Đề thi thử THPT quốc gia môn văn. đề 22 Người lái đò sông Đà

ĐỀ TRẮC NGHIỆM BÀI “NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ”
                                                                                NGUYỄN TUÂN
Câu 1(NB):  Hãy điền từ còn thiếu vào chỗ trống trong câu văn sau.
“Mùa xuân dòng xanh […] chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gấm Sông Lô.”
(Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân)

  1. Nâu đất đỏ
  2. Vàng lá chanh
  3. Lừ lừ chín đỏ
  4. Xanh ngọc bích

Câu 2(NB): Hãy điền phần còn thiếu vào chỗ trống trong câu văn dưới đây.
“Con sông Ðà […] như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.
(Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân)

  1. Chảy dài chảy dài
  2. Ttuôn mãi tuôn mãi
  3. Chảy mãi chảy mãi
  4. Tuôn dài  tuôn  dài

Câu 3 (TH): Trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà, hình ảnh người lái đò được thể hiện như:

  1. Một người lao động, đồng thời như một nghệ sĩ.
  2. Một người lao động lành nghề.
  3. Một con người đặc biệt, tuy đã cao tuổi nhưng vẫn có sức khỏe phi thường.
  4. Một kẻ ngang tàng, không biết lượng sức mình trước con sông Đà hung dữ

Câu 4 (TH): Câu văn “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa” trong Người lái đò sông Đà có nét đặc sắc nào sau đây?

  1. So sánh một đặc tính vốn trừu tượng với một hình ảnh còn trừu tượng hơn, tạo ra sự liên tưởng bát ngát cho người đọc.
  2. Tạo không khí cổ xưa trong tác phẩm.
  3. Khẳng định vẻ đẹp sống động của sông Đà.
  4. D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 5 (VDT): Để làm nổi bật hình ảnh con sông Đà như một kẻ khôn ngoan, xảo quyệt, hung hãn, Nguyễn Tuân đã sử dụng rất nhiều lần biện pháp tu từ nào sau đây?

  1. Nhân hóa.
  2. Điệp ngữ.
  3. So sánh.
  4. Cường điệu.

Câu 6 (VDC): Sự độc đáo của Nguyễn Tuân được thể hiện thế nào qua việc tả tiếng sóng thác “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng” ?

  1. Giúp người đọc nhận ra được vẻ đẹp ngay trong sự hung bạo của con sông, để rồi, chính sự bạo hung đó sẽ tôn lên sức mạnh kì vĩ của người lao động.
  2. Thổi hồn của những đàn trâu rừng vào trong cái vang động của sóng nước Đà giang.
  3. Lấy lửa để tả nước, lấy rừng để tả sông giúp ta thấy được sự tương giao mầu nhiệm giữa các lực lượng của thiên nhiên.
  4. Tạo ra một hiệu ứng âm thanh man dại của thiên nhiên để tả cái hung mãnh của tiếng thác.

ĐỀ TỰ LUẬN “NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ”
                                                                                NGUYỄN TUÂN
PHẦN ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
          …Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được. Thời gian là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui. Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất. Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời, cho bản thân thì nó vẫn xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ. Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này, nền kinh tế trí thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép; con tầu tốc hành của các nước phát triển trong vài giờ đã có thể vượt qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế hiện nay. Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước…
                                                           (Phong cách sống của người đời – nhà báo Trường Giang)
Câu 1 (NB) (0.5 điểm): Tác giả đã triển khai lập luận (trình bày văn bản) theo cách thức nào?
            Trả lời: Trình bày theo cách diễn dịch.
 
Câu 2 (TH) (0.5 điểm):. Xác định đề tài của văn bản trên?
Trả lời: Vai trò, tầm quan trọng của thời gian đối với cuộc sống con người hiện đại.
 
Câu 3 (TH) (1.0 điểm): Anh, chị hiểu như thế nào về nhận định sau: “Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối”.         
        Trả lời: (Thí sinh có thể trả lời theo quan điểm riêng của mình: đồng ý hoặc không đồng ý.)
 – Đồng ý
– Lí do: Thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay lại và vì thế con người sẽ mất đi nhiều thứ:
+ Mất đi mọi cơ hội để học tập, lao động, sáng tạo, làm những điều có ý nghĩa mà mình yêu thích.
+ Sẽ tụt hậu so với sự phát triển không ngừng của thời đại.
+ Không thể tự khẳng định giá trị của bản thân qua những đóng góp cho cuộc đời…
 
Câu 4 (VD) (1.0 điểm): Theo tác giả: “Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước?”. Anh, chị có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao? Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 đến 10 dòng) để trình bày suy nghĩ của bản thân.
         Trả lời: Thí sinh viết đoạn văn có thể nêu những ý sau:
“Giải trí” giúp chúng ta cân bằng lại cuộc sống, cân bằng lại tâm trạng sau những giờ lao động mệt nhọc để ta có thể thực hiện tiếp những công việc đã dự tính.
– “Chơi bời” lại là sự vui chơi quá mức, không lo đến tương lai, công việc, để thời gian trôi đi một cách vô nghĩa.
– “Giải trí” trong một thời gian nhất định sẽ giúp ta làm việc tốt hơn, còn “chơi bời” là tiêu tốn thời gian một cách vô ích nên sẽ làm hại tương lai bản thân và không thể có sự cống hiến cho đất nước…
PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ thông điệp của văn bản trên, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói sau:  “Tương lai được mua bằng hiện tại”
Hướng dẫn chấm

  1. Đảm bảo hình thức đoạn văn. (0.25 điểm)
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của câu nói: “Tương lai được mua bằng hiện tại”. (0.25 điểm)
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề: (1.0 điểm)

– Giải thích vấn đề:
+ Tương lai là những diễn biến, sự kiện diễn ra ở phía trước, cái mà ta không thể đoán trước, biết trước được
+ Hiện tại là bây giờ, thời điểm này, lúc này, không gian và thời gian mà chúng ta đang hít thở, đang sống.
– Bàn luận:
+ Sự chuẩn bị cho tương lai chính là những việc làm của hiện tại. Nếu chúng ta không hành động – không học tập, không lao động thì ở tương lai chúng ta sẽ không có gì cả.
+ Cần có nhiều biện pháp để chuẩn bị tốt cho tương lai.
+ Phê phán lối sống hưởng thụ, thiếu mục đích sống.
– Bài học nhận thức và hành động:
+ Chuẩn bị tốt cho tương lai là việc làm rất cần thiết và quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân..
+ Không ngừng nổ lực học tập, lao động để mở đường cho một tương lai tốt đẹp.

  1. Sáng tạo: Thí sinh có những cái nhìn mới mẻ, có bài học sâu sắc … (0.25 điểm)
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo yêu cầu về chính tả, dùng từ, đặt câu. (0.25 điểm).

Câu 2 (5.0 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã miêu tả con sông Đà như một nhân vật có hai nét tính cách đối lập: hiểm trở, dữ dội nhưng lại thơ mộng, dịu dàng.
Hãy phân tích tùy bút trên để làm sáng rõ hai nét tính cách đối lập đó. Anh, chị có nhận xét gì về phong cách nghệ thuật của tác giả khi miêu tả như vậy?
Hướng dẫn chấm

  1. Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận văn học. (0.25 điểm).
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Làm sáng rõ hai nét tính cách đối lập: hiểm trở, dữ dội nhưng lại thơ mộng, dịu dàng. Nhận xét về phong cách nghệ thuật của tác giả khi miêu tả.(0.5 điểm).
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận. (0.5 điểm).
* Phân tích hai nét tính cách đối lập của sông Đà: (2.0 điểm)
– Nêu ý khái quát: Khi đối diện sông Đà, bằng sự quan sát tỉ mỉ, sự liên tưởng phong phú, tác giả đã nhìn thấy nét hiểm trở, dữ dội hòa lẫn vào chất thơ mộng, dịu dàng tạo nên cái riêng của dòng sông.
– Phân tích:
+Con sông Đà hiểm trở, dữ dội:
­ Những thác nước dữ dội như chặn đánh tiêu diệt người lái đò.
­ Đá trên sông như bày thạch trận chực nuốt những con thuyền non tay lái .
­ Những cảnh đá bờ sông dựng vách thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu.
­ Những quảng mặt ghềnh với sự hợp sức của sóng, gió, đá.
­ Những cái hút nước khủng khiếp.
+Con sông Đà thơ mộng, dịu dàng:
­ Dòng sông hiền hòa,  tuôn dài như một áng tóc trữ tình, như một thiếu nữ giàu sức sống.
­ Màu sắc của dòng sông biến đổi theo mùa giống như một cô gái có tính cách đa cảm.
­ Sông Đà gợi cảm, giống như một “cố nhân” khi xa thì gợi thương, gợi nhớ.
­ Cảnh ven sông đẹp đẽ, lặng tờ, đầy thi vị với nhiều hình ảnh trong sáng và nhiều chất thơ.
­ Dòng sông Đà phảng phất cái hoang dại thời tiền sử, hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích.
– Đánh giá chung: (0.25 điểm)
     + Cảnh vật Tây Bắc qua cảm nhận của NT hiện lên với vẻ đẹp vừa quen, vừa lạ, vô cùng hấp dẫn.
     + Con sông Đà như một nhân vật đầy sức sống, có cá tính riêng độc đáo.
* Nhận xét về  phong cách nghệ thuật của tác giả khi miêu tả: (1,0 điểm)
– Vận dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa và so sánh những đặc điểm, tính cách dòng sông như những đặc điểm, tính cách con người.
– Dùng tri thức uyên bác về địa lí, lịch sử, văn học nghệ thuật, khoa học thủy văn… để miêu tả.
– Phát huy lối viết tài hoa để tạo nên những câu, đoạn văn; hình ảnh độc đáo.

  1. Sáng tạo: (0.25 điểm).
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)

Họ và tên người soạn: ……………………..
– Trường: TT GDNN – DGTX CHÂU THÀNH
– Số điện thoại ………………………………
 
 
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *