Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn số 4 : Hồn Trương Ba, da hàng thịt

ĐỀ SỐ 14- LUYỆN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM 2019-Lần 2                                                                                                                                                                   ( Thời gian: 120 phút)
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Khổ có thể giúp một người trưởng thành
Trứng gà bị vỡ do tác động từ bên ngoài là đồ ăn, bị vỡ do tác động từ bên trong thì chính là sinh mệnh. Cuộc sống cũng vậy, làm vỡ từ bên ngoài là áp lực, làm vỡ từ bên trong chính là trưởng thành.
Nếu bạn chờ người khác làm vỡ bạn từ bên ngoài, thì nhất định bạn sẽ là món ăn của người khác; nếu bạn có thể đánh vỡ chính mình từ bên trong, như vậy bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, cũng giống như là được tái sinh.Nhìn thấy một con bướm đang giãy giụa muốn thoát ra khỏi cái kén, có người hảo tâm giúp nó thoát ra. Nhưng không ngờ rằng, sau khi con bướm thoát ra ngoài, nó lại không thể duỗi đôi cánh ra được, và cuối cùng thiệt mạng.
Giãy giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng thành, lúc đó bạn giúp nó thoải mái, nhưng sau này nó sẽ không có đủ sức mạnh để đối mặt với những thử thách sẽ phải gặp trong cuộc đời…
(http://khoinghiepintemet.blogspot.com/2016. 05. hoc-cach- truong-thanh-chua-bao-gio-la-muon.html-St)

  1. Hình ảnh trứng gà, con bướmcái kén xuất hiện trong văn bản có tác dụng gì?
  2. Nếu anh/chị muốn hóa thân thành con bướm thì anh/chị phải làm gì để con bướm không bị thiệt mạng?
  3. Nêu suy nghĩ của anh/chị về quan điểm: Giãy giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng thành.
  4. Thông điệp cuộc sống được rút ra từ văn bản trên.

Phn II. Làm văn (7,0 đim)
Câu 1. (2,0 đim)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trả lời câu hỏi: Tuổi trẻ làm gì để đối mặt với những thử thách ? được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 đim)
Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, khi đối thoại với nhân vật Đế Thích, nhân vật Trương Ba đã nói:“Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
(Lưu Quang Vũ – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.148 và tr.152)
Phân tích bi kịch khi sống trong cảnh hồn này, xác nọ và ước muốn của nhân vật Trương Ba qua lời đối thoại trên, từ đó làm nổi bật ý nghĩa phê phán mà tác giả gửi gắm.
.———–HẾT———-
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ 14-Lần 2
 

Phần Câu/Ý Nội dung Điểm
I Đọc hiểu 3.0
1 Hình ảnh trứng gà, con bướmcái kén xuất hiện trong văn bản có tác dụng: giúp người đọc hiểu được quá trình trưởng thành của con người phải xuất phát từ sự khổ luyện của chính bản thân. 0.5
2 Nếu anh/chị muốn hóa thân thành con bướm, thì anh/chị phải làm gì để con bướm không bị thiệt mạng?
Nếu muốn hóa thân thành con bướm, thì phải chịu đựng được nỗi khổ của quá trình giãy giụa ở trong kén, vậy thì mới có thể dang cánh bay cao được.
0.5
 
3 Giãy giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng thành. Ý kiến hợp lí vì:
-Giãy giụa là cách con bướm tự thân vận động để trưởng thành. Con người thông qua rèn luyện một cách tích cực mới thu nhận thành quả của bản thân.
-Không ai có thể giúp chúng ta cả đời. Mọi tác động bên ngoài chỉ là hỗ trợ, bản thân tự vươn lên, tự đối diện và vượt qua thử thách mới có thể tự lực thành công.
-Trưởng thành cần có quá trình, chẳng thể vội vàng, chẳng thể chỉ ngồi chờ đợi.
1.0
 
 
4 Thông điệp cuộc sống:
-Đừng than vãn nếu bạn đang gặp thử thách khổ đau. Hãy biến gian khổ thành thử thách để thêm trưởng thành.
-Hãy chấp nhận đối diện với gian nan. Sau nỗi buồn là niềm vui, sau vấp ngã là kinh nghiệm, sau khổ đau là trưởng thành.
1.0
 
 
 
 
II Làm văn
1 Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trả lời câu hỏi: Tuổi trẻ làm gì để đối mặt với những thử thách ? được gợi ở phần Đọc hiểu. 2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
( Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tuổi trẻ làm gì để đối mặt với những thử thách?
0.25
 
 
 
0.25
 
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy câu chuyện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.
c.2. Các câu phát triển đoạn:
– Giải thích: Thử thách là những tình huống, việc làm khó khăn, gian khổ, đòi hỏi con người có nghị lực, khả năng mới có thể vượt qua.
– Bàn luận:
+ Thái độ đầu tiên khi tuổi trẻ đối mặt với thử thách là phải có lòng dũng cảm. Chúng ta cần phải có can đảm để đối mặt với tất cả các loại khó khăn mà mình gặp phải, bởi không có hoàn cảnh khó khăn nào mà chúng ta không vượt qua được;
+ Khi đối mặt với thử thách, tuổi trẻ phải biết kiên trì đến giây phút cuối cùng: Kiên trì, chính là một loại niềm tin mãnh liệt, kiên cường không chịu thua, hay một loại tinh thần mạnh mẽ và vững chắc. Đó là sự kiên định mà không chút do dự, bền chí mà không thỏa hiệp, vững tâm mà không chịu khuất phục.
+ Tuổi trẻ phải biết suy nghĩ tích cực: Sử dụng thái độ tích cực để đối mặt với những khó khăn mà mình gặp phải. Suy nghĩ tích cực tạo nên cuộc sống tích cực, suy nghĩ tiêu cực ngược lại sẽ tạo thành chướng ngại cho cuộc đời. Mỗi sự việc đều có cả hai mặt đối lập, nên chọn cách để nhìn thấy mặt tốt của nó, hơn là cái nhìn tiêu cực, thì có thể có một cuộc sống tích cực.
– Phê phán một bộ phận giới trẻ hiện nay không dám đương đầu với thử thách, chỉ biết sống nhờ, sống gửi, lệ thuộc vào người khác…
c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp:
+ Về nhận thức: hiểu được việc đối mặt với thử thách là cơ hội để làm nên thành công
+ Về hành động: tích cực học tập và tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý chí, nghị lực, có tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
1.00
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) 0,25
2 Phân tích bi kịch khi sống trong cảnh hồn này, xác nọ và ước muốn của nhân vật Trương Ba qua lời đối thoại với Đế Thích, từ đó làm nổi bật ý nghĩa phê phán mà tác giả gửi gắm. 5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.              
(0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Bi kịch khi sống trong cảnh hồn này, xác nọ và ước muốn của nhân vật Trương Ba qua lời đối thoại với Đế Thích. Ý nghĩa phê phán mà tác giả gửi gắm.
(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1.Mở bài: 0.25
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích: Lưu Quang Vũ là nhà soạn kịch tài năng nhất của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.Hồn Trương Ba, da hàng thịt là tác phẩm tiêu biểu của Lưu Ọuang Vũ, xuất phát từ cốt truyện dân gian, tác giả đã viết thành vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc.
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Tác phẩm có rất nhiều lời thoại mang tính triết lý, trong đó lời nói của Trương Ba với Đế Thích: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” đã gợi lên bi kịch của nhân vật Trương Ba khi sống trong cảnh hồn này, xác nọ và ước muốn của anh. Từ đó, nhà biên kịch gửi gắm tiếng nói phê phán rất sâu sắc.
3.2.Thân bài: 3.50
a.Khái quát về vở kịch
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những truyện hay trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Lưu Quang Vũ đã dựa vào cốt truyện này để viết thành vở kịch nói cùng tên vào năm 1981 và được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1984.
– Vở kịch đặt ra vấn đề, đó là bi kịch sống nhờ của Hồn Trương Ba trong xác anh hàng thịt.    
b. Phân tích bi kịch khi sống trong cảnh hồn này, xác nọ và ước muốn của nhân vật Trương Ba khi đối thoại với Đế Thích:
– Lời thoại trên là lời của Hồn Trương Ba nói với Đế Thích, có ý nghĩa triết lý về sự thống nhất, hài hòa giữa hồn và xác trong một con người.
b.1. Bi kịch khi sống trong cảnh hồn này, xác nọ
– Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba qua đối thoại với xác hàng thịt:
+Tình huống kịch bắt đầu từ khi Hồn Trương Ba nhập vào thân xác anh hàng thịt, anh ta phải gánh chịu nhiều đau khổ:
+Xác hàng thịt đã chỉ rõ sự tha hoá không tránh khỏi của hồn Trương Ba khi Trương Ba phải nhờ vào nó để tồn tại: Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân..ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi.
+Trương Ba hầu như không còn được sống theo cách riêng của mình, linh hồn hoàn toàn lệ thuộc vào những yếu tố vật chất của thân xác, tồn tại qua thân xác, cái thân xác không phải của mình. Đó là nguyên nhân khiến linh hồn của Trương Ba rơi vào tình trạng bất lực trước sự sai khiến ghê gớm của thân xác âm u đui mù. Nhân vật đau khổ khi khổng thể làm chủ được bản thân mình. Đây chính là bi kịch tha hoá của nhân vật.
– Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba qua đối thoại với người thân trong gia đình:
+ Những người trong gia đình không có ai hiểu ông, họ nghi ngờ, xa lánh ông (vợ ông định bỏ đi thật xa, con trai không nghe lời khuyên của cha, cháu nội gọi ông là lão đồ tể…). Họ không thông cảm, chia sẽ và thấu hiểu cho những khó khăn mà ông đang phải cố gắng để vượt qua từ khi nhập vào thân xác của anh hàng thịt.
+ Hồn Trương Ba cũng thấy rằng, mình là nguyên nhân gây nên những rắc rối, xáo trộn, bất an trong gia đình trong khi ông chỉ muốn đưa đến cho mọi người những điều tốt đẹp. Đây chính là bi kịch bị từ chối của nhân vật.
b.2. Ước muốn của nhân vật Trương Ba: Tôi muốn là tôi toàn vẹn
– Nhân vật còn mang nỗi đau của một con người tự ý thức. Là người giàu lòng vị tha nên Hồn Trương Ba day dứt trước hiện tại của bản thân. Hồn Trương Ba nhận ra mình đang bị tha hoá, nhiểu khi phải thoả hiệp với những đòi hỏi xác-thịt, không giữ được bản tính cao khiết như trước đây. Ông luôn bị dằn vặt bởi chính nghịch cảnh phải sống “bên trong một đàng, bên ngoài một nẻo”.
– Vì thế, khi đối thoại với Đế Thích, Trương Ba thể hiện ý nguyện của mình: Tôi muốn là tôi toàn vẹn
+ Lời thoại này trước hết cho thấy một bước trưởng thành, một bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của Trương Ba. Từ chỗ đánh giá phiến diện về thân xác người, Trương Ba đã có cái nhìn đúng đắn, đó là cuộc sống tốt đẹp của người chỉ có thể được tạo nên từ sự hài hòa giữa hai đời sống của thể xác và tâm hồn. Nhận thức tưởng chừng như đơn giản đó của Trương Ba đã phải đánh đổi bằng rất nhiều đau khổ, nước mắt của chính bản thân ông và người thân nên nó là một nhận thức vô cùng quý giá.
+ Khao khát mãnh liệt, cháy bỏng “là tôi toàn vẹn” của Trương Ba còn cho thấy nhân cách cao đẹp của Trương Ba. Nhân vật đã không còn chấp nhận chung đụng với cái thô lỗ tầm thường, dung tục và để nó sai khiến, mà muốn được trở về sống trọn vẹn với cái lương thiện, trong sáng, tốt đẹp vốn có.
+ Ý nghĩa: Ước muốn của Trương Ba cũng là triết lí nhân sinh của Lưu Quang Vũ: sống là chính mình, không chấp nhận lối sống gửi, sống nhờ. Đồng thời, phải biết sống vị tha ( vì người khác), sống cao thượng. Cuối cùng, Trương Ba chấp nhận được chết hẳn, trả lại xác hàng thịt và xin cu Tị sống lại. Lựa chọn đó đã làm sáng lên nhân cách tốt đẹp, cao cả của Trương Ba.
c. Nghệ thuật:
– Nghệ thuật xây dựng mâu thuẫn kịch: chặt chẽ, logic, hợp lý. Các chi tiết, hành động kịch nối tiếp nhau, đẩy mâu thuẫn kịch lên đến đỉnh cao, tạo nên kịch tính vô cùng căng thẳng, hấp dẫn.
– Nghệ thuật diễn tả tâm lý nhân vật: dù đây không phải là thế mạnh của thể loại kịch nói nhưng thông qua ngôn ngữ, hành động của nhân vật, tâm lý của nhân vật (đặc biệt là Trương Ba) vẫn được thể hiện một cách rõ nét với sự phức tạp, tinh tế chứ không giải đơn, xuôi chiều.
– Ngôn ngữ kịch: giản dị, sáng rõ, đặc biệt rất giàu tính triết lý.
d. Ý nghĩa phê phán mà tác giả gửi gắm qua lời thoại:
Từ nỗi đau khổ của Trương Ba khi phải sống trong thân xác anh hàng thịt, khi phải chung đụng với cái tầm thường, dung tục và có khi bị cái tầm thường, dung tục ấy sai khiến, LQV đã cho thấy bi kịch của tất cả những ai không được sống là mình: “Bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, ở độ hàm chứa lời răn đe, cảnh tỉnh vô cùng nghiêm khắc của tác giả với những ai đang cố gắng tạo cho mình một vỏ bọc, bề ngoài giả dối khác với bản chất thực bên trong, bởi dù bị ép buộc hay cố tình thì hậu quả của nó cũng là vô cùng to lớn.
3.3.Kết bài: 0.25
– Tóm lại ý nghĩa trong bi kịch và khát vọng sống cao đẹp của nhân vật Trương Ba;
– Bài học cuộc sống được rút ra từ nhân vật: sống là chính mình, biết đấu tranh chống lại sự dung tục, tầm thường để giữ vững nhân cách…
(4.00)
4. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
( 0,25)

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *