Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn , đề số 69

Tài liệu luyện thi THPT Quốc gia môn văn. Bộ đề thi thử THPT Quốc gia soạn theo cấu trúc mới.Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn , đề số 69
ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật

Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời

Dẫu phải khi cay đắng dập vùi

Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu

Cây khế chua có đại bàng đến đậu

Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta

Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa

Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa

Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa

Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào

Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!…

( Trích trường ca “Mặt đường khát vọng” – Nguyễn Khoa Điềm)
 
Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0.5 điểm)
Câu 2: Chỉ ra 2 yếu tố là chất liệu văn hóa dân gian có trong đoạn thơ? Vì sao  có thể nói chất liệu văn hóa dân gian ở đoạn thơ này gợi ấn tượng vừa quen thuộc vừa mới lạ? (1.0 điểm)
Câu 3: Theo anh/ chị, đoạn thơ trên thể hiện tình cảm gì của tác giả? (0.5 điểm)
Câu 4: Anh/ chị thích nhất hình ảnh nào trong đoạn thơ trên? Vì sao?(1.0 điểm)
 
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. ( 2,0 điểm)
Trong một đoạn văn ngắn, anh/ chị hãy nêu suy nghĩ về bài học được gợi ra từ câu thơ:
“ Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu”
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/ chị về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đoạn văn sau:
“… Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật đc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ… Mị phảng phất nghĩ vậy.
Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ…”
( Trích “ Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài –  SGK Ngữ văn 12, tập 2, NXB GD)
                                                HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM
                                                                   MÔN NGỮ VĂN 12
 
ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do ( 0,5 điểm)
Câu 2:
– Hai yếu tố là chất liệu văn học dân gian trong đoạn thơ trên: Truyện cổ tích Tấm Cám, truyện cổ tích Cây khế ( Hoặc câu tục ngữ: Người ta là hoa của đất) ( 0,5 điểm)
– Giải thích ( 0,5 điểm):
+ Những gì thuộc về dân gian thường gợi ra sự quen thuộc, thân thương.
+ Cách diễn đạt trong đoạn thơ không giống hoàn toàn như hình thức vốn có trong văn hóa, văn học.
Do vậy, đoạn thơ gợi ấn tượng vừa quen thuộc vừa mới lạ
Câu 3. (0,5 điểm)
Tình cảm của tác giả: yêu mến, ngợi ca, trân trọng, tự hào về những đạo lí, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc.
Câu 4:

  • Chỉ ra được hình ảnh thơ ( có trích dẫn hoặc diễn xuôi) ( 0,5 điểm)

Chẳng hạn: “ Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa”

  • Lí giải một cách thuyết phục ( 0,5 điểm)

Với hình ảnh thơ trên, ta có thể lí giải:
+ Bông hoa nở trên đất đai cỗi cằn cho ta thấy được sức sống mạnh mẽ, sức trỗi dậy mãnh liệt của nó.
+ Ẩn dụ chỉ sức mạnh của con người vượt lên trên nghịch cảnh. Con người chính  là loài hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất, đáng trân trọng nhất…
 
LÀM VĂN ( 7 điểm)
 
Câu 1: ( 2 điểm)
P/ S : Đáp án phần NLXH chỉ mang tính tham khảo
* Yêu cầu chung: Học sinh biết viết một đoạn văn nghị luận xã hội. Trình bày được hiểu biết, suy nghĩ, đúng đắn, tích cực. Hành văn chặt chẽ, trong sáng, chuẩn xác.
* Yêu cầu cụ thể:

  1. Mở đoạn: dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận ( 0,5 điểm)
  2. Thân đoạn ( 1,0 điểm)

– Phân tích rút ra bài học: Câu thơ trên đã mang tới niềm tin về sự chiến thắng tất yếu của cái thiện, của sự bền bỉ và quyết liệt trong đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.
– Bàn luận:
+ Cái thiện luôn chiến thắng cái ác vì cái thiện luôn nhận được sự yêu thương, sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ từ mọi người.
+ Sự bền bỉ và quyết liệt trong đấu tranh sẽ mang đến chiến thắng
+ Phê phán những người không có ý thức hướng thiện, không dũng cảm đối mặt với cái xấu cái ác và thiếu kiên trì, bền bỉ khi trải qua những khó khăn thử thách…

  • Liên hệ bản thân: Cần phải biết hướng thiện, có niềm tin vào cái thiện, phải biết kiên trì, bền bỉ trong hành trình đi tìm và giành giữ hạnh phúc cho mình….

Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề ( 0,5 điểm)
 
Câu 2: ( 5 điểm)
Yêu cầu chung: Câu này kiểm tra, đánh giá năng lực tạo lập văn bản nghị luận văn học – dạng bài cảm thụ, phân tích vẻ đẹp của một nhân vật văn học, năng lực phân tích đoạn trích văn xuôi. Học sinh cần làm nổi bật sức sống tiềm tàng của nhân vật và tài năng nghệ thuật của nhà văn. Ý tứ sáng rõ, thuyết phục; bố cục chặt chẽ, mạch lạc; hành văn lưu loát, trong sáng, chuẩn xác.
Yêu cầu cụ thể:
* Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận văn học với đủ ba phần, các phần thực hiện đúng chức năng. Xác định đúng vấn đề nghị luận. ( 0,5 điểm )
* Triển khai vấn đề nghị luận: ( 4,0 điểm )

  1. Giới thiệu chung: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và nêu vấn đề nghị luận ( 0,5 điểm )
  2. Cảm nhận về sức sống tiềm tàng của nhân vật ( 3,0 điểm )

– Ban đầu, khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng Mị rất dửng dưng, thờ ơ, vô cảm.
– Chỉ khi đối diện trước dòng nước mắt của A Phủ thì sức sống nơi tâm hồn Mị lại hồi sinh mãnh liệt.
– Mị thương A Phủ cũng là thương chính bản thân mình và thương cả người đàn bà ngày trước cũng bị trói đến chết ở nhà này.
– Mị đã biết căm thù: chúng nó thật độc ác
– Cùng với tình thương, sự thúc bách về thời gian và hoàn cảnh đã thức tỉnh Mị cứu A Phủ.
– Mị so sánh mình với A Phủ và nhận ra rằng việc A Phủ phải chết là bất công, vô lí. Đây là nguyên nhân quan trọng thức tỉnh Mị cứu A Phủ.
– Mị lo lắng, sợ hãi khi nhìn lại cuộc đời mình và nghĩ đến cảnh A Phủ bỏ trốn được rồi, Mị sẽ phải trói thay vào đấy, sẽ chết trên cái cọc ấy. Đó là khi nỗi thương mình lớn hơn lòng thương người.
– Nhưng rồi trước tình cảnh A Phủ sắp chết đến nơi thì dù có làm sao đi nữa Mị cũng không thấy sợ. Đó là khi lòng thương người mạnh hơn nỗi thương thân, là lúc sức sống tâm hồn Mị trỗi dậy mạnh mẽ nhất.
Tổng hợp đánh giá ( 0,5 điểm )
– Mị là nhân vật trung tâm, là hiện thân của số phận đau khổ và hiện thân của sức sống mãnh liệt tiềm tàng.
– Nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình của nhà văn.
– Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.
 
* Sáng tạo, chính tả, dùng từ, đặt câu… ( 0,5 điểm)
 
Lưu ý:

  • Do đặc thù bộ môn, giáo viên linh hoạt cho điểm
  • Học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo những cách khác hoặc có những cách hiểu khác, nếu thuyết phục vẫn cho điểm tối đa.
  • Đặc biệt khuyến khích những bài làm sáng tạo, cảm thụ tốt, diễn đạt giàu chất văn.

                             — HẾT—
Xem thêm Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn soạn theo cấu trúc mới :http://vanhay.edu.vn/tag/de-thi-thpt-quoc-gia-ngu-van
Bộ đề luyện thi về tác phẩm Vợ Chồng A Phủ- Tô Hoài:http://vanhay.edu.vn/tag/vo-chong-a-phu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *