mọi việc một cách đúng hạn và trọn vẹn nhất.

++ Chủ động lên kế hoạch và hoàn thành kế hoạch một cách khoa học, gọn gàng và hiệu quả.

++ Biết tìm cách vươn lên, vượt qua những trở ngại, khó khăn để hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

+ Ý nghĩa của việc sống trách nhiệm với bản thân:

++ Được mọi người yêu quý, tin tưởng, học tập theo, từ đó lan tỏa được những thông điệp tốt đẹp ra cộng đồng.

++ Có bản lĩnh đối mặt và đấu tranh với những thói hư, tật xấu, những biểu hiện tiêu cực và những hành vi vi phạm đạo đức và chuẩn mực của pháp luật….

++ Từ việc ý thức trách nhiệm với bản thân sẽ là cơ sở để hình thành ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với mọi người xung quanh.

(Lấy dẫn chứng tiêu biểu, thực tế. ví dụ: Trách nhiệm của bản thân trong học tập, rèn luyện đạo đức; trong nạn dịch Covid 19 vừa qua, nếu mỗi người không có ý thức trách nhiệm với bản thân trong việc khai báo tình trạng sức khỏe và che giấu, không có ý thức cách ly thì chúng ta không thể xóa tan được dịch bệnh; dẫn chứng về những người nổi tiếng…)

– Bàn luận mở rộng, trao đổi quan điểm với các ý kiến trái chiều, ý kiến khác để đề xuất cách nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn…

+ Trong cuộc sống vẫn còn nhiều người sống với thói ích kỉ, nhỏ nhen, sống vô trách nhiệm với bản thân và từ đó vô trách nhiệm với mọi người xung quanh và cộng đồng.

+ Có ý thức tự chịu trách nhiệm là tốt nhưng không để kẻ xấu lợi dụng để làm những điều sai trái pháp luật.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày; rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân:

– Lối sống có trách nhiệm với bản thân là lối sống tốt đẹp.

– Cần phát huy lối sống có trách nhiệm đối với bản thân để từ đó lan tỏa những điều tích cực, tốt đẹp đến với mọi người và làm cho cộng đồng, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.  

1,0
d. Viết bài văn, cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; có sự kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp, liên kết câu

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt hiệu quả, mới mẻ, linh hoạt

0,5
Tổng điểm 10.0

GV dựa vào bài làm thực tế của học sinh linh hoạt cho điểm.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *