Đề thi ngữ văn 11: Miền cỏ thơm, Hoàng Phủ Ngọc Tường

ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ

NGỮ VĂN 11

(Tự luận 100% – Dùng chung cho cả 03 bộ sách)

THỂ LOẠI KÍ 

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc văn bản sau:

Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ. Tôi không hề có ý xúc phạm, chỉ muốn lưu ý thêm về vai trò của cỏ trong quy hoạch đô thị. Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế. Đà Lạt cũng được xây dựng trên những ngọn đồi; nhưng ở đấy, hình tượng của cây anh đào và cây thông đã khiến người ta quên mất sự có mặt của cỏ dại.

[…]

Mùa xuân có thể định nghĩa là mùa mà toàn bộ cây nở thành hoa. Những ngọn đồi phía tây nam Huế bừng lên trong hương hoa cỏ, khiến người ta không thể ngồi yên cúi mặt lên trang sách. Hương cỏ tràn vào thành phố, như gần như xa, khiến tôi nghĩ rằng ở đâu đấy trên những sườn đồi, cánh cửa của vườn Địa Đàng đang mở ra, hoặc những nàng tiên đang múa hát dưới những gốc đào nở hoa, với mùi hương bát ngát như thể mùi tóc bay trong những chiều gió. Cỏ mọc ven những con đường trong thành phố, trên đó lưa thưa những chòm cây dại, như cây hoa ngũ sắc cười sặc sỡ dọc đường thơ ấu của tôi. Bay theo những bước chân lang thang của tôi là những con bướm, những cánh chuồn nghe ngày nắng lên tung tăng trong không gian, ghé cây này, vờn cây kia, trong một thành phố lúc nào cũng cổ xưa, văng vẳng điệu nhã nhạc của cung đình đã hoang phế. Đã nhiều năm, tôi chợt nhận ra rằng lũ chuồn chuồn, bươm bướm của tôi đã rời thành phố này mà đi đâu biệt tăm, chắc là chúng đã tìm đến một không gian khác yên tĩnh hơn, ít bị tiếng động làm choáng đầu hơn…

[…]

Mùa hạ, trong những khu vườn Huế, khí đất xông lên hùng mạnh, cỏ mọc xanh lạ thường. Trái cây sắp chín nằm chờ trên cành, và khắp đây đó trong vùng Kim Long, khói đốt cỏ tỏa ra mịt mùng xanh mờ một vùng ven sông. Trên một chiếc bình phong cổ khuất trong cây lá của một khu sân vắng vẻ còn dấu chạm lỗ chỗ của một câu đối nói đến những bầy chim nhạn thường về đậu kêu om sòm trên bãi sông Hương trước mặt nhà. Tôi lớn lên không hề thấy bóng chim nhạn ven sông này. Chắc cũng giống như lũ côn trùng kia, chúng đã di trú về một vùng đất nào yên tĩnh hơn. Nhưng liệu có nơi nào gọi là “yên tĩnh hơn” trên hành tinh này. Hình như càng ngày nó càng trở nên ồn ào hơn xưa; và đó cũng là lỗi của chúng ta đã tước đoạt “quyền yên tĩnh” của thế hệ trẻ ngày mai.

Mùa thu trời trở gió heo may lành lạnh làm người ta tự nhiên thấy nhớ nhung một quê hương nào không biết. Vào mùa này, các văn nhân thường mở hội leo núi, mang theo túi thơ bầu rượu lên các đỉnh núi cao mừng tiết “Trùng Cửu”. Núi đó có thể là núi Ngự Bình, núi Kim Phụng hoặc những rừng thông vùng đồi Thiên An, và văn nhân có thể là Bà Huyện Thanh Quan, Tuy Lý Vương, Hàn Mặc Tử. Những văn nhân ngồi uống rượu trên đầu núi,nghe tiếng chuông chùa thánh thót trên thành phố dầm mình trong sương khói; đi thăm núi trở về, băng qua sườn đồi, vó ngựa còn thơm nồng hương cỏ, gọi lũ bướm bay theo. Thơ Tuy Lý Vương nói: “Minh triêu sất mã sơn đầu quá – Ngọa thính tùng thanh ức ngã sầu” (Sáng mai ruổi ngựa lên đầu núi – nghe thông reo chợt nhớ ta buồn).

 

Một thứ hạnh phúc kéo dài trong nhiều năm tháng thật khó có ở đời; hạnh phúc chỉ tồn tại trong từng khoảnh khắc. Đó là khoảnh khắc mà ta nằm buông mình trên cỏ, ngửa mặt nhìn từng áng mây chẳng biết bay về đâu. Vâng, chính đó là những áng mây mà người đời Đường đã từng thấy: “Bạch vân vô tận thi” (Phau phau mây trắng ngàn năm vẫn còn).

[…]

(Trích Miền cỏ thơm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, in trong Ai đã đặt tên cho dòng sông – Tinh

tuyển bút kí hay nhất, NXB Hôi nhà văn, Hà Nội, 2010)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Văn bản trên viết về đề tài gì? (0,5 điểm)

Câu 2. Những mùa nào trong năm được tác giả nói tới trong văn bản? (0,5 điểm)

Câu 3. Theo tác giả, thành phố Huế có điều gì đặc biệt mà không nơi nào trên thế giới có được? (0,5 điểm)

Câu 4. Văn bản có thể được chia làm mấy phần? Xác định nội dung chính của từng phần? (0,5 điểm)

Câu 5. Chỉ ra biểu hiện của yếu tố tự sự và trữ tình được sử dụng trong văn bản? (0,5 điểm)

Câu 6. Nêu chủ đề của văn bản? (1,0 điểm)

Câu 7. Theo anh/ chị, qua văn bản trên, tác giả muốn gửi gắm tới chúng ta những thông điệp gì? (1,0 điểm)

Câu 8. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của tác giả: chúng ta đã tước đoạt “quyền yên tĩnh” của thế hệ trẻ ngày mai không? Vì sao? (Viết khoảng 5 – 7 dòng). (1,5 điểm)

II.   LÀM VĂN (4,0 điểm)

Hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống con người.

THỂ LOẠI KÍ ĐÁP ÁN ĐỀ 1

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Đề tài: Cây cỏ ở thành phố Huế. 0.5
2 Những mùa trong năm được tác giả nói tới trong văn bản là: mùa xuân, mùa hạ, mùa thu. 0.5
3 Theo tác giả, thành phố Huế có điều đặc biệt mà không nơi nào trên thế giới có được là: không nơi nào trên thế giới mà những công trình

kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế.

0.5
4 Văn bản có thể được chia làm ba phần:

–   Phần 1 (từ đầu đến quên mất sự có mặt của cỏ dại.): Khẳng định Huế là thành phố được dành cho cỏ.

–  Phần 2 (tiếp theo đến nghe thông reo chợt nhớ ta buồn): Hoa cỏ ở Huế qua các mùa.

–   Phần 3 (còn lại): Khẳng định niềm hạnh phúc khi được hòa mình cùng cây cỏ.

0.5
5 Biểu hiện của yếu tố tự sự và trữ tình được sử dụng trong văn bản:

–  Yếu tố tự sự:

+ Kể về đặc điểm của cây cỏ xứ Huế qua các mùa.

+ Kể lại những trải nghiệm của tác giả đối với thiên nhiên xứ Huế.

–  Yếu tố trữ tình:

+ Niềm tự hào về vẻ đẹp đặc biệt của thành phố Huế.

+ Tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên xứ Huế.

+ Nỗi lo âu về việc thiên nhiên bị cuộc sống hiện đại đe dọa, lấn át.

0.5
6 Chủ đề của văn bản: Văn bản nói tới vẻ đẹp đặc biệt của thành phố Huế – một thành phố được dành cho cỏ, miêu tả vẻ đẹp của hoa cỏ xứ Huế qua các mùa; qua đó, tác giả thể hiện niềm tự hào, tình yêu thiết tha thiết đối với thiên nhiên và văn hóa xứ Huế, đồng thời cũng bộc

lộ những lo âu về về việc thiên nhiên bị cuộc sống hiện đại đe dọa, lấn át.

1.0
7 Qua văn bản trên, tác giả muốn gửi gắm tới chúng ta thông điệp:

–  Con người cần biết yêu mến thiên nhiên, bảo vệ vẻ đẹp và sự thuần khiết của thiên nhiên.

–   Cảnh báo về sự biến đổi của thiên nhiên dưới tác động của cuộc sống hiện đại.

1.0
8 Học sinh được tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có những lí giải thuyết phục. Tham khảo:

–  Đồng tình.

–  Lí giải:

+ Thiên nhiên là nơi con người có thể trở về, hòa mình trong đó để cho tâm hồn được thư thái, yên tĩnh.

+ Tuy nhiên, với tốc độ phát triển hiện nay, con người đang dần lấn chiếm thiên nhiên, và trong tương lai, rất có thể con cháu chúng ta sẽ không còn nơi nào để có thể trở về, hòa mình vào thiên nhiên, cho tâm hồn được yên bình, thư thái. Như vậy, quả thực chúng ta đã tước

đoạt “quyền yên tĩnh” của thế hệ trẻ ngày mai.

1.5
II   VIẾT 4,0

 

    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội. 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Suy nghĩ về vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống con người.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý:

1.  Giải thích:

Thiên nhiên được hiểu là toàn bộ những gì tồn tại xung quanh chúng ta nhưng không phải do bàn tay con người tạo ra.

2.  Bàn luận:

a. Vai trò của thiên nhiên:

–  Thiên nhiên trước hết là môi trường sinh sống của con người cũng như tất cả những loài sinh vật khác.

–   Thiên nhiên cung cấp cho con người tất cả những gì cần thiết để duy trì sự sống: nước để uống, không khí để thở,…

–   Thiên nhiên còn cung cấp cho chúng ta nguồn tài nguyên để sử dụng: đất đai để trồng trọt, canh tác; than đá, dầu mỏ để tạo ra năng lượng; gỗ để xây dựng và sản xuất giấy;…

–  Thiên nhiên là nơi để con người có thể trở về, tìm được những phút giây thư thái cho tâm hồn sau những xô bồ, mệt mỏi của cuộc sống.

b. Các giải pháp để bảo vệ thiên nhiên:

–   Tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi người về tầm quan trọng của thiên nhiên.

–  Phát động những phong trào bảo vệ thiên nhiên, có các hành động thiết thực nhằm giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.

–  Có những chiến lược lâu dài để cân bằng giữa việc phát triển xã hội và bảo vệ thiên nhiên.

–  Xử lý nghiêm minh những hành động phá hoại thiên nhiên.

c. Phê phán những biểu hiện tiêu cực:

Cần lên án những con người thiếu ý thức bảo vệ thiên nhiên, có những hành động phá hoại thiên nhiên.

3. Rút ra bài học cho bản thân:

–  Nhận thức: Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên đối với cuộc sống con người.

–  Hành động:

+ Bản thân cần có những việc làm nhằm bảo vệ thiên nhiên.

+ Có những hành động lên án đối với các hành vi phá hoại thiên nhiên.

2.5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *