Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Văn trường THPT Chuyên Hạ Long

Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Văn trường THPT Chuyên . Kiều ở lầu Ngưng Bích, Cảm nhận của em về hình tượng vầng trăng trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG NINH

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN HẠ LONG NĂM HỌC 2013 – 2014

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

MÔN: Ngữ văn chuyên

Ngày thi: 29/6/2013

Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1. (2,0 điểm):
Cho đoạn thơ sau:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

. Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

, Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

(Nguyễn Du, trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” – SGK Ngữ văn, tập I – NXBGD 2008, tr. 94)

a) Nêu khái quát nội dung của tám câu thơ trên?
Để diễn tả thành công nội dung đó, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật đặc sắc gì của văn học trung đại? (0,5 điểm)
 
b) Trong đoạn thơ, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ từ vựng nào? Hiệu quả của những biện pháp tu từ từ vựng đó? (1,5 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm) Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết phải có tính tự lập đối với học sinh ngày nay.
Câu 3. (5,0 điểm) Cảm nhận của em về hình tượng vầng trăng trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy (SGK Ngữ văn 9 – tập I – NXB Giáo dục, 2008 – tr.155,156)

. ————————- Hết ———————-

HƯỚNG DẪN CHUNG:
– Giám khảo cần nắm vững các yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách đếm ý cho điểm.
– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo.
– Việc chi tiết hoá điểm số các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi
. – Điểm toàn bài là 10,0 điểm, chi tiết đến 0,25 (không làm tròn).
II/ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:
Câu 1
a) Nội dung của tám câu thơ: Diễn tả tâm trạng buồn lo của Thuý Kiều khi ở lầu Ngưng Bích trước thực tại phũ phàng của số phận. – Bút pháp nghệ thuật đặc sắc trong tám câu thơ là bút pháp tả cảnh ngụ tình. 0,5
b) – Những biện pháp tu từ từ vựng được sử dụng trong tám câu thơ:
+ Điệp ngữ: “buồn trông”.
+ Ẩn dụ: ở các hình ảnh cánh buồm xa xa, ngọn nước mới sa, hoa trôi man mác, nội cỏ rầu rầu, gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng sóng.
– Tác dụng:
+ Điệp ngữ: được lặp đi lặp lại nhiều lần diễn tả nỗi buồn triền miên, nặng nề, mênh mông, dường như không dứt trong lòng Kiều. Đồng thời  điệp ngữ đã góp phần tạo nên âm hưởng trầm buồn cho đoạn thơ.
+ Ẩn dụ: góp phần diễn tả thân phận éo le và tâm trạng buồn rầu, lo lắng cho cuộc sống hiện tại và tương lai của Thuý Kiều.
Câu 2 Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết phải có tính tự lập đối với học sinh ngày nay. 3,0
a) Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội bàn về một vấn đề tư tưởng đạo lí. Bài viết có kết cấu chặt chẽ (đủ ba phần); diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Độ dài khoảng 400 từ.
b) Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Giới thiệu được vấn đề nghị luận: 0,25
* Giải thích:
– Tự lập là tự xây dựng lấy cuộc sống, không ỷ lại, dựa dẫm, nhờ vả người khác trong mọi công việc.
– Tự lập đối với học sinh là tự mình phải chủ động, tự giác, tích cực trong học tập và trong cuộc sống, không trông chờ, ỷ lại vào gia đình, bạn bè, thầy cô… 0,5
* Bàn luận:
– Trong xã hội hiện đại ngày nay, khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão, mỗi con người ngay từ tuổi học sinh đã cần phải hình thành cho mình tính tự lập để có thể làm chủ được kiến thức, làm chủ được cuộc sống một cách vững vàng. (0,25 điểm)
– Đối với người học sinh, tự lập là một trong những yếu tố cần thiết để làm nên thành công trong học tập và cuộc sống: + Trong học tập, người học sinh có tính tự lập sẽ có thái độ chủ động, tự giác, tích cực, có động cơ, mục đích học tập rõ ràng, đúng đắn. Từ sự chủ động đó, người học sẽ tìm ra phương pháp học tập tốt, phát huy được năng lực của bản thân để vươn lên đạt kết quả cao. (0,5 điểm)
+ Trong cuộc sống, người học sinh có tính tự lập sẽ luôn chủ động, nhanh nhẹn, hoạt bát, không dựa dẫm, ỷ lại người khác trong công việc. Điều đó sẽ góp phần hình thành bản lĩnh sống mạnh mẽ, không e ngại, rụt rè trước khó khăn hoặc trong giao tiếp… (0,5 điểm)
– Nếu không có tính tự lập, học sinh sẽ thường có tâm lí trông chờ, dựa dẫm, thiếu bản lĩnh và dễ bị vấp ngã, thất bại trong học tập và cuộc sống. Tuy nhiên tự lập không phải là tự cô lập mình, từ chối sự hợp tác, sự giúp đỡ chân thành, hợp lí của người khác… (0,25 điểm)
– Hiện nay, có không ít học sinh còn thiếu tính tự lập, có những biểu hiện ỷ lại, dựa dẫm vào gia đình, bạn bè… Cần phê phán những hiện tượng đó. (0,25 điểm)
(Thí sinh đưa dẫn chứng phù hợp với vấn đề bàn bạc) 1,75
* Bài học:
– Cần nhận thức được vai trò quan trọng của tính tự lập đối với bản thân  trong học tập và trong cuộc sống.
– Cần tích cực rèn luyện bản thân để có tính tự lập và thể hiện cụ thể trong học tập cũng như trong cuộc sống của mình. Câu 3
Cảm nhận của em về hình tượng vầng trăng trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. 5,0
a) Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận văn học; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b) Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Nguyễn Duy và bài thơ “Ánh trăng”, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận. 0,5
* Cảm nhận về hình tượng vầng trăng trong bài thơ:
– Hình ảnh vầng trăng
– biểu tượng cho quá khứ hồn nhiên, tươi đẹp, nghĩa tình:
+ Vầng trăng là vẻ đẹp của thiên nhiên tươi mát, là người bạn hồn nhiên của tuổi thơ, là bạn tri kỉ của con người thời chiến tranh ở rừng.
+ Vầng trăng trong quá khứ là người bạn bình dị, hiền hậu, nghĩa tình, trong sáng và thuỷ chung -> Là quá khứ vẹn nguyên không thể phai mờ.
+ Vầng trăng vừa là hình ảnh nhân hoá vừa là hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tượng trưng.
=> Vầng trăng là biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước. 1,0
– Vầng trăng bị con người lãng quên trong cuộc sống hiện tại nhưng nó vẫn là biểu tượng của quá khứ tươi đẹp, vẹn nguyên:
+ Cuộc sống hiện đại với sự đầy đủ về vật chất, những “ánh điện”, “cửa gương”… đã làm con người lãng quên đi người bạn nghĩa tình, lúc này vầng trăng trở thành “người dưng qua đường”, bị coi như một người xa lạ.
+ Mặc dù con người đã quên đi quá khứ nhưng vầng trăng thì vẫn vẹn nguyên, không thay đổi -> vầng trăng biểu tượng cho sự vĩnh hằng của cuộc sống. 0,5
– Sự trở lại của vầng trăng làm thức tỉnh nhận thức, tình cảm của con người về quá khứ gian lao mà nghĩa tình:
+ Vầng trăng trở lại trong hoàn cảnh bất ngờ với con người: “Thình lình đèn điện tắt”, đó là cơ hội để vầng trăng xuất hiện: “đột ngột vầng trăng tròn”.
+ Sự xuất hiện trở lại của vầng trăng đã làm dâng lên trong lòng con người cảm xúc “rưng rưng” nhớ lại quá khứ tươi đẹp, nghĩa tình -> sử dụng từ ngữ độc đáo, thủ pháp so sánh góp phần diễn tả hiệu quả cảm xúc.
+ Vầng trăng là nhân chứng nghĩa tình, hiền hậu, bao dung và cũng rất nghiêm khắc để con người phải “giật mình”, thức tỉnh lương tâm, 1,5 nhớ về quá khứ (phân tích dẫn chứng).
=> Khái quát chung:
– Hình tượng vầng trăng trong bài thơ của Nguyễn Duy có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Đó là một bài học giàu tính triết lí về thái độ sống ân nghĩa, thuỷ chung của con người đối với quá khứ của chính mình và dân tộc.
– Tác giả đã khắc họa hình tượng vầng trăng bằng ngôn ngữ tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm; giọng điệu tâm tình, khi ngân nga, thiết tha cảm xúc, lúc trầm lắng đầy ắp suy tư… 1,0
* Đánh giá ý nghĩa của vấn đề, liên hệ, mở rộng với bản thân. 0,5 Lưu ý: chỉ cho điểm tối đa khi bài viết đạt được cả yêu cầu về kiến thức và kĩ năng song cũng cần linh hoạt với những bài giàu cảm xúc và có tính sáng tạo.
Xem thêm : Bộ đề thi tuyển sinh vào 10 môn văn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *