Đề văn lớp 11 đọc hiểu Người Cha của Nguyễn Quang Thiều

 

 

 

ĐỀ KS CHẤT LƯỢNG LẦN 2 NĂM HỌC 2023-2024

MÔN: Ngữ Văn  – KHỐI 11

(Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề)

Đề khảo sát gồm: 03 trang.

Phần I. Đọc hiểu (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Người cha

                                                   (Tác giả: Nguyễn Quang Thiều)

Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng cha thì thầm: – Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa.

(Lược một đoạn: Nhân vật “tôi” lên 12 tuổi, mẹ bỏ cha theo người đàn ông khác lên thành phố. Cha của “tôi” lên thành phố tìm vợ nhiều lần, về nhà ông đập phá, cấm hai đứa con không được đi tìm mẹ. Từ đó, ông thường uống rượu về đêm và khóc. “Tôi” phải nghỉ học chăm lo cho gia đình, thấy cha uống rượu, “tôi” giằng chai rượu và bị cha đánh.)

Chiều hôm sau đi làm về, khi ngồi xuống mâm cha tôi nhìn cánh tay tôi có những vết tím và hỏi:

– Tay con làm sao thế kia?

Lúc đó, tôi thấy tủi thân vô cùng. Tôi muốn òa khóc và gào lên thật to: “Làm sao hở cha? Chính cha đã đánh con”. Nhưng nhìn thấy cha lo lắng và buồn bã tôi vội nói:

– Con chẻ củi. Cành củi đập vào tay.

– Lần sau phải cẩn thận đấy.

Cha tôi nói và gục mặt ăn hết bữa. Đến khuya, cha lại uống rượu. Tôi mắc màn cho em tôi đi ngủ. Khi thằng em tôi đã ngủ say, tôi úp mặt vào gối và nức nở âm thầm. Một hôm, trong lúc cha tôi đi làm vắng thì mẹ tôi về. Hai chị em tôi ôm lấy mẹ và khóc.

– Bao giờ thì mẹ về ở với chị em con? Tôi hỏi.

– Mẹ không về đây nữa. Lần này mẹ về để đón các con lên thành phố ở với mẹ.

– Thế còn cha? – Em tôi hỏi.

– Cha ở lại đây – Mẹ tôi nói.

– Cha ở một mình à? Tôi hỏi.

– Ông ấy sẽ lấy vợ.

Nghe mẹ nói, tôi cúi đầu im lặng. Lát sau, tôi ngước nhìn mẹ và hỏi:

– Sao mẹ không về ở với cha?

– Mẹ không thể ở với ông ấy được – giọng mẹ tôi uất ức – Ông ấy sẽ giết mẹ.

Nghe mẹ tôi nói, tôi thấy hoảng sợ. Tôi nhớ đến những trận đòn của cha tôi trong những đêm say rượu. Và thế là ngày hôm đó, chị em tôi đã trốn cha theo mẹ về thành phố.

[…]

Lúc đó tôi đã tỉnh ngủ và vội vàng đáp. Mẹ tôi thở dài. Mẹ ngồi bên tôi một lát rồi đi vào buồng. Tôi nghe tiếng người đàn ông hỏi:

– Bao giờ thì cho chúng nó về?

– Em xin anh cho chúng nó ở đây. Em muốn chúng nó được học hành – Tiếng mẹ tôi nói nhỏ – Em sẽ cố gắng làm thêm.

– Tôi không cần cô phải làm thêm. Tôi cần cô chứ tôi không cần hai đứa con cô.

– Anh hiểu cho em. – Giọng mẹ tôi van vỉ.

– Nếu cô muốn ở với chúng nó thì về nhà cô mà ở. Thôi được, tôi cho chúng nó ở đây với cô dăm ngày nữa rồi cô phải đưa chúng nó về.

Tôi nghe thấy mẹ tôi khóc. Mặt tôi cũng giàn giụa nước mắt.

Mấy ngày ở nhà chồng mới mẹ tôi, hầu như tôi câm lặng suốt ngày. Em tôi còn nhỏ, nó không biết gì. Suốt ngày nó mê mải với những đồ chơi của nó.

Rồi một hôm cha tôi xuất hiện. Tôi kêu lên gọi cha.

Cha tôi không nói gì. Cha nhìn chị em tôi rất lâu, rồi hỏi:

– Mẹ chúng mày đâu?

Tôi chưa kịp trả lời cha thì mẹ từ trên gác bước xuống. Thấy cha, mẹ sững lại.

– Ông đến đây làm gì? Mẹ tôi hỏi.

– Tôi đến đưa các con tôi về.

– Chúng nó không phải con tôi chắc?

– Cô không xứng đáng làm mẹ chúng nó.

– Ông đừng nói ai xứng đáng hay không nữa. Ông hỏi chúng nó thích ở với ai? Đấy là quyền của chúng nó.

Mặt cha tôi chợt tái đi. Tôi thấy cha tôi thở rất mạnh.

– Nào? Chúng mày thích ở với ai? Mẹ hay bố? Nói đi!

Nghe mẹ tôi hỏi tôi cúi gằm mặt. Tôi không dám nhìn cha và mẹ tôi. Lúc đó tôi nghe thấy cha tôi ho. Và hiện lên trong ký ức tôi những buổi tối cha tôi nằm co quắp trên nền nhà vì say rượu. Và trong tâm trí tôi vang lên giọng cha tôi: “Tay con làm sao thế kia?”. Lúc đó tôi cắn môi kìm tiếng nấc, lúc sau, tôi nhìn thằng em tôi và hỏi:

– Em muốn ở với ai?

– Em muốn ở với chị!

Thằng em tôi nói và bước lại, nép sau tôi. Tôi thấy cha tôi đang nhìn tôi chờ đợi. Tôi thấy mẹ tôi đang nhìn cha tôi như thách thức.

– Ở với ai, nói đi? Mẹ tôi lại lên tiếng.

Tôi nhìn mẹ tôi nức nở:

– Cho chúng con về quê.

Mãi đến khuya chúng tôi mới trở về thị trấn. Khi đến ngõ, em tôi reo lên:

– Nhà mình đây rồi.

Ngôi nhà phảng phất mùi rượu và mùi ẩm mốc. Đêm đó, tôi dọn dẹp, thu xếp lại đồ đạc trong nhà cho cha tôi mãi tới khuya. Và đêm đó cha tôi không say rượu.

(Lược một đoạn: Công việc khó khăn hơn, con bò thì chết, cha của tôi lại đi làm bốc vác. Ông uống rượu vào lại chửi vợ, lại đánh con, rồi hôm sau cũng như mọi hôm khi đến bữa cơm, ông lại nhìn thấy con vết thương trên tay con gái, lại hỏi bằng giọng âu lo “Tay con làm sao thế? Tôi tìm đủ lí do để không nói ra sự thật như những lần trước).

Nhưng đến một lần cái cán chổi đánh trúng khớp cổ tay tôi. Cổ tay tôi bị bong gân sưng vù. Tôi không thể nào giấu cha được. Buổi tối trong bữa ăn, tôi không xới nổi bát cơm cho cha. Cha nhìn tôi hỏi:

– Tay con làm sao thế?

Tôi òa khóc. Lần đó, tôi không sao kìm được.

– Cha ơi! Con đau lắm.

– Làm sao thế? Cha tôi hoảng hốt – Ai đánh con? Đứa nào đánh con?

– Cha không đánh con – Tôi nức nở – Cha không đánh con.

– Đứa nào đánh? Cha tôi quát – Nói ngay, tao sẽ đập chết nó. Đứa nào?

Nghe cha hỏi vậy, tôi càng khóc to. Tôi khóc không phải vì đau đớn. Tôi khóc vì tủi thân. Tôi khóc vì cái giọng xót xa của cha tôi.

– Không nói đứa nào đánh mày thì tao đánh mày.

– Cha đừng đánh con nữa, đừng đánh con nữa.

Người cha tôi run lên. Mắt cha tôi đỏ hoe. Cha ôm tôi vào lòng. Hơi thở và vòng tay ấm áp của cha tôi làm tôi thêm tủi. Tôi khóc và nói:

– Đêm nào say rượu cha cũng đánh con bằng cái chổi kia kìa. Nhưng con không nói với cha vì con sợ cha buồn thêm. Con có lỗi cha cứ đánh con, nhưng cha đừng uống rượu nữa.

Tôi thấy cha tôi rùng mình. Và cha tôi khóc. Tiếng khóc của cha tôi như tiếng “u… u” kéo dài trên đầu tôi bất tận.

Gần sáng tôi tỉnh giấc. Căn nhà vẫn sáng đèn. Tôi thấy cha tôi ngồi im phắc. Tôi rời giường đến bên cha. Tôi ôm lấy cổ cha:

– Cha hết rượu uống rồi ư?

Cha tôi lắc lắc đầu, cha từ từ nhắm mắt lại. Hai giọt nước mắt tứa ra.

– Cha đừng buồn nữa, cha nhé.

Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng cha thì thầm:

– Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa.

Tôi dụi mắt vào ngực cha. Đêm ấm áp và da diết vô cùng. Tôi thấy cha tôi gần gũi và tin cậy hơn bao giờ hết.

                                                                              (Báo nongnghiep.vn, thứ 5, 26/01/2023)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.

Câu 2. Nêu những không gian được miêu tả trong đoạn trích.

Câu 3. Tìm và phân tích tác dụng của việc sử dụng từ láy trong những câu văn sau: “Tôi dụi mắt vào ngực cha. Đêm ấm áp và da diết vô cùng. Tôi thấy cha tôi gần gũi và tin cậy hơn bao giờ hết”.

Câu 4. Tại sao người cha “rùng mình” và “khóc u…u” như vậy?

Câu 5. Em có đồng tình với cách thương cha của nhân vật “tôi” không? Vì sao?

Phần II. Viết (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Anh/chị hãy viết một đoạn văn (200 chữ) cảm nhận về nhân vật “tôi” trong truyện ngắn “Người cha” của Nguyễn Quang Thiều.

Câu 2 (4,0 điểm) Cuộc đời nhiều lúc đắng cay khi chính những người thân yêu lại gây cho nhau những đau khổ.

Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày những giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

————–Hết————

 

 

 

ĐÁP ÁN ĐỀ KSCL LẦN 2 – NĂM HỌC 2023-2024

MÔN: Ngữ Văn – KHỐI 11

Đáp án gồm:  03 trang.

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
  1 Ngôi kể thứ nhất (người kể chuyện xưng “tôi”, là nhân vật xuất hiện và tham gia trực tiếp vào câu chuyện). 0.5
2 Những không gian được miêu tả trong đoạn trích:

– Không gian ngôi nhà của cha con nhân vật tôi (không gian chính)

– Không gian ngôi nhà chồng mới của mẹ nhân vật tôi

0.5

 

3 – Từ láy: ấm áp, da diết, gần gũi

– Tác dụng:

+ Tăng sức gợi hình, biểu cảm của lời văn;

+ Diễn tả đầy đủ, chính xác cảm xúc hạnh phúc dâng trào của nhân vật “tôi” khi nhận được những cử chỉ âu yếm, cùng lời nói nhẹ nhàng, da diết từ cha.

+ Cho thấy tình phụ tử thiêng liêng đã được đánh thức, được hồi sinh.

0,25

0,75

    4 Người cha “rùng mình” và “khóc u…u” vì:

+ Khi biết được sự thật, người cha rùng mình vì đau đớn; khóc vì xấu hổ về những hành động của chính ông trong cơn say đã gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác cho cô con gái bé bỏng.

+ Giọt nước mắt của sự xúc động, cảm phục trước vẻ đẹp nhân cách (hi sinh, bao dung) và tình thương của con gái giành cho mình.

1.0
5 – Đây là dạng câu hỏi mở, người viết tự do lựa chọn đồng tình hoặc không đồng tình.

HS cần phải giải thích để bảo vệ quan điểm của bản thân đã lựa chọn.

Gợi ý:

+ Nếu đồng tình: HS có thể lí giải: Tình yêu thương cha mãnh liệt và sự chăm sóc, hi sinh của người con là phương thuốc hữu hiệu nhất an ủi tâm hồn bị tổn thương và khiến người cha tỉnh ngộ thoát khỏi sự u mê. Đó là cách thương cha đầy ngây thơ của một đứa trẻ.

+ Nếu không đồng tình: Hs có thể lí giải theo hướng: Sự câm lặng, chịu đựng không nói ra hành vi xấu của người thân chưa chắc đã là yêu thương mà gián tiếp che đậy, dung túng cho hành vi xấu, có thể gây tổn thương, nguy hiểm đến bản thân mình. Thay vì chịu đựng, cô bé có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người lớn khác hoặc chính quyền để bảo vệ bản thân…

0,25

 

0,75

 

 

 

 

 

II  

1

 

LÀM VĂN 6.0
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (200 chữ) cảm nhận về nhân vật “tôi” trong truyện ngắn “Người cha” của Nguyễn Quang Thiều. 2.0
a. Xác đinh được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.

Cảm nhận nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Người cha (NQT)

0.25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

*Nội dung: Cảm nhận về nhân vật tôi, làm nổi bật các đặc điểm của nhân vật được miêu tả trong tác phẩm:

–  Một cô bé 12 tuổi có hoàn cảnh sống éo le: mẹ bỏ đi; cha buồn bã rơi vào rượu chè bê tha, gia đình khó khăn, phải nghỉ học, âm thầm chịu đựng bạo lực từ người cha…

–  Một cô bé đảm đang, tháo vát (minh chứng từ tác phẩm)

–  Một cô bé hiểu chuyện, thương cha sâu sắc, giàu đức hi sinh (minh chứng)

– Ý nghĩa tư tưởng của nhân vật: ngợi ca lòng hiếu thảo, tình cảm gia đình. Chính tấm lòng vị tha, bao dung, hiểu chuyện của nhân vật “tôi” là liều thuốc chữa lành vết thương tâm hồn trong lòng người cha, khiến ông tỉnh ngộ. Câu chuyện khiến ta hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của tình cảm gia đình.

– HS thể hiện được cảm xúc của bản thân về nhân vật: thương cảm, xót xa cho hoàn cảnh của nhân vật; cảm phục nghị lực, tình thương cha sâu sắc của nhân vật…

*Nghệ thuật: Ngôi kể thứ nhất; nghệ thuật kể chuyện sinh động, hấp dẫn; xây dựng nhân vật kết hợp lời nói, hành động và khai thác yếu tố tâm lí; chi tiết nghệ thuật ám ảnh; giọng văn buồn thương da diết; tình huống truyện độc đáo, éo le => Tất cả đã tạo nên những xúc cảm thẩm mĩ khó phai.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: cảm nhận về nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Người cha.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý

– Lập luận chặt chẽ, xác đáng, dẫn chứng hợp lí

0.5
d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.25
2 2 Cuộc đời nhiều lúc đắng cay khi chính những người thân yêu lại gây cho nhau những đau khổ.

Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày những giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

4.0
a.    Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội 0.25
b.    Xác định đúng vấn đề nghị luận: giải pháp để khắc phục tình trạng người thân yêu lại gây đau khổ cho nhau. 0.5
c.  Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

–    Xác định được các ý chính của bài viết

–    Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận

1.     Giới thiệu được vấn đề nghị luận

2.     Triển khai vấn đề nghị luận

a. Giải thích vấn đề nghị luận:

– Người thân: những người trong gia đình, người yêu, bạn bè thân thiết…

– Gây tổn thương: có những hành động vô tình hay cố ý gây nên những tổn thương về mặt tinh thần (âu lo, sợ hãi; cảm thấy bị lừa dối, phản bội, bị coi thường) hoặc những tổn thương về mặt thể xác (đánh đập…)

b. Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

* Tại sao những người thân thường gây cho nhau những tổn thương?

HS lí giải ngắn gọn lí do những người thân lại thường gây cho nhau những tổn thương, có thể theo hướng: Vì cuộc sống có quá nhiều áp lực không được giải tỏa đúng cách; vì kì vọng quá lớn vào người thân vô tình tạo nên áp lực; vì khoảng cách thế hệ và những lệch lạc trong suy nghĩ, hành động không làm hài lòng đối phương (đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái); những hành động, lời nói thiếu quan tâm, thiếu tế nhị; các hành vi gây tổn thương: lừa dối, phán xét, áp đặt, cậy quyền bố mẹ…

=> Chính vì thế họ vô tình hoặc cố ý gây tổn thương cho nhau.

* Đề xuất giải pháp:

– Thứ nhất, nâng cao việc giáo dục con cái ý thức tự giác, lòng tự trọng, lòng hiếu thảo, lòng biết ơn… để trẻ biết sống có trách nhiệm hơn, sống có ý thức hơn.

– Thứ hai, các bậc làm cha làm mẹ không nên áp đặt tư tưởng, cách nghĩ lên con cái một cách máy móc, cứng nhắc; họ cần lắng nghe, thấu hiểu tâm tư tình cảm của con cái nhiều hơn, trở thành người bạn lớn, người bầu bạn tâm sự tin cậy của con cái.

– Thứ ba, mọi thành viên trong gia đình cần phải biết lắng nghe, chia sẻ, biết đặt mình vào vị trí của người khác; cùng nhau gánh vác việc nhà, có trách nhiệm xây dựng gia đình…

– Thứ tư, mỗi người cần rèn luyện đức tính kiên trì, bền bỉ, bình tĩnh trong mọi việc, muốn vậy mỗi người cần tìm cho mình một nguyên tắc sống văn minh, hiện đại…

– Thứ năm, cần chú trọng đến lời ăn tiếng nói, nhất là khi nóng giận, khi không bình tĩnh không nên đưa ra quyết định hoặc phán xét người khác…

– Phê phán, lên án những hành động gây tổn thương giữa những người thân. Lan tỏa những hành động yêu thương, hi sinh cho nhau giữa những người trong gia đình.

* Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

1.25

 

 

 

 

 

0.25

 

 

 

 

 

0.25

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0.5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0.25

    d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất 3 luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận phù hợp.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, dẫn chứng hợp lí, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Hs có thể bày tỏ suy nghĩ quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,25
d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *