Đề thi theo hướng giảm tải 2020 Chiếc thuyền ngoài xa

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
GIA LAI
————————-

ĐỀ THI THAM KHẢO
(ĐỀ 4)

 

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2020
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
 
                                                (Đề thi có 01 trang)
 

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Năm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ đã đặt ra thuật ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều đang ám ảnh nhiều người… Những người này thường tự nhủ: “Thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới bắt kịp nó”.
Carl Honoré (tác giả cuốn Ngợi ca sống chậm) tự đặt cho mình một loạt câu hỏi: Vì sao chúng ta luôn vội vã như vậy? Nguyên nhân tâm lí? Liệu có thể- và có nên ao ước- sống chậm lại? Những căn bệnh được tác giả miêu tả đủ loại, ăn nhanh, đi vội, sống gấp, làm việc đến kiệt sức, hưởng thụ ngoài sức tưởng tượng. Bởi ở mọi nơi mọi chỗ chúng ta khao khát tốc độ, nên đã làm hỏng cuộc đời đi… Ông gọi đó là “thời đại của sự rồ dại”. Từ đó, ông giới thiệu một giải pháp sống chậm, cốt tìm tới sự hài hòa. Trước tiên người ta phải nhận thức được rằng cốt sao cho nhanh thường đồng nghĩa với vội vàng, hời hợt, nôn nóng, đặt số lượng lên trên chất lượng. Đó là thứ tư duy đã lỗi thời. Còn chậm nghĩa là thư thái, cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo. Nhanh và chậm chỉ là tương đối. Cái chính của mỗi người tìm cho mình một nhịp sống hợp lí.
(Trích Cái vội của người mình, Những chấn thương tâm lí hiện đại,
Vương Trí Nhàn, NXB Trẻ. 2009, tr. 8-9)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Căn bệnh thời gian” được nói đến trong đoạn trích là gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu “nhanh và chậm chỉ là tương đối”?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “nhanh thường đồng nghĩa với vội vàng, hời hợt, nôn nóng, đặt số lượng lên trên chất lượng” không? Tại sao?
LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của sống chậm.
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong phần kết thúc truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn Nguyễn Minh Châu viết:
Những tấm ảnh tôi mang về, đã được chọn lấy một tấm. Trưởng phòng rất bằng lòng về tôi.
Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…
                                                ( Theo Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.77-78)
 Cảm nhận của anh/chị về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích trên.
…………………Hết………………….

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
GIA LAI
 

ĐỀ THAM KHẢO ĐỀ 4
KÌ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2020
ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM
Bài thi: NGỮ VĂN
(Đáp án – Thang điểm gồm có 02 trang)
 
 
 
Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3.0
1 Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận 0.5
2 Căn bệnh thời gian” được nói đến trong đoạn trích là “Thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới bắt kịp nó”. 0.5
3 Thí sinh có thể lí giải “nhanh hay chậm chỉ là tương đối” theo hướng:
Mọi sự vận động, chuyển động có thể nhanh khi so sánh với trường hợp này nhưng cũng có thể chậm khi so sánh trong các trường hợp khác; nhanh hay chậm còn do cảm nhận của mỗi người…
1.0
4 Thí sinh nêu rõ quan điểm, suy nghĩ cá nhân tuy nhiên cần lý giải thuyết phục, hợp lí, không trái pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Có thể tham khảo các kiến giải sau:
Đồng tình: sống nhanh là sống vội vàng, gấp gáp, để bản thân cuốn theo vòng quay bận rộn của công việc, không ý thức một cách sâu sắc sự tồn tại mọi thứ xung quanh, đó là cách sống hời hợt, thiếu chiều sâu, nhiều áp lực…
Không đồng tình: cuộc sống thời nay phát triển một cách chóng mặt, nếu con người không sống theo guồng quay thật nhanh đó, sẽ bị tụt hậu. Hơn nữa, cuộc sống và tuổi trẻ vốn ngắn ngủi, vậy nên con người phải sống vội vàng, chạy đua với thời gian, sống trọn vẹn từng giây phút để không phí hoài tuổi trẻ, cuộc đời.
Vừa đồng tình vừa không đồng tình: kết hợp hai ý kiến trên.
1.0
II LÀM VĂN 7.0
 
  1 Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của sống chậm. 2.0
 
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp, móc xích hoặc song hành.
0.25
 
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của sống chậm. 0.25
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách những phải làm rõ ý nghĩ của việc sống chậm. Sau đây là một vài gợi ý:
– Sống chậm là tìm ra cho mình những điểm “nghỉ” để nạp năng lượng, cảm nhận rõ hơn, yêu thương nhiều hơn, sắp xếp thứ tự ưu tiên và nhận ra đâu là giá trị bất biến trong cuộc đời mình.
– Đây là một quan điểm sống tích cực;
– Giúp lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống;
– Tâm hồn con người trở nên thâm trầm, sâu sắc, chín chắn và trưởng thành…
– Mặc khác, quan niệm sống chậm cũng cần được hiểu một cách linh hoạt, đôi khi trong cuộc sống cũng cần biết nắm bắt cơ hội để có thể đạt được mục đích một cách nhanh chóng.
1.0
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
0.25
 
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
0.25
 
2 Cảm nhận của anh chị về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích. 5.0
 
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
0.25
 
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích. 0.5
 
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và đoạn trích. 0.5
* Cảm nhận:
– Tấm ảnh chiếc thuyền ngoài xa của Phùng có giá trị nghệ thuật cao: Những tấm ảnh tôi mang về… rất bằng lòng.
– Tấm ảnh có giá trị lâu bền, được mọi người yêu thích. Sự đánh giá cao ấy xứng đáng với công sức Phùng đã bỏ ra để  “phục kích” nhiều ngày mới  “chộp” được.
– Nội dung được phản ánh trong bức ảnh:
+ “cái màu hồng hồng của ánh sương mai”, đó là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, cũng là biểu tượng của nghệ thuật.
+ Và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”, đó là hiện thân của những lam lũ, khốn khó, là sự thật cuộc đời.
+ Ý nghĩa: Nghệ thuật chân chính không thể tách rời, thoát li cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời.
– Qua đây tác giả muốn nói: người nghệ sĩ phải trung thực, dũng cảm nhìn thẳng và nhìn sâu sắc vào hiện thực; hãy rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc đời.
2.5
* Về nghệ thuật: giọng văn chiêm nghiệm, giàu chất triết lí… 0.5
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
0.25
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
0.5
TỔNG ĐIỂM 10.0

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *