ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 11
Thời gian làm bài: 180 phút
Câu 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)
Có một người đánh rơi chiếc đồng hồ vào đống mạt cưa, nhưng chẳng nhớ cụ thể là đống mạt cưa nào, vậy biết tìm ở đâu? Anh ta hứa sẽ tặng một số tiền lớn cho người nào tìm được. Nhiều người đã lục tung đống mạt cưa đó lên nhưng vẫn không tìm thấy. Sau cùng có một đứa bé tìm ra được. Mọi người hỏi.
-Bằng cách nào?
Nó trả lời
-Cháu nằm xuống trong đống mạt cưa rồi chăm chú lắng nghe. Cuối cùng cháu đã nghe thấy tiếng đồng hồ tích tắc.
(Dẫn theo Phép màu để trở thành chính mình, trang 106, Nhan Húc Quân)
Từ câu chuyện trên, anh/chị viết bài văn với chủ đề “Biết lắng nghe điều kì diệu của cuộc sống”
Câu 2: (12,0 điểm)
Bàn về thơ ca, nhà thơ Tố Hữu từng nhận định: “Thơ là cái đó: Sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế”.
(Dẫn theo “Lý luận văn học”, Trần Đình Sử, tr.168)
Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua một số bài thơ mà anh/chị tâm đắc./.
_____________Hết_____________
HƯỚNG DẪN CHẤM
Hướng dẫn chung
– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn và tính chất của kỳ thi là để chọn học sinh giỏi nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, có những ý tưởng mới mẻ, cách trình bày sáng tạo.
– Việc chi tiết hoá hướng dẫn chấm (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý, được thống nhất trong tổ chấm thi và được trưởng ban chấm thi duyệt.
– Điểm toàn bài lẻ đến 0,25.
Hướng dẫn chấm từng câu
Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)
- a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm): Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): mối quan hệ giữa trình độ học vấn và cách ứng xử văn hóa của con người trong cuộc sống
- c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (6,5 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
Nội dung cần đạt | Điểm |
1.Nêu vấn đề nghị luận | 0.5 |
2.Triển khai vấn đề nghị luận | |
a.Khái quát nội dung câu chuyện
–Tình huống trong câu chuyện: Mọi người đi tìm chiếc đồng hồ rơi vào đống mạt cưa. Ai tìm được sẽ được một khoản tiền lớn. – Cách giải quyết tình huống: Mọi người lục tung đống mạt cưa vẫn không sao tìm thấy. Chú bé nọ nằm xuống đống mạt cưa rồi chăm chú lắng nghe và nghe thấy tiếng đồng hồ tích tắc. Từ cách giải quyết tình huống của cậu bé, câu chuyện đã đem đến cho mỗi người một bài học về cuộc sống. Nếu bạn biết lắng nghe bạn sẽ nhận được những điều kì diệu. |
1,0 |
b. Giải thích, bình luận, chứng minh | 5,0 |
* Giải thích:
-“Nghe” là sự tiếp nhận âm thanh bằng tai (thính giác). “Biết lắng nghe” là không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng cả khối óc và trái tim. – “ Điều kì diệu của cuộc sống ” là những điều tốt đẹp có ý nghĩa đến với con người, đem lại niềm vui, hạnh phúc và có khi còn là những thành quả mà con người không thể ngờ tới. -> Như vậy, biết lắng nghe là một trong những kĩ năng quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người, giúp con người thành công. *Bình luận -Vì sao con người lắng nghe lại có được những điều kì diệu? + Khi con người để cho lòng mình yên tĩnh, không để những mưu cầu, cảm xúc bị phân tâm thì con người sẽ cảm nhận được những điều kì diệu. Như cậu bé trong câu chuyện đã không vội vàng “lục tung đống mạt cưa” như mọi người, không nóng vội để có được khoản tiền lớn mà bình tĩnh, lắng lòng mình xuống để cảm nhận được âm thanh “tích tắc” của chiếc đồng hồ. Đó là điều kì diệu. + Lắng nghe còn đặt mình vào người khác để thấu hiểu, cảm thông chia sẻ với những nỗi buồn, niềm vui của con người để con người đến gần với nhau hơn (dẫn chứng) + Lắng nghe là để không cố chấp, buông bỏ mọi thành kiến hay những phiền muộn trong tâm để cho tâm hồn được thanh thản, an nhiên (dẫn chứng) + Trong cuộc sốnghối hả, đua chen con người càng cần biết lắng nghe để cảm nhận được những gì đang diễn ra trong hiện tại để có những hành động đúng đắn, thiết thực, nghe được cả tương lai mà xây dựng cho mình những mục tiêu, kế hoạch, nuôi dưỡng ước mơ. Nghe được lời của thiên nhiên, đất trời, lời của cây cối, chim muông; nghe để phân biệt phải trái, hay dở, tốt xấu, nghe được cả tiếng trái tim mình….(Dẫn chứng ) – Con người lắng nghe cuộc sống bằng cách nào? + Kinh nghiệm sống, vốn văn hóa, tầm nhìn, sự nhạy cảm trong tâm hồn, độ tinh tường, tinh thần cầu thị, quan niệm sống của con người,… –Mở rộng + Cần phê phán những người chỉ thích nói, không thích nghe. Họ học nói, học thuyết trình, học giảng giải…nhưng lại không học nghe + Phân biệt giữa sự im lặng và lắng nghe đúng cách cũng có nét khác biệt. Im lặng nhưng không chú ý, không thể hiện thái độ quan tâm thì sự nghe ấy cũng trở nên vô nghĩa. |
1,0
3,5
0,5 |
c. Bài học nhận thức, hành động
– “Biết lắng nghe” có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, vì vậy, mỗi người cần phải có ý thức rèn luyện năng lực “lắng nghe”. – Biết lắng nghe một cách chân thành, cầu thị để có thể chia sẻ, đồng cảm với người khác và làm cho cuộc sống của mình ngày càng có ý nghĩa… – Chống tư tưởng chủ quan, bảo thủ và phê phán lối sống ích kỉ, “biết nghe mà vẫn giả điếc”… |
0,5 |
3.Khái quát lại vấn đề | 0,5 |
d) Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. | 0,25 |
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 |
Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)
- a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm): Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5) điểm): Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: đặc trưng của truyện ngắn
- c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (10 điểm): Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
2 | Viết bài nghị luận văn học về nhận định: Thơ là cái đó: Sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế. | 12,0 |
|
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần: mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài đánh giá được vấn đề. |
0,5 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Đặc trưng của thơ là tính cô đọng, hàm súc của ngôn từ thơ và những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt của thơ ca tác động đến tâm hồn người đọc. |
0,5 | |
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể trình bày theo định hướng sau: |
||
* Giải thích
– Thơ là một thể loại văn học có phạm vi phổ biến rộng và sâu. Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống những liên tưởng, tưởng tượng phong phú nhưng cái cốt lõi của thơ là trữ tình. Là tình cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ khi đứng trước hiện thực cuộc sống. – “Thơ là… sự im lặng giữa các từ”: Ngôn từ trong thơ thường là những khoảng trống, khoảng trắng mà nhà thơ tạo nên để cho người đọc tự cảm nhận ý nghĩa của nó. Nghĩa là tư tưởng tình cảm của bài thơ bộc lộ ý nghĩa ngoài lời chứ không phải ở ý nghĩa bề mặt chữ của câu thơ. Như vậy, cô đọng, hàm súc là một trong những đặc trưng cơ bản của thơ ca. – “Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó thì có tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế”: Hiểu, cảm nhận và phát hiện ra vẻ đẹp ý nghĩa của ngôn từ thơ thì sẽ lắng nghe được những rung động cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ từ đó rút ra được những thông điệp sâu sắc về cuộc đời, con người, thời đại mà nhà thơ gửi gắm, đánh thức những tình cảm sâu kín của tâm hồn người đọc. à Ý kiến của Tố Hữu đã chỉ ra được đặc trưng cơ bản của thơ ca là tính cô đọng hàm súc của ngôn từ thơ và những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt của thơ ca tác động đến tâm hồn người đọc. |
0,5
0,5
0,5
|
|
* Bàn luận
– Vì sao nói “Thơ là sự im lặng giữa các từ”? + Văn học nói chung và thơ ca nói riêng đều sử dụng ngôn từ nghệ thuật làm phương tiện biểu hiện. Nếu ngôn ngữ văn xuôi tự sự là ngôn ngữ của cuộc sống đời thường, nó chấp nhận mọi lớp từ, mọi chiều kích cuộc sống, tâm lý con người trong sự sâu rộng, đa chiều vốn có của nó thì ngôn ngữ thơ lại mang nặng tính “đặc tuyển”. Bởi thơ là thể loại có một dung lượng ngôn ngữ hạn chế nhất trong các loại tác phẩm văn học, nhưng thơ lại có tham vọng chiếm lĩnh thế giới. Do đó, tính hàm súc được hiểu là khả năng của ngôn ngữ có thể miêu tả mọi hiện tượng của cuộc sống một cách cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý,“ý tại ngôn ngoại”. Cần phải hiểu hàm súc cũng có nghĩa là phải chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm và thể hiện cá tính của người nghệ sỹ. + Ngôn ngữ thơ còn là ngôn ngữ được chưng cất từ cảm xúc, được chắt chiu và gạn lọc, đó là ngôn ngữ đã đạt đến độ tinh, vậy nên có sự đa dạng về mặt ý nghĩa cũng như cách hiểu của người đọc ở mỗi tác phẩm thơ ca. |
1,5
|
|
– Vì sao người đọc lắng nghe được sự im lặng của các từ thì thơ lại có những tiếng vang?
+ Dưới áp lực của dung lượng của mỗi bài thơ cho nên ngữ nghĩa của từ trong thơ không dừng lại ở nghĩa gốc, nghĩa đen, nghĩa trong từ điển mà phong phú, sâu sắc, tinh tế hơn. Đó là thứ nghĩa được tạo sinh nhờ quan hệ và trong quan hệ với những từ ngữ đi trước và đi sau nó. Người đọc nếu “lắng nghe” được sự “im lặng” của các từ thì có nghĩa là đã hiểu được những tình cảm. cảm xúc mãnh liệt nhất của nhà thơ gửi gắm trong đó. + Sự lắng nghe của người đọc chính chính là quá trình giải mã, suy ngẫm, phát hiện ra được vẻ đẹp bất ngờ, tinh tế ngôn ngữ của thơ ca. Người đọc ngoài năng lực rung cảm, thẩm bình và nhạy bén trước ngôn ngữ thì sự đồng điệu với tác giả, trải nghiệm sống phong phú cùng vốn văn hóa sâu sắc là con đường để đến với thơ.. |
1,5
|
|
* Chứng minh
– Thí sinh cần dựa vào những hiểu biết về một số tác phẩm thơ tiêu biểu đề làm sáng tỏ nhận định (Ví dụ: Độc Tiểu Thanh kí, Truyện Kiều – Nguyễn Du; một số bài thơ trong phong trào Thơ mới 1930 – 1945…) – Khai thác các tác phẩm đã chọn lọc (ít nhất là hai) cần phải làm sáng tỏ được các ý: + Vẻ đẹp ngôn ngữ thơ, tính cô đọng hàm súc được nhà thơ thể hiện như thế nào? Tổ chức dòng thơ, lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ ngữ, các biện pháp tu từ…. trong bài thơ. + Từ cách hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ trong bài thơ: Cảm nhận được tình cảm, cảm xúc mới mẻ của nhà thơ là gì? Đã thể hiện những hiểu biết nào về xã hội, thời đại cuộc sống con người? + Bài thơ đó đã có những tiếng vang nào? Truyền đến cho bạn đọc những tình cảm gì? Thỏa mãn nhu cầu nào của con người? Thông điệp nào của cuộc sống được gửi gắm trong bài thơ? (Chú ý: Nếu thí sinh chỉ phân tích dẫn chứng đơn thuần mà không làm sáng tỏ vấn đề lí luận: cho không quá ½ số điểm) |
5,0 | |
* Đánh giá, mở rộng vấn đề
– Tầm vóc tư tưởng, tài năng nghệ thuật của nhà thơ bộc lộ ngay trong chính cách nhà thơ lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh. Bởi vậy, khi sáng tác, nhà thơ cần chú ý phát hiện, sáng tạo được những “mắt thơ” có giá trị. – Ý kiến trên là một gợi ý cho bạn đọc về cách đánh giá, nhận diện một tác phẩm thơ đặc sắc; đặt ra thử thách đối với các tác giả khi cầm bút sáng tác. Phải có tâm hồn tinh tế nhạy cảm trước cuộc đời, phải chắt lọc được ngôn từ đắt giá, mang tính biểu tượng và đa nghĩa. Từ ngôn từ của đời sống đưa vào trong tác phẩm thơ ca phải đạt đến trình độ nghệ thuật thẩm mĩ và tạo được “dư ba”. |
0,5
|
|
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
0,5 | |
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. |
0,5 | |
Tổng toàn bài | 20,0 |
___________ Hết_____________