Phần 1: Đọc hiểu văn bản
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi
NHỮNG CÂY CẦU BẮC QUA SÔNG HỒNG CỦA HÀ NỘI
(Trích)
Sông Hồng là con sông lớn, vào thuở Thăng Long, Đông Đô, chỉ có thể dùng đò qua sông. Khi quân Thanh sang xâm lược nước ta, cầu bắc qua sông vẫn chỉ là một cây cầu phao.
CẦU LONG BIÊN
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Paul Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương hồi đó. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái hay cầu Bồ Đề (vì được bắc qua bến Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm).
Cho đến khi động thổ, nhiều người vẫn còn nghi ngờ: “Một con sông rộng như eo biển, sâu đến 20 m nước, mùa mưa lũ nước dâng cao hơn 8 m làm vỡ cả đê điều. Lòng sông lại luôn chuyển đổi bên lở bên bồi thì làm sao chế ngự nổi để bắc được cây cầu qua dòng nước hung dữ bất kham ấy!”
Người ta phải tuyển mộ hơn 3.000 công nhân bản xứ và một đội ngũ khoảng 40 giám đốc, kĩ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp để điều hành công việc. Vật liệu xây cầu đã dùng đến 30.000 m3 đá và kim loại (5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì). Tổng số tiền thực chi lên tới 6.200.000 franc Pháp bấy giờ. Cầu được khánh thành ngày 28-2-1902, có sự hiện diện của vua Thành Thái và Toàn quyền Paul Doumer.
Vào thời điểm bấy giờ, cây cầu này chiếm vị trí dài thứ hai trên thế giới, sau cầu Brooklyn bắc qua sông East – River của Mĩ.
Trong chiến tranh, cầu Long Biên bị bắn phá nặng nề.
Cầu Long Biên đã hoàn thành sứ mệnh làm “đầu cầu” giao thông nối liền Thủ đô với các tuyến đường lên miền núi phía bắc và miền biển phía đông. Do cầu đã cũ và hỏng, có dự kiến dỡ bỏ cây cầu đi. Nhưng ý định ấy bị dư luận phản đối và hiện cầu Long Biên đang được sửa chữa, bảo tồn, như một kí ức vật thể của lịch sử Hà Nội cần được lưu giữ.
Với trình độ kĩ thuật và công nghệ hiện nay, trong thời gian ngắn, trên sông Hồng đã ra đời một loạt cây cầu hiện đại.
CẦU THĂNG LONG
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng nối trung tâm Hà Nội với đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đây được coi là công trình thế kỉ 20, biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam – Liên bang Xô viết.
Cầu có kết cấu giàn thép, chiều dài hơn 3.250 m, gồm hai tầng, 25 nhịp phần chính và 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường dành cho xe thô sơ.
Cầu được khởi công xây dựng năm 1974, khánh thành vào tháng 5-1985. Hiện nay, cầu Thăng Long là một trong những cây cầu sắt dài nhất của Hà Nội, bắt đầu từ địa phận quận Bắc Từ Liêm nối sang địa phận huyện Mê Linh.
CẦU CHƯƠNG DƯƠNG
Những năm 80 của thế kỉ 20, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên để qua lại sông Hồng. Do làn đường ô tô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra, và cũng vì thế cầu Long Biên được mệnh danh là “cây cầu dài nhất thế giới” do phải mất nhiều tiếng đồng hồ xe cộ mới qua được. Trong khi đó, cầu Thăng Long còn đang dở dang và dù có xong thì cũng không chia sẻ được nhiều do quá xa trung tâm. Do vậy, chủ trương ban đầu là làm tạm một cầu treo. Nhưng với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, các kĩ sư và công nhân Việt Nam đã tự thiết kế và xây dựng được một cây cầu sắt đàng hoàng chỉ mất một năm chín tháng, hoàn thành vào ngày 30-6-1985.
(Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín, Dạt dào sông nước, NXB Kim Đồng, 2015)
Câu 1. Văn bản trên có sự kết hợp của những phương thức biểu đạt nào?
Câu 2. Mục đích chính của văn bản thông tin trên là gì?
Câu 3. Vì sao người dân thủ đô không đồng ý phá dỡ cầu Long Biên để xây một cây cầu mới mặc dù cây cầu đã rất cũ kĩ?
Câu 4. Em hãy phân tích vai trò của yếu tố phi ngôn ngữ trong văn bản trên.
Câu 5. Vận dụng những hiểu biết về địa lí, kinh tế, văn hóa và xã hội, em hãy cho biết vai trò, ý nghĩa của những cây cầu trên khắp đất nước Việt Nam.
Phần 2: Viết văn nghị luận.
Câu 1. Người Hà Nội không muốn phá bỏ cây cầu Long Biên cho dù nó đã cũ kĩ. Điều đó cho thấy họ rất trân trọng lịch sử. Từ sự việc này, em hãy viết một đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về sự trân quý, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của quá khứ.
Câu 2. Cho đoạn trích sau
[…]Mùa xuân lên vườn An Hiên, đầu óc tôi không còn muốn bận bịu gì, để buông mình giữa cuộc sống sôi động của cây cối. Sau Tết trở đi, mọi cây lớn trong thành phố nối tiếp nhau rụng lá, thì chính trong khu vườn này, tôi mới cảm nhận hết cái sức sống kỳ diệu của “Người Mẹ Tạo Vật”. Từ mặt đất ướt lạnh và quạnh hiu kia, mùa xuân chợt đánh thức dậy cả một thế giới lộng lẫy, rạo rực, như một khúc múa loại xiêm áo thường.
Vườn An Hiên trồng nhiều hoa, mỗi thứ một ít nhưng đủ loại, dân giã có các loại nhài, lý, thạch lựu, tường vi và các giống hồng bản địa, quý phái như các loại thổ lan và phong lan; và bên cạnh những khóm hồng hiện đại nhập giống từ các hãng vườn Gaujard và Meilland ở châu Âu, người ta còn có thể nhìn thấy một bụi hoa sim dại.
Từ cổng vào, lần nào tôi cũng dừng lại ngắm những cây hải đường trong mùa hoa của nó; hai cây đứng đối nhau trước tấm bình phong cổ, rộ lên hàng trăm đóa ở đầu cành phơi phới như một lời chào hạnh phúc. Nhìn gần, hải đường có một màu đỏ thắm rất quý, hân hoan, say đắm. Tôi vốn không thích cái lối văn hoa của các nhà Nho cứ muốn tôn xưng hoa hải đường bằng hình ảnh của những người đẹp vương giả. Sự thực thì ở ta, hải đường đâu phải chỉ mọc nơi sân nhà quyền quý; nó sống khắp các vườn dân, các sân đình, chùa, nhà thờ họ. Dáng cây cũng vậy, lá to thân khỏe, sống lâu nên cội cành thường sần lên những lớp rêu da rắn mầu gỉ đồng, trông dân giã như cây chè đất đỏ. Hoa hải đường rạng rỡ nồng nàn, nhưng không có vẻ gì là yểu điệu thục nữ, cánh hoa khum khum như muốn phong lại cái nụ cười má lúm đồng tiền. Bỗng nhớ năm xưa từ chiến trường ra, lần đầu lên thăm đền Hùng, tôi đã ngẩn ngơ đứng ngắm hoa hải đường nở đỏ núi Nghĩa Lĩnh(1).
Hoa đẹp mãn khai vào dịp Tết ở đây, không thể không nhắc tới hoa trà mi, trồng trong những chậu sành lớn. Trà mi đỏ tươi, màu đỏ rất sâu, cứ hút lấy cái nhìn của người xem. Hoa đỏ đã đẹp, hoa trắng càng đẹp lạ; có cái gì thật trong và tinh khôi trong màu trắng hoa trà, toàn đóa hoa như một phiến ngọc bạch. Chậu trà trắng này bà Lan Hữu mang từ Hà Nội về, là kỷ niệm riêng của bà trong những năm đi kháng chiến xa nhà; bà rất yêu quý, thường đưa vào nhà đặt ngay chỗ ngồi uống trà. Có lần thấy tôi nhìn hoa với con mắt chăm chú, bà hỏi tôi:
– Anh có thích hoa trà không?
– Dạ. Nhưng có lẽ thích đấy rồi quên nó đấy!
– Cô ít nghe người khác nói như vậy, thường ai cũng khen hoa trà…
– Hoa thì im lặng, hương chính là tiếng nói riêng của hoa. Mà hoa trà thì tuyệt đối không có mùi hương.
– Chắc gì như vậy. Biết đâu hoa trà vẫn thơm, mình không nghe nhưng con ong thì bắt được. Chẳng thế mà cụ Nguyễn Du lại nói rằng con ong nó tỏ đường đi lối về, anh không để ý à(2)?
Tôi vẫn giữ cái thành kiến của mình về hoa trà:
– Cháu cho rằng chỗ này cụ Nguyễn Du nói hớ.
Bà Lan Hữu cười to:
– Bậy nào! Cô chơi hoa trà mới biết. Con ong bầu nó mê hoa này lắm, đuổi mấy cũng như không, phải lấy que hất nó ra. Này, thơ Kiều(3) bóng bẩy vậy chớ có cơ sở cả đó, đọc phải cẩn thận nghe.
Đúng là cụ Nguyễn Du thật đáng sợ về cái vốn sống thâm hậu của nhà thơ. Nghe bà Lan Hữu nói, tôi mới nhận ra cái lầm nguy hiểm của mình; trong bao năm đi dạy học, giảng Kiều, đến chỗ này tôi vẫn cho rằng cụ Nguyễn đã viết sai thực tế. Lại nhớ đến câu “Hải đường lả ngọn đông lân”, nhiều người vẫn chê rằng từ “lả ngọn” dùng không đúng so với cái dáng cứng cỏi của cành và lá hải đường. Tình cờ đọc tài liệu cổ ở nhà bà Lan Hữu, tôi mới biết rằng cụ Nguyễn Du vẫn đúng; hải đường Trung quốc (quê hương Kiều) thì cây thấp, cành mềm, lá nhỏ; xem hình vẽ thấy hoa chỉ có một lớp cánh mỏng xếp quanh nhị, không tạo thành hình khối gợi cảm như hải đường ở ta…
(Trích Hoa trái quanh tôi – Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Chú thích:
(1)đền Hùng, núi Nghĩa Lĩnh: những địa danh ở tỉnh Phú Thọ
(2)Nguyễn Du(1766 – 1820) là nhà thơ trung đại nổi tiếng, danh nhân văn hóa, tác giả của “Truyện Kiều”. Câu nói này của bà Lan Hữu ý muốn nhắc tới câu thơ trong “Truyện Kiều”: Tiếc thay một đóa trà mi/Con ong đã tỏ đường đi lối về”.
(3)thơ Kiều: “Truyện Kiều”, tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Du, được sáng tác dựa trên cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân người Trung Quốc.
(Tóm tắt tác phẩm: ở Huế, Bà Lan Hữu có một khu vườn rất đẹp gọi là An Hiên. Tác giả là người quen thân với bà Lan Hữu, thường xuyên tới khu vườn chơi và ghi lại những cảm nhận của mình về vẻ đẹp của khu vườn xuyên suốt bốn mùa trong năm. Đoạn trích trên là cảm nhận của tác giả về các loài hoa trong khu vườn An Nhiên vào mùa xuân)
Em hãy viết một bài văn nghị luận làm rõ sự tinh tế trong tâm hồn tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường được bộc lộ thông qua đoạn trích trên.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Phần 1: Đọc hiểu văn bản
Câu 1: Văn bản trên có sự kết hợp của các phương thức biểu đạt: Thuyết minh, tự sự, miêu tả.
(Trong câu hỏi này, GV cần hướng dẫn HS nhận diện được 3 phương thức biểu đạt trên dựa vào những dữ liệu trong văn bản:
– Thuyết minh: cung cấp những tri thức về đặc điểm của những cây cầu, thời gian thi công và hoàn thành 3 cây cầu
– Tự sự: kể lại việc thi công 3 cây cầu
– Miêu tả: cấu trúc, kết cấu của 3 cây cầu)
Câu 2: Mục đích chính của văn bản là giới thiệu với người đọc về 3 cây cầu bắc qua Sông Hồng, kết nối trung tâm thủ đô với các quận huyện ngoại thành.
Câu 3: Người dân thủ đô không đồng ý phá dỡ cầu Long Biên để xây một cây cầu mới mặc dù cây cầu đã rất cũ kĩ, vì cầu Long Biên là một phần của lịch sử Hà Nội, lịch sử kháng chiến. Người dân nơi đây đã gắn bó và có tình cảm sâu nặng với cây cầu.
(Câu này GV hướng dẫn HS trả lời dựa vào chi tiết có trong văn bản: Nhưng ý định ấy bị dư luận phản đối và hiện cầu Long Biên đang được sửa chữa, bảo tồn, như một kí ức vật thể của lịch sử Hà Nội cần được lưu giữ.)
Câu 4: GV hướng dẫn cho học sinh hiểu thế nào là yếu tố phi ngôn ngữ, chỉ ra yếu tố phi ngôn ngữ trong văn bản và nêu tác dụng của những yếu tố đó.
– Yếu tố phi ngôn ngữ: hình vẽ về 2 cây cầu Long Biên và Chương Dương
– Tác dụng: Khiến thông tin trở nên sinh động, người đọc dễ dàng hình dung hình dáng của những cây cầu.
Câu 5: GV hướng dẫn HS vận dụng những hiểu biết về các lĩnh vực địa lí, kinh tế, văn hóa xã hội để phân tích vai trò, ý nghĩa của những cây cầu.
– Lợi ích về kinh tế: Sự ra đời của những cây cầu giúp cho việc giao thông trở nên thuận tiện hơn. Từ đó hàng hóa cũng được luân chuyển một cách dễ dàng, làm cho thương mại phát triển, kinh tế vùng miền nhờ đó mà phát triển theo.
– Là biểu tượng mang tính văn hóa, thẩm mĩ: Một số cây cầu không chỉ mang lại lợi ích giao thông, lợi ích kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa của một địa phương, mang tính thẩm mĩ cao. Khi nhắc tới những cây cầu này người ta nghĩ ngay tới tỉnh thành, địa phương có những cây cầu đó, như cầu Tràng Tiền, cầu Hàm Rồng, cầu Long Biên.
Phần 2: Viết văn nghị luận.
Câu 1:
* Giải thích:
– Những giá trị tốt đẹp của quá khứ ý muốn nói tới những thành tựu về vật chất và những giá trị tinh thần mà người xưa đã tạo ra và để lại cho thế hệ sau.
– Trân quý, giữ gìn những giá trị tốt đẹp trong quá khứ nghĩa là mỗi người chúng ta phải biết yêu quý, trân trọng giữ gìn những giá trị vật chất và tinh thần mà cha ông ta đã để lại.
* Bàn luận về ý nghĩa của sự trân quý, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của quá khứ:
– Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị của quá khứ vì nếu không có quá khứ thì sẽ không có hiện tại.
– Trân quý những giá trị tốt đẹp của quá khứ nghĩa là ta hướng về cội nguồn, hướng tới tổ tiên, ông cha để bảo vệ di sản, tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc
– Trân trọng những giá trị tốt đẹp của quá khứ giúp chúng ta tìm ra những giá trị văn hóa và đạo đức đúng đắn, để truyền lại cho thế hệ sau.
* Mở rộng vấn đề:
– Phê phán những kẻ chà đạp lên quá khứ, vứt bỏ những di sản về vật chất và tinh thần mà cha ông ta đã để lại, coi những thứ đó là cũ kĩ, lạc hậu.
– Bài học:
+ Thấy được vai trò to lớn của những giá trị vật chất, văn hóa, tinh thần mà tổ tiên, ông cha đã để lại.
+ Có những hành động thiết thực để bảo tồn những tinh hoa dân tộc.
(Mỗi một ý, GV cần gợi ý, hướng dẫn HS tìm dẫn chứng làm sáng tỏ cho lí lẽ)
Câu 2:
Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
– Nêu vấn đề nghị luận: Sự tinh tế trong tâm hồn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, qua cách tác giả cảm nhận vẻ đẹp của các loài hoa trong khu vườn An Nhiên vào mùa xuân
– Trích dẫn đoạn trích
Thân bài:
* Giải thích thế nào là sự tinh tế trong tâm hồn:
– Sự tinh tế trong tâm hồn nhằm chỉ khả năng cảm nhận thấu hiểu một cách tinh vi về thế giới xung quanh, hoặc trong cách ứng xử có văn hóa, thông minh với thiên nhiên hay với con người.
– Khi đề cầm tới phương diện tâm hồn, người ta thường hay nghĩ tới yếu tố cảm xúc, nhưng khi động chạm tới khái niệm “tâm hồn tinh tế” nghĩa là nói tới chất trí tuệ trong tâm hồn con người.
* Sự tinh tế trong tâm hồn của Hoàng Phủ Ngọc Tường được biểu hiện qua cách cảm nhận về vẻ đẹp của của các loài hoa trong khu vườn An Nhiên:
– Tác giả có những liên tưởng đầy thú vị về vẻ đẹp của khu vườn:
+ Thiên nhiên qua cảm quan của tác giả trở thành “người mẹ tạo vật.” => Thiên nhiên không hề vô hình mà là một đấng sáng tạo.
+ Mùa xuân trong khu vườn An Nhiên có sức sống sống dạt dào, sức mạnh kì diệu, qua nghệ thuật nhân cách hóa: Từ mặt đất ướt lạnh và quạnh hiu kia, mùa xuân chợt đánh thức dậy cả một thế giới lộng lẫy, rạo rực, như một khúc múa loại xiêm áo thường.
– Tác giả có những quan sát tỉ mỉ về các loài hoa trong khu vườn An Nhiên:
+ Vườn An Nhiên trồng nhiều loại hoa, mỗi loại vài cây, từ giản dị đến quý phái
+ Người thưởng hoa còn có thể chiêm ngưỡng cả cái hoang sơ của giống cây sim dại, bên cạnh sự đài các của các khóm hồng nhập từ Châu Âu
– Không chỉ có óc quan sát tỉ mỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn có những nhận định, lí giải đầy chất trí tuệ về giá trị các loài hoa: nếu các nhà nho xưa cho rằng hoa hải đường là loài hoa vương giả, thì tác giả lại phát hiện ra sự giản dị của loài hoa này.
+ Giản dị về môi trường sống: hải đường đâu phải chỉ mọc nơi sân nhà quyền quý; nó sống khắp các vườn dân, các sân đình, chùa, nhà thờ họ
+ Giản dị cả về hình dáng: lá to thân khỏe, sống lâu nên cội cành thường sần lên những lớp rêu da rắn mầu gỉ đồng
– Tác giả cũng thật tinh tế khi cảm nhận vẻ đẹp của hoa trà mi:
+ Phát hiện ra vẻ đẹp tinh khôi từ hình dáng hoa trà, so sánh nó với vẻ đẹp của một phiến ngọc bạch
+ Thấy bản thân chưa cảm nhận hết cái sâu sắc của hoa trà: mùi hương tiềm ẩn, quyến rũ một cách bí ẩn chứ không đơn thuần chỉ đẹp bên ngoài.
* Cái tinh tế của Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ dừng lại ở việc cảm nhận, đánh giá về vẻ đẹp của các loài hoa mà còn thể hiện ở cách giao tiếp, ứng xử:
– Đoạn hội thoại với bà Lan Hữu thể hiện phép lịch sự, nho nhã của tác giả, phủ định mà không gay gắt: “thích đấy rồi quên nó đấy”, “Hoa thì im lặng, hương chính là tiếng nói riêng của hoa. Mà hoa trà thì tuyệt đối không có mùi hương”
– Tác giả hướng tới đại thi hào Nguyễn Du mà tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm phục về chất trí tuệ của cụ, mà thấy bản thân vẫn còn non kém.
* Sự tinh tế của Hoàng Phủ Ngọc Tường còn được thể hiện qua nghệ thuật viết văn vừa giàu xúc cảm vừa đầy chất trí tuệ:
– Tác giả quan sát tỉ mỉ, để rồi miêu tả cụ thể, chi tiết về các loài hoa trong khu vườn An Nhiên.
– Sự liên tưởng, so sánh độc đáo kết hợp với biện pháp tu từ nhân hóa khiến các loài hoa như có hồn người.
– Tác giả kết hợp giữa chất tự sự với tính trữ tình, giữa lập luận sắc bén với suy tư sâu sắc, khiến đoạn văn vừa giàu cảm xúc, vừa đậm chất trí tuệ.
* Đánh giá về sự tinh tế của Hoàng Phủ Ngọc Tường:
– Sự tinh tế và tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường khiến cho câu văn trong đoạn văn nói riêng và tác phẩm nói chung trở nên mềm mại, uyển chuyển, có sức lôi cuốn, thu hút mạnh mẽ.
– Sự tinh tế của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một biểu hiện trong phong cách nghệ thuật tài hoa của tác giả.
Kết bài: Đánh giá chung về tài năng viết kí của tác giả và giá trị của tác phẩm.