Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 10 – THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 10

Thời gian làm bài: 180 phút

Câu 1: (8,0 điểm)

Hôm nay không phải là một ngày bình thường, hôm nay tôi sẽ tạo ra thứ gì đó đẹp đẽ. (Steve Jobs, CEO Apple)

Câu nói khơi gợi cho em bài học nào về ý thức, thái độ sống cần có?

 

Câu 2 (12,0 điểm).

          Là một nhà văn lớn, Nguyễn Khải phát biểu về quá trình sáng tạo của người làm nghệ thuật: “Có thể xem quá trình sáng tạo là quá trình luyện ngọc. Tác phẩm được hình thành, hình tượng được tạo ra lung linh ánh sáng của ngọc quý. Nhưng nếu tinh ý, ta có thể nhìn thấy máu, thấy nước mắt, thấy niềm vui và nỗi đau của người thợ kì tài”.

Ý kiến trên của nhà văn giúp anh/ chị nhận thức được điều gì về quá trình hình thành, tạo ra một tác phẩm văn học? Hãy làm rõ những nhận thức ấy qua một số tác phẩm được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn 10 Nâng cao.

—– Hết —–

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Hướng dẫn chung

– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.

– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn và tính chất của kỳ thi là chọn học sinh giỏi nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, có những ý tưởng mới mẻ, cách trình bày sáng tạo.

– Việc chi tiết hóa hướng dẫn chấm (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch tổng điểm của mỗi ý, được thống nhất trong tổ chấm thi và được trưởng ban chấm thi duyệt.

– Điểm lẻ toàn bài đến 0,25.

Hướng dẫn chấm từng câu

Câu Nội dung Điểm
1        Hôm nay không phải là một ngày bình thường, hôm nay tôi sẽ tạo ra thứ gì đó đẹp đẽ.(Steve Jobs, CEO Apple)

Câu nói khơi gợi cho em bài học nào về ý thức, thái độ sống cần có?

8,0
 

 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần: mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; thân bài triển khai thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau, cùng làm sáng tỏ vấn đề; kết bài đánh giá được vấn đề.

0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Thái độ sống tích cực: Tạo ra những giá trị tốt đẹp

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động.

        Có thể trình bày theo định hướng sau:

Giải thích, cắt nghĩa

Hôm nay : khoảng thời gian ở hiện tại, đang diễn ra, đang sống thực

ngày bình thường: ngày như mọi ngày, không có gì đặc biệt

– Câu nói khẳng định ngày hôm nay là một ngày đặc biệt, vì những giá trị đẹp đẽ được tạo ra.

àCâu nói của Steve Jobsông vua công nghệ, nhà phát minh – nêu lên một thái độ sống tích cực: luôn sẵn sàng tạo ra những giá trị đẹp đẽ làm cho thời gian cuộc đời mình trở nên ý nghĩa, có giá trị hơn.

1,0

 

 

Bình luận

– Đó là quan điểm sống, thái độ sống đẹp giúp con người luôn sống tích cực, hết mình:

+ Thể hiện tinh thần dồi dào sáng tạo, luôn sẵn sàng cho những ý tưởng, dự định mới.

+ Thể hiện ý thức cống hiến, tạo ra những giá trị tốt đẹp.

+ Thể hiện sự tự tin vào giá trị, khả năng của bản thân, có thể làm nên những điều tốt đẹp, làm cho khoảng thời gian sống của mình có ý nghĩa.

(Thí sinh dùng dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu để chứng minh: Những con người làm nên giá trị ở thời đại của họ)

– Làm thế nào để có được, để duy trì thái độ sống ấy:

+ Luôn học hỏi, dám sáng tạo, dám hành động.

+ Tự tin vào bản thân.

– Bàn luận mở rộng:

+ Không nên quá tự kiêu, đề cao những giá trị do bản thân tạo ra, cống hiến.

+ Biết ghi nhận những giá trị tốt đẹp của người khác, chia sẻ với thành công của họ, cùng nhau tạo nên những ngày đặc biệt.

3,5

 

 

 

 

 

Bài học nhận thức và hành động. Liên hệ

– Hiểu rõ giá trị cuộc đời mình là do mình tạo ra, do những cố gắng, nỗ lực của chính mình.

– Sống tích cực mỗi ngày, dám hành động, sáng tạo và thay đổi.

– Thí sinh viết bằng trải nghiệm trong thực tế cuộc sống của bản thân.

1,5

 

 

 

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm, hình thức diễn đạt độc đáo…); thể hiện quan điểm và thái độ riêng, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,5
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,5
2          Là một nhà văn lớn, Nguyễn Khải phát biểu về quá trình sáng tạo của người làm nghệ thuật: “Có thể xem quá trình sáng tạo là quá trình luyện ngọc. Tác phẩm được hình thành, hình tượng được tạo ra lung linh ánh sáng của ngọc quý. Nhưng nếu tinh ý, ta có thể nhìn thấy máu, thấy nước mắt, thấy niềm vui và nỗi đau của người thợ kì tài”.

Ý kiến trên của nhà văn giúp anh/ chị nhận thức được điều gì về quá trình hình thành, tạo ra một tác phẩm văn học? Hãy làm rõ những nhận thức ấy qua một số tác phẩm được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn 10 Nâng cao.

12,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần: mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; thân bài triển khai thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau, cùng làm sáng tỏ vấn đề; kết bài đánh giá được vấn đề.

0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Bản chất của quá trình sáng tạo nghệ thuật: đó là sự kết tinh tư tưởng và tình cảm, là kết quả của sự sống, sự trải nghiệm của người nghệ sĩ.

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng)

        Có thể trình bày theo định hướng sau:

Giải thích

– Có thể xem quá trình sáng tạo là quá trình luyện ngọc: Câu văn là một phép so sánh, một cách nêu khái niệm tương đồng.Quá trình sáng tạo là quá trình nhà văn rung động, suy nghĩ, là khi ý tưởng, cảm hứng đến để rồi hình thành ý đồ sáng tác và thể hiện nó ra bằng tác phẩm. Hoạt động trừu tượng này được ví với một hoạt động dễ hình dung hơn: quá trình tạo ra viên ngọc. Tác phẩm văn học vì thế cũng được so sánh với viên ngọc – thứ quí giá, đẹp đẽ; nhà văn chính là người thợ kì tài tạo ra viên ngọc ấy.

– Máu: chất làm nên sự sống còn – sự sống; nước mắt, nỗi đau, niềm vui: những cung bậc cảm xúc phong phú, đa dạng, là hình ảnh cho những cung bậc nỗi niềm mà con người trải qua – là nguyên liệu, chất xúc tác hình thành nên tác phẩm nghệ thuật.

à Bằng hình ảnh so sánh cụ thể, dễ nhận biết, nhà văn Nguyễn Khải đã chỉ ra bản chất của quá trình sáng tạo nghệ thuật: đó là sự kết tinh tư tưởng và tình cảm, là kết quả của sự sống, sự trải nghiệm của người nghệ sĩ.

1,0

 

 

 

Bàn luận

– Bản chất của lao động nghệ thuật là lao động sáng tạo, đó là lao động tạo ra cái mới có tính chất cá thể. Không ai có thể thay thế người nghệ sĩ trong quá trình làm ra tác phẩm.

– Khi người nghệ sĩ có cảm hứng hình thành ý đồ thì tác phẩm mới chỉ hình thành ở dạng thai nghén. Để viết được người nghệ sĩ phải huy động vốn sống và sự hiểu biết và thể hiện ra bằng những hình tượng và diễn đạt ra bằng ngôn từ.

– Tác phẩm văn học vì thế là kết quả của những trải nghiệm riêng tư, những bài học kinh nghiệm cá nhân, là sự thể hiện những cảm xúc suy nghĩ riêng biệt, đem đến cho người đọc một cách nhìn, cách nghĩ mới. Tác phẩm văn học vì thế, còn là tấm gương phản chiếu tâm hồn nghệ sĩ.

– Tiếp xúc với tác phẩm, người đọc không chỉ cần nhận ra vẻ đẹp của ngôn từ, hình thức, mà còn cần nhận biết, đồng cảm được với những cảm xúc, suy ngẫm của người nghệ sĩ.

3,0
Chứng minh

Thí sinh dựa vào hiểu biết về văn học, lựa chọn một số tác phẩm tiêu biểu làm sáng tỏ nhận định.

Định hướng khai thác:

– Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm.

– Làm rõ ở mỗi tác phẩm:

+ Vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm qua các phương diện: hình thức thể hiện, cách sử dụng ngôn từ, giọng điệu…

+ Con người nhà văn và sự thể hiện trong tác phẩm qua hình tượng nghệ thuật được khắc họa bằng sự hiểu biết, tình cảm thôi thúc mãnh liệt, thể hiện sự tài hoa của người nghệ sĩ và đạt đến độ độc đáo.

– Đánh giá giá trị của tác phẩm ở phương diện nghị luận.

Chú ý:

– Thí sinh phân tích ít nhất 02 dẫn chứng lớn. Xem xét khuyến khích điểm với việc lựa chọn dẫn chứng đa dạng về thể loại, về giai đoạn, ở các phạm vi khác nhau.

– Cần có đánh giá, đối chiếu các dẫn chứng.

– Nếu chỉ phân tích dẫn chứng đơn thuần mà không làm sáng tỏ vấn đề lí luận: cho không quá ½ số điểm.

5,0
Đánh giá, mở rộng

– Người nghệ sĩ cần có tài và có tâm, phải công phu trong sáng tạo và sống sâu sắc với cuộc đời, có những tình cảm mãnh liệt, trong sáng.

– Người đọc: Cảm nhận về hiện thực, thông điệp tinh thần trong tác phẩm văn chương, tìm hiểu một tác phẩm là tiếp xúc với một con người, hiểu thêm một nhân cách.

1,0
d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm…); thể hiện quan điểm và thái độ riêng, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,5
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,5
  Tổng 20,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *