Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 11 – THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Lai Châu

ĐỀ MÔN NGỮ VĂN

LỚP 11

Thời gian làm bài:180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (8 điểm):

        Vì mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất …

Câu 2(12,0 điểm):

Nhà nghiên cứu văn học người Nga Khrapchenko cho rằng:“Chân lý cuộc sống trong sáng tác nghệ thuật không tồn tại bên ngoài cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối với thế giới, vốn có ở từng nghệ sĩ thực thụ”.

Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân qua việc cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong Vội vàng của Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tràng Giang của Huy Cận.

 

—————————–Hết————————-

HƯỚNG DẪN CHẤM

 

CÂU Ý NỘI DUNG Điểm
1 Vì mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất … 8,0
  * Yêu cầu về kỹ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.

Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

* Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chính xác, hợp lí, rõ ràng, thuyết phục… và nêu được các ý cơ bản sau:

 
  1 * Nêu vấn đề 0,5
  2 * Giải thích

Khoảnh khắc là khoảng thời gian ngắn ngủi, trôi qua một cách nhanh chóng, đó cũng là cơ sở tạo nên toàn bộ thời gian cuộc đời. Có những khoảnh khắc trôi qua vô nghĩa. Cũng có những khoảnh khắc làm nên những giá trị, định vị được một con người, quyết định một cuộc đời, thậm chí là đời nhân loại.

Duy nhất: đơn nhất, độc nhất, không lặp lại.

=> Lời khẳng định, cũng là lời nhắc nhở con người về thời gian với ý nghĩa của từng khoảnh khắc, từ đó gợi mở thái độ sống tích cực, trân trọng, nâng niu, gìn giữ từng giây phút cuộc đời.

1,0
  3 Bàn luận vấn đề

Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề:

– Thời gian tuyến tính một đi không trở lại. Mỗi khoảnh khắc thời gian trong tương quan với cuộc đời là một phần giá trị sống mà con người đã tạo nên hay được đón nhận.

– Mỗi khoảnh khắc trôi qua, giá trị sống của giây phút hiện tại, điều duy nhất chỉ có ở khoảnh khắc thời gian hiện tại mất đi.

– Sống sâu sắc, mãnh liệt, say mê; quyết tâm theo đuổi những ước mơ, khát vọng; sống yêu thương, sẻ chia; ý thức tận hưởng, tận hiến … sẽ làm cho khoảnh khắc ngắn ngủi trở nên bất tử.

4,0
  4 *Mở rộng, nâng cao

– Có những khoảnh khắc con người đối diện với tuyệt vọng, tận cùng đau khổ không chút ngắn ngủi và trở thành kí ức đầy ám ảnh, rất cần bản lĩnh để vượt qua.

– Phê phán những người để nhiều khoảnh khắc trôi qua vô nghĩa khi sống hời hợt, chạy theo ảo vọng, để cho lòng tham, sự tàn nhẫn, cái xấu cái ác điều khiển.

2,0
  5 * Bài học nhận thức và hành động

– Quý trọng từng khoảnh khắc của mình, tôn trọng, trân trọng những khoảnh khắc của người khác.

– Sống trọn vẹn, ý nghĩa trong từng khoảnh khắc cho mình và đóng góp cho cộng đồng xã hội.

0,5
2   Nhà nghiên cứu văn học người Nga Khrapchenko cho rằng:“Chân lý cuộc sống trong sáng tác nghệ thuật không tồn tại bên ngoài cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối với thế giới, vốn có ở từng nghệ sĩ thực thụ”.

        Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân qua việc cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong Vội vàng của Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tràng Giang của Huy Cận.

12.0
  * Yêu cầu về kĩ năng:

– Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận và cảm thụ văn chương để làm sáng tỏ vấn đề.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

 
  1 * Giải thích ý kiến

“Chân lý cuộc sống trong sáng tác nghệ thuật”: là những nhận thức đúng đắn, tiến bộ của người nghệ sĩ về cuộc sống, được biểu hiện trong các sáng tác nghệ thuật.

“cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối với thế giới”: là khả năng cảm thụ, nắm bắt hiện thực cuộc sống một cách tinh nhạy, chính xác, nhìn thấy cái mà người khác không nhìn thấy, in đậm dấu ấn riêng, không giống ai.

“nghệ sĩ thực thụ”: là nghệ sĩ chân chính, khẳng định được tài năng, cá tính và đạo đức nghề nghiệp.

-> Nhận định của Khrapchenko đã khẳng định vai trò của cái nhìn của người nghệ sĩ chân chính trong sáng tác nghệ thuật- một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên phong cách nghệ thuật: chân lý về cuộc sống được kết tinh trong các sáng tác nghệ thuật nằm trong chính cái nhìn tinh nhạy, chính xác, có tính chất khám phá, phát hiện của người nghệ sĩ về hiện thực cuộc sống ấy.

2,0
  2 * Bàn luận: Bàn về vai trò của cái nhìn có tính cá nhân đối với thế giới ở người nghệ sĩ

– Cái nhìn là một năng lực tinh thần đặc biệt của con người, nó có thể thâm nhập và phát hiện những đặc điểm của sự vật mà vẫn ở ngoài sự vật, bảo lưu sự toàn vẹn thẩm mỹ của sự vật.

– Trong nghệ thuật không thể thiếu cái nhìn. Nhà văn Pháp, M.Proust cũng nói: “Đối với nhà văn cũng như đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn”.

– Cái nhìn của nhà văn về cuộc sống, con người bao giờ cũng mang nét riêng, khám phá, phát hiện ra những cái mới mẻ, độc đáo mà người bình thường không nhìn thấy.

– Cái nhìn không chỉ thể hiện lập trường, sự hiểu biết của nhà văn về cuộc sống mà còn thể hiện thái độ, tình cảm của nhà văn đối với đời sống: yêu, ghét, ngợi ca, đồng tình hay phê phán…

– Cái nhìn thế giới khách quan của mỗi nhà văn thường có mối quan hệ chặt chẽ với cuộc đời, hoàn cảnh, môi trường sống của nhà văn đó.

-> Do đó, cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân là một trong những biểu hiện đầu tiên và quan trọng nhất trong phong cách nghệ thuật của một nghệ sĩ thực thụ.

3,0
  3 * Chứng minh cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân qua các bức tranh thiên nhiên trong Vội vàng (Xuân Diệu), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Tràng giang (Huy Cận).

Trong Vội vàng (Xuân Diệu)

+ Với một hồn thơ nồng nàn, sôi nổi (do ảnh hưởng từ thiên nhiên quê mẹ ) và niêm khát khao giao cảm với đời (do thiếu thốn tình cảm từ nhỏ), Xuân Diệu nhìn cuộc đời “bằng đôi mắt xanh non” – đôi mắt trong sáng, trẻ trung của một chàng trai lúc nào cũng dào dạt, nồng nhiệt tình yêu đời.

+ Do đó, cuộc đời trong cái nhìn của XD có những đặc điểm nổi bật sau đây: cuộc đời hiện hữu tươi đẹp, hấp dẫn như một thiên đường trên mặt đất, ở đây và ngay lúc này, song cuộc đời tươi đẹp đấy lại ngắn ngủi, hữu hạn trong dòng chảy của thời gian.

->Thiên nhiên trong Vội vàng là một bức tranh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống, chan chứa xuân sắc, rạo rực xuân tình (Đoạn 1) nhưng lại mau chóng tàn phai trước thời gian (Đoạn 2)

->Quan niệm sống tiến bộ: sống vội vàng, cuống quýt, chạy đua với thời gian để tận hưởng và tận hiến cho cuộc đời.

-Trong Đây thôn Vĩ Dạcủa Hàn Mặc Tử

+ Với khát vọng gắn bó sâu nặng với cuộc đời, khát vọng được sống và được yêu hết mình nhưng lại mang nặng nỗi mặc cảm phải chia tay với cuộc sống (vì căn bệnh nan y) nên cái nhìn của Hàn Mặc Tử về cuộc sống vừa tha thiết yêu đời, vừa xót xa, tiếc nuối.

+ Thế giới trong thơ Hàn Mặc Tử vừa tươi đẹp vừa thấm đẫm sự chia lìa, mất mát.

->Trong Đây thôn Vĩ Dạthiên nhiên hiện lên là khung cảnh thiên nhiên xứ Huế đẹp nên thơ, lãng mạn nhưng xa vời, mông lung, khó nắm bắt, thấm đẫm nỗi buồn, sự cô đơn khắc khoải của thiên nhiên ( khổ 1, khổ 2)

-Trong Tràng Giangcủa Huy Cận

+Sự hòa điệu của nỗi sầu nhân thế đậm chất Đường thi, với nỗi cô đơn, bơ vơ của cái tôi cá nhân Thơ mới và nỗi buồn đau của một con người sinh ra trong thời đại đen tối của đất nước -> chi phối cái nhìn của Huy Cận về cuộc đời: nhìn cuộc đời bằng nỗi buồn ảo não, nỗi sầu mênh mang thiên cổ.

+ Cuộc sống được nhìn qua con mắt của Huy Cận được hình tượng hóa qua một không gian vũ trụ mênh mông, rộng lớn, mà kiếp người nhỏ bé, cô đơn, lạc loài, vô phương hướng.

->Trong Tràng giangbức tranh thiên nhiên là một khung cảnh sông nước mênh mông, vô định với nỗi sầu da diết, triền miên.

6,0
  4 * Đánh giá

– Nhận định của Khrapchenko đã khẳng định một trong những vấn đề cơ bản của lý luận văn học: đó là vấn đề phong cách nghệ thuật- một phẩm chất không thể thiếu của người nghệ sĩ chân chính, mà hạt nhân của phong cách là vấn đề cái nhìn.

– Ba nhà thơ Mới: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận có ba cái nhìn khác nhau về thế giới. Đó đều là cái nhìn độc đáo, mới mẻ, in đậm dấu ấn riêng, tạo nên phong cách của từng nhà thơ, làm giàu hương sắc cho khu vườn Thơ mới.

– Bài học đối với người nghệ sĩ và người tiếp nhận

+ Nhà văn, người nghệ sĩ muốn có cái nhìn riêng biệt cần phải không ngừng đi sâu vào cuộc sống, cần phải rèn thói quen quan sát với tinh thần khám phá, nghiên cứu đời sống, mài sắc nhọn các giác quan trong việc cảm nhận thế giới, để có thể tìm thấy những cái mới lạ, độc đáo trong những sự vật bình thường, quen thuộc.

+ Độc giả khi tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật cần thâm nhập sâu vào thế giới nghệ thuật của tác giả, chủ động, tích cực khi tiếp nhận tác phẩm, phát hiện ra cái riêng của mỗi người, để khẳng định phong cách nghệ thuật tác giả và vị trí của tác phẩm.

1,0
  Lưu ý:

– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kĩ về yêu cầu và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.

– Cần khuyến khích những tìm tòi sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *