Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 11 – THPT Chuyên Hạ Long

KỲ THI  HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

THAM GIA TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XVI

 NĂM 2022

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 11

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (8,0 điểm)

Trong vòng chung kết Cuộc thi hùngbiện tiếng Anh dành cho học sinh THPT chuyên năm 2021 (Speak to Lead 2021) do Đại sứ quán Hoa Kì, Đại học Hà Nội và hệ thống giáo dục HOCMAI đồng tổ chứcvới chủ đề: Vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy trao quyền cho thanh niên, đội giành giải quán quân (trường THPT Chuyên Lê Quí Đôn – tỉnh Quảng Trị) đã bày tỏquan điểm:Hãy trao quyền cho người trẻ để họ xây dựng tuổi trẻ của mình cho tương lai.

Với tư cách một người trẻ trong cuộc sống hiện đại ngày nay, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan điểm trên.

Câu 2(12,0 điểm)

Nhữngnhà văn có phong cách đều tạo ra cho mình một thế giới nhân vật riêng.

(Lại đọc “Chữ người tử tù” của Nguyễn TuânCon đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn – Nguyễn Đăng Mạnh – NXB Giáo dục, 1996, trang 168)

Anh/Chị hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ bằngmột số tác giả, tác phẩm Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

————– HẾT ————–

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ

 

YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi là tổng điểm của hai câu, làm tròn đến 0,25 điểm.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu Nội dung Điểm
1 I. Yêu cầu chung

– Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội dạng mở, có đưa ra quan điểm của bản thân một cách hợp lí, tích cực.

– Bài viết có bố cục mạch lạc; hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng; dẫn chứng thuyết phục; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

II. Yêu cầu cụ thể

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:

 
1. Giải thích 1.0
Trao quyền cho người trẻlà sự chuyển giao trách nhiệm cho những người trẻ tuổi để họ có thể đưa ra quyết định và chủ động hơn trong cuộc sống của mình.

xây dựng tuổi trẻ của mình cho tương lai là việc định hướng, thực hiện những mục tiêu đặt ra cho tuổi trẻ của mỗi người để góp phần làm nên tương lai (tốt đẹp) của bản thân cũng như của cộng đồng, xã hội.

– Quan điểm nhấn mạnh vào việc đặt niềm tin vào người trẻ, cho người trẻ được chủ động quyết định trong cuộc sống của họ, cũng như thể hiện sự tự tin và mong muốn được trao quyền tự quyết của người trẻ.

(Ở đây không bàn đến những quyền công dân được nhà nước, pháp luật qui định và công nhận)

2. Bàn luận 6.0
* Tán thànhviệctrao quyền tự quyết cho người trẻ:Quan điểm tích cực, vì:

– Chuyển giao trách nhiệm cho người trẻ, đặt niềm tin vào người trẻ là một niềm tin có cơ sở:

+ Tuổi trẻ là tuổi sung sức nhất về sức khỏe thể chất, người trẻ có thể làm được những công việc đòi hỏi sức lực, sức mạnh lớn nhất, mà ở những lứa tuổi khác không thể làm được.

+ Tuổi trẻ cũng là tuổi đã hình thành và tương đối hoàn thiện về phẩm chất, năng lực ở các phương diện (trí tuệ, tâm hồn, nhân cách…): giàu nhiệt huyết, năng lượng;tình cảm, cảm xúc mãnh liệt;có khát vọng vươn lên;nhạy bén, năng lực sáng tạo dồi dào, nhiều ý tưởng – hành động táo bạo…

+ Nhiều người trẻ tự tin vào bản thân, khao khát được thể hiện, khẳng định mình, mong muốn được đặt niềm tin và sẵn sàng tự quyết khi được trao quyền.

->Nên trao quyền tự quyết cho người trẻ.

-Với những lợi thế ấy, khi được trao quyền tự quyết, người trẻ có thể xây dựng cho mình một tuổi trẻ có ý nghĩa, có thể đóng góp, cống hiến nhiều cho đất nước, thậm chí làm nên những thành tựu lớn lao, vĩ đại.

(Thí sinh lấy dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ)

* Không tán thànhviệctrao quyền tự quyết cho người trẻ,vì:

-Tuổi trẻ/người trẻ có những hạn chế tất yếu do lứa tuổi: xốc nổi, bồng bột, thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh chưa vững vàng, ý chí quyết tâm chưa cao, dễ lung lay, do dự, thay đổi…

– Nhiều người trẻ do được bảo bọc, nuông chiều, được sống trong điều kiện đủ đầy, nên ngại khó, ngại khổ, không dám tự quyết, thậm chí không muốn – không cần quyền tự quyết với ngay cả cuộc sống của chính mình khi đã ở tuổi lẽ ra phải trưởng thành.

(Thí sinh phân tích dẫn chứng minh họa)

Lưu ý chung:Khuyến khích học sinh trình bày những trải nghiệm của bản thân, đặc biệt là những trải nghiệm đem đến bài học bổ ích cho người trẻ nói chung.

 
3. Bài học nhận thức và hành động 1.0
HS rút ra những bài học nhận thức và hành động đúng đắn, sâu sắc, nhân văn, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội.

– Với thế hệ đi trước: đặt niềm tin vào người trẻ, trao quyền cho họ, đồng thời đồng hành, tư vấn, hỗ trợ người trẻ khi cần thiết.

– Với người trẻ: nên mạnh dạn đề xuất, nhận quyền tự quyết để xây dựng tuổi trẻ cho tương lai. Dấn thân vào thử thách, dám tự quyết ngay cả trong những tình huống cam go, song cũng cần suy xét, cẩn trọng.Luôn tôi luyện bản lĩnh, bồi đắp trí tuệ, nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm chất để thực hiện tốt quyền được trao.

2 I. Yêu cầu chung

– Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học, sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận và các phương thức diễn đạt. Thí sinh cần phát huy đồng thời hai năng lực: nắm bắt một vấn đề lí luận văn học, cụ thể là lí luận về phong cách và thể loại; cảm nhận và phân tích một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu để làm sáng tỏ, nổi bật vấn đề.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ. Hành văn lưu loát, trong sáng, có cảm xúc.

II. Yêu cầu cụ thể

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

 
1. Giải thích 1.0
Những nhà văn có phong cách: là nhà văn tạo được nét riêng biệt, độc đáo trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể của nhà văn.

tạo ra cho mình một thế giới nhân vật riêng:cách lựa chọn, xây dựng các nhân vật mang nét riêng, in đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo.

– Nhận định khẳng định một trong những biểu hiện của phong cách nghệ thuật của nhà văn: xây dựng được một thế giới nhân vật mang nét riêngđộc đáo, cho thấy tài nghệ của người sáng tạo.

2. Bình luận 5.0
 Đây là một nhận định đúng đắn, sâu sắc, thuyết phục, có cơ sở lí luận và thực tiễn:

– Nhân vật là một trong những yếu tố đặc trưng của tác phẩm văn học, xây dựng nhân vật cũng là yêu cầu mang tính đặc trưng trong quá trình sáng tạo tác phẩm văn chương.

– Khi sáng tác, dù tuân thủ những yêu cầu chung, theo cách thức chung song mỗi nhà văn lại có cách lựa chọn, xây dựng thế giới nhân vật của riêng mình, mang đậm dấu ấn cá nhân, làm nên phong cách của nhà văn trong quá trình sáng tạo.

Tạo ra cho mình một thế giới nhân vật riênglà biểu hiện cơ bản, quan trọng của phong cách nghệ thuật của nhà văn, cũng là yêu cầu đối với lao động sáng tạo nghệ thuật nói chung.

(HS làm rõ các ý trên bằng lí lẽ và các dẫn chứng tiêu biểu)

 
3. Chứng minh 5.0
HS tự lựa chọn tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 để phân tích, có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Song cần thực hiện được theo các định hướng sau:

– Chọn một sốtác giả, tác phẩm tiêu biểu trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

– Phân tích thế giới nhân vậtriêng trong tác phẩm, chú ý làm nổi bật nét riêng của thế giới nhân vật theo cách khám phá, khắc họa riêng của tác giả.

-Khái quát và đánh giá đặc điểm phong cách của nhà văn.

 
4. Mở rộng vấn đề 1.0
-Trong thực tế sáng tác, các nhà văn có phong cách không chỉ tạo ra cho mình một thế giới nhân vật riêng, mà còn thể hiện phong cách qua nhiều yếu tố khác của tác phẩm văn chương.

– Nhận định trên còn có ý nghĩa sâu sắc đối với người sáng tác và tiếp nhận tác phẩm văn chương:

+ Có tính định hướng, đặt ra yêu cầutạo được phong cách với mỗi nhà văn qua việc sáng tạo các yếu tố của tác phẩm.

+ Định hướng cách tiếp cận của người tiếp nhận đối với tác phẩm theo yêu cầu sáng tạo yếu tố của tác phẩm và phong cách của nhà văn.

 
III. Cách cho điểm:

– Điểm 12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản trên. Hiểu sâu sắc vấn đề, lập luận chặt chẽ, cảm thụ tinh tế, đúng hướng, giàu sức thuyết phục. Văn phong trong sáng, có cảm xúc. Hầu như không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

– Điểm 10: Hiểu đề, đáp ứng đủ các yêu cầu cơ bản nhưng có thể chưa sâu sắc. Hành văn trôi chảy, ít mắc lỗi diễn đạt.

– Điểm 8: Hiểu đề, chọn lựa và phân tích tác giả, tác phẩm đúng hướng nhưng còn sơ lược. Còn mắc một số lỗi diễn đạt.

– Điểm 6: Có hiểu vấn đề nhưng chưa đầy đủ, phần lựa chọn, phân tích tác giả, tác phẩm chưa thật hợp lí, hoặc chỉ chọn một tác phẩm. Còn mắc nhiều lỗi trong diễn đạt, bố cục, trình bày.

– Điểm 4: Tỏ ra chưa hiểu rõ đề, lựa chọn được tác phẩm nhưng phân tích chung chung. Còn mắc nhiều lỗi diễn đạt, bố cục, trình bày.

– Điểm 2: Tỏ ra chưa hiểu vấn đề, chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức như trên. Hành văn yếu, mắc nhiều lỗi chính tả, bố cục, trình bày.

– Điểm 0: Bài viết lạc đề.

 

 

——HẾT——

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *