Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương Ngữ văn 11 năm 2019 Lào Cai

 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN
 LÀO CAI
——————-
 
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
KỲ THI OLYMPIC HÙNG VƯƠNG
NĂM HỌC 2018 –  2019
Môn: Ngữ văn 11
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm có 01 trang, 02 câu)

 
Câu 1 (8 điểm)
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến dưới đây:
Nếu sự sống là cây thì lòng tự trọng là rễ; nếu sự sống là nước thì lòng tự trọng là dòng chảy; nếu sự sống là lửa thì lòng tự trọng là sự bùng cháy; nếu sự sống là chim ưng thì lòng tự trọng là đôi cánh. Lòng tự trọng thực sự còn cao hơn cả mạng sống.
(Theo Bài học lớn từ những câu chuyện nhỏ –  Quang Tịnh, Phạm Thị Thanh Dung  biên dịch, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2014, trang 267)
 
Câu 2 (12,0 điểm)
“Cả cuộc đời cầm bút của Nam Cao cứ đau đáu nhìn vào cái nhân cách. Cái sự săn đuổi chính mình và các nhân vật của mình đầy róng riết cũng chính là sự săn đuổi cái nhân cách của con người chúng ta nói chung”.
(Nguyễn Minh Châu – Báo Văn nghệ, số ra ngày 18 tháng 7 năm 1987)
 
Bằng hiểu biết về tác giả Nam Cao và các sáng tác của ông trước cách mạng Tháng Tám 1945 anh/chị hãy làm rõ ý kiến trên.
————————Hết————————-
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN
 LÀO CAI
——————-
 
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
KỲ THI OLYMPIC HÙNG VƯƠNG
NĂM HỌC 2018 –  2019
HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn: Ngữ văn 11
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Hướng dẫn chấm gồm: 05 trang)

 

  1. Yêu cầu chung:
  2. Thí sinh có thể trình bày thao các chách khác nhau nhưng phải đảm bảo nội dung chính, chấp nhận bài viết có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng, lí lẽ thuyết phục, trân trọng bài làm của học sinh, khuyến khích những bài văn sáng tạo, có cách kiến giải riêng hợp lí, thuyết phục, có thể bỏ qua những lỗi nhỏ về kỹ năng hoặc có ý chưa sâu so với đáp án.
  3. Chỉ có điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức lẫn kỹ năng.
  4. Giảm khảo cần trừ điểm đối với những lỗi chính tả, ngữ pháp, hành văn.. trong bài viết.
  5. Căn cứ vào hướng dẫn chấm, giám khảo có thể chia điểm lẻ trong mỗi câu. Bài thi không làm tròn điểm.
  6. Yêu cầu cụ thể:

Câu 1 (8 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng
– Xây dựng một bài văn nghị luận xã hội chặt chẽ, hợp lí.
– Không mắc lỗi diễn đạt về các mặt chính tả, dùng từ, đặt câu. Cách lập luận chặt chẽ, hành văn sắc bén, thuyết phục, có nét riêng.
Yêu cầu về kiến thức
Đây là dạng đề mở, học sinh có thể có những cách làm bài khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc gắn với vấn đề nghị luận mà đề bài đưa ra. Dưới đây là một số gợi ý mang tính định hướng:

  1. Giải thích

Nếu sự sống là cây thì lòng tự trọng là rễ; nếu sự sống là nước thì lòng tự trọng là dòng chảy; nếu sự sống là lửa thì lòng tự trọng là sự bùng cháy; nếu sự sống là chim ưng thì lòng tự trọng là đôi cánh. Lòng tự trọng thực sự còn cao hơn cả mạng sống.
Lòng tự trọng: coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình.
– Một loại các hình ảnh so sánh trùng điệp: sự sống – cây, nước, lửa, chim ưng; tự trọng – rễ, dòng chảy, sự bùng cháy, đôi cánh đã nhấn mạnh tô đậm vai trò của lòng tự trọng trong cuộc sống của con người, lòng tự trọng là điều quan trọng nhất, như là rễ của cây, như là dòng chảy của nước, là sự bùng cháy của lửa, là đôi cánh của chim ưng; nếu như không có tự trọng thì sự sống trở nên vô nghĩa hoặc không còn là nó nữa. Lòng tự trọng còn cao hơn cả mạng sống.

  1. Bình luận:

* Khẳng định ý kiến đúng đắn, gợi suy ngẫm sâu xa về vai trò của tự trọng và việc giữa gìn lòng tự trọng trong cuộc đời mỗi người.
* Lý giải:
– Lòng tự trọng là phẩm chất vốn có của mỗi người có danh dự, phẩm cách, giữ gìn tự trọng, tự tôn, sự tôn nghiêm của bản thân là giữ gìn giá trị của mình, mất đi lòng tự trọng, con người sẽ dám làm những điều khủng khiếp tệ hại nhất, họ không còn gì để mất vì không có gì để gìn giữ.
– Lòng tự trọng xuất phát từ niềm tin vào giá trị bản thân; khả năng nhận thức để xác định điều cần gìn giữ; khả năng hành động để tạo ra và bảo vệ các giá trị của bản thân mình.
– Ý nghĩa của lòng tự trọng: ngăn cản những việc làm sai trái; tạo ý thức trách nhiệm; thúc đẩy  hành động xây dựng  giá trị bản thân. Lòng tự trọng là cơ sợ để con người hoàn thiện những phẩm chất tốt đẹp như trung thực, tự tin, bản lĩnh ý chí vượt khó vượt khổ… Lòng tự trọng khiến chúng ta vươn lên sống người hơn, tự trọng là cơ sở của nhân tính.
– Lòng tự trọng còn cao hơn cả mạng sống vì con người có tự trọng sẽ không bao giờ chịu đánh mất nó, dù phải đối diện với những cám dỗ khủng khiếp và cả cái chết. Lòng tự trọng bị xúc phạm cũng là tổn thương đau đớn nhất đối với con người.
Lưu ý: Học sinh cần bám sát vào quan điểm của tác giả để thể hiện khả năng tư duy và sáng tạo của bản thân. Học sinh đưa ví dụ từ thực tế đời sống để làm sáng tỏ vấn đề.

  1. Mở rộng, nâng cao

– Phê phán những người đánh mất lòng tự trọng của mình, đó là điều khủng khiếp vì con người sẽ dám làm những điều xấu nhất ác nhất hoặc chấp nhận bị chà đạp, vùi dập tàn nhẫn.
– Không nên quá đề cao thổi phồng lòng tự trọng của bản thân bởi vì: “Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn, điều mà họ quan tâm chính là thành tựu mà bạn đạt được. Do đó, trước khi có được những thành tựu, bạn đừng nên quá chú trọng hay cường điệu lòng tự trọng của bản thân mình.” (Theo Bill Gates)
– Giữ gìn lòng tự trọng của mình đồng thời phải đi đôi với việc tôn trọng, đề cao lòng tự trọng của người khác. Không làm thương tổn đến tự trọng của người khác, cũng như biết đánh giá cao, trân trọng lòng tự trọng của con người.

  1. Rút ra bài học nhận thức và hành động: HS rút ra những bài học nhận thức và hành động phù hợp; nêu bài học của bản thân hợp lý, chân thật, không hô hào sáo rỗng.

III. Biểu điểm
– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.
– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .
 
Câu 2 ( 12 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng :
– Biết cách làm bài nghị luận văn học.
– Bài viết có kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, không mắc lỗi về dùng từ, ngữ pháp.
– Có năng lực cảm thụ văn học, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trong sáng, đánh giá cao những phát hiện độc đáo
Yêu cầu về kiến thức:
Giới thiệu vấn đề: Giới thiệu nhà văn Nam Cao; nội dung cốt lõi trong các sáng tác của ông là vấn đề nhân cách, nhân phẩm của con người.
Giải thích câu nói của Nguyễn Minh Châu khi đánh giá về các sáng tác của nhà văn Nam Cao:
Cả cuộc đời cầm bút của Nam Cao cứ đau đáu nhìn vào cái nhân cách: mối quan tâm hàng đầu và quan trong nhất, tư tưởng cốt lõi trong cách sáng tác của nhà văn là vấn đề nhân cách của con người. ( Nhân cách: là tư cách làm người, là hệ thống phẩm giá của một người được đánh giá từ mối quan hệ giữa người đó với bản thân và với xung quanh…)
Cái sự săn đuổi chính mình và các nhân vật của mình đầy róng riết cũng chính là sự săn đuổi cái nhân cách của con người chúng ta nói chung: Ông tìm hiểu, nhận thức lí giải, phân tích và nêu lên quan điểm của mình một cách gay gắt, khẩn thiết. Để nhận thức, khai thác hiện thực nhà văn đào sâu vào thế giới tinh thần của chính mình, lấy mình làm đối tượng tìm hiểu làm cái máy để kiểm nghiệm, phân tích, lí giải và sáng tạo ra các nhân vật để mổ xẻ, phân tích; các nhân vật của Nam Cao thường được đặt  trước những hiện trạng, những tình huống có liên quan đến vấn đề bảo vệ, gìn giữ nhân cách.Từ đó nhà văn đặt ra vấn đề có ý nghĩa nhân sinh, có ý nghĩa triết lí về vấn đề nhân cách, phẩm giá con người nói chung. Và điều đó cũng xuất phát từ chính ý thức của con người trước quy luật vươn tới sự hoàn thiện nhân cách trong cuộc đời này.

  1. Đánh giá, bàn luận

– Câu nói của Nguyễn Minh Châu là một ý kiến sâu sắc bàn về con người và tư tưởng nghệ thuật của Nam Cao, về một khía cạnh giá trị tư tưởng trong các sáng tác của nhà văn. Điều mà Nam Cao quan tâm suốt cuộc đời cầm bút của mình là “nhân cách” của con người, tức là phẩm chất đạo đức, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của con người. Ông có tâm huyết và hứng thú tìm hiểu “con người trong con người” – thế giới nội tâm, phẩm chất và đức hạnh của con người
– Nhận xét của Nguyễn Minh Châu là một phát hiện đúng đắn và sâu sắc về con người và tác phẩm Nam Cao. Đối tượng của văn học nghệ thuật là con người xã hội với đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Trong đời sống tinh thần của con người, nhân cách là yếu tố quan trọng và sâu sắc nhất để khẳng định con người với ý nghĩa đích thực của nó. Nam Cao đã đặt vấn đề nhân cách, nhân phẩm con người một sâu sắc, róng riết với một tầm cấp bách và bao quát trong các tác phẩm, qua những điển hình nghệ thuật sinh động. Chính điều này đã tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn của phong cách nghệ thuật Nam Cao. Ý kiến của Nguyễn Minh Châu giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những giá trị trong sáng tác của Nam Cao.
– Tại sao Nam Cao lại quan tâm hàng đầu đến vấn đề nhân tính, nhân cách của con người một cách “róng riết” ? Bởi vì ông tâm niệm nghệ thuật phải làm cho người gần người người hơn, nghệ thuật không chỉ miêu tả cái bề ngoài; hơn nữa vấn đề nhân tính cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội lúc bấy giờ.

  1. Chứng minh

– Nhà văn Nam Cao đã không chỉ đề cập đến vấn đề nhân cách, mà đã mổ xẻ, phân tích và đi sâu tìm hiểu số phận, tính cách con người với những biểu hiện cùng diễn biến có khi là rất tinh vi, phức tạp hình thành và làm biến đổi nhân cách, không phải chỉ là biểu hiện hời hợt bề ngoài mà là những nguyên cớ bên trong, nguyên nhân sâu xa nào đã tạo ra những kiểu người và con người như vậy. Điều quan tâm nhất của Nam Cao khi xây dựng hình tượng các nhân vật không đơn thuần là những vấn đề ngặt nghèo khốn khổ, thiếu thốn vật chất mà còn là những đau đớn, giằng xé, trăn trở về tinh thần. Thế nên ám ảnh trong sáng tác của Nam Cao đâu chỉ là con người đói khát, con người hành động mà điều làm cho người đọc phải trăn trở, suy ngẫm là những điều đang diễn ra nơi thế giới bên trong; nhân vật của Nam Cao là con người của những cảm giác.
– Trong giai đoạn sáng tác trước cách mạng, ở cả hai đề tài viết về người trí thức hay  người nông dân, nhà văn đều đã phản ánh những tấn bi kịch tinh thần của họ. Người trí thức nghèo có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão tâm huyết lại phải sống cuộc đời thừa. Nhưng dẫu phải sống cuộc đời thừa vẫn đau đớn, xót xa trước nhân cách nghề nghiệp, nhân cách con người bị đe dọa, hủy hoại. Người nông dân bị đày đọa, bị hắt hủi, bị lăng nhục bị đẩy vào con đường lưu manh, dẫu thế thì con người vẫn cố gắng đấu tranh chống chọi lại ( dẫn chứng), đồng thời nhà văn lên tiếng khẩn thiết hãy cứu lấy nhân cách, đừng để cái xấu cái ác làm thay đổi nhân tính, đừng biến con người ta trở thành tha hóa, thành sống mòn. (dẫn chứng)
– Ông phát hiện nâng niu và trân trọng  những đốm sáng nhân tính còn le lói, chưa lụi tắt trong tâm hồn họ; diễn tả sâu sắc, tinh tế khát vọng cũng như những bi kịch tinh thần của con người. Chỉ ra nỗi đau tột cùng của con người không chỉ có nhu cầu ăn no, mặc lành mà quan trọng hơn là có nhu cầu được yêu thương, được tôn trọng… Nghĩa là được thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần, bởi đây mới chính là bằng chứng căn bản nhất để phân biệt loài người với loài vật. Ông rất bất bình với vấn đề con người bị lăng nhục và đứng lên để bảo vệ họ đòi lại lẽ sống cho họ, khẳng định con người có thể bị tiêu diệt nhưng nhân tính con người là bất diệt. Đặt ra vấn đề khinh trọng với con người lên tiếng khẩn thiết thay đổi hoàn cảnh để họ được sống với đúng nghĩa con người. (dẫn chứng)
– Nam Cao khái quát được những quy luật của đời sống xã hội: vật chất và ý thức, hoàn cảnh và môi trường, môi trường và tính cách, luôn trăn trở và đau đớn trước tình trạng xã hội vô nhân đạo đã đày đọa con người trong nghèo đói, vùi dập ước mơ, làm chết mòn đời sống tinh thần; con người bị xói mòn về nhân phẩm, đức hạnh, hủy hoại cả nhân tính. (dẫn chứng)
– Nhà văn không nhìn bao giờ nhìn nhân vật bằng “con mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ”, mặt khác nhà văn luôn nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc sống bằng nguyên tắc của tình thương. Trong những con người bất hạnh vẫn âm ỉ cháy những đốm lửa nhân tính. Phát hiện ra một điều họ là những người “đáng kính”, bậc chí thiện, những thiên lương cao quý dù có lúc nhân tính, nhân hình bị cướp đi. Nỗi đau thê thảm của họ là bị khinh bỉ, bị cướp đi giá trị làm người. Vì thế trên những trang văn chua xót ấy, người đọc vẫn cảm nhận được ân tình của nhà văn đối với các nhân vật của mình. Chính điều đó làm nên chiều sâu giá trị nhân đạo và hiện thực trong các sáng tác của Nam Cao. ( dẫn chứng)
( Học sinh có thể chỉ chứng minh bằng các tác phẩm đã học trong chương trình: Lão Hạc, Chí Phèo, Đời thừa… ; có khuyến khích đối với học sinh có thể lấy dẫn chứng từ các tác phẩm khác
Cách chứng minh có thể không theo luận điểm mà theo vấn đề trong tác phẩm, nhưng về cơ bản vẫn phải đảm bảo những ý trên)
III. Biểu điểm:
– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dung từ.
– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 7 – 8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.
– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.
*L­­ưu ý:
– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định h­­ướng, giám khảo cần thảo luận kỹ về yêu cầu và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trư­­ớc khi chấm.
– Ngư­­ời chấm cần linh hoạt trong đánh giá, cần căn cứ vào tình hình và chất lượng thực tế của mỗi bài làm để cho điểm thích hợp.
– Cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.
Người ra đề: Vũ Huy Lân
Trường THPT Chuyên Lào Cai
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *