Đề văn lớp 11 Sức mạnh của lòng kiên nhẫn , NLXH ý nghĩa của sự trải nghiệm

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ II

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn: Ngữ Văn

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

 

Họ và tên học sinh:…………………………………..……Số báo danh:………………….…………..

ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Tình yêu và lòng kiên nhẫn có thể được hình dung như hai nhánh của sợi dây thừng luôn bện chặt vào nhau, như chuỗi DNA là nguồn gốc tạo nên sự sống của con người. Bằng tình yêu, chúng ta có thể kiên nhẫn với bản thân, với mọi người và chính với cuộc sống. Bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta có thể yêu thương bản thân mình, những người xung quanh, và thậm chí với cả những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời. Tình yêu và lòng kiên nhẫn luôn ở bên nhau, hỗ trợ nhau nhiều điều!

Một trong những tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 19, Henry Drummond, đã nhận xét trong tác phẩm nổi tiếng The Greatest Thing in the World rằng: “Thế giới không phải là một chốn để dạo chơi, nó là một trường học. Cuộc đời không phải là một kỳ nghỉ, nó là một quá trình đào tạo. Và luôn có một câu hỏi cho tất cả chúng ta là làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn”.

Có thể lòng kiên nhẫn sẽ giúp bạn vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời và tình yêu của bạn đối với bản thân cũng như những người xung quanh sẽ dẫn dắt bạn phát triển tính kiên nhẫn của mình, cho tới khi nó tỏa sáng trên thế giới và đem lại lợi ích cho tất cả!…

(Trích Sức mạnh của lòng kiên nhẫn – M.JRyan, Hoàng Yến dịch,

NXB. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.232-233)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Xác định  chủ đề  của đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn, chúng ta có thể làm được gì?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của 01 biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở câu đầu trong đoạn trích.

Câu 4. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến được nêu trong đoạn trích: Cuộc đời không phải là một kỳ nghỉ, nó là một quá trình đào tạo.

Câu 5. Thông điệp nào trong văn bản có ý nghĩa nhất với anh/ chị? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (Khoảng 200 chữ) về hình ảnh người mẹ được trong đoạn văn bản sau:

“… Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao

Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa”

(Trương Nam Hương, Trong lời mẹ hát, NXB Giáo dục, 2008)

Câu 2. (4,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận( khoảng 400 chữ) bày tỏ ý kiến của mình về ý nghĩa sự trải nghiệm trong cuộc sống.

————- Hết ————-

 

 

KIỂM TRA GIỮA HKII NĂM HỌC 2023 – 2024

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ Văn

(Đáp án và hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

 

 

  Phần Câu Nội dung Điểm  
  I   ĐỌC HIỂU 4,0  
    1 Chủ đề của văn bản: Sức mạnh của lòng kiên nhẫn

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng như đáp án 0,5 điểm.

– Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai cho 0,0 điểm.

0,5  
  2 Theo đoạn trích, bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn, chúng ta có thể:

+ Bằng tình yêu, chúng ta có thể kiên nhẫn với bản thân, với mọi người và chính với cuộc sống.

+ Bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta có thể yêu thương bản thân mình, những người xung quanh, và thậm chí với cả những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời.

+ Lòng kiên nhẫn sẽ giúp bạn vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời

+ Tình yêu của bạn đối với bản thân cũng như những người xung quanh sẽ dẫn dắt bạn phát triển tính kiên nhẫn của mình, cho tới khi nó tỏa sáng trên thế giới và đem lại lợi ích cho tất cả!

(HS nêu được 1 đến 2 ý, cho 0,25 điểm; nêu được 3 đến 4 ý, cho 0,5 điểm)

0,5  
  3 Chỉ ra và nêu hiệu quả của 01 biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở câu đầu trong đoạn trích:

– Biện pháp nghệ thuật: So sánh Tình yêu và lòng kiên nhẫn được ví như hai nhánh của sợi dây thừng luôn bện chặt vào nhau, như chuỗi DNA là nguồn gốc tạo nên sự sống của con người. (0,5 điểm)

-Hiệu quả:

+ Nghệ thuật: Giúp văn bản trở nên sinh động, giàu sức gợi hình, gợi cảm hơn. (0,25 điểm)

+Nội dung: diễn tả mối quan hệ khăng khít giữa tình yêu và lòng kiên nhẫn và vai trò của chúng với cuộc sống con người. (0,25 điểm).

(GV vẫn cho điểm nếu HS xác định biện pháp nghệ thuật liệt kê hoặc điệp từ “như” và nêu đúng hiệu quả của biện pháp tu từ đó)

1,0  
  4 *  Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến được nêu trong đoạn trích: Cuộc đời không phải là một kỳ nghỉ, nó là một quá trình đào tạo.

– Cuộc đời không phải là phải một kỳ nghỉ: cuộc đời không phải là để hưởng thụ, an nhàn, thong dong. (0,25 điểm)

– Nó là một quá trình đào tạo: Cuộc đời giúp ta được rèn giũa, đem đến cho ta những bài học, giúp ta trưởng thành hơn. (0,25 điểm)

->  Ý kiến muốn nhắn nhủ con người cần biết trân trọng cuộc sống, biết trải nghiệm, biết nghiêm túc học hỏi để ngày một hoàn thiện hơn. (0,5 điểm)

1,0  
  5 Thông điệp nào trong văn bản có ý nghĩa nhất với anh/ chị? Vì sao?

– Học sinh lựa chọn được thông điệp có ý nghĩa nhất rút ra từ văn bản (0,5 điểm) và lí giải một cách thuyết phục (0,5 điểm).

(Ví dụ: Con người cần có tình yêu thương; con người cần có lòng kiên nhẫn; sống cần biết học hỏi…)

1,0  
  II   VIẾT 6,0  
    1 Viết đoạn văn nghị luận (Khoảng 200 chữ) về hình ảnh người mẹ trong đoạn văn bản sau: 2,0  
  a. Xác định được về hình thức, dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ). Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp; song hành hoặc móc xích. 0,25  
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình ảnh người mẹ 0,25  
  c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Người mẹ vượt qua những khó khăn của cuộc đời để nuôi con khôn lớn. Người mẹ được tái hiện qua những lời hát ru, qua hình dáng nhỏ nhắn, qua mái tóc bạc ghi dấu thời gian, qua tấm lưng còng chịu nhiều sương gió. Những câu thơ như khắc ghi lại bóng dáng mẹ cao cả, suốt đời hi sinh cho người con của mình những điều tốt đẹp nhất.

– Hình ảnh người mẹ tần tảo, yêu thương con của mình vô bờ bến.

– Qua từng lời thơ, tác giả tỏ lòng biết ơn đối với mẹ của mình, lòng biết ơn vô bờ bến.

1,0  
  d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: hình ảnh người mẹ

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,25  
  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25  
    2 Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 400 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị về ý nghĩa sự trải nghiệm trong cuộc sống. 4,0  
  a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí

0,25  
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ý nghĩa sự trải nghiệm trong cuộc sống 0,5  
  c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề: ý nghĩa sự trải nghiệm trong cuộc sống

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích

+ Sự trải nghiệm: quá trình tham gia, tìm hiểu, dấn thân, thực hành các công việc khác nhau trong những vấn đề thuộc bất kì lĩnh vực nào của cuộc sống.

+ Ý nghĩa của sự trải nghiệm là mang đến cho chúng ta những bài học kinh nghiệm cần thiết cho những hoạt động, việc làm, những bước tiến tiếp theo.

–   Phân tích, chứng minh:

Cần phải có sự trải nghiệm vì:

+ Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm, không ai có thể thành công ngay từ lần đầu tiên, chính trải nghiệm giúp ta tự nhận ra ưu và khuyết điểm của mình. (Dẫn chứng cụ thể)

+ Trên đời, không có gì là hoàn hảo, hoàn mĩ nên sau mỗi lần trải nghiệm, chúng ta sẽ tự hoàn thiện bản thân để vươn tới những điều tốt đẹp hơn.

+  Ai cũng cần những trải nghiệm thì mới nên người, khi nhận thức được điều đó, việc đánh giá mình và người khác cũng trở nên bớt hà khắc, tránh gây những tổn thương không đáng có cho mọi người xung quanh. (Dẫn chứng cụ thể)

Ý nghĩa của trải nghiệm:

+ Mang đến cho chúng ta những bài học mới, nhận ra những nhược điểm, ưu điểm của bản thân cũng như những người bên cạnh, từ đó có hướng khắc phục đúng đắn để sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới. Sự trải nghiệm giúp con người trưởng thành theo thời gian.

Bình luận:

+ Khẳng định mỗi người cần có sự trải nghiệm để đi đến thành công.

+Sự trải nghiệm luôn luôn là điều cần thiết để con người tự tích lũy, tự học tập nhưng có những thứ không cần trải nghiệm, ví dụ như sử dụng những chất cấm, làm những điều trái pháp luật…

– Bài học nhận thức và hành động

+ Nhận thức cần phải có trải nghiệm mới nên người nhưng bản thân mỗi người cần xác định trải nghiệm điều gì để đi đến thành công.

 

+ Nên có cái nhìn bao dung với những lỗi lầm nhưng cũng cần ghi nhớ, có những lỗi lầm không thể tha thứ được, có những may mắn chẳng bao giờ đến lần thứ hai, nên cũng phải biết nắm bắt cơ hội để bứt phá.

+ Phải trau dồi về tri thức, rèn luyện bản lĩnh để có những trải nghiệm ý nghĩa.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

2,5  
  Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.  
  d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25  
  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5  
  Tổng điểm 10,0  

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *