ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG NĂM 2022
MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 11
Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (8,0 điểm)
Phải chăng, hành trình sống của một đời người là để trả lời cho câu hỏi lớn: “Tôi là ai”?
Câu 2 ( 12,0 điểm)
Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà quan niệm: Văn học không phải là đạo đức mà là sự ăn năn về đạo đức.
Anh/chị hiểu nhận định trên như thế nào? Bằng trải nghiệm về văn học, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
— Hết —
ĐÁP ÁN
Câu | Nội dung | Điểm |
Câu 1
(8 điểm)
|
A. Yêu cầu chung
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, những trải nghiệm sống, kĩ năng tạo lập văn bản và năng lực bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài. – Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. |
1,0 |
B. Yêu cầu cụ thể | ||
1. Giải thích:
– Tôi là ai?: câu hỏi lớn của muôn kiếp nhân sinh, thể hiện sự tự vấn đề giá trị, ý nghĩa của chính mình trong cuộc đời – Từ câu hỏi ấy, mỗi người trăn trở về sứ mệnh của con người, tự định vị bản thân, khao khát khẳng định mình và sống có lý tưởng, có mục đích cao đẹp. |
1,0 | |
2. Bàn luận
Lưu ý: Đây là câu hỏi mở: Thí sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân khác nhau, có thể bàn luận về sứ mệnh của con người, của bản thân trong cuộc đời, hoặc bàn về ý thức tự khẳng định mình hay những cách lí giải khác hợp lý nhưng phải biết kết hợp lí lẽ với dẫn chứng. Sau đây là một số gợi ý: |
4,0 | |
* Về sứ mệnh cao quý của con người nói chung, giá trị của bản thân nói riêng trong cuộc đời
– Sống trọn vẹn giá trị của con người: có hiểu biết và ý thức nâng cao hiểu biết từ học hành và khám phá cuộc sống; có cảm xúc, biết mở rộng tâm hồn để yêu thương vạn vật và chia sẻ với đồng loại, trân trọng và sống chan hòa với thế giới tự nhiên; có bản sắc văn hóa và ý thức giữ gìn các giá trị vật chất, tinh thần của quê hương, xứ sở… – Có cá tính riêng biệt và luôn ý thức khẳng định mình với mọi người, biết tôn trọng sự khác biệt trong cuộc sống – Có khát vọng cống hiến cho quê hương và nhân loại, luôn vươn đến những giá trị cao đẹp của con người: Chân – Thiện – Mĩ. * Ý thức tự khẳng định mình – Đó là nhu cầu nhân bản, chính đáng của mỗi người về giá trị của bản thân trong cuộc đời. – Sự sống là quý giá, thời gian hiện hữu trong cuộc đời là ngắn ngủi. Việc tự ý thức khẳng định mình giúp mỗi người sống trọn vẹn từng phút giây, nỗ lực hoàn thiện bản thân để ghi dấu giá trị cá nhân trong mắt mọi người. – Việc ý thức tự khẳng định mình ở mỗi người sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển xã hội, tạo ra lối sống đẹp trong xã hội. |
3,0
|
|
3. Mở rộng vấn đề
– Phê phán những người sống không mục đích không lí tưởng, không nỗ lực khẳng định và nâng cao giá trị của bản thân. – Trong cuộc cách mạng 4.0, trước sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo và diễn biến phức tạp của những vấn đề cấp bách toàn cầu như thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần ý thức sâu sắc giá trị cao quý của con người nói chung và giá trị của chính bản thân mình nói riêng. |
1,0 | |
4. Liên hệ bản thân
– Về nhận thức: con người có giá trị rất cao quý, mỗi người cần tự ý thức về giá trị của chính mình. – Về hành động: hoàn thiện nhân cách bản thân mỗi ngày, nâng cao trí tuệ và bản lĩnh để tự tin vào lựa chọn sống của chính mình; có tinh thần cầu thị và tôn trọng sự khác biệt của những cái tôi khác trong xã hội. |
||
Câu 2
(12 điểm) |
A. Yêu cầu chung
– Bài làm thể hiện năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài. – Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng. |
1,0 |
B. Yêu cầu cụ thể | ||
1. Giải thích
Giải thích – Văn học: là một loại hình nghệ thuật phản ánh hiện thực và con người thông qua các hình tượng nghệ thuật và chất liệu ngôn từ, nhằm truyền tải những tình cảm và tư tưởng của tác giả. – không phải là đạo đức: văn học không phải là trình bày các quan điểm đạo đức một cách trực tiếp, khô khan cũng không rao giảng đạo đức một cách giáo điều. – sự ăn năn về đạo đức: văn học khơi gợi ở con người khả năng tự giáo dục, để mỗi người tự biết soi lại chính bản thân mình từ đó biết tự ăn năn, phản tỉnh về suy nghĩ, hành động của chính mình. => Ý kiến của Lê Ngọc Trà bàn đến khả năng giáo dục kì diệu và thấm thía của văn học. Văn học không trình bày những quan điểm đạo đức một cách trực tiếp, không bắt ta phải làm điều này, không làm điều kia mà khơi gợi ở mỗi người khả năng tự nhìn nhận, đánh giá, tự phản tỉnh về bản thân mình. |
2,0 | |
2. Bàn luận
Khẳng định ý kiến của Lê Ngọc Trà là xác đáng. + Văn học chân chính luôn là sự thống nhất của Chân, Thiện, Mĩ bởi vậy luôn hướng con người đến những điều tốt đẹp, cao thượng, nhân văn nhưng sự giáo dục trong văn học không được thực hiện bằng cách trực tiếp, khô khan, mà thông qua thế giới nghệ thuật cùng những hình tượng nghệ thuật độc đáo. Thông qua việc khám phá, thể nghiệm đời sống và các nhân vật trong các tác phẩm, người đọc sẽ tự nhận thức được đâu là tốt- xấu, đúng- sai, thiện-ác, cao cả- thấp hèn…để tự đó soi lại chính mình để từ đó biết ăn năn, day dứt về những hành động việc làm chưa tốt, chưa đẹp…từ đó có ý thức sửa mình và sống tốt đẹp hơn. + Các nhà văn luôn gửi gắm vào các tác phẩm của mình những tư tưởng sâu sắc nhưng những tư tưởng ấy cũng không bao giờ nằm thẳng đơ trên trang giấy mà ẩn sâu qua các hình thức nghệ thuật bởi vậy văn học không phải là đạo đức thông thường. Quá trình khám phá để nhận ra những tư tưởng mà nhà văn gửi gắm sẽ khiến bạn đọc có những day dứt, trăn trở để từ đó có những ăn năn về đạo đức của chính mình. + Quan niệm về văn học của các nước Á Đông xưa thường đề cao chức năng nói chí, tỏ lòng hay chở đạo của văn học bởi vậy đôi khi văn học thể hiện rõ ràng các quan niệm đạo đức. Tuy nhiên văn học hiện đại càng ngày càng đề cao vai trò của người đọc. Người đọc không phải là người tiếp nhận thụ động các tác phẩm mà sẽ là người đồng sáng tạo trên nền mà nhà văn sáng tạo ra bởi vậy nhà văn luôn cần tạo ra những khoảng trống, khoảng trắng cho người đọc khám phá. Bởi vậy văn học không thể là đạo đức khô khan, giáo điều. Văn học chỉ có thể khơi gợi để người đọc tự nhận thức và tự giáo dục cho bản thân mình. Cùng với kiến thức lý luận, học sinh cần lấy được những dẫn chứng văn học phù hợp để chứng minh. |
6,0 | |
3. Mở rộng
– Văn học không phải là đạo đức nhưng luôn cần chứa đựng những tư tưởng đạo đức nhân văn tốt đẹp để khai sáng, hướng thiện cho con người. – Không chỉ với đạo đức, tất cả những tri thức khác như lịch sử, tôn giáo, khoa học…khi đưa vào văn học đều cần đưa vào một cách nghệ thuật. – Bài học: + Với người sáng tác: cần tránh biến tác phẩm của mình thành cái loa phát ngôn cho đạo đức, chính trị; cần tìm ra những hình thức biểu hiện phong phú, hấp dẫn, sinh động để truyền tải những tư tưởng, quan niệm của mình. Và những quan niệm truyền tải đến người đọc cần đúng đắn, tiên bộ sâu sắc chứ không phải những quan niệm lập dị, độc hại… + Với người đọc: Cần đọc và trải nghiệm thế giới văn chương bằng cả tâm hồn mình để từ việc hiểu người để hiểu chính mình, luôn biết soi chiếu lại bản thân để sửa mình và sống tốt đẹp hơn |
3,0 | |
– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kĩ về yêu cầu nội dung và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh.
– Giám khảo linh hoạt khi chấm bài. Cần khuyến khích, trân trọng những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm |