Đọc hiểu Áo tết + phân tích cấu tứ bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi

SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG

TRƯỜNG THPT HƯNG ĐẠO

 

 

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: NGỮ VĂN – LỚP 11

(Thời gian làm bài: 90 phút)

 

Họ và tên:…………………………………

Lớp:……………………          SBD:……………………

 

 

 

ĐỀ BÀI

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc truyện ngắn sau đây và trả lời các câu hỏi:

Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho:

– Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho mà coi.

Nó nghĩ và nó muốn chia sẻ với con Bích, bạn nó.

Con Bích ở trong hẻm, nhà nó nghèo, má nó đi bán bắp nướng ngoài đầu hẻm, con bé Em thích con Bích vì nó hiền, với lại ngồi kế nhau từ lớp một tới lớp năm, làm sao mà không thân cho được. Hôm hai mươi sáu, học buổi cuối năm, hai đứa nôn Tết quá trời nên tính trước, nếu mùng một con bé Em đi về ngoại thì mùng hai hai đứa đi tới nhà cô giáo. Bây giờ con bé Em tính trong đầu, tới bữa đó chắc nhiều bạn nữa, cho nên nó sẽ mặc cái áo đầm mới thắt nơ, bâu viền kim tuyến cho tụi bạn lé con mắt luôn.

Con Bích đang ngồi nướng bắp thế cho má nó đi xách cặn cho heo. Bé Em muốn khoe liền nhưng bày đặt nói gièm:

– Còn mấy ngày nữa Tết rồi hen, mầy có đồ mới chưa?

– Có, má tao đưa vải cho cô Ba thợ cắt rồi, má tao nói gần Tết đồ nhiều, dồn đống, chắc tới hai mươi tám mới lấy được.

– Vậy mầy được mấy bộ?

– Có một bộ hà.

Con bé Em trợn mắt:

– Ít quá vậy?

– Con Út Mót với Con Út Hết được hai bộ. Tao lớn rồi, nhường cho tụi nó.

– Vậy à?

Bé Em mất hứng hẳn, nó lựng khựng nửa muốn khoe, nửa muốn không.

Nhưng rõ ràng là con Bích không quên nó:

– Còn mầy?

– Bốn bộ. Má tao mua cho đủ mặc từ mùng một tới mùng bốn, bữa nào cũng mặc đồ mới hết trơn. Trong đó có bộ đầm hồng nổi lắm, hết sẩy luôn.

– Mầy sướng rồi.

Con Bích nói xong vẫn cười nhưng mắt nó xịu xuống, buồn hẳn. Nhà nó nghèo, sao bì được với nhà con bé Em. Hồi nhỏ nó chuyên mặc áo con trai của anh hai nó để lại. Áo nó thì chuyền cho mấy đứa em, tới con Út Hết là đồ đã cũ mèm, mỏng tang, kéo nhẹ cũng rách. Được cái mấy chị em nó biết thân, lo học chớ không so đo chuyện cũ mới. Má nó nói hoài: “Nhà mình nghèo quá hà, ráng vài năm nữa, khá giả rồi má sắm cho”. Con bé Em nhìn con Bích lom lom rồi cúi xuống, trở trở trái bắp nướng:

– Bộ đồ mầy may chắc đẹp lắm, bữa mùng hai mầy mặc bộ đó đi nhà cô hen?

Rồi tới mùng một, mùng hai, bé Em lại rủ con Bích đi chơi. Hai đứa mặc đồ hơi giống nhau, chỉ khác là con Bích mặc áo trắng bâu sen, con bé Em thì mặc áo thun có in hình mèo bự. Cô giáo tụi nó khen:

– Coi hai đứa lớn hết trơn rồi, cao nhòng.

Hai đứa cười. Lúc đó con bé Em nghĩ thầm, mình mà mặc bộ đầm hồng, thế nào cũng mất vui. Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân. Nhưng Bích lại nghĩ khác, bé Em thương bạn như vậy, tốt như vậy, có mặc áo gì Bích vẫn quý bé Em. Thiệt đó.

(“Áo Tết”, Nguyễn Ngọc Tư, in trong “Bánh trái mùa xưa”, NXB Văn học)

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định ngôi kể của truyện ngắn trên?

Câu 2. (0,5 điểm) Truyện ngắn trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào?

Câu 3. (0,5 điểm) Sự kiện đáng chú ý nhất trong truyện ngắn trên là gì?

Câu 4. (0,75 điểm) Hãy cho biết hoàn cảnh của nhân vật Bích trong truyện ngắn?

Câu 5. (0,75 điểm) Việc bé Em quyết định không mặc bộ đầm hồng mà mặc bộ đồ hơi giống bạn của mình khi cùng bạn đi thăm cô giáo cho thấy bé Em là một cô bé như thế nào?

Câu 6. (1.0 điểm) Từ câu chuyện về áo tết và cách ứng xử của nhân vật bé Em, hãy nêu chủ đề của truyện ngắn “Áo Tết”?

Câu 7. (1,0 điểm) Em rút ra được bài học gì về tình bạn sau khi đọc truyện ngắn?

Câu 8. (1.0 điểm) Từ truyện ngắn trên, em hãy nêu ý nghĩa của sự đồng cảm đối với người khác trong hoàn cảnh khó khăn? (Viết khoảng 5 – 7 dòng).

PHẦN II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết một bài văn trình bày cảm nhận vẻ đẹp cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi.

                                                              Lá đỏ

“Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn

Em vẫy cười đôi mắt trong”.

(Trường Sơn, 12/1974)

(Trích từ Tuyển tập thơ Việt Nam giai đoạn chống Mĩ cứu nước, Nguyễn Đình Thi,

NXB Hội nhà văn, 1999)

Chú thích:

– Nguyễn Đình Thi sinh ngày 14 tháng 12 năm 1924 tại Lào, mất ngày 18 tháng 4 năm 2003 tại Hà Nội. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhạc sĩ Việt Nam thời hiện đại, thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp.

– Mùa thu năm 1974, Nguyễn Đình Thi cùng với nhà thơ Tế Hanh, Phạm Tiến Duật, … theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường Nam Bộ. Tại đây, ông đã chứng kiến hiện thực của cuộc chiến tranh khốc liệt, sự hy sinh mất mát, đớn đau mà con người phải trải qua. Nhưng cũng chính từ những tổn thất, đau thương, mất mát ấy lại hiện lên một vẻ đẹp diệu kỳ, lãng mạn của bức tranh thiên nhiên Trường Sơn đại ngàn giữa mùa trút lá. Bài thơ Lá đỏ được sáng tác tháng 12 năm 1974 – thời điểm cuộc kháng chiến thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cuối, toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến.

                SỞ GD & ĐT HẢI DƯƠNG

               TRƯỜNG THPT HƯNG ĐẠO

                —————–*——————-

ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I

NĂM HỌC: 2023-2024

MÔN: NGỮ VĂN  –  LỚP 11

(Thời gian làm bài: 90 phút)

(Đáp án gồm 5 trang)

————————*———————-

 

 

PHẦN CÂU NỘI DUNG ĐIỂM
I   PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) 6,0
  1 Ngôi kể của truyện ngắn: Ngôi thứ 3

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

0.5
  2 Truyện ngắn trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật : Bé Em

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

0.5
  3 Sự kiện đáng chú ý nhất trong truyện ngắn trên là: Bé Em cố ý mặc đồ hơi giống bộ đồ của Bích khi đi chúc Tết cô giáo

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

0.5
  4 Hoàn cảnh của nhân vật Bích trong truyện ngắn: Hoàn cảnh của nhân vật Bích trong câu chuyện:

+ nhà nghèo, ở trong hẻm, má nó đi bán bắp nướng ngoài đầu hẻm.

+ mấy chị em biết lo thân, lo học, biết yêu thương nhau…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý trong đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

0.75
  5 Việc bé Em quyết định không mặc bộ đầm hồng mà mặc bộ đồ hơi giống bạn của mình khi cùng bạn đi thăm cô giáo cho thấy bé Em là một cô bé có tâm hồn tinh tế, có tình cảm chân thành…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý trong đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

 

0.75
  6 Chủ đề của truyện ngắn “Áo Tết”:

+ Ca ngợi tấm lòng tinh tế, cách hành xử tế nhị của nhân vật bé Em

+  Ca ngợi tình bạn chân thành, cao đẹp của bé Em và Bích

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý trong đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

1.0
  7 Tình bạn giữa bé Em và Bích trong câu chuyện là một tình bạn đẹp. Từ đó học sinh rút ra bài học về tình bạn sau khi đọc truyện ngắn:

– Cần tinh tế trong đối xử với bạn bè.

– Nên đề cao tình cảm chân thành, không nên quan trọng ở vật chất, dù có khác biệt về hoàn cảnh gia đình nhưng không vì thế mà hai người đố kị, ganh ghét, hiềm khích.

– Cần biết thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương, nhường nhịn, sẻ chia cho nhau,

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 2 ý: 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý : 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

*Lưu ý: Hs có thể viết thành đoạn văn hoặc gạch ý vẫn chấp nhận. Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lí là chấp nhận được.

1.0
  8 Ý nghĩa của sự đồng cảm đối với người khác trong hoàn cảnh khó khăn:

– Sự đồng cảm giúp chúng ta có thái độ đối xử chân thành, biết yêu thương, chia sẻ

– Sự động cảm giúp người khác không cảm thấy tự ti, mặc cảm; sưởi ấm tâm hồn những con người cô đơn, đau khổ, bất hạnh, truyền cho họ sức mạnh, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh.

– Sự đồng cảm giúp duy trì những mối quan hệ tốt đẹp, chúng ta sẽ nhận lại niềm vui, sự tôn trọng của mọi người, cuộc sống sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn.

– Là cơ sở xây dựng một xã hội tốt đẹp, có văn hóa….

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 2 ý: 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 ý : 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

1.0
II   PHẦN II. LÀM VĂN

Viết bài văn trình bày cảm nhận vẻ đẹp cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi

4,0
    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận.

Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.

Trình bày cảm nhận vẻ đẹp cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi

0,25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm.

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cần đảm bảo các yêu cầu sau:

* 1. Mở bài:

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, xác định vấn đề

+ Nguyễn Đình Thi được xem là một nghệ sĩ đa tài, ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình, ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng…

+ Bài thơ “ Lá đỏ” được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vẻ đẹp bài thơ được gợi lên từ cấu tứ và hình ảnh thơ…….

Hướng dẫn chấm:

Học sinh chỉ giới thiệu được 01 trong 02 ý: 0,25 điểm.

 

 

 

 

 

0,5

  2. Trình bày cảm nhận về vẻ đẹp cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ “Lá đỏ”

*2.1. Khái quát chung về hoàn cảnh sáng tác bài thơ:  Mùa thu năm 1974, Nguyễn Đình Thi cùng với nhà thơ Tế Hanh, Phạm Tiến Duật và nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường Nam Bộ. Tại đây, ông đã chứng kiến hiện thực của cuộc chiến tranh khốc liệt với sự hy sinh mất mát, đớn đau mà con người phải trải qua ở nhiều góc độ, khía cạnh, tầng bậc khác nhau… Nhưng cũng chính từ những tổn thất, đau thương, mất mát ấy lại hiện lên một vẻ đẹp diệu kỳ, lãng mạn của bức tranh thiên nhiên Trường Sơn đại ngàn giữa mùa trút lá…

*2.2.  Những đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ:

+ a) Vẻ đẹp của cấu tứ thơ:

– Nhan đề bài thơ tạo nên tứ thơ: dựa trên sự tương hợp giữa màu lá thắm đỏ nơi núi rừng Trường Sơn và người nữ thanh niên xung phong nhà thơ gặp trên đường hành quân: Người con gái trên đường Trường Sơn cũng thắm đỏ và chói sáng lên như màu lá đỏ, cũng khắc sâu trong trái tim chàng lính chiến sắc màu của niềm tin chiến thắng.

– Từ đó, nhà thơ đã tạo nên một cấu trúc chặt chẽ và đầy bất ngờ cho bài thơ:

+ Mở đầu bài thơ là bối cảnh gặp gỡ: Không gian trên cao nơi núi rừng Trường Sơn; Bối cảnh xung quanh: Lộng gió, lá đỏ ào ào.

+ Tiếp đó là những suy cảm của nhà thơ về người con gái anh bất ngờ gặp trên đường: Hình ảnh cô gái vừa toát lên cái khốc liệt của chiến tranh, vừa gần gũi như quê hương thân thương.

+ Thực tại trở về trong bước chân hành quân vội vã

+ Bài thơ tiếp diễn bằng lời hứa hẹn sẽ gặp nhau giữa Sài Gòn – một lời hứa của niềm tin chiến thắng

+ Kết thúc bài thơ ấn tượng và bất ngờ: Hình ảnh cô gái không thể xóa nhòa trong tâm trí chàng lính chiến với nụ cười rạng rỡ và ánh nhìn trong trẻo.

+ Vẻ đẹp của hình ảnh thơ:

Hình ảnh trong bài thơ mang tính biểu tượng độc đáo: Bài thơ nêu ba hình ảnh: lá đỏ, em gái tiền phương và đoàn quân như những tâm điểm và đặc tả, có sức khái quát cao về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, biểu trưng cho những dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc:

– Hình ảnh “em gái tiền phương” nhỏ bé giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, lộng gió nhưng lại mang đến cảm giác thân thương, gần gũi: vai áo bạc, quàng súng trường – như quê hương; với dáng đứng vững vàng bên đường khi làm nhiệm vụ. Hình ảnh ấy là một biểu tượng về cuộc chiến tranh nhân dân –“em gái tiền phương”, nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong trên khắp mọi miền đất nước. Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có sự đóng góp của những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai nhưng vô cùng dũng cảm, gan dạ.

– Hình ảnh “Đoàn quân vẫn đi vội vã

                    Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa”

Con đường ấy đầy gian khổ, khắc nghiệt. “Đoàn quân vẫn đi vội vã” với muôn bước chân mạnh mẽ điệp trùng, hối hả, nối dài như rung chuyển núi rừng, làm “nhoà trời lửa”, đạp bằng khó khăn, vượt lên bom rơi, lửa đạn để tiến lên phía trước. Câu thơ diễn tả quang cảnh cuộc hành quân hào hùng thần tốc, gợi lên  một không khí sử thi ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt giải phóng hoàn toàn miền Nam.

+ Bài thơ có những điểm khác lạ trong cách sử dụng ngôn ngữ:

+ Bài thơ viết theo thể tự do. Trong 9 câu thơ có 8 câu là thể lục ngôn.

+ Nhịp điệu thơ dồn dập, vững bền, chắc khoẻ như bước chân hành quân, như cái vội vã của chiến trường khói lửa

+ Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đan cài tạo sức hấp dẫn cho bài thơ.

+ Ngôn ngữ chân thực, danh từ chiếm ưu thế khiến bài thơ giàu tính tạo hình: động từ, tính từ tuy ít hơn nhưng có tính chọn lọc cao gây ấn tượng đặc biệt về hành động và đặc điểm tạo vật….

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm

– Trình bày chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1-1,75 điểm

– Trình bày chung chung, chưa rõ: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

2,0

 

0.25

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0.5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0.25

  * Đánh giá chung:  Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho độc giả.

– Nhờ cấu tứ và hình ảnh thơ mà bài thơ tái hiện cả một cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc – cuộc hành quân trên đường Trường Sơn, tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam…

– Những năm tháng chiến đấu khốc liệt mà oai hùng ấy khiến ta vẫn mãi tự hào và ngưỡng mộ về hình ảnh những người chiến sĩ, những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại…

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày đầy đủ 2 ý: 0,5 điểm

– Trình bày 01 ý: 0,25 điểm 

0,5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
  e. Sáng tạo: Vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

Hướng dẫn chấm:.

+ Đáp ứng được 1 yêu cầu trở lên: 0,25 điểm.

+Không đáp ứng yêu cầu: 0 điểm.

0,25

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *