SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NAM ĐỊNH |
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN Năm học 2015 – 2016 Môn: NGỮ VĂN (chung) Thời gian làm bài: 120 phút |
Câu 1: Phần Tiếng Việt (2,0 điểm)
Em hãy đọc đoạn văn sau:
(…)(1) Có một đám mây kéo ngoài cửa hang. (2) Một đám nữa. (3) Rồi một đám nữa bay qua ngày càng nhanh. (4) Bầu trời mở rộng trước cửa hang đen đi. (5) Cơn dông đến. (6) Cát bay mù. (7) Gió quật lên, quật xuống những cành cây khô cháy. (8) Lá bay loạn xạ. (9) Đột ngột như một biến đổi bất thường trong tim con người vậy. (10) Ở rừng mùa này thường như thế. (11) Mưa. (12) Nhưng mưa đá. (13) Lúc đầu tôi không biết. (14) Nhưng rồi có tiếng lanh canh gõ trên nóc hang. (15) Có cái gì vô cùng sắc xé không khí ra từng mảnh vụn…
(Lê Minh Khuê – Trích Những ngôi sao xa xôi, SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD, 2005, tr.119,120)
Và trả lời các câu hỏi dưới đây:
Xét về cấu tạo ngữ pháp, các câu (2), (9), (11), (12) trong đoạn văn thuộc những kiểu câu nào? (1,0 điểm)
Nêu tác dụng của những kiểu câu trên trong đoạn văn. (0,5 điểm)
Viết một đoạn văn từ 3 đến 5 câu (chủ đề tự chọn), trong đó có câu sử dụng một trong các kiểu câu trên (gạch chân và gọi tên kiểu câu). (0,5 điểm)
Câu 2: Phần Đọc – hiểu văn bản (3,0 điểm)
Em hãy đọc đoạn văn sau:
(…) Trong một “thế giới mạng”, ở đó hàng triệu người trên phạm vi toàn cầu gắn kết với nhau trong một mạng in-tơ-nét thì tính cộng đồng là một đòi hỏi không thể thiếu được. Nhân dân ta có truyền thống lâu đời đùm bọc, đoàn kết với nhau theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Bản sắc này thể hiện mạnh mẽ nhất trong cảnh đất nước lâm nguy, ngoại bang đe dọa. Nhưng tiếc rằng phẩm chất cao quý ấy thường lại không đậm nét trong việc làm ăn, có thể do ảnh hưởng của phương thức sản xuất nhỏ, tính đố kị vốn có của lối sống theo thứ bậc không phải theo năng lực và lối nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn” đối với người hơn mình ở làng quê thời phong kiến. Ta có thể quan sát thấy điều đó ngay trong cả những việc nhỏ nhặt: Ví dụ vào thăm bảo tàng thì người Nhật túm tụm vào với nhau chăm chú nghe thuyết minh, còn người Việt Nam ta lại lập tức tản ra xem những thứ mình thích; người Hoa ở nước ngoài thường cưu mang nhau song người Việt lại thường đố kị nhau…
Và trả lời các câu hỏi dưới đây:
Đoạn văn trên được trích trong văn bản nào? Của tác giả nào? Nêu ngắn gọn về hoàn cảnh ra đời của văn bản? (1,0 điểm)
Chỉ ra nét đặc sắc trong trình tự lập luận của tác giả ở đoạn văn và tác dụng của nghệ thuật lập luận ấy. (1,0 điểm)
Hãy bày tỏ suy nghĩ của em về sự phát huy truyền thống đùm bọc, đoàn kết tốt đẹp của thế hệ trẻ trong bối cảnh đất nước ta hiện nay? (1,0 điểm)
Câu 3: Phần Tập làm văn (5,0 điểm)
Về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh, có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp độc đáo của bài thơ là những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu.
Hãy chia sẻ những suy nghĩ của em về ý kiến trên.
SANG THU
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
(Hữu Thỉnh – SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD, 2005, tr. 70)
———HẾT———
Họ và tên thí sinh:…………………………….. Số báo danh:………………………………… |
Họ tên, chữ ký GT 1……………………..………… Họ tên, chữ ký GT 2………………………..……… |
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH |
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 CHUYÊN NĂM HỌC 2015 – 2016 Môn: NGỮ VĂN (chung) |
Câu 1: Phần Tiếng Việt (2,0 điểm)
Xét về cấu tạo ngữ pháp, các câu (2), (9), (11), (12) trong đoạn văn thuộc những kiểu câu nào? (1,0 điểm)
– Câu (2), (9): câu rút gọn (0,5 điểm)
– Câu (11),(12): câu đơn đặc biệt (câu đặc biệt) (0,5 điểm)
Nêu tác dụng của những kiểu câu ấy trong đoạn văn. (0,5 điểm)
Câu rút gọn và câu đặc biệt tạo nên nhịp nhanh góp phần diễn tả sự biến đổi nhanh chóng, đột ngột của thiên nhiên (0,25 điểm) và sự cảm nhận tinh tế, tâm trạng bất ngờ của nhân vật “tôi” trước sự biến đổi ấy. (0,25 điểm)
Viết một đoạn văn từ 3 đến 5 câu (chủ đề tự chọn), trong đó có câu sử dụng một trong các kiểu câu trên (gạch chân và gọi tên kiểu câu). (0,5 điểm)
Cần đảm bảo các yêu cầu sau:
– Đúng yêu cầu đoạn văn, rõ chủ đề tự chọn (0,25 điểm)
– Đoạn văn có ít nhất 1 câu sử dụng một trong 2 kiểu câu trên (0,25 điểm)
Câu 2: Phần Đọc- hiểu văn bản (3,0 điểm)
Đoạn văn trên được trích trong văn bản nào? Của tác giả nào? Nêu ngắn gọn về hoàn cảnh ra đời của văn bản? (1,0 điểm)
– Đoạn văn trích trong văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới (0,25 điểm); của tác giả Vũ Khoan (0,25 điểm)
– Hoàn cảnh ra đời của văn bản: (0,5 điểm)
+ Văn bản được viết vào Tết năm Tân Tị, 2001- năm chuyển tiếp giữa hai thế kỉ, giữa hai thiên niên kỉ (0,25 điểm)
Cách cho điểm: Cho 0,25 điểm nếu nêu được 1 trong 3 ý: Tết năm Tân Tị, 2001; năm chuyển tiếp giữa hai thế kỉ; năm chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỉ.
+ Đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thế kỉ mới (0,25 điểm)
Chỉ ra nét đặc sắc trong trình tự lập luận và tác dụng của nghệ thuật lập luận ấy. (1,0 điểm)
– Trình tự lập luận rõ ràng, chặt chẽ, khoa học: đi từ khái quát đến cụ thể (từ việc khẳng định “tính cộng đồng” là đòi hỏi cần thiết khi con người sống trong “thế giới mạng”; sau đó chỉ ra điểm mạnh trong “tính cộng đồng” của người Việt; chỉ ra điểm yếu trong “tính cộng đồng” của người Việt, nêu nguyên nhân tạo nên điểm yếu và đưa ra những ví dụ minh họa cho điểm yếu từ “những việc nhỏ nhặt”) (0,5 điểm)
– Tác dụng: (0,5 điểm)
+ Giúp người viết triển khai vấn đề nghị luận được sáng rõ, thấu đáo, thuyết phục
+ Giúp người đọc dễ tiếp thu vấn đề
Hãy bày tỏ suy nghĩ của em về sự phát huy truyền thống đùm bọc, đoàn kết tốt đẹp của thế hệ trẻ trong bối cảnh đất nước ta hiện nay? (1,0 điểm)
Chấp nhận những suy nghĩ khác nhau của thí sinh song phải đúng nội dung; lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục. Có thể triển khai các ý sau:
+ Những người trẻ hôm nay có ý thức trong việc phát huy truyền thống đùm bọc, đoàn kết tốt đẹp của dân tộc trên nhiều lĩnh vực (dẫn chứng thực tế về những hoạt động phong phú, được thể hiện qua nhiều hình thức của giới trẻ khi chủ quyền đất nước bị đe dọa, khi đất nước bị thiên tai; các hoạt động gây quỹ ủng hộ trẻ em bị khuyết tật, vì người nghèo; thành lập hội doanh nhân trẻ để giúp đỡ nhau trong kinh doanh…)
+ Tinh thần đùm bọc, đoàn kết ấy đã tạo nên sức mạnh to lớn vượt qua khó khăn; thể hiện trách nhiệm của giới trẻ với đất nước, với cộng đồng; sống đùm bọc, đoàn kết, mỗi cá nhân có cơ hội hoàn thiện nhân cách và sống có ý nghĩa hơn…
+ Vẫn còn một bộ phận giới trẻ thu mình trong vỏ bọc cá nhân; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng hoặc có những hành động và thái độ chưa đúng mực, thậm chí vi phạm pháp luật…cần phê phán và lên án.
+ Liên hệ bản thân và rút ra bài học nhận thức và hành động
Cách chấm điểm:
+ Từ 0,75 điểm đến 1,0 điểm: Nêu được những suy nghĩ của bản thân về vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; diễn đạt sáng rõ.
+ Từ 0,25 đến 0,5 điểm: Nêu được suy nghĩ của bản thân nhưng còn chung chung; còn mắc lỗi diễn đạt.
+ 0 điểm: Không làm hoặc lạc nội dung.
Câu 3: Phần Tập làm văn (5,0 điểm)
Yêu cầu: Thí sinh hiểu được ý kiến, biết bày tỏ quan điểm của bản thân một cách thuyết phục. Cần đảm bảo các ý sau:
Giới thiệu yêu cầu của đề, trích ý kiến (0,5 điểm)
Giải thích ý kiến (0,5 điểm)
Ý kiến khẳng định nét đẹp độc đáo của Sang thu là những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Đây là vẻ đẹp riêng, không trộn lẫn của Sang thu so với thi phẩm khác cùng đề tài, là nét riêng của hồn thơ Hữu Thỉnh.
Bàn luận về ý kiến (3,5 điểm)
Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến trên (có thể chỉ ra các vẻ đẹp khác mà mình cho là độc đáo, ví dụ: vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ, tứ thơ,…). Chấp nhận những ý kiến khác nhau miễn là lập luận một cách thuyết phục.
Nếu đồng tình với ý kiến trên, thí sinh có thể lập luận theo các ý sau:
– Cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước những tín hiệu giao mùa:
+ Sự tinh tế trong việc đón bắt tín hiệu thu về qua những hình ảnh chân thực, điển hình cho mùa thu làng quê Bắc Bộ thể hiện ở: các hình ảnh hương ổi phả vào trong gió se, sương chùng chình; qua các từ ngữ phả, chùng chình; qua việc cảm nhận bằng nhiều giác quan…. So sánh với các bài thơ thu khác để thấy nét độc đáo khi đón bắt tín hiệu mùa thu.
+ Sự tinh tế trong việc thể hiện tâm trạng, cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng, xao xuyến khi thu về: qua các từ bỗng, hình như, thanh điệu, nhịp điệu thơ…
– Cảm nhận tinh tế của tác giả trước những biến chuyển của đất trời lúc sang thu:
+ Cảm nhận tinh tế về sự chuyển mình của cảnh vật khi thu sang được diễn tả chân thực, sinh động qua: các hình ảnh dòng sông, bầu trời, cánh chim, nắng, mưa, sấm; nghệ thuật nhân hóa; từ láy dềnh dàng, vội vã; các từ vẫn còn bao nhiêu, đã vơi dần… Đặc biệt, những cảm nhận tinh tế và độc đáo được thể hiện qua hình ảnh Có đám mây mùa hạ – Vắt nửa mình sang thu (cần phân tích ngôn ngữ giàu tính tạo hình, liên tưởng thú vị, nghệ thuật nhân hóa để xây dựng nên những hình ảnh thật tài hoa, thể hiện những cảm nhận hết sức tinh tế, độc đáo về sự giao nối giữa hai bờ của không gian, thời gian của mùa hạ và mùa thu)
+ Từ việc bắt nhạy những biến chuyển của tự nhiên mà đi dần vào những biến thái trong lòng người, từ những rung động trực cảm trước vẻ đẹp của đất trời mà chuyển dần vào những suy tư, sâu lắng về sự sang thu của đời người (phân tích khổ thơ cuối bài). Đây là sự độc đáo của Hữu Thỉnh khi viết về mùa thu.
– Từ 2,75 đến 3,5 điểm: Nêu được ý kiến của bản thân về vấn đề cần nghị luận, hệ thống lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục.
– Từ 2,0 đến 2,5 điểm: Nêu được ý kiến nhưng lí lẽ và dẫn chứng chưa đầy đủ và chặt chẽ.
– Từ 1,25 đến 1,75 điểm: Chỉ dừng lại ở việc phân tích bài thơ.
– Điểm 0,25 đến 1,0: Chỉ dừng lại ở việc phân tích bài thơ nhưng còn sơ sài.
– Điểm 0: Không làm hoặc lạc đề.
Đánh giá ý kiến (0,5 điểm)
– Khẳng định lại quan điểm của bản thân về ý kiến đã cho
– Có tác dụng định hướng cho người sáng tạo và người thưởng thức văn chương
Lưu ý:
– Không đảm bảo đúng bố cục: Mở bài, thân bài, kết luận trừ 0,25 điểm
– Mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả trừ 0,25 điểm
– Toàn bài làm tròn đến 0,25 điểm
– – – Hết — –