ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN, KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 NĂM HỌC 2016 – 2017.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐỒNG THÁP
Ngày thi: 15/6/2016
Thời gian làm bài: 120 phút
Câu 1: (2,0 điểm)
a). Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
…Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.
– Đoạn trích trên kể về ai? Trong tác phẩm nào?
– Lời kể thể hiện suy nghĩ của nhân vật về điều gì?
b). Khởi ngữ là gì?
Tìm khởi ngữ trong câu sau: Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. (Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi)
Câu 2: (3,0 điểm)
Đọc truyện sau đây:
NGƯỜI ĂN XIN
Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi. Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông:
– Xin ông đừng giận cháu ! Cháu không có gì cho ông cả. Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:
– Cháu ơi, cảm ơn cháu ! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông. (Theo Tuốc-ghê-nhép, Ngữ văn 9, tập một) Từ câu chuyện trên, hãy viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về sự cảm thông sẻ chia trong cuộc sống.
Câu 3: (5,0 điểm)
Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau: Mọc giữa dòng sông xanh Một bông hoa tím biếc Ơi con chim chiền chiện Hót chi mà vang trời Từng giọt long lanh rơi Tôi đưa tay tôi hứng. Mùa xuân người cầm súng Lộc giắt đầy trên lưng Mùa xuân người ra đồng Lộc trải dài nương mạ Tất cả như hối hả Tất cả như xôn xao… Đất nước bốn ngàn năm Vất vả và gian lao Đất nước như vì sao Cứ đi lên phía trước. Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến. Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc. …
(Thanh Hải, trích Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, tập hai)
Đáp án :
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐỒNG THÁP
_ KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 NĂM HỌC 2016 – 2017
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ CHÍNH THỨC MÔN: NGỮ VĂN
I. Hướng dẫn chung
1) Nếu học sinh làm bài không theo cách nêu trong đáp án nhưng đúng, chính xác, chặt chẽ thì cho đủ số điểm của câu đó.
2) Việc chi tiết hóa (nếu có) thang điểm trong hướng dẫn chấm phải bảo đảm không làm sai lệch hướng dẫn chấm và phải được thống nhất thực hiện trong tổ chấm.
II. Đáp án và thang điểm
Câu 1: ( 2,0 điểm)
a). – Đoạn trích kể về nhân vật anh thanh niên, trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa. 0,5
– Lời kể thể hiện suy nghĩ của nhân vật về công việc của mình. 0,5 b). – Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu. 0,5
– Khởi ngữ trong câu đã cho: mắt tôi. 0,5
Câu 2: (3,0 điểm)
a). Yêu cầu về kĩ năng Thí sinh biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội, liên kết chặt chẽ, văn viết mạch lạc, có sức thuyết phục; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b). Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý chính sau đây:
– Cảm thông sẻ chia là sự thấu hiểu, chia sớt tâm tư, tình cảm, nỗi khó khăn… cùng nhau.
– Câu chuyện là bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc, nhắc nhở con người biết cảm thông biết sẻ chia để cuộc sống tốt đẹp hơn.
– Ý nghĩa tốt đẹp của sự cảm thông sẻ chia: giúp con người sống gần gũi, tình nghĩa; tạo niềm tin, động lực giúp nhau vượt qua khó khăn…
– Phê phán lối sống thờ ơ, vô cảm, chỉ biết có bản thân.
– Mỗi cá nhân phải biết quan tâm, thông cảm, giúp đỡ nhau… để cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn.
Câu 3: (5,0 điểm)
a). Yêu cầu về kĩ năng Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng để viết bài văn nghị luận về một đoạn thơ. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng, diễn đạt lưu loát, dùng từ chính xác, dẫn chứng hợp lí, kết hợp hài hòa yếu tố biểu cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b). Yêu cầu về kiến thức Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu được cảm nhận chung về đoạn thơ. 0,5
* Trình bày được những cảm nhận về đoạn thơ
– Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp trong trẻo, đầy sức sống của thiên nhiên đất trời (khổ thơ 1)
+ Từ ngữ, hình ảnh, âm thanh: dòng sông xanh, hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời.
+ Phép tu từ ẩn dụ: Từng giọt long lanh rơi…
+ Mùa xuân đẹp đẽ, tươi tắn, đầy sức sống thể hiện cảm xúc say sưa ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời vào xuân.
– Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp và sức sống của đất nước, của cách mạng (khổ thơ 2, 3)
+ Hình ảnh người cầm súng, người ra đồng, lộc xuân thể hiện những lực lượng, những nhiệm vụ của cách mạng.
+ Điệp từ (tất cả); từ láy tượng hình, tượng thanh (hối hả, xôn xao); hình ảnh so sánh đẹp (Đất nước như vì sao) thể hiện nhịp điệu hối hả, âm thanh xôn xao, sức sống bất diệt của mùa xuân cách mạng, mùa xuân đất nước.
– Khát vọng được sống có ý nghĩa, được cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời của nhà thơ (khổ thơ 4 5)
+ Hình ảnh đẹp (con chim hót, cành hoa, nốt nhạc trầm); điệp từ (ta), điệp ngữ (dù là).
+ Tâm niệm của nhà thơ được thể hiện chân thành tha thiết; khát vọng được hòa nhập, được cống hiến cho đời, cho đất nước quê hương. 1,5
* Tổng hợp, đánh giá
– Thể thơ năm chữ, nhạc điệu trong sáng thiết tha. Hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, so sánh ẩn dụ sáng tạo…
– Đoạn thơ là tiếng lòng yêu mến tha thiết gắn bó với đất nước, với cuộc đời và ước nguyện chân thành: sống để cống hiến, để có ích cho đời của nhà thơ.
Liên hệ…
Xem thêm : Bộ đề tuyển sinh vào 10 môn Văn