Đề thi HSG tỉnh Vĩnh Long 2018 Chí Phèo- Hạnh phúc của một tang gia

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11 CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2017 – 2018
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)                                                                                               Môn: NGỮ VĂN

Kẻ nào chỉ nghĩ đến bản thân và việc gì cũng chỉ tìm lợi cho mình thì không thể có hạnh phúc được” – M.Seneca.
Câu 1: (8.0 điểm)
(www.khotangdanhngon.com)
Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về quan niệm trên.
Câu 2: (12.0 điểm)
 Nhà văn Vũ Trọng Phụng cho rằng:
Văn chương chỉ là một món tiêu khiển nếu nó than mây khóc gió. Tôi quan niệm văn chương là một phương tiện tranh đấu của những người cầm bút muốn loại khỏi xã hội con người những nỗi bất công, nhen lên trong lòng người nỗi xót thương đối với kẻ bị chà đạp lên nhân phẩm, kẻ yếu, kẻ bị đầy đọa vào cảnh ngu tối, bị bóc lột”.
(Đôi điều biết thêm về Vũ Trọng Phụng, www.lainguyenan.free.fr)
Qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Trích Số đỏ) – Vũ Trọng Phụng và truyện ngắn Chí Phèo – Nam Cao (Ngữ văn 11, Tập một, Nxb Giáo dục 2007, trang 122-128 và 146-155), anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
… Hết …
– Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị không giải thích gì thêm.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO          KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11 CẤP TỈNH
               VĨNH LONG                                                 NĂM HỌC 2017 – 2018

ĐỀ CHÍNH THỨC

 HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm thi gồm 03 trang)
Câu 1: (8.0 điểm)
Yêu cầu chung: Thí sinh trình bày ý kiến của bản thân bằng một bài văn nghị luận xã hội. Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày ý kiến của mình bằng nhiều cách khác nhau, theo nhiều hướng khác nhau.
Dưới đây là một số gợi ý cho nội dung bài viết:
– Dẫn dắt, giới thiệu câu danh ngôn.
– Giải thích: “nghĩ đến bản thân, tìm lợi cho mình” → đặt quyền lợi của bản thân lên trên tất cả; “hạnh phúc” → trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn nhu cầu nào đó trong cuộc sống.
→ Ý nghĩa khái quát của câu danh ngôn: nêu lên mối quan hệ giữa sống ích kỉ – hạnh phúc → khẳng định sống ích kỉ chẳng tìm thấy được hạnh phúc.
– Bình luận về ý nghĩa câu danh ngôn:
+ Sống ích kỉ sẽ không tìm được sự thanh thản, nhẹ nhàng, an vui → luôn tìm cách, mưu toan những lợi ích cho riêng mình.
+ Khoảng cách giữa ích kỉ với vô tâm là rất ngắn → ích kỉ đôi khi trở thành nguyên nhân của tội ác → không thể có hạnh phúc thật sự khi sở hữu những thứ do tội ác mang lại.
+ Người ích kỉ cũng sẽ tự cô lập mình với cộng đồng → thiếu tình cảm và sự quan tâm của mọi người.
+ Mưu cầu chính đáng cho bản thân là điều cần thiết → động lực để phấn đấu, vươn lên/ Sống vì người khác là cao đẹp, đáng quý nhưng cần có bản lĩnh, sự tỉnh táo để tránh nguy cơ sa ngã, đánh mất chính mình…
– Bài học, thông điệp cho bản thân và mọi người.
Tiêu chuẩn cho điểm:
Điểm 7 – 8: Bài làm đáp ứng tốt những yêu cầu trên, ý thật sâu sắc. Văn mạch lạc, lập luận sắc bén, thuyết phục. Biết chọn lọc dẫn chứng để làm rõ vấn đề. Cách viết linh hoạt, sinh động, có sáng tạo. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 5 – 6: Bài làm đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên. Văn khá trôi chảy, có cảm xúc, lập luận khá chặt chẽ, cách viết tương đối chuẩn mực. Có phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề. Có thể mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 3 – 4: Bài làm tỏ ra trình bày được vấn đề nhưng chưa sâu hoặc bàn về tính ích kỉ nhưng không đặt trong mối quan hệ với hạnh phúc. Thao tác chưa vững. Lập luận đôi chỗ còn lúng túng, sa vào phân tích dẫn chứng. Còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 1 – 2: Bài làm chưa bám sát vào đề. Văn yếu, ý nghèo, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 0: Không làm bài.
Yêu cầu chung: Vận dụng kiến thức lí luận văn học và kiến thức về hai văn bản, thí sinh làm rõ yêu cầu của đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Văn mạch lạc, giàu cảm xúc, sáng tạo.Câu 2: (12.0 điểm)
Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số định hướng nội dung cho bài viết:
Giới thiệu vấn đề (dẫn được nhận định).
Bình luận về nhận định
– Giải thích
– “Món tiêu khiển”: thứ để giải trí một cách đơn thuần; “than mây khóc gió”: đề cập những vấn đề mang tính viễn vông, ủy mị, thiên về lãng mạn phi thực tế.
– “Phương tiện tranh đấu” → vũ khí để tác động, khơi gợi, gửi gắm thông điệp bằng ngôn từ.
→ Ý nghĩa khái quát của lời nhận định: tiêu chuẩn về tư tưởng để đánh giá tác phẩm văn chương là sự tác động tích cực đến cuộc sống xã hội: phê phán cái xấu, cái ác, bênh vực cái bất hạnh, đề cao cái thiện, cái đẹp.
– Làm rõ nội dung nhận định qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng và truyện ngắn Chí Phèo – Nam Cao
Hạnh phúc của một tang gia đã vạch trần sự lố lăng, suy đồi đạo đức của một hạng người nấp dưới danh nghĩa văn minh, tiến bộ trong xã hội giao thời đầy phức tạp → niềm hạnh phúc của mọi người trong đám tang dù đã cố đè nén, giấu giếm nhưng vẫn bị phơi bày, “hiện hình”.
Chí Phèo:
+ Khơi dậy ở người đọc niềm cảm thương, lòng trắc ẩn đối với Chí Phèo – tiêu biểu cho những số phận bất hạnh bị vùi dập, bị đọa đày đến chỗ cùng đường bởi xã hội thực dân, nửa phong kiến bất nhân.
+ Phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp ở con người, đặc biệt là những số phận kém may mắn, ít nhan sắc (Chí Phèo, thị Nở).
– Nhận xét
– Nhận định của Vũ Trọng Phụng thiên về đề cao giá trị của xu hướng văn học hiện thực phê phán đương thời. Tuy nhiên, không nên phủ nhận triệt để giá trị của tác phẩm lãng mạn, vì thực tế, văn học lãng mạn vẫn luôn chứa đựng những tư tưởng tích cực, đầy tính nhân văn.
– Một tác phẩm hay, ngoài nội dung tư tưởng còn phải kể đến đặc sắc về hình thức nghệ thuật → tư tưởng mang tính nhân văn, nghệ thuật có sự gia công → xứng đáng là tác phẩm “để đời”.
Đánh giá chung
– Nhận định như một định hướng tư tưởng cho người cầm bút/ Nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của văn học.
– Tư tưởng của Vũ Trọng Phụng vẫn vẹn nguyên giá trị với thời gian…
Tiêu chuẩn cho điểm:
Điểm 11 – 12: Bài làm đáp ứng trọn vẹn những yêu cầu trên. Bố cục chặt chẽ, kĩ năng vững. Luận điểm rõ, phân tích sâu sắc. Bài làm có nét riêng hoặc sáng tạo. Văn mạch lạc, giàu cảm xúc. Có thể mắc một vài lỗi rất nhỏ.
Điểm 9 – 10: Bài làm đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên. Bố cục rõ ràng, xác lập được luận điểm, biết chọn lọc ý và phân tích khá sâu. Văn mạch lạc, cảm xúc, có dẫn chứng đầy đủ, chính xác. Có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 7 – 8: Bài làm tỏ ra hiểu vấn đề. Bố cục rõ. Có xác lập luận điểm, biết chọn lọc ý nhưng phân tích chưa sâu, dẫn chứng cụ thể. Văn khá trôi chảy, có rút ra nhận xét nhưng chưa sâu. Còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 5 – 6: Bài làm tỏ ra nắm yêu cầu của đề nhưng còn lúng túng trong xác lập luận điểm, dẫn chứng chưa đầy đủ, chưa rút ra được ý “Nhận xét”. Diễn đạt đôi chỗ còn lúng túng, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 3 – 4: Bài làm chưa rõ yêu cầu đề, kĩ năng chưa thật vững, nặng về phân tích tác phẩm chung chung hoặc chỉ làm rõ được vấn đề ở một trong hai đoạn trích. Còn mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 1 – 2: Bài làm ý quá lan man. Kĩ năng yếu, mắc quá nhiều lỗi.
Điểm 0: Không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.
 
Lưu ý chung:
– Giám khảo căn cứ vào hướng dẫn chấm và vận dụng linh hoạt vào thực tế bài làm của thí sinh để cân nhắc khi cho điểm.
– Đặc biệt, giám khảo cần chú ý khuyến khích những bài làm có nét riêng trong cảm thụ, trong suy nghĩ nhưng vẫn hợp lí và có sự sáng tạo trong cách trình bày, diễn đạt…
– Chấp nhận những cách diễn đạt tương đồng về ý.
 
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *