UBND TỈNH HÀ NAM
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề thi gồm 02 trang) |
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11 THPT CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2023 – 2024 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 180 phút |
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
… Đất nước tôi ơi
Những dòng sông đã cho tôi gương mặt
Những chân trời đã cho tôi tiếng hát
Đồng bãi cho tôi sức vóc bàn tay
Đồi núi cho tôi những bước đi dài
Hoa và chim đã cho tôi mộng ước
Những trái tim đập dồn trong ngực
Là của người – lẽ sống của đời tôi
Tôi cùng người chung lúa chung khoai
Chung cơn bão chung cánh rừng lửa đạn
Chung ca nước dưới đường hào nắng gắt
Chung lá cờ chung ngọn lửa ban mai
…
Dạy tôi biết gieo trồng và cấy gặt
Tôi tìm đời tôi trong số phận người
Tìm lẽ phải nơi trán người bình tĩnh
Hạt muối tôi trong biển người vô tận
Chỉ khổ đau vì đau khổ của người
Chỉ sướng vui trong vui sướng của người thôi…
(Trích Người cùng tôi, Lưu Quang Vũ,
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn, 2013, tr.168)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên.
Câu 2. Nhân vật trữ tình đã nhận ra được những điều gì từ đất nước?
Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong những dòng thơ sau:
Tôi cùng người chung lúa chung khoai
Chung cơn bão chung cánh rừng lửa đạn
Chung ca nước dưới đường hào nắng gắt
Chung lá cờ chung ngọn lửa ban mai
Câu 4. Anh/Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?
Tôi tìm đời tôi trong số phận người
Tìm lẽ phải nơi trán người bình tĩnh
Câu 5. Từ suy ngẫm của nhân vật trữ tình trong đoạn trích, anh/chị hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân. (Trình bày khoảng 6 – 8 câu)
I LÀM VĂN (17,0 điểm)
Câu 1. (7,0 điểm)
Tác giả Robin Sharma trong Lời giới thiệu cuốn sách Ba người thầy vĩ đại có chia sẻ:
Suy ngẫm nhiều hơn về thực trạng cuộc sống của mình, tôi bắt đầu nhận thức được sự trống rỗng ngay trong tim mình. Tôi bắt đầu chú ý đến những tiếng thì thầm lặng lẽ của con tim…
(Trích Ba người thầy vĩ đại, Robin Sharma, NXB Lao động, 2019, tr.12)
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời chia sẻ trên.
Câu 2. (10,0 điểm)
Bàn về điểm nhìn trần thuật trong sáng tạo nghệ thuật, có ý kiến cho rằng:
Việc xác định điểm nhìn để tái hiện đời sống như mở một con đường đi vào rừng rậm. Xác định đúng, tạo cho người đi cái thế nhìn sâu, trông xa, đưa họ đến cái điểm nhận thức và cảm thụ mà nhà văn muốn đạt đến.
(Dẫn theo Lí luận văn học, Phương Lựu chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam, 1996, tr.310)
Bằng trải nghiệm văn học ở thể loại truyện ngắn, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
UBND TỈNH HÀ NAM SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
|
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11 THPT CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2023 – 2024
|
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
YÊU CẦU CHUNG
– Thí sinh có kiến thức văn học và xã hội chính xác, sâu rộng; kĩ năng đọc hiểu, làm văn tốt. Bố cục bài làm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và cảm xúc.
– Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.
– Việc chi tiết hoá điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm mỗi câu và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi. – Bài thi được chấm theo thang điểm 20; làm tròn đến 0,25 điểm.
YÊU CẦU CỤ THỂ
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Kĩ năng: Thí sinh trả lời các câu hỏi theo đúng yêu cầu, ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.
Kiến thức
Câu 1. (0,25 điểm)
Nhân vật trữ tình “tôi”
Câu 2. (0,25 điểm)
Nhân vật trữ tình đã nhận được những điều từ đất nước là: gương mặt, tiếng hát, sức vóc bàn tay, những bước đi dài, mộng ước, trái tim.
Câu 3. (0,75 điểm)
– Biện pháp tu từ điệp từ (chung), điệp cấu trúc (Chung cơn bão chung cánh rừng lửa đạn… Chung lá cờ chung ngọn lửa ban mai)
– Tác dụng:
+ Nhấn mạnh ý nghĩa của tinh thần đoàn kết, sẻ chia cùng vượt qua khó khăn gian khổ của chiến tranh và niềm tin, hi vọng của con người; thể hiện tình cảm trân trọng, biết ơn của tác giả trước những cống hiến, hi sinh của thế hệ đi trước.
+ Tạo âm hưởng, nhịp điệu cho đoạn thơ.
Câu 4. (0,75 điểm)
Các dòng thơ có thể hiểu:
– Con người cần biết mở rộng lòng mình để cảm nhận cuộc sống, thấu hiểu, chia sẻ, yêu thương và ý thức được trách nhiệm đối với đất nước.
– Con người có thể tìm thấy cuộc đời, chân lí, lẽ sống từ đất nước.
Câu 5. (1,0 điểm)
– Hình thức: khoảng 6 – 8 câu
– Nội dung:
+ Nhân vật trữ tình suy ngẫm về đất nước, chân lí cuộc đời,…
+ Rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân: HS nêu được bài học ý nghĩa, phù hợp; lí giải hợp lí.
LÀM VĂN (17,0 điểm)
Câu 1 (7,0 điểm)
Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận xã hội, thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một hướng giải quyết:
a) Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu được vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)
b) Thân bài
* Giải thích vấn đề (1,0 điểm)
– Sự trống rỗng ngay trong tim mình: cảm giác cô độc, mất niềm tin, hi vọng…
– Chú ý đến những tiếng thì thầm lặng lẽ của con tim: tập trung cảm nhận những âm thanh nhỏ bé, khẽ khàng, thậm chí là những âm thanh không lời xuất phát từ chính bản thân mình.
→ Khẳng định vấn đề: Trong cuộc sống chúng ta bị nhiều tiếng nói ồn ào bên ngoài chi phối tạo ra sự trống rỗng, bất lực không biết nghe ai thì hãy lắng lại để lắng nghe bản thân mình. Hãy sống và làm theo những gì con tim muốn, không bị tác động bởi những vấn đề xung quanh.
* Bàn luận vấn đề (5,0 điểm)
– Ý nghĩa của việc “chú ý đến những tiếng thì thầm lặng lẽ của con tim”:
+ Hiểu rõ hơn về cảm xúc, mong muốn và giá trị của bản thân; được sống là chính mình, ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.
+ Tìm được mục đích và lí tưởng sống; dám theo đuổi ước mơ và mục tiêu của mình. + Thẩu hiểu cuộc sống, đưa ra những quyết định sáng suốt, từ đó đạt được thành công.
+ Không chú ý đến tiếng nói của bản thân, con người sẽ không có lập trường, rơi vào lối sống a dua…
…
– Cần làm gì để lắng nghe được “những tiếng thì thầm lặng lẽ của con tim”?
+ Dành ra những giây phút sống chậm lại cho chính mình, cho những người xung quanh.
+ Hòa mình vào với thiên nhiên.
…
– Mở rộng:
+ Chú ý đến những tiếng thì thầm lặng lẽ của con tim là quan trọng nhưng cũng cần có sự chọn lọc, không thể bỏ qua hoàn toàn lí trí. Ta nên cân nhắc cả hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất cho bản thân.
+ Lắng nghe tiếng nói nội tâm đôi khi khiến cuộc đời ta trở nên khác biệt nhưng nếu biết trân trọng ta vẫn có thể cống hiến cho đời.
+ Phản biện: Những người sống vội, sống gấp, sống cá nhân ích kỉ đã quên đi việc chú ý đến tiếng nói của bản thân.
(Trong quá trình bàn luận, thí sinh đưa ra những dẫn chứng
tiêu biểu, toàn diện, xác đáng để làm rõ vấn đề.)
* Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)
– Nhận thức được ý nghĩa của tiếng nói bên trong bản thân mình.
– Học chú ý đến những tiếng thì thầm lặng lẽ của con tim để biến nó thành một kĩ năng cần thiết trong cuộc sống hiện đại.
c) Kết bài: Đánh giá, khái quát vấn đề (0,25 điểm)
Câu 2 (10,0 điểm)
Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, nắm vững kiến thức về truyện ngắn, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, thí sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, cơ bản đạt được những nội dung sau:
a) Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn ý kiến. (0,25 điểm)
b) Thân bài
* Giải thích ý kiến (1,0 điểm)
– Điểm nhìn (hay điểm nhìn trần thuật): được hiểu là vị trí, chỗ đứng để xem xét, miêu tả, đánh giá sự vật hiện tượng trong tác phẩm.
– Con đường đi vào rừng rậm: là cách nói ẩn dụ chỉ việc người nghệ sĩ lựa chọn điểm nhìn trong quá trình tái hiện đời sống để mở ra những hướng đi trong sáng tạo nghệ thuật.
– Xác định đúng, tạo cho người đi cái thế nhìn sâu, trông xa, đưa họ đến cái điểm nhận thức và cảm thụ mà nhà văn muốn đạt đến: khi lựa chọn đúng điểm nhìn trần thuật nhà văn có khả năng bao quát hiện thực đời sống ở cả bề rộng lẫn chiều sâu, khám phá và lí giải được bản chất của hiện thực đời sống; từ đó thể hiện được mục đích sáng tạo của mình.
→ Vấn đề nghị luận: Ý kiến khẳng định vai trò quan trọng của điểm nhìn trần thuật trong sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.
* Bàn luận ý kiến (1,5 điểm)
– Mọi tác phẩm văn học đều xuất phát từ điểm nhìn cụ thể. Nghệ sĩ không thể miêu tả, trần thuật các sự kiện về đời sống được nếu không xác định cho mình một điểm nhìn đối với sự vật, hiện tượng. Vì vậy, điểm nhìn trần thuật là một trong những yếu tố hàng đầu của sự sáng tạo.
– Truyện kể được tạo nên từ nơi bắt đầu điểm nhìn. Đó là điểm bắt đầu và chi phối sâu sắc đến tác phẩm. Từ điểm nhìn nghệ thuật người kể chuyện xác định các yếu tố để kể, miêu tả, bình luận, phương thức kể chuyện, ngôi kể, lời kể,… Tất cả các yếu tố này sẽ kết hợp với nhau để nhà văn tái hiện hiện thực đời sống. Từ điểm nhìn nghệ thuật, chủ thể của điểm nhìn quan sát, kể lại, miêu tả và bình luận khiến đối tượng được nói đến hiện lên sống động. Không chỉ giúp nhà văn tái hiện hiện thực, điểm nhìn nghệ thuật còn giúp người đọc thâm nhập vào tác phẩm trên bình diện nghệ thuật, khám phá giá trị nội dung tư tưởng mà nhà văn gửi gắm ở đứa con tinh thần của mình.
– Về bản chất, điểm nhìn nghệ thuật luôn xuất phát từ điểm nhìn của tác giả và mỗi tác phẩm truyện đều ẩn chứa trong đó hình tượng tác giả. Từ việc phân tích điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm, người đọc còn có thể tìm ra được nét riêng độc đáo trong phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn.
* Làm sáng tỏ qua một số truyện ngắn (6,0 điểm)
Yêu cầu:
– Phạm vi dẫn chứng: Thí sinh lựa chọn được những truyện ngắn tiêu biểu để phân tích làm sáng rõ nhận định.
– Vấn đề cần làm nổi bật: Vai trò của điểm nhìn trần thuật trong việc nhà văn miêu tả, đánh giá sự vật hiện tượng trong tác phẩm. (Người trần thuật là ai? Trần thuật từ những điểm nhìn nào? Với điểm nhìn trần thuật đó thì đối tượng được miêu tả hiện lên như thế nào? Tư tưởng, tình cảm của người trần thuật ra sao?…)
* Đánh giá, mở rộng. (1,0 điểm)
Ý kiến đã khẳng định vai trò quan trọng của điểm nhìn trần thuật, có tác dụng định hướng với người sáng tác và người tiếp nhận.
– Với người sáng tác: nhà văn phải có ý thức và tài năng trong việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật để tái hiện đời sống. Từ đó, tác phẩm không những có giá trị nhận thức sâu rộng mà còn có giá trị thẩm mĩ cao đồng thời nhà văn khẳng định được phong cách nghệ thuật của mình.
– Với người tiếp nhận: người đọc ý thức được điểm nhìn trần thuật là một kênh quan trọng trong quá trình khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn, nâng cao kiến thức về phương diện này để tiếp nhận tác phẩm một cách tốt nhất.
c) Kết bài: Đánh giá, khái quát vấn đề. (0,25 điểm)
— Hết —